Aa

Doanh nghiệp BĐS “nổi danh như cồn” nhờ chiến thuật khôn ngoan

Thứ Năm, 05/01/2017 - 16:12

Sử dụng chiến thuật kép trong đầu tư kinh doanh BĐS đó là đi tắt để rút ngắn thời gian sở hữu dự án bằng hoạt động mua bán và sáp nhập, đồng thời, thực hiện liên tiếp nhiều đợt chào bán cổ phiếu để huy động vốn làm dự án, Novaland đã trở thành cái tên thu hút được nhiều sự chú ý trên thị trường BĐS Việt Nam.

Những ngày qua, cái tên Novaland đã trở thành một “hiện tượng” trên thị trường BĐS và chứng khoán, được biết đến với 40 dự án "đất vàng" trong tay. Không chỉ vậy, dù vừa lên sàn giao dịch chứng khoán chưa lâu, cổ phiếu của Novaland đã thu hút các nhà đầu tư ồ ạt gom mua dù giá tăng phi mã. Vài ngày sau đó, ông chủ Novaland (ông Bùi Thành Nhơn) đã lọt vào Top 10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán năm 2016.

Giải thích hiện tượng này, giới kinh doanh BĐS cho rằng, Novaland là “tay chơi BĐS” có chiến thuật. Đơn vị này gom dự án bằng hình thức mua lại các công ty sở hữu dự án. Các dự án mua lại đều là khu đất tại các vị trí đắc địa được Novaland tận dụng rất triệt để. Chủ trương của Novaland là mua lại các dự án đã hoàn thành về mặt pháp lý, có thể triển khai xây dựng nhằm rút ngắn thời gian và giảm chi phí vốn, qua đó hạ giá thành sản phẩm, giúp cạnh tranh tốt hơn trên thị trường.

Sản phẩm BĐS có đặc thù từ lúc bán hàng đến lúc bàn giao cho người tiêu dùng thường mất từ 24 - 30 tháng, do đó việc chuyển từ tài sản sang tiền mặt là khá lâu, đặc biệt lúc thị trường suy giảm. Tuy nhiên, các dự án của Novaland thường là mua lại hoặc hợp tác đầu tư từ các doanh nghiệp khác. Cùng với việc bán trước cho người mua qua hợp đồng góp vốn và sản phẩm có mức giá trung và cao cấp từ 1,3 - 5 tỷ đồng nên sản phẩm có tính thanh khoản khá. Do đó, thanh khoản các dự án của Novaland nhìn chung đều lạc quan. 

Chỉ trong 2 năm 2015 - 2016, Tập đoàn Novaland (mã NVL) đã chi khoảng hơn 11.000 tỷ đồng, tương đương trên 500 triệu USD để mua lại hàng loạt dự án nằm tại những vị trí vàng của TP. HCM qua 8 thương vụ mua bán lớn. Số liệu từ báo cáo tài chính của Novaland cho thấy, thương vụ đầu tiên có thể kể đến là Novaland mua công ty sở hữu dự án Water Bay & Lakeview City trị giá hơn 5.000 tỷ.

Năm 2015, Novaland mua lại 99,91% vốn của Khải Hưng – khi đó công ty này đang sở hữu 50% cổ phần CTCP Phát triển Quốc tế Thế kỷ 21 (Century 21). Trong năm 2016, Khải Hưng lần lượt mua thêm 49% cổ phần của Century 21 và tăng tỷ lệ sở hữu tại Century 21 lên 99%. Số tiền chi ra để mua thêm 49% cổ phần của Century 21 ước khoảng 3.900 tỷ đồng, cộng với 1.308 tỷ đồng đầu tư ban đầu thì Novaland đã chi ra hơn 5.200 tỷ đồng cho thương vụ mua Century 21. Theo đó, Novaland cũng nắm giữ 2 dự án của Century 21 tại Quận 2 là Water Bay (quy mô gần 5.000 căn hộ) và Lakeview City (1.000 căn hộ).

Cũng trong năm 2015, Novaland đã mạnh tay chi 1.600 tỷ đồng mua nhóm công ty liên quan Dự án Sài Gòn Mê Linh Tower tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng, Quận 1, TP. HCM. Khu đất vốn là trụ sở cũ của Sabeco có diện tích 6.000m2 này sẽ được quy hoạch xây dựng Khu phức hợp khách sạn 6 sao, Trung tâm hội nghị, hội thảo và cao ốc văn phòng cho thuê có tên là Sabeco Tower. Sabeco cùng 3 công ty Đầu tư Mê Linh, Attland và Hà An đã góp vốn thành lập CTCP Đầu tư Sabeco Pearl để triển khai dự án này, trong đó Sabeco góp 26% vốn. Novaland mua lại gần 100% cổ phần tại cả 3 công ty Đầu tư Mê Linh, Attland và Hà An, qua đó gián tiếp sở hữu 74% và nắm quyền chi phối Sabeco Pearl. Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính quý III/2016, Novaland không còn nắm quyền kiểm soát đối với Sabeco Pearl do tỷ lệ sở hữu giảm từ 74% xuống còn 49%. Hiện tại, Sabeco Pearl đã được đổi tên thành CTCP Đầu tư Quảng trường Mê Linh.

Tháng 5/2016, một công ty con của Novaland đã mua 99,89% lợi ích tại Công ty TNHH Phú Việt Tín - chủ đầu tư dự án The Tresor trị giá 976 tỷ đồng. Dự án xây dựng trên khu đất 6.200m2 gồm một khu 33 tầng, một khu 18 tầng, tổng cộng 723 căn hộ. Dự án tọa lạc tại 39 Bến Vân Đồn, Quận 4 TP.HCM.

Tháng 5/2016, Novaland đã mua 99,9% vốn của Công ty TNHH Đầu tư và BĐS Tường Minh. Thông qua Tường Minh, Novaland nắm quyền kiểm soát CTCP Cao ốc Phương Đông - chủ đầu tư dự án Wilton Tower. Số tiền chi ra cho thương vụ này là 320 tỷ đồng. Wilton Tower nằm ngay tại trung tâm Quận Bình Thạnh có diện tích đất 7.169m2 và tổng diện tích sàn gần 5ha. Dự án có 22 tầng, gồm 551 căn hộ.

Vào tháng 6/2016, Novaland đã hoàn tất việc mua 99,9% lợi ích vốn chủ sở hữu của Công ty TNHH Nova Rivergate trị giá 936 tỷ đồng. Thông qua Rivergate, Novaland nắm quyền kiểm CTCP BĐS Thanh Niên, công ty sở hữu Khu căn hộ RiverGate đặt tại Bến Vân Đồn, Quận 4 TPHCM. Dự án gồm 2 khối căn hộ cao 27 và 33 tầng với 976 căn.

Tiếp đó tháng 7/2016, Novaland thông qua công ty con đã hoàn tất việc mua 99,97% vốn của Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Nhà Rồng với số tiền 861 tỷ đồng, qua đó sở hữu dự án Saigon Royal Residence tại Bến Vân Đồn, Quận 4. Dự án Saigon Royal Residence có diện tích đất 6.669m2, tổng diện tích sàn xây dựng 7,36ha, gồm 33 tầng và 767 căn hộ.

Novaland cũng mua công ty sở hữu Dự án Kingston Residence trị giá 367 tỷ đồng. Kingston Residence là dự án do Công ty cổ phần Nova Princess Residence làm chủ đầu tư. Kingston Residence nằm trên đường Nguyễn Văn Trỗi, Quận Phú Nhuận, TPHCM. Dự án có diện tích đất là 4.580m2, tổng diện tích sàn xây dựng là 40.845m2, gồm 22 tầng với 395 căn hộ.
Thương vụ mua bán thứ 8 được Novaland kể đến là mua công ty sở hữu Dự án Rich Star, quận Tân Phú trị giá 374 tỷ đồng.

Với khoản vốn lớn chi cho việc mua bán sáp nhập, Novaland lấy vốn ở đâu để hoàn thiện dự án sau đó? Để có nguồn vốn triển khai các dự án, ngoài vốn tự có, vốn huy động từ khách hàng và vốn vay ngân hàng, Tập đoàn Novaland đã thực hiện nhiều đợt huy động vốn từ các cổ đông hiện hữu và các cổ đông mới trong năm 2015 và năm 2016.

Năm 2015, công ty đã chào bán riêng lẻ thành công 17,83 triệu cổ phần ưu đãi chuyển đổi cổ tức cho một số nhà đầu tư tài chính, huy động được hơn 1.000 tỷ đồng. Sau đợt chào bán riêng lẻ này cùng với đợt chào bán cho cổ đông hiện hữu của công ty, vốn điều lệ của Novaland tăng lên 3.683 tỷ đồng vào cuối năm 2015, tăng 1.383 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2014. Tổng tài sản của Công ty cũng đã tăng trưởng mạnh từ 16.094 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2014 lên 26.570 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2015.

Trong 9 tháng đầu năm 2016, Công ty thực hiện một đợt chào bán cho cổ đông hiện hữu, nâng tổng vốn điều lệ của công ty lên 5.220 tỷ đồng vào cuối tháng 9 năm 2016. Tổng tài sản của Novaland đến thời điểm cuối tháng 9/2016 đạt 32.480 tỷ đồng, tăng 22,2% so với cuối năm 2015.

Trong tháng 10 và tháng 11 năm 2016, Công ty tiếp tục thực hiện thêm một đợt chào bán riêng lẻ cho các nhà đầu tư tổ chức lớn và uy tín trong và ngoài nước với tổng số lượng cổ phần huy động là 52,2 cổ phần, tương đương với tổng giá trị vốn huy động thành công là 2.610 tỷ đồng.

Chính ông chủ Novaland cũng cho biết, công ty đã chuẩn bị và sẵn sàng niêm yết từ năm 2008, nhưng do thị trường chứng khoán rơi vào suy thoái nên việc niêm yết đã tạm hoãn. Việc đưa cổ phiếu lên sàn tại thời điểm chín muồi (ngày 28/12/2016) và tạo được tiếng vang cũng là một chiến lược thành công của tập đoàn này. Trong bối cảnh thị trường BĐS còn ngổn ngang trên đường bứt phá phát triển, doanh nghiệp trong ngành cần có chiến thuật và bước đi riêng để khẳng định tên tuổi của mình trên thương trường. Sự thành công của Novaland sau khi lên sàn chứng khoán sẽ còn cần thêm thời gian để minh chứng, tuy nhiên sự khôn ngoan trong kinh doanh của doanh nghiệp này khó có thể phủ nhận.  

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top