Aa

Doanh nghiệp bất động sản tuần 18-24/3: Các dự án nghìn tỷ được đầu tư xây dựng; First Real tham vọng trở thành doanh nghiệp BĐS số 1 miền Trung

Thứ Hai, 25/03/2024 - 09:00

Tuần qua, những dự án quy mô nghìn tỷ được công bố đang tiến hành nghiên cứu, đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, kế hoạch kinh doanh năm 2024 của một số doanh nghiệp bất động sản tiếp tục được hé lộ, đặt kỳ vọng lớn vào sự khởi sắc của thị trường.

Tập đoàn Hà Đô (HDG) nghiên cứu đầu tư dự án khu đô thị ven biển 3.000 tỷ đồng

Mới đây, UBND tỉnh Kiên Giang đã trao biên bản ghi nhớ đầu tư dự án Khu đô thị tại TP. Hà Tiên cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Đô (mã: HDG). Dự án có quy mô 99ha với tổng vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng.

Lễ trao quyết định chủ trương đầu tư và biên bản ghi nhớ đầu tư thuộc khuôn khổ Hội nghị Công bố đồ án Quy hoạch chung thành phố và khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên đến 2040 và xúc tiến đầu tư TP. Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang).

Theo đồ án, quy hoạch Hà Tiên là đô thị cửa khẩu quốc tế, văn hóa, hành chính, khoa học - kỹ thuật, giáo dục - đào tạo và du lịch ven biển; đô thị có truyền thống lịch sử, di sản văn hóa và di sản thiên nhiên đa dạng về hệ sinh thái.

Phạm vi nghiên cứu có tổng diện tích khoảng 34.800ha, bao gồm toàn bộ diện tích theo địa giới hành chính của TP. Hà Tiên (10.049ha) và phần diện tích khoảng 24.751ha mặt biển nằm giữa xã đảo Tiên Hải và các xã phường thuộc phần đất liền.

Dự án do Tập đoàn Hà Đô nghiên cứu có quy mô 99ha, được quy hoạch là khu đô thị đồng bộ với hạ tầng hiện đại và đầy đủ tiện ích.

Dự án này được đánh giá có vị trí khá đắc địa khi tọa lạc gần trung tâm TP. Hà Tiên, mặt tiền tiếp giáp Quốc lộ 80 và đường bờ biển dài 2km, thuận lợi cho hoạt động kinh doanh và kết hợp nghỉ dưỡng.

Trong năm nay, ban lãnh đạo Tập đoàn Hà Đô cho biết, sẽ tiếp tục triển khai M&A các dự án bất động sản khu đô thị; đồng thời đẩy mạnh đầu tư các dự án khu công nghiệp tại miền Bắc nhằm mở rộng lĩnh vực kinh doanh, tạo động lực tăng trưởng trong giai đoạn tiếp theo.

GP.Invest sắp đầu tư khu công nghiệp hơn 1.000 tỷ đồng tại Hải Dương

Tỉnh Hải Dương vừa quyết định thành lập Cụm công nghiệp Thái Tân thuộc địa bàn huyện Nam Sách với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng và CTCP Đầu tư Bất động sản Toàn Cầu làm chủ đầu tư.

Cụm công nghiệp có diện tích khoảng 75 ha, do CTCP Đầu tư Bất động sản Toàn Cầu (GP.Invest) làm chủ đầu tư với tổng vốn hơn 1.000 tỷ đồng.

Ngành nghề thu hút là các nhóm dự án sản xuất công nghệ cao, công nghệ sinh học, điện tử, vật liệu mới trong xây dựng; nhóm ngành sản xuất năng lượng tái tạo; nhóm ngành nghề thực hiện các dịch vụ cho sản xuất công nghiệp;... Nhà đầu tư cam kết triển khai, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật từ năm 2024 đến quý IV/2028.

GP Invest tiền thân là CTCP Đầu tư Dầu khí Toàn Cầu, được thành lập từ năm 2005. Tại thời điểm ngày 31/12/2019, vốn điều lệ của GP.Invest là 400 tỷ đồng. Sau 13 năm hoạt động, GP.Invest đã có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường bất động sản khi là chủ đầu tư nhiều dự án tại Hà Nội như: GPI Building 170 La Thành, Nam Đô Complex, Tràng An Complex, Minori Village, The Nine, Lexington Thụy Khuê…

GP.Invest có tổng tài sản khá lớn, đạt 1.152 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2019, vốn chủ sở hữu của công ty đạt 1.082 tỷ đồng.

Văn Phú - Invest ngừng rót thêm vốn vào siêu dự án ở Huế, dồn 650 tỷ đồng trái phiếu cho Grandeur Palace Giảng Võ

HĐQT CTCP Đầu tư Văn Phú - Invest (mã: VPI) mới thông qua chủ trương điều chỉnh phương án sử dụng vốn, số tiền thu được từ đợt chào bán trái phiếu ra công chúng năm 2023.

Theo phương án cũ, VPI thông báo sẽ dùng 150 tỷ đồng để góp thêm vốn vào Công ty TNHH Văn Phú Resort - Lộc Bình và 500 tỷ đồng sẽ được góp thêm vốn vào công ty TNHH MTV Đầu tư Văn Phú - Giảng Võ. Thời gian sử dụng vốn dự kiến đều từ quý IV/2023 - quý I/2024.

Theo phương án mới được thông qua trong nghị quyết mới, doanh nghiệp sẽ không rót thêm vốn vào dự án nghỉ dưỡng ở Huế. Thay vào đó, công ty dùng toàn bộ 650 tỷ đồng để góp vốn vào Công ty TNHH MTV Đầu tư Văn Phú - Giảng Võ (chủ đầu tư khu Grandeur Palace). Thời gian giải ngân dự kiến đến hết quý II năm nay.

Grandeur Palace số 138 Giảng Võ được xây dựng trên diện tích gần 1ha, với 1 tháp cao 22 tầng, 32 căn thấp tầng, với tổng vốn đầu tư là 2.441 tỷ đồng. Đây cũng là sản phẩm thuộc phân khúc hạng sang đầu tiên của Văn Phú. Dự án được đầu tư theo hình thức BT – hợp đồng xây dựng và chuyển giao giữa Bộ Y tế và Công ty TNHH MTV Đầu tư Văn Phú – Giảng Võ.

Ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Đầu tư Văn Phú ở mức 12.532,7 tỷ đồng, tăng 13% so với số đầu năm. Trong đó, trữ tiền ghi nhận hơn 195 tỷ đồng, giảm 56% so với số đầu năm. Hàng tồn kho tăng 92% lên 3.714 tỷ đồng.

Đầu tư Văn Phú còn có khoản hơn 3.596 tỷ đồng là dự án dở dang, bao gồm: Dự án The Terra Bắc Giang (1478,2 tỷ đồng), Dự án Vlasta Thủy Nguyên (1727,3 tỷ đồng),...

First Real tham vọng trở thành doanh nghiệp bất động sản số 1 miền Trung

Ngày 20/3, Công ty cổ phần Địa ốc First Real (mã: FIR) vừa tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 và thông qua kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng.

Theo đó, Địa ốc First Real đã đặt kỳ vọng doanh thu năm 2024 là 350 tỷ đồng, gấp đôi thực hiện 2023; lãi sau thuế 80 tỷ đồng, gấp 4,2 lần năm 2023.

Lãnh đạo công ty First Real nhấn mạnh với các cổ đông: "Chúng tôi kỳ vọng việc kinh doanh trong năm 2024 sẽ khả quan hơn và tin chắc rằng công ty sẽ thực hiện được kế hoạch năm 2024 đã đề ra".

Để bổ sung vốn hoạt động kinh doanh, đầu tư dự án mới, First Real dự kiến phát hành hơn 21,4 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 3:1, giá 10.000 đồng/CP, dự thu hơn 214 tỷ đồng.

Ngoài ra, Công ty cũng thông qua chủ trương phát hành tối đa 1.200 trái phiếu riêng lẻ, mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu dưới hình thức phát hành riêng lẻ thông qua Đại lý phát hành. Kỳ hạn trái phiếu tối thiểu 36 tháng.

Nếu hoàn tất phát hành như kế hoạch, First Real sẽ thu được tối đa 1.200 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền thu được sẽ được sử dụng cho các chương trình/kế hoạch đầu tư vốn trực tiếp hoặc gián tiếp của công ty.

Đưa ra định hướng phát triển cho năm 2024 và những năm tới, lãnh đạo First Real cho biết công ty chủ yếu sẽ phát triển phân khúc đất nền. Cùng với đó, công ty sẽ bán bớt một số tài sản, dự án đầu tư không hiệu quả để tập trung nguồn lực vào phân khúc này.

Lãnh đạo doanh nghiệp cũng đặt ra mục tiêu trong 2 năm tới nỗ lực hết mình để trở thành công ty bất động sản số 1 khu vực miền Trung.

Trường Thành (TEG) dè dặt với mục tiêu lợi nhuận năm 2024

Công ty Cổ phần Năng lượng và Bất động sản Trường Thành (TEG) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024. Theo đó, TEG đặt kế hoạch năm 2024 với doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ dự kiến là 556,13 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 170,84% so với năm 2023. Lợi nhuận sau thuế năm 2024 dự kiến đạt 70,38 tỷ đồng, chỉ bằng 86,26% so với kết quả đạt được năm 2023 (81,59 tỷ đồng). Như vậy, dự kiến doanh thu năm 2024 tăng trưởng hơn 70%, tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại giảm gần 14% so với năm ngoái.

Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 được TEG lập dựa trên kết quả đã đạt được của năm 2023, dự báo tác động của các yếu tố liên quan đến các lĩnh vực hoạt động cũng như tình hình thực tế hiện nay của Công ty.

Công ty cho biết lý do lợi nhuận sau thuế có sự sụt giảm do năm 2024 dự kiến không có hoạt động thoái vốn đóng góp vào lợi nhuận hoạt động tài chính.

Trên cơ sở dự báo tình hình kinh tế xã hội của Việt Nam năm 2024 với những điểm khó khăn và thuận lợi của từng lĩnh vực, Ban điều hành TEG xác định năm 2024, công ty sẽ đẩy mạnh quan hệ với các đối tác trong và ngoài nước để từng bước nâng cao năng lực trong lĩnh vực xây dựng, đặc biệt liên quan đến các dự án lĩnh vực năng lượng.

Đối với lĩnh vực bất động sản, TEG hướng đến tập trung công tác điều hành để triển khai Dự án Khu nghỉ dưỡng Suối nước nóng Hội Vân, Bình Định; đánh giá lại tổng thể tính khả thi của dự án Cụm công nghiệp Cát Hiệp - Bình Định, tìm kiếm nhà đầu tư thứ cấp để đưa ra định hướng đầu tư giai đoạn tới; hoàn thiện dứt điểm giai đoạn 1 dự án Khu dân cư Nghĩa An; phân tích, đánh giá cơ hội đầu tư các dự án bất động sản tiềm năng mà Tập đoàn Trường Thành Việt Nam đang triển khai tại Hưng Yên, Thái Bình, Bình Định, Trà Vinh.

Sudico tiếp tục trì hoãn trả cổ tức sau 8 năm

Tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, một trong những vấn đề được các cổ đông đặc biệt chú ý là việc trả cổ tức của Sudico (mã: SJS). Được biết, từ giai đoạn 2016 - 2017 đến nay, Sudico vẫn liên tiếp nợ cổ tức của cổ đông qua nhiều năm, mặc dù theo Luật Doanh nghiệp, cổ tức phải được trả trong 6 tháng từ ngày kết thúc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên.

Cũng theo các cổ đông, quy mô lượng cổ phiếu lưu hành của SJS không lớn, tỷ lệ chi trả 10% tương đương gần 300 tỷ đồng. "Con số này chỉ bằng vài căn biệt thự mà công ty đang bán ở khu Nam An Khánh. Đây là vấn đề gây bức xúc nhất hiện tại", một cổ đông khác nêu ý kiến.

Lý giải cho việc chậm trễ này, Sudico đưa ra lý do “không thu xếp được tài chính”.

Dưới sự yêu cầu của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, công ty phải trả cổ tức bằng tiền mặt trước khi thực hiện trả cổ tức bằng cổ phiếu, Sudico đặt mục tiêu tới cuối năm 2024 sẽ trả cổ tức năm 2016 và 2017 bằng tiền mặt trước khi tiến hành tăng vốn điều lệ.

Đối với cổ tức năm 2023, Sudico tiếp tục kế hoạch không trả cổ tức với lý do để tập trung nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.

Tại cuộc họp ĐHĐCĐ, kế hoạch năm 2024 đã được thông qua với tỷ lệ đồng thuận cao. Các mục tiêu cụ thể được đề ra như: Tổng doanh thu đạt 858 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 350 tỷ đồng, lần lượt tăng 60,1% và 38,3% so với cùng kỳ. Tỷ lệ chia cổ tức dự kiến từ 10 - 15%.

Trong năm 2024, Sudico đặc biệt tập trung vào việc tái khởi động dự án Nam An Khánh, với kỳ vọng mang về lợi nhuận lớn, ước tính khoảng 890 tỷ đồng, đồng thời cung cấp giải pháp cho nhu cầu nhà ở và đất đai ngày càng tăng cao tại khu vực.

Tính đến hết năm 2023, Sudico đang có số nợ phải trả là 4.712 tỷ đồng chiếm đến 63% tổng nguồn vốn (7.474 tỷ đồng) và đang cao gấp 1,7 lần so với vốn chủ sở hữu (2.761 tỷ đồng). Nợ của công ty chủ yếu là nợ ngắn hạn với 3.057 tỷ đồng, chiếm gần 65% tổng cơ cấu nợ, trong đó chiếm phần lớn là chi phí phải trả ngắn hạn 1.164 tỷ đồng và vay ngắn hạn là 899 tỷ đồng./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top