Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ Tín dụng nghiên cứu, chỉ đạo các ngân hàng thương mại tái cơ cấu nợ, chuyển nợ, giãn nợ…
Trong trường hợp bị ảnh hưởng do dịch bệnh, các ngân hàng sẽ được NHNN hỗ trợ thanh khoản. Hiện thanh khoản của các ngân hàng thương mại vẫn dồi dào, không có hiện tượng thiếu vốn nên không được tăng lãi suất.
Sáng 6/2, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức hội nghị với các ngân hàng thương mại để triển khai giải pháp cụ thể, phối hợp tính toán thiệt hại nhằm có phương án tín dụng phù hợp đặc biệt là những ngành nghề bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch nCoV.
Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú cho biết từ đầu năm, dịch nCoV đã bùng phát tại Trung Quốc và lan rộng ra nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo ông, dịch bệnh có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, nhất là các ngành dịch vụ du lịch, logistics, xuất nhập khẩu, sản xuất nông nghiệp… từ đó ảnh hưởng đến hoạt động cho vay, trả nợ ngân hàng.
Ông Đào Minh Tú yêu cầu các vụ Chính sách tiền tệ, Tín dụng nghiên cứu, chỉ đạo các ngân hàng thương mại tái cơ cấu nợ, chuyển nợ, giãn nợ… nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị thiệt hại do dịch nCoV gây ra. Các đơn vị cũng chủ động nghiên cứu để trong thời gian sớm nhất (không quá 2 tuần) hoàn thành dự thảo cơ chế hỗ trợ cho các đối tượng vay vốn ngân hàng bị tác động bởi dịch bệnh này.
Ngân hàng phải bảo đảm tránh việc lợi dụng cơ chế hỗ trợ làm ảnh hưởng tới thị trường tín dụng cũng như việc phân loại, xử lý nợ xấu. NHNN sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các NHTM trong trường hợp bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Hiện thanh khoản của các ngân hàng thương mại vẫn dồi dào, không có hiện tượng thiếu vốn. Do vậy, các ngân hàng thương mại không được tăng lãi suất, kể cả lãi suất huy động. Trong trường hợp cần thiết, NHNN sẽ có điều chỉnh để gián tiếp hỗ trợ các ngân hàng thương mại giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.
Các ngân chủ động đánh giá khả năng, mức độ thiệt hại của khách hàng vay vốn do ảnh hưởng của dịch nCoV, nhất là những ngành, lĩnh vực có thể bị ảnh hưởng nhiều như du lịch, nông nghiệp, xuất khẩu và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận vốn, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn dịch.
Ông Tú yêu cầu các tổ chức tín dụng triển khai giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng lớn bởi dịch nCoV.
Các tổ chức tín dụng chủ động phân tích, đánh giá, dự báo và xây dựng chương trình hành động, giải pháp hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng do dịch nCoV gây ra trên tinh thần tháo gỡ, chia sẻ khó khăn với khách hàng thực hiện các giải pháp như: cơ cấu lại nợ, xem xét thực hiện miễn giảm lãi suất, chi phí cho khách hàng trên cơ sở cân đối khả năng tài chính, đưa ra các gói tín dụng ưu đãi đối với khách hàng, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực bị thiệt hại do dịch nCoV.