Aa

Doanh nhân Việt Nam thời Covid hãy “tập khiêu vũ dưới mưa để kinh doanh trong bão tố“

Thứ Tư, 13/10/2021 - 06:00

Tâm thế của cả hệ thống, của nền kinh tế, của mỗi cá nhân và cộng đồng doanh nghiệp phải là: Không đợi chờ cơn bão qua đi, mà “tập khiêu vũ dưới mưa để sống chung với bão”.

1. Cộng đồng doanh nhân đã bước vào “tuổi 17 - bẻ gẫy sừng trâu” kể từ ngày Thủ tướng Phan Văn Khải quyết định lấy ngày 13/10 làm Ngày Doanh nhân Việt Nam (năm 2004). Và chúng ta kỷ niệm “sinh nhật” năm nay đúng vào những tháng ngày gian nan nhất, khi đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến khó lường và những biện pháp giãn cách xã hội đã gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng đối với nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp. Tăng trưởng GDP quý III là - 6,17% - mức âm sâu nhất trong lịch sử. Trên 94% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của đại dịch.

Bình quân mỗi tháng có trên 1 vạn doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường và lần đầu tiên số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường lớn hơn số doanh nghiệp được thành lập mới. Các doanh nghiệp đang hoạt động cũng trong tình trạng suy kiệt, nhiều doanh nghiệp không còn khả năng thanh khoản, không ít doanh nghiệp trên thực tế đã chết lâm sàng… Các doanh nghiệp nói rằng họ khó có thể chịu đựng thêm 3 đến 6 tháng tới.

Xin được tri ân và chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam vì những gian truân mà họ đang phải chịu đựng, cũng như những cố gắng dũng cảm của họ để vượt lên, lo công ăn việc làm cho người lao động, lo các hoạt động an sinh và phòng ngừa dịch bệnh, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh,  đóng góp vào tăng trưởng.

2. Những ngày đầu tháng 10 năm nay cũng đánh dấu một thời điểm hệ trọng của nền kinh tế Việt Nam. Sau khi bước đầu khống chế tương đối tốt dịch Covid-19, chúng ta đã tái khởi động mở cửa nền kinh tế ở TP.HCM, các tỉnh miền Đông Nam Bộ, ở Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác. Chúng ta kỳ vọng sản xuất lưu thông sẽ bước vào giai đoạn phục hồi, nhưng dòng người lao động “hồi hương” với quy mô chưa từng có, dù là tự nhiên và chính đáng, để giúp người lao động có thể ổn định về tâm lý, phục hồi sức khoẻ và quay trở lại thị trường lao động sau này, nhưng cũng gây ra biết bao khó khăn cho doanh nghiệp trong việc nối lại chuỗi cung ứng lao động trong nhiều ngành sản xuất, đặc biệt là những ngành sử dụng nhiều lao động và các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ...

Chúng ta biết rằng, để nối lại chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu… doanh nghiệp chỉ cần 3 đến 6 tháng, còn nối lại chuỗi cung ứng về lao động có thể kéo dài 6 tháng đến cả năm. Vì vậy, tiến trình tái khởi động phục hồi nền kinh tế càng trở nên khó khăn hơn và nỗi gian truân đang đè nặng lên vai những người điều hành doanh nghiệp.

3. Dù công cuộc phòng chống Covid-19 đã đạt được những thành quả bước đầu, nhưng theo dự báo, loại virus này sẽ không sớm mất đi và có thể sẽ là phần tất yếu của cuộc sống trong nhiều năm tháng nữa. Và dù Covid-19 có qua đi, những loại virus, dịch bệnh và những tai họa khác phát sinh từ biến đổi khí hậu, chiến tranh thương mại và những hệ lụy mặt trái của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 cũng sẽ đẩy thế giới này vào một tương lai nhiều bất định, mơ hồ, căng thẳng hơn, phức tạp hơn và cũng mong manh hơn…

Chúng ta đang sống trong một thế giới không ngừng thay đổi và một năng lực cạnh tranh cốt lõi trong vòng quay đó chính là khả năng thích ứng, chống chịu cao. Tâm thế của cả hệ thống, của nền kinh tế, của mỗi cá nhân và cộng đồng doanh nghiệp phải là: Không đợi chờ cơn bão qua đi, mà “phải tập khiêu vũ dưới mưa để sống chung với bão”. Sống chung với dịch bệnh Covid cũng cần một cách tiếp cận như vậy.

TS Vũ Tiến Lộc

4. 1/3 thế kỷ qua đi kể từ khi có Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty, 17 năm sau khi được chính danh, đội ngũ doanh nhân Việt đang trong làn sóng khởi nghiệp lần thứ 2, gắn với công cuộc hồi sinh trong bối cảnh Covid-19. Nếu làn sóng khởi nghiệp đầu tiên mang ý nghĩa của sự giải phóng (sức dân), tạo ra thật nhiều việc làm cho xã hội, đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo, thì làn sóng khởi nghiệp thứ 2 (hay còn gọi là sáng nghiệp) sẽ là một kỷ nguyên phát huy trí tuệ toàn dân để đưa đất nước vượt bẫy thu nhập trung bình, trở thành một quốc gia hưng thịnh. Và không ai khác, doanh nghiệp, doanh nhân là những người đứng mũi chịu sào.

5. Trong kỷ nguyên mới này, mô hình kinh doanh mà các doanh nhân cần phải định hình chính là “số hóa”, “xanh hóa”, “xã hội hóa” - một mô hình hiệu quả, nhân văn, có khả năng thích nghi cao và khả năng chống chịu. Về “số hóa” thì rõ rồi, chuyển đổi số tích hợp với các công nghệ khác của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 sẽ làm cho doanh nghiệp trở nên thông minh hơn, hiệu quả hơn. “Xanh hóa” sẽ giúp chúng ta bảo vệ được trái đất, thân thiện với môi trường. Nhưng chỉ riêng “xanh hóa”, “số hoá” sẽ không thể làm nên mùa xuân, và tôi muốn nhấn mạnh đến xu hướng mà chúng ta có thể tạm gọi là: “xã hội hóa” hay nói khác đi là đề cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Đã qua rồi cái thời các doanh nhân chỉ biết coi lợi nhuận là tối thượng, ngày nay các nhà kinh doanh phải hướng tới phụng sự xã hội là đích đến hàng đầu. Doanh nghiệp phải có trách nhiệm hơn với người lao động, với đối tác, với bạn hàng, với xã hội, với cộng đồng. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được gia tăng và mô hình “doanh nghiệp xã hội” đang là một sự lựa chọn của nhiều người khởi nghiệp. Chúng ta có quyền kỳ vọng về một thời doanh nghiệp xã hội sẽ lên ngôi và mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhân văn, bền vững sẽ trở thành hiện thực.

TS Vũ Tiến Lộc

6. Không hề là hàn lâm, lý thuyết, mà thực tiễn thời Covid và những biến đổi khôn lường của những ngày đang sống đã làm chúng ta ngộ ra giá trị thật sự của mỗi con người. Tầm vóc của doanh nhân ngày nay sẽ không còn chủ yếu đo bằng tài sản, mà sẽ đo bằng sự nể trọng, sự tri ân của xã hội thông qua sự cống hiến, sự dấn thân. Và tôi tin rằng, trong lòng dân tộc đang hình thành đội ngũ doanh nhân như thế và các doanh nhân hàng đầu đang kể cho chúng ta những câu chuyện nhân văn, chứ không phải chỉ là những câu chuyện kinh doanh.

GIẢI PHÁP 5T TỪ CHÍNH PHỦ

1T. Trợ thở

Trở lại với bài toán cơm áo gạo tiền thời Covid, chúng ta đã có quyết định đúng đắn, nhưng rất khó khăn, đó là “mở cửa” nền kinh tế, chấp nhận sống chung an toàn với dịch. Và “mở cửa”, “sống chung” là cỗ máy “trợ thở” lớn nhất cho các doanh nghiệp trong cơn nguy kịch. Mở cửa, sống chung giúp doanh nghiệp kết nối lại với bầu khí quyển kinh doanh, với thị trường để tái khởi động sản xuất kinh doanh. Mở cửa hay là chết. Mở cửa muộn hơn thì cái giá chúng ta phải trả sẽ vô cùng lớn!

2T. Tiếp máu

Để yểm trợ cho doanh nghiệp tái khởi động để phục hồi, tôi đề nghị Chính phủ tiếp tục bổ sung và tổ chức thực hiện thật tốt, thật nhanh các gói hỗ trợ về tài khóa, tiền tệ, an sinh – xã hội cho người dân và doanh nghiệp. Các biện pháp giãn hoãn, giảm thuế, phí, giảm giá, giảm lãi suất, nới lỏng các điều kiện cho vay… cần phải được thực hiện với phạm vi rộng hơn, liều lượng lớn hơn, thời hạn dài hơn. Và cần phải tích hợp, cộng hưởng tốt hơn giữa chính sách tài khóa và tiền tệ để tiếp máu cho doanh nghiệp. Tôi đề nghị cần mở rộng phạm vi giảm thuế giá trị gia tăng, bổ sung các biện pháp mới như bảo lãnh tín dụngcấp bù lãi suất cho vay từ ngân sách… để yểm trợ cho những nỗ lực cho vay và giảm lãi suất của hệ thống ngân hàng. Chúng ta đang còn dư địa để thực hiện chính sách tài khóa ngược chu kỳ hỗ trợ cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

3T. Tháo gỡ khó khăn vướng mắc, cởi trói cho doanh nghiệp

Đẩy mạnh cải cách thể chế và thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp vẫn là nhiệm vụ trung tâm để hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp. Thể chế, thủ tục hành chính phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và tăng cường khả năng chống chịu cho doanh nghiệp và cho nền kinh tế. Cải cách thủ tục hành chính cho giai đoạn tái khởi động, phục hồi nền kinh tế cũng phải triển khai thần tốc, khẩn trương như việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh để tranh thủ thời cơ cho doanh nghiệp vượt lên.

Chúng ta vui mừng khi Quốc hội đã đặt ra chương trình Nghị sự tập trung giải quyết 135 nhiệm vụ xây dựng pháp luật cho cả nhiệm kỳ, Chính phủ cũng đã trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phương án 1 luật sửa 10 luật để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nhiều chính sách tích cực khác cũng sẽ được ban hành, mà việc sửa đổi Luật Đất đai vào năm 2022 là một điểm nghẽn lớn cần được gỡ bỏ. Những quyết sách như vậy cần phải thực hiện nhanh. Và tôi đề nghị chúng ta không bỏ cuộc và vẫn cần tiếp tục theo đuổi mục tiêu đưa Việt Nam vào nhóm 3, nhóm 4 nền kinh tế có môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh hàng đầu ASEAN trong 5 – 10 năm tới để yểm trợ cho doanh nghiệp

TS Vũ Tiến Lộc

4T. Thúc đẩy nâng cấp doanh nghiệp về quản trị, công nghệvề nguồn nhân lực thông qua việc đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tư vấn, đào tạo… giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực nội sinh để cạnh tranh thắng lợi. Ở đây cần có sự chung tay của các cơ quan chính quyền, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp. Cấp tập thúc đẩy các công tác trên thông qua nền tảng trực tuyến ngay từ bây giờ là một việc hết sức cần thiết.

5T. Tăng cường liên kết, mở rộng các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư để yểm trợ doanh nghiệp tiếp cận các thị trường. Trong thời đại dịch các chuỗi cung ứng đang được định hình lại thì sự nhanh chân của doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam sẽ quyết định thành công của chúng ta. Chúng ta hoan nghênh các hoạt động xúc tiến trực tuyến được triển khai đón đầu cho thời mở cửa. Chính phủ cần có kế hoạch thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động quan trọng này.

VÀ "3 HÓA" TỪ PHÍA CỘNG ĐỒNG DOANH NGHIỆP

Chúng tôi đề nghị, bên cạnh các biện pháp cấp bách trước mắt như xây dựng các phương án vay, trả nợ, nối lại khả năng thanh khoản, khôi phục thị trường và bạn hàng truyền thống, kết nối lại các chuỗi cung ứng đã bị đứt gãy do đại dịch… cho một vài tháng tới, rất cần ngay lập tức triển khai giải pháp “3 HOÁ” như tôi đã đề cập ở trên: xanh hoá, số hoá, xã hội hoá… để xây dựng một mô hình kinh doanh hiệu quả và có khả năng chống chịu, trong đó cần tăng cường các phương án quản trị rủi ro, xử lý tranh chấp để có thể sống chung an toàn trong thời kinh doanh được dự kiến sẽ có nhiều bão tố. “Hãy tập khiêu vũ dưới mưa để sống chung với bão” – Không thể nào khác được! – Đó phải là tâm thế của chúng ta./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top