Aa

Doanh nghiệp bất động sản chờ cơ hội từ chính sách mới

Thứ Sáu, 23/07/2021 - 06:00

Nửa đầu năm, thị trường bất động sản trôi qua khá nặng nề bởi lần bùng dịch Covid-19 trên diện rộng. Trong cơn bĩ cực, doanh nghiệp bất động sản chỉ biết chờ cơ hội từ các chính sách mới.

Sự phục hồi của thị trường và doanh nghiệp cần nhiều trợ lực

Ba đợt dịch đầu tiên xảy ra liên tiếp và kéo dài làm đảo lộn mọi kế hoạch, dự định của các doanh nghiệp bất động sản trong năm 2020 và nửa đầu 2021. Đến đợt dịch lần thứ tư này, thị trường gần như ngưng trệ hẳn. Đây như một “rào chắn” buộc tất cả hoạt động phải dừng lại vì an toàn sức khỏe. Đây cũng là cú đánh trực diện khiến thị trường bất động sản không có cách nào né tránh được.

Theo các chuyên gia kinh tế, có nhiều kịch bản có khả năng sẽ xảy ra vào những tháng còn lại của năm 2021. Trong đó, kịch bản tích cực là thị trường bất động sản sẽ hồi phục một phần vào giữa quý III và khởi sắc trở lại trong quý IV/2021 với giả thiết tối thiểu 50% người dân được triển khai tiêm vaccine, còn các công ty bất động sản có 100% nhân viên được tiêm phòng. Thị trường bất động sản tháng cuối năm 2021 có khả năng tăng trưởng ít nhất 25 - 30% so với 6 tháng đầu năm.

Kịch bản xấu hơn là tiếp tục mất thêm quý III/2021 để dập dịch Covid-19, vaccine không đủ để tiêm cho người dân và chỉ đạt mức dưới 30%. Các công ty bất động sản vì vậy có chưa đến 50% nhân viên được tiêm. Thị trường nửa cuối năm có khả năng tăng trưởng không cao do các doanh nghiệp dần bị đuối sức. Việc duy trì bộ máy hoạt động là gánh nặng cho họ. Các kế hoạch kinh doanh bị phá vỡ, doanh thu sẽ sụt giảm nghiêm trọng.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, trong cả hai kịch bản nêu trên thì vẫn có những yếu tố ngoại lực tác động vào thị trường bất động sản. Đó là trợ lực từ cơ chế chính sách của Nhà nước, các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, gói kích cầu tiêu dùng, tiến độ giải ngân các gói đầu tư công, tiến độ tháo gỡ nút thắt pháp lý cho dự án... Sự trợ lực này sẽ ảnh hưởng trực tiếp lẫn gián tiếp đến các doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư và tâm lý thị trường chung theo chiều hướng lạc quan hay thận trọng hơn.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, thị trường bất động sản năm 2021 đang và sẽ tiếp tục nhận được nhiều xung lực phát triển mới từ một loạt nhân tố, bao gồm: Sự điều chỉnh nhiều thể chế về xây dựng và kinh doanh bất động sản, về cơ cấu cung - cầu và tăng cường áp dụng công nghệ tiếp thị, chính sách khuyến mại trong phân phối và khai thác sản phẩm bất động sản.

Đặc biệt, việc kéo dài thời gian nộp thuế và giảm bớt gánh nặng các nghĩa vụ tài chính gắn với dịch Covid-19 đang được thực hiện cho cả năm 2020 - 2021 cũng giúp ngân hàng và doanh nghiệp có thêm nguồn lực giá rẻ cho hỗ trợ tài chính trong kinh doanh bất động sản.

Ngoài ra, năm 2021 đang là thời điểm lãi suất thấp nhất trong 15 năm qua. Lãi suất hạ luôn là xung lực tốt cho thị trường bất động sản do giúp giảm được chi phí vốn và điều kiện trả nợ, do đó các hộ gia đình, người trẻ sẽ thuận lợi để mua nhà, hay đầu tư.

Theo ông Lộc, việc các địa phương chủ động đẩy mạnh triển khai các dạng đề án, dự án xây dựng hạ tầng cơ bản và phát triển bất động sản đa dạng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng và mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 mới là động lực cho các doanh nghiệp trong kế hoạch định hướng kinh doanh.

Chờ chính mới sách vực dậy thị trường

Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp phải học cách tự thích nghi, sẵn sàng ứng phó với tình huống đại dịch kéo dài hoặc tái bùng phát lại bất cứ lúc nào. Song doanh nghiệp cũng đang chờ đợi các chính sách mới để vực dậy thị trường, làm động lực cho doanh nghiệp.

Ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT CENGROUP chia sẻ: “chúng tôi rất lo ngại loại hình bất động sản gắn liền với đất mà đất đi thuê hàng năm, dù là tài sản của doanh nghiệp, nhưng đất đi thuê thì rất khó trong việc thế chấp, sử dụng làm tài sản bảo đảm, ghi quyền sử dụng đất đó vào trong tài sản, mà cứ lẫn lộn giữa quyền sở hữu đất và quyền sử dụng đất. Việc sử dụng đất trả tiền một lần, hay giao đất có thu tiền sử dụng đất khác với tiền sử dụng đất nhưng trả tiền thuế hằng năm”.

Ngoài ra, theo ông Hưng, cần phân định rõ loại hình bất động sản nào được quyền mua bán, loại hình nào cho thuê như condotel, officetel, bất động sản dịch vụ... Với đề xuất này, ông kiến nghị Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan cũng như Hiệp hội đại diện cho các doanh nghiệp bất động sản, Hội quy hoạch, Hội kiến trúc có ý kiến phân định rõ các loại tài sản này.

Khi cấp chứng nhận đầu tư mà ghi rõ các loại hình nào được phép xây dựng để bán, để cho thuê... nhưng nếu mập mờ giữa cấp phép xây dựng công trình nhưng không biết được bán hay cho thuê thì rất khó cho doanh nghiệp. Với các dự án để bán thì dòng tiền nhanh hơn rất nhiều, dễ dàng trong việc huy động vốn và thế chấp tài sản.

Liên quan đến vốn cho doanh nghiệp địa ốc, ông Hưng nhận định, nguồn vốn ngân hàng đang giảm lãi suất giá rẻ nhưng nếu tiếp tục dựa vào nguồn vốn của ngân hàng thì doanh nghiệp luôn luôn bị động.

Doanh nghiệp bất động sản chờ cơ hội từ chính sách
Doanh nghiệp bất động sản chờ cơ hội từ chính sách (Ảnh minh hoạ)

“Chúng tôi mong muốn có cơ chế tháo gỡ nhiều hơn trong việc doanh nghiệp được phép huy động vốn bằng nhiều hình thức, như các quỹ tín thác, chính sách, chủ trương mà Chính phủ đã cởi mở nhưng vẫn còn thiếu văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện. Hiện nay tại Việt Nam, đâu đó mới có 1 - 2 quỹ tín thác (REIT) được cấp phép nhưng chưa hoạt động đáng kể, vì còn thiếu văn bản thực hiện. 

Đây là nguồn lực rất quan trọng trong dân, những người chỉ có một vài triệu đồng đến một vài chục triệu đồng nhưng cần có kênh để đầu tư bất động sản hợp lý. Ngoài ra, còn có các loại hình Blockchain, công nghệ, các gói đầu tư chung cũng cần phải được nghiên cứu để cho chính sách sandbox sớm", ông Hưng nói.

Đại diện phía cơ quan Nhà nước, ông Nguyễn Mạnh khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, giai đoạn 2021 - 2025, chắc chắn sẽ có những chính sách, quyết sách mới và những chính sách này sẽ tác động đến thị trường bất động sản. Vấn đề là thời gian, thời điểm và mức độ tác động như thế nào.

Ông Khởi cho hay: “Từ nay đến cuối năm, Bộ Xây dựng sẽ có một loạt những chính sách mới ban hành. Chúng tôi đang nghiên cứu sửa đổi trình Chính phủ vào quý III - IV/2021 để Chính phủ ban hành những quy định cụ thể hơn, nhằm hạn chế hoặc kiểm soát các hoạt động giao dịch của thị trường, đặc biệt là các giao dịch liên quan đến đất nền, kinh doanh bất động sản”.

Tuy nhiên, vị này cũng cho biết thêm, các chính sách liên quan đến bất động sản có độ trễ tương đối lâu so với chính sách khác, thường thường từ 6 tháng mới có tác động nhiều đến thị trường. Như vậy, ở góc độ quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp, các nhà hoạt động kinh doanh bất động sản và người tham gia thị trường cần phải có cách nhìn hết sức thận trọng, có chiến lược kinh doanh bảo đảm để tránh bị tác động xấu ảnh hưởng./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top