Aa

Doanh nghiệp cho thuê văn phòng chuyển trạng thái

Thứ Ba, 02/11/2021 - 16:30

Đóng cửa hẳn địa điểm không còn hy vọng, tiến vào khu vực trung tâm, vận hành sản phẩm theo hướng tối ưu… là những đầu việc chính đặt ra cho các nhà phát triển văn phòng.

Cơ cấu lại sản phẩm

Thời gian còn lại của năm 2021 không nhiều, các doanh nghiệp cho thuê văn phòng đang phải chạy nước rút để hoàn thành kế hoạch. Ông Nguyễn Thanh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư thương mại CEKS cho biết, ngay sau khi TP.HCM gỡ bỏ các chốt kiểm soát Covid-19, ông đã lập tức soạn thảo kế hoạch tái cơ cấu văn phòng cho thuê tại thành phố này.

Mục tiêu đặt ra cho chuyến công tác kéo dài nửa tháng tại TP.HCM của ông Tuấn là cơ cấu lại sản phẩm cho thuê theo hướng tối ưu hiệu quả.

“Đối với khu vực văn phòng cho thuê (khoảng 1.500m2 sàn) tại quận 8, bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, chúng tôi sẽ tái khởi động bằng việc hỗ trợ khách thuê xem họ có thể trở lại văn phòng và khôi phục hoạt động hay không, trước khi đón các khách hàng mới”, ông Tuấn cho biết.

Nếu trong tháng 11 và tháng 12, lượng khách thuê ở những khu vực ngoài trung tâm TP.HCM vẫn không sôi động trở lại, CESK sẽ cân nhắc đến phương án dứt áo để quay sang chiến lược “lấy nông thôn bao vây thành thị” và tiến vào khu vực trung tâm như quận 1, quận 3. “Mục tiêu trước mắt là tìm kiếm những sàn diện tích khoảng 300 - 500m2 để cải tạo thành văn phòng cho thuê và ra mắt thị trường vào quý I/2022, sau đó mở rộng dần lên hơn 1.000m2”, Chủ tịch CESK cho biết thêm.

Với tình hình hiện nay, các nhà phát triển văn phòng khó có thể làm lớn, mà phải vừa làm, vừa quan sát thị trường. “Trước khi Covid-19 xuất hiện, tầm nhìn kinh doanh của chúng tôi có thể là 3 - 5 năm, nhưng trong thời đại Covid-19 thì không dám mơ tầm nhìn theo năm, mà phải rút ngắn thậm chí 1 - 2 tháng. Nếu triển vọng tích cực theo quý là đã hạnh phúc rồi”, ông Tuấn chia sẻ.

Đối với phân khúc không gian làm việc chung (co-working), trước kia, CESK phát triển sản phẩm có mật độ ngồi dày để tiện cho khách thuê giao lưu trao đổi, nhưng nay phải điều chỉnh giãn ra, theo hướng tăng phần diện tích phòng làm việc riêng và độc lập hơn.

Để khách thuê cảm thấy thoải mái và an tâm hơn trong mùa dịch, những phòng họp mở trong co-working có thể chuyển sang trạng thái đóng kín, thiết kế các vách ngăn cao quá đầu ở khu vực tiếp khách nhằm tạo khoảng cách cần thiết cho những người ngồi xung quanh, đồng thời trang bị các máy lọc không khí phục vụ cho khách hàng…

Theo Chủ tịch CESK, điều cốt lõi trong cơ cấu lại sản phẩm văn phòng cho thuê hiện nay là tăng/giảm các tiện ích phục vụ khách thuê cho phù hợp. Có thể thu hẹp các tiện ích đối với các khách thuê “thực dụng” và chỉ có nhu cầu là chỗ ngồi làm việc.

Hậu Covid-19, co-working được nhiều doanh nghiệp lựa chọn thuê vì giá cả hợp lý. Trong ảnh: Một co-working của Toong
Hậu Covid-19, co-working được nhiều doanh nghiệp lựa chọn thuê vì giá cả hợp lý. Trong ảnh: Một co-working của Toong

Tín hiệu khả quan

Ông Dương Đỗ - Nhà sáng lập, CEO chuỗi không gian làm việc chung Toong cho biết, doanh thu trong quý III của đơn vị này đã giảm 50% do Covid-19 bùng phát tại cả 3 địa bàn mà doanh nghiệp hoạt động là Hà Nội, TP.HCM, Viêng Chăn (Lào).

“Để doanh thu không bị giảm sâu hơn, chúng tôi đã bố trí nhân sự ăn ngủ tại từng địa điểm để duy trì hoạt động hầu hết các địa điểm cho thuê, phục vụ nhu cầu làm việc cho những khách hàng là doanh nghiệp thuộc nhóm cung cấp các dịch vụ thiết yếu như y tế, tài chính, hạ tầng công nghệ viễn thông”, ông Dương Đỗ nói.

Về cơ bản, Toong không thực hiện tái cơ cấu cốt lõi và thay đổi bản chất dịch vụ hiện nay, mà hướng đến nâng cao chất lượng và vận hành sao cho tối ưu.

“Đại dịch bùng phát là điều không ai mong muốn, nhưng trong hoàn cảnh éo le đó, chúng tôi nhìn thấy cơ hội lớn. Chúng tôi tận dụng thời gian giãn cách kéo dài để tiến hành rất nhiều việc liên quan tới chiêu mộ và đào tạo nhân tài, điều chỉnh quy trình vận hành theo hướng tối ưu, phát huy tối đa những lợi thế về dịch vụ của mình”, CEO của Toong chia sẻ.

Covid-19 còn diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp phải tìm cách để sinh tồn và phát triển. Toong đã chào đón khá nhiều doanh nghiệp quan tâm tìm hiểu và ký hợp đồng chuyển văn phòng tới các địa điểm tại Hà Nội và TP.HCM ngay sau khi các lệnh giãn cách được nới lỏng. Cho nên, đơn vị này sẽ vẫn giữ kế hoạch mở rộng mạng lưới các không gian làm việc tại cả Hà Nội và TP.HCM.

“Dự tính, từ nay tới đầu năm 2022, chúng tôi sẽ khai trương ít nhất 4 địa điểm mới để đón nhu cầu thị trường”, ông Dương Đỗ hào hứng.

Còn với CESK, trong khoảng 1 tháng trở lại đây, khi các lệnh giãn cách được nới lỏng dần, lượng khách hàng mới liên lạc và tìm hiểu điểm thuê văn phòng đã trở lại, khoảng 30% lượng khách hỏi thuê đã ký hợp đồng thuê. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện nay, nhu cầu và quy mô thuê văn phòng của họ tương đối nhỏ, từ mức thông thường khoảng 200 - 300m2 sàn, thì nay họ thu hẹp, chỉ thuê dưới 100m2 cho khoảng 30 - 50 nhân viên.

Chủ tịch CESK cho biết, nhiều diện tích văn phòng bỏ không lúc đỉnh điểm dịch bệnh, thì nay các khách thuê đã rục rịch dọn dẹp để bắt tay tái hoạt động.

Theo bà Hoàng Nguyệt Minh - Giám đốc Bộ phận cho thuê thương mại, Savills Hà Nội, thị trường ghi nhận nhiều đơn vị cung cấp co-working, hay các dịch vụ văn phòng khác đang đẩy mạnh hợp tác với chủ đầu tư nhằm đáp ứng linh hoạt hơn nhu cầu hiện tại và sự phát triển trong tương lai của khách thuê.

“Về diện tích thuê, trong tình hình hiện nay, nhiều doanh nghiệp chỉ cần diện tích đủ cho 50 nhân viên, song tương lai có thể sẽ cần diện tích cho 100 người. Nhà cung cấp dịch vụ văn phòng cần hỗ trợ khách thuê linh hoạt hơn với những nhu cầu này. Đây không chỉ là xu hướng, mà còn là giải pháp cho nhu cầu thuê mới của doanh nghiệp”, bà Hoàng Nguyệt Minh lưu ý./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top