Aa

Doanh nghiệp bất động sản (10-16/3): Kiến nghị giảm tối đa thủ tục để phát triển nhà ở xã hội; doanh nghiệp 2 năm tuổi đáo hạn 7.200 tỷ đồng trái phiếu

Thứ Hai, 18/03/2024 - 11:47

Liên quan đến nhà ở xã hội, nhiều doanh nghiệp đề xuất cơ quan quản lý cắt giảm tối đa thủ tục, đồng bộ thời gian vay giữa chủ đầu tư và khách hàng,... Đồng thời, thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua cũng ghi nhận nhiều biến động từ các mã cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản.

Vingroup kiến nghị cắt giảm tối đa thủ tục, giảm lãi suất cho vay để phát triển nhà ở xã hội

Sáng 16/3, tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup chia sẻ, Công ty Vinhomes của Tập đoàn Vingroup đã khởi công xây dựng 4 dự án nhà ở xã hội tại Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Trị và Khánh Hòa. Sau khi hoàn thành, các dự án này sẽ bổ sung thêm hơn 10.000 căn hộ nhà ở xã hội và quỹ nhà ở tại các địa phương. Đồng thời, Tập đoàn Vingroup cũng đang tiếp tục thực hiện các thủ tục pháp lý để có thể sớm khởi công các dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội, Hưng Yên, Hà Tĩnh, TP.HCM và các tỉnh, thành phố khác.

Các dự án nhà ở xã hội mang thương hiệu Happy HomVinhomes xây dựng. (Ảnh: Vinhomes)

Các dự án nhà ở xã hội mang thương hiệu Happy HomVinhomes xây dựng. (Ảnh: Vinhomes)

Qua thực tế triển khai, tập đoàn Vingroup nhận thấy bên cạnh các thủ tục chung, dự án nhà ở xã hội phát sinh thêm các thủ tục về xác nhận các đối tượng được mua, thuê nhà ở xã hội; thủ tục thẩm định giá bán, giá cho thuê nhà ở xã hội. Điều này dẫn đến tổng thời gian hoàn thành thủ tục dự án nhà ở xã hội từ lúc bắt đầu triển khai đến khi khởi công thường khoảng 2 năm.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, thương mại dịch vụ phục vụ người dân bởi chính sách hỗ trợ đối với việc đầu tư xây dựng các công trình hạng mục này chưa rõ ràng. Vì vậy, nếu chủ đầu tư thực hiện đầu tư đồng bộ các công trình này thì dễ dẫn đến tăng chi phí, tăng giá bán nhà ở xã hội.

Ông Quang cũng đánh giá việc tiếp cận các nguồn vốn vay đầu tư xây dựng, mua, thuê nhà ở xã hội vẫn chưa thuận lợi. Mức lãi suất cho vay ưu đãi đầu tư xây dựng cũng như để thuê, mua hiện nay còn cao, đối với chủ đầu tư là 8%/năm còn người mua là 7,5%/năm.

Chính vì thế, để thu hút nhà đầu tư tham gia vào các dự án đầu tư nhà ở xã hội, cũng như giảm giá bán nhà, CEO Vingroup đề xuất cơ quan quản lý xem xét cắt giảm tối đa thủ tục liên quan đến việc đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội; ban hành danh mục hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được ngân sách hỗ trợ kinh phí đầu tư, miễn giảm tiền thuê đất đối với các diện tích công trình dịch vụ thương mại trong phạm vi dự án nhà ở xã hội.

Đồng thời, cần điều chỉnh lại xuất vốn đầu tư dự án nhà ở xã hội phù hợp với thực tế và điều chỉnh lãi suất cho vay để đầu tư xây dựng cũng như để mua, thuê nhà ở xã hội. Trên cơ sở ngân sách thực hiện, xem xét hoặc cấp bù chênh lệch lãi suất nếu chủ đầu tư, khách hàng vay vốn từ các ngân hàng thương mại để đầu tư xây dựng và thuê, mua nhà ở xã hội.

“Sếp” Địa ốc Hoàng Quân: Gói 120.000 tỷ đồng, cần đồng bộ thời gian vay giữa chủ đầu tư và khách hàng

Tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội sáng 16/3, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân, cho biết, tập đoàn đã hoàn thành 10 dự án với số lượng là 10.000 căn hộ. Đồng thời, tập đoàn đang triển khai 12 dự án, trong năm 2024 này sẽ hoàn thành 3.000 căn tại Tây Ninh, Bình Thuận và Trà Vinh.

Trước những khó khăn đang gặp phải, tập đoàn đề nghị chương về nhà ở xã hội trong Luật Nhà ở mới nên áp dụng từ 1/7/2024. Như vậy, nhiều vướng mắc sẽ được tháo gỡ và thúc đẩy mạnh hơn cho chương trình 1 triệu căn nhà ở xã hội.

Đối với gói 120.000 tỷ đồng, chủ tịch tập đoàn Địa ốc Hoàng Quân bày tỏ mong muốn gói này dành cho cả khách hàng đã mua những dự án đã hoàn thành nhưng chưa được tiếp cận gói tín dụng ưu đãi.

Ông Tuấn cũng cho rằng chưa có sự đồng bộ thời gian vay giữa chủ đầu tư và khách hàng. Khách hàng mua nhà thì được vay 5 năm nhưng chủ đầu tư chỉ có vay 3 năm và nhiều ngân hàng đề nghị chủ đầu tư phải bảo lãnh cho khách hàng khi vay vốn mua nhà ở xã hội. Do đó ông Tuấn rất mong Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu vấn đề là nếu khách hàng vay 5 năm thì chủ đầu tư phải được vay 5 năm.

Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Quân cũng kiến nghị Chính phủ nghiên cứu dành ra một khoản từ 1% (1.200 tỷ đồng mỗi năm) - 2% (2.400 tỷ đồng mỗi năm) để bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại.

Năm 2024 - nhiều triển vọng từ doanh nghiệp có quỹ đất công nghiệp lớn

Theo dữ liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 20/2/2024, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 16 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Vốn thực hiện của dự án FDI ước đạt khoảng 2,8 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 1,41 tỷ USD, chiếm hơn 32,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, gấp hơn 3,5 lần so với cùng kỳ.

Giới phân tích đánh giá, nguồn vốn FDI sẽ tiếp tục tăng trong năm 2024, tập trung vào lĩnh vực sản xuất và công nghệ. Đi kèm với đó là nhu cầu thuê đất tại các khu công nghiệp sẽ tăng cao trong năm 2024.

Một số doanh nghiệp đã và đang chuẩn bị quỹ đất khu công nghiệp mới để đáp ứng nhu cầu thuê của các nhà đầu tư trong thời gian tới. Cụ thể, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP (Mã: BCM) có kế hoạch cho thuê 700ha tại Khu công nghiệp Cây Trường từ quý I/2024. Trong khi đó, Tổng công ty IDICO - CTCP (Mã: IDC) có kế hoạch mở rộng tổng diện tích quỹ đất thêm 2.430 tới 2.820ha trong 5 năm tới. Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (Mã: KBC) sở hữu gần 150ha đất sẵn sàng cho thuê năm 2024, đồng thời phía công ty cho biết đang chuẩn bị quỹ đất KCN mới. Cụ thể, công ty đang hoàn thiện thủ tục pháp lý cần thiết để được phê duyệt dự án tại các địa phương như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hậu Giang, Cần Thơ, Vũng Tàu… với tổng diện tích dự kiến khoảng 3.500ha đất KCN và 650ha đất khu đô thị.

Dự báo cho đến cuối năm 2024, tài chính có thể vẫn hạn chế, khó có thể đáp ứng được nhu cầu thực tế đặt ra do các vấn đề về định giá đất, chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất khu công nghiệp và tiến độ đền bù giải phóng mặt bằng. Điều này tạo cơ hội đặc biệt cho các khu công nghiệp đã có sẵn quỹ đất cho thuê lớn. Các doanh nghiệp có thể tận dụng cơ hội thị trường để phát triển và mở rộng quy mô hoạt động của mình khi nguồn cung còn hạn chế.

Liên danh BGI Group và công ty Minh Dũng đăng ký dự án 127 tỷ đồng tại Quảng Bình

Dự án khu đô thị Kiến Giang 1 được duyệt quy hoạch trên diện tích hơn 81.760m2 tại thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Trong đó, diện tích đất ở chiếm 2,9ha, bao gồm đất ở hỗn hợp (cao tối đa 7 tầng), đất ở biệt thự song lập (cao tối đa 3 tầng) và đất ở biệt thự đơn lập (cao tối đa 3 tầng).

Tổng chi phí thực hiện dự án dự kiến là 127 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư 19 tỷ đồng. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm.

Kể từ cuối tháng 1/2024 khi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình mở hồ sơ mời gọi nhà đầu tư quan tâm, đến nay, dự án mới chỉ nhận được hồ sơ đăng ký thực hiện dự án của Liên danh Công ty CP Tập đoàn BGI (BGI Group) - Công ty CP Xây dựng Minh Dũng.

Về liên danh nhà đầu tư trên, được biết, BGI Group hiện là chủ đầu tư của nhiều dự án Khu đô thị, nghỉ dưỡng với tổng quy mô trên hàng trăm héc-ta quỹ đất tại Huế, Hòa Bình, Quảng Bình, Quảng Trị, Ninh Thuận, Sơn La, Hải Dương… Trong số đó có các dự án, công trình tiêu biểu như: Khu E - BGI TOPAZ GARDEN với tổng mức đầu tư khoảng 1.800 tỷ đồng, Khu A - BGI Topaz Downtown Huế với tổng mức đầu tư là 630 tỷ đồng;…

Đối tác cùng BGI Group đăng ký thực hiện dự án khu đô thị tại Quảng Bình là Công ty Cổ phần Xây dựng Minh Dũng (Công ty Minh Dũng) có trụ sở đăng ký đóng tại xã Yên Chính, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.

Một doanh nghiệp BĐS 2 năm tuổi sắp đáo hạn 7.200 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 3/2024

Trong báo cáo mới nhất, Công ty Chứng khoán KBSV cho biết, trong tháng 3, dự tính sẽ có khoảng 23.070 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, tăng 372% so với tháng trước.

Trong số này, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển đô thị Hưng Yên có giá trị trái phiếu đến hạn trong tháng 3 lớn nhất, đạt 7.200 tỷ đồng.

Cụ thể, ngày 21 - 22/3/2023, công ty này đã chào bán thành công 2 lô trái phiếu. Mã HIDCB2324001 có khối lượng 44.500 trái phiếu, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, giá trị phát hành theo mệnh giá là 4.450 tỷ đồng. Mã HIDCB2324002 có khối lượng 27.500 trái phiếu, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, giá trị phát hành theo mệnh giá là 2.750 tỷ đồng. Cả 2 lô trái phiếu đều có kỳ hạn trái phiếu 01 năm, ngày đáo hạn là 16/3/2024 và lãi suất bằng 0% (Zero Coupon).

Tin vui cho cổ đông Hải Phát khi cổ phiếu được giao dịch trở lại

Căn cứ tình hình công bố thông tin của Hải Phát trong 6 tháng liên tục kể từ ngày HoSE ra quyết định đình chỉ giao dịch, công ty không vi phạm quy định về công bố thông tin. Cụ thể, ngày 8/3, Hải Phát đã công bố thông tin Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 (riêng và hợp nhất) theo quy định.

Vì vậy, ngày 14/3, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM đã quyết định đưa hơn 304 triệu cổ phiếu CTCP Đầu tư Hải Phát (mã: HPX) ra khỏi diện đình chỉ giao dịch và giao dịch trở lại toàn thời gian theo quy định.

Theo Hải Phát, công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản nên bị ảnh hưởng nặng nề sau đại dịch Covid-19 và sự trầm lắng của thị trường thời gian qua. Bên cạnh đó, khi cổ phiếu HPX bị đình chỉ giao dịch đã gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

AAV Group: Doanh thu và lợi nhuận “giật lùi”, nhiều dự án dở dang

CTCP Việt Tiên Sơn Địa ốc (mã chứng khoán: AAV) đã công bố Báo cáo tài chính quý IV/2023 với doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 3,9 tỷ đồng, giảm hơn 27 lần so với cùng kỳ năm trước (108,1 tỷ đồng).

Doanh thu đi lùi, giá vốn bán hàng được tiết kiệm triệt để, từ 102,3 tỷ đồng giảm xuống còn 3,4 tỷ đồng. Khoản thu từ hoạt động tài chính có sự khả quan hơn so cùng kỳ năm ngoái với mức lãi 57,1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 341,5 tỷ đồng. Khoản lãi này đến từ việc tiền gửi và cho vay.

Kết thúc năm tài chính năm 2023, AAV Group ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 72,7 tỷ đồng, giảm 6,8 lần so với năm 2022. Cùng với đó, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp giảm mạnh so với năm 2022 - âm 17 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi 3,5 tỷ đồng. Như vậy, kết quả kinh doanh 2023 của doanh nghiệp này không đạt mục tiêu đã được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông năm 2023 (doanh thu 500 tỷ đồng, lãi sau thuế 13 tỷ đồng).

Được biết, AAV Group hiện đang sở hữu nhiều dự án bất động sản dở dang, gồm: Dự án đầu tư xây dựng Khu dân cư phía Đông đường Yết Kiêu, TP. Chí Linh (Hải Dương) với diện tích gần 200.000m2, tổng mức đầu tư 214 tỷ đồng. AAV Group đang ghi nhận chi phí sản xuất dở dang của dự án này là 124,3 tỷ đồng.

AAV Group cũng là nhà đầu tư dự án bất động sản du lịch với Cụm du lịch biệt thự nhà vườn Côn Sơn - Kiếp Bạc TP. Chí Linh. Dự án triển khai trên diện tích 906.800m2, tổng mức đầu tư dự kiến là 550 tỷ đồng. Công ty cho biết, giá trị chi phí kinh doanh dở dang tại dự án này gần 5 tỷ đồng.

Đầu năm 2024, UBND TP. Chí Linh đã có quyết định buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản đối với CTCP AAV Group. Theo đó, AAV Group đã phải nộp lại hơn 12,1 tỷ đồng (bằng trị giá khoáng sản có được do thực hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản).

VRC giải trình lý do cổ phiếu tăng trần 40% chỉ trong 1 tuần

Bất chấp thị trường chung thời gian gần đây biến động không ngừng, cổ phiếu thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần Bất động sản và Đầu tư VRC (mã VRC) vẫn đạt được kết quả tốt với chuỗi tăng trần 6 phiên liên tiếp từ ngày 6/3 đến ngày 13/3.

Nhìn lại biểu đồ biến động giá tiền của mã cổ phiếu VRC trong 2 tháng đầu năm 2024 có thể thấy, giá cổ phiếu dao động ổn định với mức cao nhất là 8.270 đồng/cổ phiếu vào ngày 3/1/2024 và thấp nhất là 7.710 đồng/ cổ phiếu vào ngày 26/2/2024.

Doanh nghiệp bất động sản (10-16/3): Kiến nghị giảm tối đa thủ tục để phát triển nhà ở xã hội; doanh nghiệp 2 năm tuổi đáo hạn 7.200 tỷ đồng trái phiếu- Ảnh 2.

Giá cổ phiếu VRC tăng liên tiếp (6/3 - 14/3). (Nguồn: vietstock.vn, fireant.vn)

Đến chiều 13/3, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có phiên giao dịch bùng nổ. Trong đó, nhóm bất động sản, xây dựng thăng hoa khi mã cổ phiếu VRC tăng trần lên 12.000 đồng. Thị giá cổ phiếu VRC qua đó cũng tăng 40% so với cách đây một tuần (6/3) và là vùng giá cao nhất trong vòng nửa năm trở lại đây.

Cổ phiếu VRC tăng mạnh trong bối cảnh doanh nghiệp này không có quá nhiều thông tin mới. Báo cáo tài chính năm 2023 của VRC ghi nhận doanh thu chưa đến 4 tỷ đồng. Sau khi trừ hết chi phí, công ty báo lãi sau thuế 401 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi đến 16,7 tỷ đồng.

Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Công ty cổ phần Bất động sản và Đầu tư VRC thực hiện công bố thông tin liên quan đến công ty có ảnh hưởng đến biến động giá cổ phiếu.

Trong văn bản giải trình, VRC tiếp tục viện dẫn lý do là diễn biến khách quan và phụ thuộc vào cung cầu của thị trường chứng khoán. Các quyết định giao dịch của nhà đầu tư đối với cổ phiếu VRC nằm ngoài tầm kiểm soát của Công ty. Đối với các hoạt động kinh doanh, VRC cho biết vẫn đang diễn ra bình thường, không có biến động bất thường và Công ty không có bất kỳ tác động nào gây ảnh hưởng đến giá giao dịch cổ phiếu VRC trên thị trường.

Đồng thời, công ty cam kết luôn tuân thủ các quy định của pháp luật đối với công ty đại chúng niêm yết.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top