Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung thừa nhận tại hội nghị Chính phủ với các địa phương đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm vừa diễn ra rằng, gói 16.000 tỷ đồng cho vay lãi suất 0% để trả lương cho người lao động bị mất việc do đại dịch đang khó thực hiện. Nguyên nhân do tiêu chí quá cao.
Không có doanh nghiệp "ngồi chờ chết" đợi hỗ trợ
Theo phản ánh của nhiều chủ doanh nghiệp, hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho người lao động được phê duyệt còn ít, đặc biệt là hồ sơ đề nghị vay vốn để người sử dụng lao động trả lương ngừng việc cho người lao động hầu hết không đáp ứng các tiêu chí. Các hạn chế này do chính sách hỗ trợ theo Quyết định 15/2020 của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu hỗ trợ đúng các đối tượng bị ảnh hưởng nhất, giảm sâu thu nhập, tránh hỗ trợ tràn lan, trục lợi chính sách nên điều kiện đặt ra rất chặt chẽ.
Thực tế cho thấy hiện nay, các doanh nghiệp còn vốn duy trì, nên vẫn bố trí làm việc bán thời gian nhằm giữ chân người lao động. Tâm lý e ngại khi phải chứng minh tình trạng tài chính khó khăn, không còn tiền trả lương khiến cho doanh nghiệp không chủ động trong việc lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho người lao động.
Bộ LĐ-TB&XH thừa nhận, gói vay 16.000 tỷ đồng chính sách hỗ trợ vốn vay để trả lương ngừng việc cho người lao động đang gặp vướng mắc về tiêu chí, nên chưa có doanh nghiệp nào tiếp cận được.
Chia sẻ với báo DDDN, ông Trần Đức Tân, Giám đốc Công ty THHH Mặt trời Vàng cho biết, với tiêu chí của gói vay trả lương lãi suất 0% hỗ trợ, chỉ những doanh nghiệp thực sự nằm “đắp chiếu” mới đủ điều kiện được vay theo qui định này. Ngoài ra, trong thời điểm dịch COVID-19, các doanh nghiệp luôn phải tìm cách bù đắp sự sụt giảm từ sản xuất kinh doanh, không có doanh nghiệp nào ngồi chờ “chết” để được hỗ trợ. Quy định này thực sự gây khó cho doanh nghiệp và không có tính thực tiễn.
Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp cho đến nay dù giãn cách xã hội đã dỡ bỏ, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn về tài chính do nguồn nguyên liệu và đầu ra vẫn khó khăn. Ông Nguyễn Hải Phong - Giám đốc Công ty May Thêu Hà Nguyên cho biết, công ty vẫn đang có nhu cầu vay, nhưng với quy định và điều kiện quá khắt khe khiến các doanh nghiệp SMEs khó mà đáp ứng. Đúng là rất nhiều doanh nghiệp có nguyện vọng được hưởng gói hỗ trợ, nhưng việc phải chứng minh được một số vấn đề liên quan đến báo cáo tài chính, thuế... khiến họ ngần ngại.
Khảo sát của Bộ LĐ-TB&XH về nguyên nhân đến nay chưa có doanh nghiệp nào được vay từ gói 16.000 tỷ đồng đã chỉ ra, một phần do các doanh nghiệp bị ảnh hưởng đã bắt đầu quay trở lại làm việc. Mặt khác, do phải chứng minh tài chính khiến doanh nghiệp e ngại “vạch áo cho người xem lưng” bị ảnh hưởng tới uy tín và thương hiệu đối với bạn hàng, nên không dám lập hồ sơ đề nghị vay vốn mà quay ra xác nhận các chế độ hỗ trợ khác cho người lao động.
Nới lỏng theo hướng nào?
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - NHNN đồng cảm với các doanh nghiệp về việc khó tiếp cận gói 16.000 tỷ đồng. Ông Hùng cho rằng, điều kiện của gói vay này không dễ nên chưa có doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu để vay vốn. Cụ thể, theo quy định của Ngân hàng Chính sách Xã hội, doanh nghiệp muốn tiếp cận gói 16.000 tỷ đồng phải có từ 20% hoặc 30 người lao động trở lên đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên; đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động trong khoảng thời gian từ 1/4 đến 30/6.
Ngoài ra, doanh nghiệp muốn vay vốn phải đang gặp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho người lao động, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả cho người lao động ngừng việc. Đồng thời, doanh nghiệp không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm ngày 31/12/2019.
Qua khảo sát và tập hợp các kiến nghị từ doanh nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định 15/2020/QĐ-TTg. Theo đó, khoản 2 Điều 13 Quyết định 15 được đề nghị sửa đổi từ “đang gặp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho người lao động, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả lương cho người lao động ngừng việc” thành “doanh thu quý I/2020 giảm từ 20% trở lên so với quý IV/2019 hoặc so với cùng kỳ năm 2019”. Nội dung sửa đổi, bổ sung này dự kiến có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Như vậy, việc ban hành Quyết định sửa đổi bổ sung Quyết định 15 sẽ giảm bớt các tiêu chí, điều kiện chưa thực sự phù hợp với thực tiễn. Qua đó, gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng sẽ thực sự chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, bảo đảm cuộc sống của người lao động, góp phần ổn định xã hội, đảm bảo an sinh xã hội trong thời gian tới.
Tuy nhiên, ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Cty TNHH Quốc Tế Delta cho rằng, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay được gói hỗ trợ, cơ quan chức năng có thể căn cứ vào doanh thu của doanh nghiệp trong mấy tháng dịch bệnh… Ngoài ra, có thể nới rộng thêm thời gian cho vay 6-12 tháng, chứ 3 tháng như hiện nay sẽ không có nhiều ý nghĩa với doanh nghiệp, chưa đủ để doanh nghiệp kịp “thở”.
Sau khi tiếp nhận các kiến nghị từ các bộ, ngành, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với ngành ngân hàng để điều chỉnh các tiêu chí một cách phù hợp giúp doanh nghiệp có thể đáp ứng yêu cầu được tiếp cận gói tín dụng.
Thủ tướng cũng giao Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính báo cáo việc này trên tinh thần điều chỉnh tiêu chí nhưng ngân sách hỗ trợ vẫn giữ mức 16.000 tỷ đồng.
Ông Phạm Bắc Bình - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Đà Nẵng:
Việc gói vay 16.000 tỉ đồng đến thời điểm này vẫn còn nguyên vẹn là minh chứng rõ nhất cho việc chính sách này không đi vào đời sống. Nhu cầu vay tiền để trả lương cho người lao động của các doanh nghiệp là có nhưng khi chính sách được đưa ra thì kèm theo những điều kiện khó. Chúng chẳng khác gì những giấy phép con, trói buộc doanh nghiệp mà để làm được thì quá phiền phức. Đơn cử như việc quỹ vay để trả lương nhưng với điều kiện doanh nghiệp phải trả 50% lương cho người lao động, nộp đầy đủ BHYT và BHXH, đồng thời doanh nghiệp đó không được có nợ xấu, nợ quá hạn ở các ngân hàng, phải sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương. Như vậy, chỉ cần doanh nghiệp không đáp ứng 1 trong số các điều kiện trên hay đơn giản là không trích lập quỹ dự phòng lương thì không đủ điều kiện.
Bà Nguyễn Thị Thanh Vân - Giám đốc Cty Đồ gỗ mỹ nghệ Khánh Phong:
Quyết định 15 của Chính phủ là chủ trương rất tốt, giúp họ có thêm nguồn lực để giữ nhân viên khi khởi động trở lại. Song nhiều quy định về điều kiện, thủ tục phức tạp, rườm rà. Đơn cử như việc doanh nghiệp phải chứng minh khó khăn về tài chính, các chứng chỉ hành nghề, giấy phép đầu tư... Đặc biệt là quy định để được vay vốn lãi suất 0% phải có từ 20% người lao động trở lên đang tham gia BHXH bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên. Như vậy không lẽ để được vay tiền hỗ trợ, chúng tôi phải sa thải 20% đủ nhân viên đang có ở công ty?