“Các tổ chức tín dụng phải xác định chia sẻ đồng hành hỗ trợ với các doanh nghiệp, trên thực tế trong 1 tháng vừa qua ngành ngân hàng đã làm rất tốt nhưng phải làm tốt hơn nữa. Những đơn vị chưa quyết liệt thì giờ phải quyết liệt hơn nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.”
Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú tại cuộc họp với các tổ chức tín dụng về tăng cường triển khai các giải pháp của ngành ngân hàng hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 2/3 tại Hà Nội.
44.000 khách hàng được hỗ trợ
Đến nay, hệ thống tổ chức tín dụng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ngân hàng là một trong những ngành đi đầu trong việc chủ động đề xuất, quyết liệt thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, được Chính phủ, các tổ chức Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp, người dân đánh giá cao.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn từ đó gia tăng tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu. Theo báo cáo của 23 tổ chức tín dụng, ước tính có khoảng 926.000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, chiếm khoảng 14,27% trên tổng dư nợ của 23 tổ chức này và chiếm khoảng 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống. Trong đó một số ngành có khả năng ảnh hưởng lớn như nông, lâm nghiệp và thủy sản, doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ lưu trú, ăn uống, thực phẩm, đồ uống, vận tải, dệt may, da giầy, điện tử, điện lạnh, dầu khí, du lịch, giáo dục…
Cũng theo ông Hùng, trong vòng 3 tuần kể từ khi họp với Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng đã khẩn trương rà soát tình hình khách hàng vay vốn để chủ động xây dựng chương trình, kịch bản hành động nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn. Bước đầu ghi nhận từ các tổ chức tín dụng hỗ trợ cho trên 44.000 khách hàng với dư nợ khoảng 222.000 tỷ đồng thông qua các biện pháp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay các khoản nợ hiện hữu, giảm lãi vay các khoản cho vay mới, miễn giảm các loại phí, triển khai các chương trình, sản phẩm tín dụng...
Bên cạnh đó, gần 30 ngân hàng thương mại đã đồng hành cùng NAPAS triển khai các chương trình miễn, giảm phí chuyển tiền nhằm chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng và khách hàng, góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Ngoài ra, Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) đã giảm mức thu dịch vụ thông tin tín dụng để giúp các tổ chức tín dụng giảm chi phí, hạ lãi suất, qua đó gián tiếp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của người dân và doanh nghiệp.
Ông Lê Ngọc Lâm, quyền Tổng Giám đốc BIDV cho biết, hiện BIDV đã giảm lãi suất, cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng. COVID-19 ảnh hưởng đến tổng thể của nền kinh tế nên BIDV cũng bị ảnh hưởng khi huy động và cho vay trong 2 tháng đầu năm bị sụt giảm 2% so với cuối năm 2019. Theo đánh giá sơ bộ, số khách hàng, ngành nghề bị ảnh hưởng với tổng dư nợ 140.000 tỷ đồng, xấp xỉ 13% toàn bộ dư nợ cho vay của BIDV tới các các khách hàng.
Còn ông Phạm Hoàng Đức, thành viên điều hành Hội đồng thành viên của Agribank cho hay COVID-19 ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến khách hàng của Agribank do đó ngân hàng quyết định giữ nguyên nhóm nợ. Ngân hàng cũng dự định sẽ giảm 1%/năm lãi suất cho các đối tượng bị ảnh hưởng này và theo tính toán, số tiền hỗ trợ lãi suất khoảng 500 tỷ đồng (quý 1). Nếu dịch này kéo dài sang quý 2 thì con số này khoảng 1.000 tỷ đồng, và dịch kéo hết năm thì số tiền hỗ trợ giảm lãi suất khoảng 2.000 tỷ đồng.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Agribank dành 70.000 - 100.000 tỷ đồng để cho vay các đối tượng ưu tiên trong việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ.
Ông Phạm Quang Dũng, Tổng Giám đốc Vietcombank cũng cho biết đã thông báo giảm lãi suất từ 0,5% - 1,5% cho các khách hàng là doanh nghiệp, cá nhân sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch. Đối với khách hàng vay USD hiện hữu sẽ giảm lãi suất 0,5% với các khoản vay ngắn hạn và 0,75% đối với các khoản vay trung, dài hạn. Dư nợ của các khoản vay hiện hữu với các khách hàng nói trên hiện khoảng 30.000 tỷ đồng, tức ngân hàng sẽ giảm lãi khoảng 300 - 450 tỷ đồng.
Không ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú chia sẻ, dịch COVID-19 chưa biết khi nào mới kết thúc và ngày càng lan rộng. Hiện Trung Quốc và Hàn Quốc là nước có quan hệ thương mại, đầu tư, du lịch, xuất khẩu lao động với Việt Nam rất lớn. Vì vậy đây là một khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam.
“Khó khăn này trong thời gian tới tiếp tục tác động đến nền kinh tế, đến doanh nghiệp và chắc chắn tác động đến hoạt động ngân hàng mà chưa ai biết dịch kết thúc khi nào. Chính vì vậy, mọi dự báo, phân tích đánh giá lúc này đều mang tính chất sơ bộ,” Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Từ đó, ông Tú yêu cầu các tổ chức tín dụng phải luôn quan tâm đến chỉ đạo của Trung ương, các bộ ngành, địa phương để nhanh chóng khắc phục khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sớm ổn định và phát triển.
Cũng theo Phó Thống đốc, các ngân hàng thương mại phải chủ động tự cân đối, không nên ỷ lại vào sự hỗ trợ tài chính của Ngân hàng Nhà nước cũng như Nhà nước đối với từng tổ chức tín dụng. Phải tính toán câu chuyện hoãn, giãn, cơ cấu lại khoản nợ, giảm lãi, giảm phí... trên tinh thần tự lực từ chính mình; tiếp tục triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch; đảm bảo mặt bằng lãi suất hợp lý và thực hiện nghiêm quy định của Ngân hàng Nhà nước về trần lãi suất cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên…
Cũng theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, hiện cơ quan này đang tiếp tục đưa ra lấy ý Dự thảo Thông tư quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh này.
Tại buổi họp, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng đã biểu dương 20 ngân hàng thương mại đã tích cực, chủ động triển khai hỗ trợ doanh nghiệp, khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-10 (bao gồm: Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV, SeABank, ACB, Techcombank, OCB, MB, SCB, Bản Việt, Kienlongbank, Sacombank, TPBank, VPBank, Eximbank, PVCombank, Coopbank và 2 ngân hàng nước ngoài gồm CIMB Việt Nam và United Oversaes Việt Nam)./.