Aa

Lộ diện những “át chủ bài“ tái cấu trúc của doanh nghiệp trong mùa đại hội cổ đông

Thứ Hai, 03/04/2023 - 06:00

Mùa ĐHCĐ năm nay đánh dấu mốc khởi đầu trang mới đối với với nhóm doanh nghiệp BĐS. Nhiều đơn vị dồn vốn cho một lĩnh vực hoặc tái cấu trúc khoản đầu tư; nhưng cũng có doanh nghiệp chuyển hẳn hướng kinh doanh.

Tất nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể thực hiện tái cấu trúc một cách dễ dàng. Có những doanh nghiệp lựa chọn cắt giảm công ty con, thu hẹp hệ thống. Còn có doanh nghiệp tái cấu trúc theo hướng bảo toàn vốn để không bỏ lỡ nhịp phục hồi với thị trường. Kết quả nằm ở tương lai, nhưng động thái trên cũng cho thấy người đầu tư – kinh doanh bất động sản nhanh nhạy, sẵn sàng cho một tâm thế mới. 

Vinaconex chọn đầu tư công, khu công nghiệp trong chiến lược cốt lõi

Trải qua một năm không được thuận lợi, năm 2023, Tổng Công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) lên kế hoạch tập trung vốn vào dự án đầu tư công và khu công nghiệp; xem xét tiếp tục thoái vốn tại công ty xây dựng, chuyển sang lĩnh vực điện, nước, giáo dục. Ngày 14/4/2023 tới đây, Hội đồng Quản trị Vinaconex dự kiến sẽ xin ý kiến cổ đông về việc thay đổi chiến lược kinh doanh để phù hợp với tình hình kinh tế chung và các yếu tố nội tại doanh nghiệp. 

Trong giai đoạn 2022 – 2025, Tổng công ty từng xác định xây lắp là lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu sản lượng, doanh thu hàng năm của Tổng công ty. Trong đó, các dự án hạ tầng giao thông có vốn đầu tư công vẫn sẽ là động lực dẫn dắt chính trong việc tăng trưởng quy mô.

Tuy nhiên, doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp trong năm 2022 đều không đạt được mục tiêu đề ra. Cụ thể, doanh thu mảng xây lắp của Vinaconex trong năm 2022 dù đóng góp 70% cơ cấu tổng doanh thu, đạt 5.992 tỷ đồng (tăng 70% so với cùng kỳ) nhưng Tổng doanh thu năm 2022 đạt 9.597 tỷ đồng, chỉ bằng 63% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế đạt 931 tỷ đồng, bằng 66% kế hoạch.

Lý giải về điều này, Vinaconex cho biết hoạt động xây lắp không hoàn thành kế hoạch bởi những khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, nguồn cung vật liệu khan hiếm và tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp. Ngoài ra, chi phí vật liệu xây dựng, chi phí lãi vay ngân hàng trong năm 2022 tăng mạnh so với dự đoán.

Để xác định mục tiêu cho năm 2023, Vinaconex xét đến những yếu tố vĩ mô sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tăng trưởng quy mô của lĩnh vực xây lắp như tác động tiêu cực của chiến tranh, lạm phát toàn cầu, cộng với chính sách thắt chặt tiền tệ của Chính phủ, thị trường bất động sản trong nước bước vào giai đoạn điều chỉnh cả về giá và tính thanh khoản, công tác giải ngân vốn đầu tư công còn chậm.

Bên cạnh đó, việc phải cạnh tranh về giá do thiếu hụt việc làm, chi phí vật tư vật liệu và chi phí tài chính tăng sẽ bào mòn biên lợi nhuận vốn khá mỏng của ngành xây dựng. Dựa vào các yếu tố này, Vinaconex sẽ trình cổ đông thông qua mục tiêu lợi nhuận hợp nhất năm 2023 giảm 8% so với năm 2022, xuống còn 860 tỷ đồng. Tổng doanh thu hợp nhất đạt 16.340 tỷ đồng, tăng 70%.  

KCN sạch Hưng Yên
Xây dựng cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp sạch tỉnh Hưng Yên là một trong những dự án trọng tâm của Vinaconex năm 2023

Năm 2023, Tổng Công ty Vinaconex sẽ bắt đầu triển khai các dự án lớn đã trúng thầu trong năm 2022, chủ yếu thuộc lĩnh vực giao thông, xây dựng dân dụng, công nghiệp và các dự án có vốn đầu tư FDI. Tổng giá trị trúng thầu năm 2022 của toàn Tổng công ty là trên 11.000 tỷ đồng (trong đó Công ty mẹ là trên 9.700 tỷ đồng), tiêu biểu là: Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp sạch tỉnh Hưng Yên; hạ tầng và kiến trúc Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2; một số gói thầu dự án thành phần thuộc dự án đầu tư công đường cao tốc Bắc – Nam… 

Về hoạt động đầu tư, Ban Tổng giám đốc Tổng công ty đã chỉ đạo không thực hiện đầu tư bất động sản dàn trải mà tập trung triển khai các dự án có pháp lý đầy đủ, sản phẩm phục vụ nhu cầu thật của người dân với hai mục tiêu chính. Một là, hoàn thành bán hàng và bàn giao các căn hộ tại các dự án lớn như Green Diamond số 93 Láng hạ; Dự án khu dân cư đô thị tại phường Hải Yên, thành phố Móng Cái, Quảng Ninh... Hoàn thiện các thủ tục và triển khai thực hiện các dự án khác như Khu đô thị mới Thiên Ân (Vinaconex 25); Dự án khu đô thị nghỉ dưỡng Tuy Hoà, Phú Yên.

Tiếp đó, khai thác có hiệu quả các dự án đã hoàn thành đầu tư đi vào hoạt động gồm Dự án thủy điện Đăkba, Dự án TTTM chợ Mơ, trung tâm thương mại, cho thuê văn phòng. 

Vinaconex tiếp tục thực hiện chủ trương tái cấu trúc một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư tại các công ty yếu kém, hoạt động không hiệu quả hoặc các công ty không cần thiết phải nắm giữ quyền chi phối, tập trung nguồn lực phát triển các hoạt động kinh doanh cốt lõi. Được biết, trong năm 2022, Vinaconex đã hoàn thành việc thoái một phần hoặc toàn bộ vốn góp tại một số Công ty như: Vinasinco; Công ty TNHH phát triển hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc ... Bên cạnh đó, nâng tỷ lệ sở hữu lên 51% tại Vinaconex  ITC, đã hoàn thành việc đầu tư vốn đảm bảo tỷ lệ sở hữu tại Công ty CP cảng quốc tế Vạn Ninh. Việc duy trì tỷ lệ sở hữu tuyệt đối hoặc chi phối tại các Công ty hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh hiệu quả như điện, nước, giáo dục đã đem lại nguồn cổ tức cao, ổn định. 

Cũng trong Đại hội cổ đông sắp tới Vinaconex dự kiến trình kế hoạch chia cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 10% bằng cổ phiếu. Trương ứng, công ty sẽ phát hành hơn 48,58 triệu cổ phiếu trả cổ tức qua đó tăng vốn lên 5.344,6 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện được trích từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và sau khi trích lập các Quỹ đầy đủ theo quy định của pháp luật theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 và phù hợp quy định của pháp luật.

Long Hậu xóa sổ hoặc cắt giảm vốn công ty con không hiệu quả

Công ty cổ phần Long Hậu (mã:LHG) bắt tay vào câu chuyện tái cấu trúc. Long Hậu lên kế hoạch cắt giảm một công ty con không hiệu quả, chuyển dịch trọng tâm kinh doanh và xúc tiến đầu tư một số ngành nghề khác trong bối cảnh đất công nghiệp thương phẩm của doanh nghiệp đã cạn và nền kinh tế có nhiều biến động.

Theo tài liệu Đại hội cổ đông thường niên dự kiến tổ chức vào ngày 20/4 tại Long An, Long Hậu đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu là 902,1 tỷ đồng, tăng 28,5% và lợi nhuận sau thuế dự kiến là 127,05 tỷ đồng, giảm gần 38% so với cùng kỳ năm trước.

Long Hậu

Đáng chú ý, kết quả kinh doanh của Long Hậu trong năm 2022 vốn đã không mấy khả quan khi doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 629 tỷ đồng, giảm 19,5% so với cùng kỳ năm 2021. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế thu về gần 204 tỷ đồng, giảm hơn 31% so với năm trước. Với kết quả đạt được, Long Hậu dự kiến trình cổ đông kế hoạch cổ tức năm 2022 bằng tiền với tỷ lệ 19%, ước tính, công ty sẽ chi hơn 95 tỷ đồng để trả cổ tức. Như vậy, lợi nhuận sau thuế của Long Hậu không phải đến năm 2023 mới đi lùi, từ năm 2021 đến 2023, mỗi năm lợi nhuận đều sụt giảm hơn 30%.

Năm nay tiếp tục là năm khó khăn trong việc thu hút đầu tư của Long Hậu, do sự biến động của nền kinh tế thế giới dẫn đến tâm lý thận trọng của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp từ Nhật Bản, Hàn Quốc, hai thị trường lớn mà Long Hậu đang tập trung thu hút đầu tư. Hơn nữa, quỹ đất để kinh doanh của doanh nghiệp cũng đang cạn dần. Hiện, Long Hậu chỉ còn đất công nghiệp thương phẩm tại Khu công nghiệp (KCN) Long Hậu 3 (giai đoạn 1) khai thác từ năm 2019 và kinh doanh dự kiến đến năm 2025. 

KCN Long Hậu

Trong khi đó, các dự án KCN mới gồm KCN Long Hậu mở rộng giai đoạn 2 (90ha), KCN An Định tại Vĩnh Long (200ha) dự kiến đến cuối năm 2024, đầu năm 2025 mới có đất thương phẩm đưa vào kinh doanh. Các nhiệm vụ trọng tâm gồm giải phóng mặt bằng phần diện tích còn lại tại KCN Long Hậu 3 (giai đoạn 1); hoàn thành thủ tục pháp lý, được chấp thuận chủ trương đầu tư KCN Long Hậu mở rộng giai đoạn 2 và KCN An Định; thực hiện các thủ tục pháp lý về phương án bồi thường giải phóng mặt bằng cho các dự án khu dân cư - tái định cư Long Hậu 3 (19ha) và Long Hậu mở rộng (10ha). 

Về kế hoạch đầu tư, Long Hậu tiếp tục đặt kế hoạch tham vọng với tổng đầu tư lên tới 1.853,3 tỷ đồng. Được biết, năm 2022, Long Hậu đặt kế hoạch giải ngân đầu tư là 1.505 tỷ đồng nhưng cuối năm, công ty chỉ giải ngân được 156,06 tỷ đồng, đạt 10% so với kế hoạch. Lý giải cho việc giải ngân đầu tư thấp, Long Hậu cho biết, tại dự án KCN Long Hậu 3 giai đoạn 1 chậm do ảnh hưởng của bồi thường giải phóng mặt bằng; việc đầu tư xây dựng các nhà xưởng xây sẵn, nhà xưởng Đà Nẵng chậm so với tiến độ. Ngoài ra, tại các dự án đầu tư mới như KCN Long Hậu mở rộng giai đoạn 2, KCN An Định, Khu dân cư – Tái định cư Long Hậu, Khu dân cư – Tái định cư Long Hậu mở rộng… đều chậm tiến độ do vướng thủ tục pháp lý tại địa phương, điều này sẽ gây thách thức rất lớn lên khả năng đầu tư cho năm 2023.

Sự biến động của nền kinh tế thế giới khiến các nhà đầu tư có xu hướng cẩn trọng hơn, điều này cũng tạo nên thách thức lớn hơn cho doanh nghiệp khi gọi vốn. Long Hậu xác định rằng năm 2023 sẽ cần những giải pháp an toàn như chuyển hướng sự tập trung sang nhà xưởng xây sẵn (NXXS) có quy mô nhỏ trong thời gian ngắn để giảm rủi ro, thăm dò thị trường và chờ tín hiệu khả quan của nền kinh tế. Theo đó, trong ngắn hạn, Long Hậu sẽ tiếp tục phát triển dòng sản phẩm NXXS, đẩy mạnh công tác truyền thông tập trung vào mô hình NXXS diện tích nhỏ.

Được biết, một điển hình cho NXXS của Long Hậu là lô 3A. Tuy nhiên, ngoài lô 3A ra, chưa có thêm thông tin về bất cứ dự án NXXS cao tầng và thấp tầng nào khác của doanh nghiệp. Đứng trước những khó khăn của các hoạt động kinh doanh cốt lõi, Long Hậu tập trung xúc tiến đầu tư một số ngành nghề ít bị ảnh hưởng hoặc có xu hướng phát triển tương ứng với nhóm thực phẩm, dược phẩm, logistics và đón nhận nguồn doanh nghiệp từ TP.HCM có thể dịch chuyển đầu tư. Tuy nhiên, Long Hậu chưa có kế hoạch rõ ràng và cũng chưa từng có kinh nghiệm trong những lĩnh vực mới này.

tái câí trúc
ĐHCĐ là lúc doanh nghiệp phải đưa ra lời giải cho bài toán tái cấu trúc - ảnh minh hoạ

Bên cạnh đó, tại Đại hội lần này, Long Hậu cũng trình cổ đông thông qua việc giải thể CTCP Dịch vụ Khu công nghiệp Long Hậu (LHCS) (công ty con do Long Hậu nắm 88% vốn điều lệ). 

Doanh nghiệp này được thành lập năm 2018 với vốn điều lệ 5 tỷ đồng, nhưng không có bất cứ hoạt động kinh doanh nào trong 5 năm trở lại đây. Năm 2018, LHCS từng gửi văn bản đến UBND huyện Cần Giuộc xin chủ trương đầu tư dự án Trung tâm Thể thao Long Hậu tại Khu dân cư - tái định cư Long Hậu (37 ha). Tuy nhiên, do chưa đủ năng lực kinh nghiệm tham gia đấu thầu nên LHCS được cho là không phù hợp để thực hiện dự án. 

Ngoài ra, các hoạt động dịch vụ khác không có triển khai. Tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế LHCS ghi nhận từ khi thành lập đến nay đều phát sinh từ hoạt động gửi tiền phần vốn góp của cổ đông sáng lập tại ngân hàng, với kết quả lần lượt là 872 triệu đồng và 634 triệu đồng. Sau giải thể, LHCS sẽ phân chia lại vốn và lợi nhuận theo tỷ lệ góp, tương ứng gần 4,96 tỷ đồng.

kết quả kinh doanh Long Hậu
Kết quả kinh doanh của LHCS. (Nguồn: Long Hậu)

Trên thị trường, cổ phiếu LHG gần như đi ngang từ đầu tháng 12 năm 2022. Cổ phiếu này hiện đang dừng ở mức 21.900 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu này cũng đang nằm trong diện hạn chế giao dịch từ ngày 17/10/2022 và chỉ được giao dịch phiên chiều của ngày giao dịch khớp lệnh tập trung và phương thức giao dịch thỏa thuận. Nguyên nhân do công ty chậm công bố báo cáo tài chính bán niên được kiểm toán năm 2022 và liên tục bị nhắc nhở. Long Hậu cho biết theo lộ trình dự kiến, đến tháng 8/2023, cổ phiếu LHG sẽ trở lại trạng thái giao dịch bình thường.

Viglacera dồn lực cho bất động sản KCN, kiên định mục tiêu trở thành tập đoàn đa ngành

Trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế nói chung và lĩnh vực bất động sản nói riêng, Tổng Công ty Viglacera – CTCP (Mã: VGC) lựa chọn thoái vốn ở nhiều doanh nghiệp, đặt mục tiêu phát triển mạnh khu công nghiệp và nhà ở xã hội. Viglacera cho rằng, kế hoạch kinh doanh năm nay được xây dựng phù hợp với bối cảnh giá xăng dầu và giá nguyên vật liệu nhập khẩu có xu hướng tăng. 

Theo thông tin từ báo cáo thường niên 2022 mới công bố, năm 2023, Viglacera đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 16.000 tỷ đồng, tăng 110%; lợi nhuận trước thuế là 1.300 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ. Mức chia cổ tức dự kiến là 20% bằng, tương đương so với năm 2022. 

Một mục tiêu quan trọng của Viglacera là thực hiện lộ trình thoái vốn Nhà nước tại Tổng công ty theo Quyết định ngày 29/11/2022 của Thủ tướng Chính Phủ. Cụ thể, Bộ Xây dựng sẽ thực hiện bán toàn bộ 38,58% vốn tại Tổng Công ty Viglacera.

Viglacera
Nguồn: Tài liệu HĐQT trình ĐHCĐ kết quả 2022 và kế hoạch 2023

Về chiến lược trung và dài hạn, Viglacera hướng tới trở thành tập đoàn kinh tế, phát triển ở hai lĩnh vực chủ chốt là bất động sản và vật liệu xây dựng. Viglacera dự kiến sẽ chi tổng 2.800 tỷ đồng đầu tư vào 2 lĩnh vực này. Đối với bất động sản, Viglacera phát triển hai mảng hoạt động kinh doanh chính là nhà ở và đầu tư hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ KCN. 

Đối với mảng hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ khu công nghiệp, tổng mức đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất với 1.846 tỷ đồng, tăng 117% so với mức đầu tư ở năm trước. Mức đầu tư tăng mạnh được lý giải thông qua mục tiêu phát triển mở rộng quỹ đất tại các địa bàn có tiềm năng (miền Trung, miền Nam) và nước ngoài (Cuba). Đến năm 2025, Viglacera sẽ nâng tổng số các KCN của Tổng công ty lên hơn 20 KCN, với trên 10 KCN mới với tổng diện tích tăng thêm khoảng từ 2.000-3.000ha để phát triển quỹ đất KCN, dự trữ tối thiểu gấp đôi đất cho thuê hàng năm.

Thực tế, Viglacera đã có một năm 2022 khá thành công khi lợi nhuận lĩnh vực bất động sản đạt 1.600 tỷ đồng, đạt 118% so với kế hoạch năm, tăng 596 tỷ đồng so với thực hiện 2021. Doanh thu đạt trên 6.100 tỷ đồng, bằng 125% so với thực hiện năm 2021. Trong đó, tổng diện tích cho thuê hạ tầng KCN cả năm đạt 157ha, tổng diện tích đền bù đạt 288ha. 

Viglacẻa

Năm 2022, Viglacera đã thực hiện đền bù được 288ha, đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật được 123ha; quỹ đất kinh doanh hạ tầng KCN đến 31/12/2022 còn lại khoảng 900ha, trong đó diện tích kinh doanh hạ tầng đã đầu tư, sẵn sàng cho thuê xấp xỉ 93ha.

Viglacera tiếp tục đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật/dịch vụ tại các KCN đang triển khai như: Hải Yên, Đông Mai - Quảng Ninh, Phú Hà GĐ1 - Phú Thọ. Khởi công mới KCN Thuận Thành 1 - Bắc Ninh. Tiếp tục triển khai các bước công việc chuẩn bị đầu tư các dự án KCN mới gồm: KCN Trấn Yên GĐ 1 - tỉnh Yên Bái, KCN Sông Công II - GĐ 2 tỉnh Thái Nguyên. Ngoài ra, Viglacera còn triển khai 10 dự án dịch vụ hạ tầng; dự án KCN ViMariel (GĐ 1 diện tích 86ha) tại Cuba.

Đối với mảng khu đô thị và nhà ở, mức đầu tư trong năm 2023 được nâng lên 875 tỷ đồng, tương đương với mức tăng 818%. Công ty dự kiến từng bước thực hiện chương trình triển khai đầu tư 50.000 căn nhà ở xã hội (NOXH) giai đoạn 2022 - 2030 đã được Bộ Xây dựng giao. Doanh nghiệp cũng dự kiến khởi công mới Nhà ở công nhân Tiền Hải (5,2 ha), nhà ở xã hội Phú Hà (8,4ha). Chuẩn bị đầu tư dự án nhà ở công nhân Hải Yên - Quảng Ninh; dự thầu dự án khu nhà ở xã hội tại Tiên Dương - Đông Anh (theo chương trình của UBND TP. Hà Nội).

Với mảng nhà ở thương mại và khu du lịch nghỉ dưỡng, doanh nghiệp tiếp tục triển khai đầu tư nhà ở/chung cư thương mại tại các KĐT Đặng Xá (Hà Nội); Tiên Sơn, Yên Phong (Bắc Ninh). Triển khai các bước chuẩn bị đầu tư, tham gia đấu thầu lựa chọn tại các dự án: Khu đô thị mới Tây Bắc TP. Bắc Ninh (25,6ha); Khu dịch vụ, đô thị và NOXH trong KCN Yên Phong II tại Yên Phong, Bắc Ninh (95ha); khu nhà ở thương mại đường Hùng Vương - Phú Thọ (khu 14,72 ha).

Viglacera nghiên cứu phương án chuyển đổi mục đích sử dụng đất hiện có để đầu tư khu nhà ở, dịch vụ tại khu đất của Nhà máy Kính Đáp Cầu - phường Vũ Ninh, TP. Bắc Ninh trên khu đất diện tích 12,5ha. Tiếp tục triển khai Dự án khu du lịch sinh thái cao cấp Vân Hải GĐ 1 với diện tích 35ha, dự kiến hoàn thành đưa vào vận hành Khách sạn 5* quốc tế trong quý 2/2023; triển khai các bước chuẩn bị đầu tư cho giai đoạn 2 với diện tích 40ha (CTCP Viglacera Vân Hải).

Đối với mảng vật liệu, Viglacera sẽ tập trung hoàn thành dây chuyền sản phẩm mới kích thước lớn (Vasta stone) đáp ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu của Viglacera Tiên Sơn. Triển khai nghiên cứu, đa dạng hoá sản phẩm và đầu tư phát triển vào nhóm sản phẩm mũi nhọn như: Kính xây dựng, sứ vệ sinh – sen vòi, gạch ốp lát. 

Cụ thể, Viglacera tiếp tục phát triển, tăng sản lượng các dòng sản phẩm kính tiết kiệm năng lượng, gương cao cấp; đầu tư băng áp lực cao tại Sứ Mỹ Xuân, các robot phun men tại các đơn vị sản xuất sức nhằm tiết giảm chi phí. Viglacera dự kiến triển khai đầu tư Nhà máy kính nổi siêu trắng giai đoạn 2, dự án đầu tư Nhà máy gạch Viglacera Eurotile (nhà máy Mỹ Đức 2) với công suất 9 triệu m2/năm tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Đầu tư mở rộng tại các nhà máy hiện có của các đơn vị thành viên như CTCP Viglacera Hà Nội, CTCP Viglacera Thăng Long, Nhà máy Mỹ Đức tại Bà Rịa - Vũng Tàu…

Bên cạnh đó, nghiên cứu đầu tư Dự án nhà máy kính nổi siêu trắng Phú Mỹ giai đoạn 2 công suất 900 tấn/ngày; đầu tư kho thành phẩm, nhà kho cho thuê, đầu tư sản xuất bao bì tại KCN Mỹ Xuân,...

Về lộ trình tái cơ cấu, Viglacera tiếp tục kế hoạch thoái vốn ở các doanh nghiệp không hoạt động hiệu quả như: CTCP Gạch ngói Từ Sơn, CTCP Gốm Yên Hưng, CTCP Phát triển và Kinh doanh nhà Vĩnh Phúc, CTCP Từ Liêm và cơ cấu lại lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Đồng thời, công ty sẽ gia tăng thành lập mới, tăng tỷ lệ vốn góp ở các công ty nếu phù hợp với chiến lược phát triển.

Viglacera dự kiến sẽ hoàn tất tăng vốn tại ViMarieal, tăng tỷ lệ sở hữu vốn tại TNHH Kính nổi Việt Nam (VFG), góp vốn thành lập Viglacera Thái Nguyên. Viglacera cũng dự kiến xây dựng và trình phương án tăng vốn điều lệ của Công ty TNHH Kính nổi siêu trắng Phú Mỹ để triển khai đầu tư giai đoạn 2 (công suất 900 tấn/ngày), dự kiến nắm 55% vốn điều lệ sau khi tăng vốn.

Có thể thấy, đứng trước những khó khăn chung của ngành, 03 doanh nghiệp sở hữu nhiều quỹ đất KCN đều có chung xu hướng tăng doanh thu và giảm lợi nhuận trong năm 2023. Trong 03 doanh nghiệp, Viglacera là doanh nghiệp mà trong kế hoạch năm 2023 có mức tăng trưởng về doanh thu cao nhất và cũng ghi nhận sự sụt giảm lớn nhất trong lợi nhuận. Khi xây dựng chiến lược để phù hợp với tình hình năm 2023, nếu Vinaconex chọn chỉ tập trung vào các dự án đầu tư công đã trúng thầu, tái cơ cấu theo hướng bảo toàn vốn thì Long Hậu và Viglacera đẩy mạnh đầu tư KCN hiện có và cắt giảm công ty con hoặc mức đầu tư vào các doanh nghiệp không hiệu quả. 

Bước sang năm 2023, các Công ty Chứng khoán cho rằng kết quả kinh doanh các doanh nghiệp sẽ kém khả quan hơn do các dự án khu công nghiệp sẵn sàng cho thuê hiện tại có biên lợi nhuận thấp và diện tích cho thuê không còn nhiều. Bên cạnh đó, mảng vật liệu xây dựng chịu áp lực từ nhu cầu thị trường sụt giảm, giá kính xây dựng trên đà giảm sau khi nguồn cung phục hồi. Về mặt tích cực, trong một báo cáo gần đây, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam đánh giá thị trường KCN phía Nam dự kiến đón thêm nguồn cung mới, do đó dự báo giá cho thuê sẽ tiếp tục tăng tại khu công nghiệp của TP.HCM và các khu vực lân cận nhờ quỹ đất thuận lợi về hạ tầng kết nối và việc nguồn cung đất công nghiệp trong 6 tháng đầu năm chưa có sự thay đổi trong khi FDI giải ngân tăng mạnh. Tại khu vực phía Bắc, các doanh nghiệp có sỡ hữu quỹ đất là đối tượng được hưởng lợi chính trong xu hướng “Trung Quốc +1”. Nhiều dự án mới dự kiến cam kết sẽ đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới như LG (4 tỷ USD), Foxconn (300 triệu USD), … Mirae Asset nhận định, việc có quỹ đất cho thuê lớn sẽ giúp các doanh nghiệp kịp thời đón được dòng vốn đầu tư mới, trong đó nổi bật là Tổng Công ty Viglacera.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top