Aa

Doanh thu 19 tập đoàn, tổng công ty “bốc hơi” 27.376 tỷ đồng do dịch Covid-19

Ngọc Tiến
Ngọc Tiến ngoctienreatimes@gmail.com
Thứ Ba, 07/04/2020 - 17:13

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, dự kiến doanh thu của các tập đoàn, tổng công trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong quý I/2020 giảm khoảng 27.376 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019.

7 tập đoàn, tổng công ty lỗ khoảng 3.728 tỷ đồng

Theo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban), dự kiến, doanh thu của các tập đoàn, tổng công trực thuộc Ủy ban trong quý I/2020 giảm khoảng 27.376 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, 7 tập đoàn, tổng công ty đã bắt đầu không cân đối được thu chi, tổng số lỗ khoảng 3.728 tỷ đồng.

Cũng theo tính toán, dự kiến năm 2020, nếu dịch bệnh kéo dài, giá dầu không khôi phục, doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty sẽ giảm 279.767 tỷ đồng so với kế hoạch; 8 tập đoàn, tổng công ty bị thua lỗ với số lỗ khoảng 26.324 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước giảm 32.836 tỷ đồng so với kế hoạch.

Nguyên nhân là do tình hình dịch bệnh Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp và nghiêm trọng trên toàn thế giới, người dân hạn chế đi lại, tiếp xúc dẫn đến nhiều hoạt động sản xuất, du lịch, dịch vụ phải tạm ngừng. Đồng thời, do tác động của cuộc chiến thương mại cùng với giá dầu giảm mạnh, dẫn đến một số doanh nghiệp thuộc Ủy ban đang phải chịu tác động kép.

Cụ thể, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VNA) là doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề nhất. Theo Ủy ban, trong 3 tháng đầu năm nay, doanh thu hợp nhất của VNA ước đạt 19.212 tỷ đồng, giảm 6.712 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019, lỗ 2.383 tỷ đồng. Dự kiến cả năm 2020, nếu dịch kéo dài và kết thúc vào quý IV/2020 thì tổng doanh thu của VNA ước đạt 38.140 tỷ đồng, giảm 72.411 tỷ đồng so với kế hoạch, ước lỗ 19.656 tỷ đồng.

Hiện tại, VNA đã dừng toàn bộ các đường bay quốc tế và duy trì khai thác các đường bay nội địa ở mức tối thiểu. Từ đầu tháng 3/2020, Tổng Công ty đã buộc phải đơn phương chậm thanh toán một số khoản nợ đến hạn. VNA đang phải gia tăng vay ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu thanh toán.

Dư nợ vay ngắn hạn tính đến ngày 20/3/2020 của VNA lên tới 3.568 tỷ đồng, nhiều khoản đến hạn thanh toán đang bị tạm dừng, dòng tiền dự kiến sẽ thiếu hụt lũy kế xấp xỉ 15.000 tỷ đồng trong năm 2020.

“Với tình hình tài chính trong thời gian tới, nguy cơ các ngân hàng sẽ không tiếp tục cho vay theo yêu cầu của VNA và các công ty con”, báo cáo của Ủy ban nhấn mạnh.

Dự kiến doanh thu của các tập đoàn, tổng công trực thuộc Ủy ban trong quý I/2020 giảm khoảng 27.376 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019

Tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), tổng doanh thu quý I/2020 ước đạt 4.064 tỷ đồng, giảm 832 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019; lợi nhuận ước đạt 1.857 tỷ đồng, giảm 586 tỷ đồng so với cùng kỳ. Dự kiến năm 2020, doanh thu của ACV đạt 11.339 tỷ đồng, giảm 10.230 tỷ đồng so với kế hoạch; lợi nhuận đạt 1.476 tỷ đồng, giảm 9.335 tỷ đồng so với kế hoạch năm 2020.

Trong khi đó, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) phải chịu tác động kép của giá dầu giảm và dịch bệnh. Theo đó, quý I/2020 tổng doanh thu ước đạt 88.300 tỷ đồng, giảm 13.194 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận sau thuế ước đạt 4.440 tỷ đồng, giảm 4.580 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019.

Theo báo cáo của PVN, trong trường hợp giá dầu thô giảm xuống 55 USD/thùng đến 30 USD/thùng, doanh thu của tập đoàn sẽ giảm 9.200 tỷ đồng đến 55.100 tỷ đồng, nộp ngân sách cũng giảm tương ứng từ 5.000 tỷ đồng đến 27.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), doanh thu quý I/2020 giảm 1.706 tỷ đồng, ước lỗ hơn 570 tỷ đồng. Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) giảm 1.200 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận giảm 44 tỷ đồng. Tổng công ty Đường sắt (VRN) doanh thu quý I/2020 giảm 65 tỷ đồng, ước lỗ khoảng 100 tỷ đồng. Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), doanh thu công ty mẹ quý I/2020 giảm 87 tỷ đồng, ước lỗ công ty mẹ 94 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng xảy ra đối với Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba), Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tổng công ty Viễn thông MobiFone; Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) và Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).

Kiến nghị nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động

Tại báo cáo, Uỷ ban đã đề xuất, kiến nghị một số nội dung để Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành xem xét, nhằm giải quyết các khó khăn cấp bách, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuộc Uỷ ban ứng phó, duy trì được hoạt động trong thời gian dịch và khôi phục sản xuất, kinh doanh sau khi dịch kết thúc.

Cụ thể, Uỷ ban kiến nghị Bộ Công thương xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền để tạo điều kiện thuận lợi về nguyên, nhiên liệu đầu vào cho việc sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn (Tập đoàn Dệt may Việt Nam), dung dịch sát khuẩn (Tập đoàn Hoá chất Việt Nam), các trang thiết bị y tế (các doanh nghiệp dược phẩm của SCIC). Trong trường hợp đã đáp ứng đủ nhu cầu trong nước thì cho phép được xuất khẩu phù hợp với khả năng sản xuất của doanh nghiệp. Đồng thời, chỉ đạo và cho phép Tổng công ty Lương thực miền Bắc, miền Nam được tiếp tục xuất khẩu gạo với sản lượng phù hợp sau khi có kết quả khảo sát nhu cầu và nguồn cung trong nước.

Bộ Giao thông vận tải xử lý dứt điểm những vướng mắc trong đầu tư lắp đặt hệ thống thu phí ETC để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hệ thống thu phí điện tử tự động không dừng, giảm thiểu việc sử dụng tiền mặt tại các trạm thu phí để hạn chế nguy cơ lây bệnh.

Về các hỗ trợ tài chính thuế, tài chính, thương mại, đầu tư và chế độ chính sách, Uỷ ban kiến nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước xem xét khoanh nợ gốc, kéo dài thời hạn vay của các hợp đồng tín dụng, không tính lãi phạt trên lãi và gốc chậm trả trong thời gian dịch, được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và không chuyển nhóm nợ; tiếp tục cho các doanh nghiệp vay vốn lưu động và duy trì hạn mức vay vốn lưu động để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh cho Tập đoàn Hoá chất Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam,…

Ủy ban cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước sớm có hướng dẫn về trình tự, thủ tục khơi thông nguồn vốn, để các tập đoàn, tổng công ty sớm tiếp cận được gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng, thời hạn cho vay tối thiểu 3 năm, lãi suất 0% phục vụ nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thanh toán lương cho người lao động.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hướng dẫn cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các dự án cấp bách sử dụng vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước (theo phương án chỉ định thầu với điều kiện giảm 5% giá trị dự toán xây dựng) để đẩy nhanh tiến độ đầu tư, giảm ách tắc nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp đã chuẩn bị, nhất là các dự án ngành điện, các dự án hạ tầng hàng không, như: Dự án nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình mở rộng, Yali mở rộng, các dự án nhiệt điện khí Ô Môn, đường dây tải điện Vân Phong - Vĩnh Tân, các dự án sửa chữa, nâng cấp sân bay, đường băng đang bị xuống cấp tại sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài…

Ngoài ra, tại báo cáo, Ủy ban cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành về một số nội dung khác như: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xem xét giảm ít nhất là 50% số tiền đóng phí đoàn viên, điều chỉnh thời điểm đóng phí công đoàn phù hợp. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bảo hiểm xã hội Việt Nam miễn giảm bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp và các quỹ bảo hiểm liên quan cho doanh nghiệp. 

Đồng thời, có chế độ hỗ trợ, trợ cấp đối với người lao động không có việc làm, giảm thu nhập do dịch, nhất là doanh nghiệp dệt may, nông, lâm nghiệp, khai khoáng, vận tải...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top