Aa

Doanh nghiệp BĐS lên sàn gọi vốn "được mùa"

Thứ Sáu, 06/01/2017 - 07:00

Động thái mang dự án BĐS lên sàn niêm yết không chỉ mang lại nguồn vốn "khổng lồ" cho các doanh nghiệp BĐS mà thị trường BĐS cũng được hưởng lợi từ thị trường chứng khoán.

Nguồn vốn cho thị trường BĐS Việt Nam hiện nay chủ yếu đến từ ngân hàng, các doanh nghiệp thường chỉ có vốn sở hữu khoảng 20%, trong khi đó tỷ lệ vốn vay ngân hàng thường ở mức 70%. Chính vì vậy, trước bối cảnh Ngân hàng Nhà nước lên kế hoạch siết tín dụng BĐS trong năm 2017, doanh nghiệp phải tìm nhiều các khách nhau để có nguồn vốn phát triển các dự án, hạn chế sự phụ thuộc vào vốn ngân hàng. Một trong những cách hiệu quả nhất là "tìm đến" sàn chứng khoán. 

Thực tế đã chứng minh, trong bối cảnh thị trường BĐS đang phục hồi, với các dự án lớn, uy tín, chủ đầu tư  hoàn toàn có thể quy đổi dự án sang cổ phiếu và mang lên sàn để huy động vốn. Gần đây nhất Novaland đã đưa 590 triệu cổ phiếu, tương đương 40 dự án lên sàn Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE). Cổ phiếu NVL của Tập đoàn Novaland giao dịch ngày 28/12/2016 với giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên là 50.000 đồng/cp. Sau khi niêm yết trên HOSE, vốn hóa của Novaland sẽ lên đến gần 29.500 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,3 tỷ USD. Novaland cho biết, nguồn vốn huy động từ đợt phát hành này sẽ dùng để phát triển một số dự án (hiện tại và dự án mới). Một phần để bổ sung nguồn vốn lưu động, nguồn vốn dự phòng và có thể thanh toán bớt các khoản nợ hiện hữu của công ty.

Ngay trong phiên giao dịch đầu tiên, cổ phiếu NVL tăng hết biên độ lên giá 60.000 đồng/cp, có thời điểm dư mua hơn 1 triệu đơn vị tại mức giá trần.

Một tên tuổi lớn nữa cũng vừa mới lên sàn là Tổng công ty Viglacera – CTCP Viglacera chính thức giao dịch 65 triệu cổ phiếu trên sàn HNX ngày 22/12 với mã VGC, giá tham chiếu phiên chào sàn là 15.600 đồng/cổ phiếu. Tổng khối lượng cổ phiếu niêm yết tương ứng giá trị tính theo mệnh giá trên 650 tỷ đồng. Ngay trong ngày đầu giao dịch, giá cổ phiếu VGC đã có diễn biến rất tốt, tăng 800 đồng lên 16.400 đồng. Điều này chứng tỏ nhà đầu tư rất quan tâm đến cổ phiếu ngành BĐS, xây dựng.

Việc Novaland và Viglacera lên sàn chứng khoán vào cuối năm 2016 không chỉ là bước tiến dài của doanh nghiệp ngành xây dựng -  BĐS, mà còn cho thấy cánh cửa sáng trong việc gọi vốn phát triển dự án BĐS thông qua thị trường chứng khoán của nhiều doanh nghiệp khác. Tìm kiếm nguồn vốn qua kênh chứng khoán được đánh giá là phương án khả thi. Tại nước ngoài, đây là nguồn vốn rất được các doanh nghiệp quan tâm do có sự ổn định trong dài hạn và có mức độ linh hoạt hơn rất nhiều so với vay vốn ngân hàng. Chưa kể, chi phí từ việc huy động vốn trực tiếp trên thị trường chứng khoán cũng rẻ hơn tương đối.

Theo City Garden - Dự án CTD mới nhận thầu giai đoạn 2

Theo City Garden - Dự án CTD mới nhận thầu giai đoạn 2

Không chỉ đối với doanh nghiệp chưa niêm yết, nhiều doanh nghiệp đã đưa cổ phần lên sàn nhiều năm khi cần vốn cũng đã phát hành thêm cổ phiếu. Trong quý IV/2016, Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (mã CTD - HOSE) đã phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược với mức giá phát hành bình quân đạt hơn 153.000 đồng/cp. Đối tác chiến lược CTD lựa chọn chủ yếu cho các quỹ đầu tư danh tiếng. Thậm chí, CTD còn cho biết công ty đã phải từ chối nhiều nhà đầu tư nhỏ và lớn nhằm giới hạn nhà đầu tư và giữ cơ cấu cổ đông theo một cách cân bằng nhất.

Theo kế hoạch, với nguồn vốn huy động được Coteccons sẽ tập trung chiến lược mua bán các công ty vật liệu xây dựng, nội thất, đầu tư vào BĐS, đầu tư hạ tầng. Dự kiến, CTD có thể đàm phán để đầu tư một phần dự án cùng với chủ đầu tư hoặc có những mối quan hệ với các đối tác trên thế giới để đầu tư khách sạn hạng trung, sau đó thuê họ quản lý để mang lại lợi nhuận tốt.

Thời gian trước, Công ty Cổ phần Phát triển BĐS Phát Đạt cũng đã tổ chức Đại hội cổ đông bất thường để thông qua việc phát hành 65,1 triệu cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ từ 1.302 tỷ đồng lên 2.018 tỷ đồng. Việc phát hành thêm cổ phiếu này sẽ tạo cơ hội cho Phát Đạt có thể tập trung đầu tư và phát triển các dự án căn hộ kết hợp thương mại dịch vụ, có diện tích trung bình dưới 10.000 m2, tọa lạc tại các vị trí đắc địa ở trung tâm TP.HCM… 

Trao đổi với Reatimes về tiềm năng huy động vốn trên sàn giao dịch chứng khoán, ông Sử Ngọc Khương, Giám Đốc Bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam cho rằng, so với các doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác thì số lượng công ty BĐS niêm yết còn khiêm tốn cũng như giá trị vốn hóa trong thị trường còn giới hạn. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán là một kênh để huy động vốn hiệu quả cho những doanh nghiệp muốn mở rộng và phát triển dự án. Bên cạnh đó, huy động vốn qua việc niêm yết cổ phần cũng là một cách hút vốn từ công chúng một cách nhanh nhất và đang dần trở thành xu hướng của doanh nghiệp.

Một hình thức khác của chứng khoán hóa BĐS là hình thành các quỹ tín thác, quỹ đầu tư BĐS để kêu gọi nhà đầu tư nhỏ lẻ bỏ vốn cho các dự án BĐS. Hiện nay, thị trường mới có một số quỹ đầu tư BĐS của nhà đầu tư nước ngoài như VinaLand, Indochina Land Holding, VietNam Opportunity (VOF), Vietnam Property Fund (VPF), Vietnam Property Holding (VPH), Asean Properties Limited (APL). Quỹ BĐS trong nước hiện mới có Techcom Capital.

Tuy nhiên, do mới hình thành được một thời gian ngắn nên hiệu quả huy động vốn của quỹ chưa được thấy rõ. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, tại Việt Nam, tâm lý người dân chưa có thói quen giao tiền tích cóp cho người khác đầu tư nên các nhà sáng lập quỹ trước hết phải có vốn lớn và phải có uy tín. Trong tương lai, khi hành lang pháp lý mở rộng cửa hơn, quỹ đầu tư BĐS sẽ hình thành và phát triển mạnh mẽ theo nhu của cầu thị trường.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top