Aa

Độc đáo phế phẩm lõi ngô biến thành than không khói "vàng đen"

Chủ Nhật, 19/07/2020 - 06:00

Từ lõi ngô - một phế phẩm nông nghiệp bị bỏ đi, nhiều đơn vị trên địa bàn tỉnh Sơn La đã nghiên cứu, sản xuất thành than bánh có nhiệt năng cao, không gây ô nhiễm môi trường, có thể thay thế than tổ ong, than củi.

Vài năm trở lại đây, với sự hỗ trợ của khoa học, công nghệ, các loại phụ, phế phẩm đã được tận dụng để sản xuất thành thanh nhiên liệu đốt, than hoạt tính, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn về năng lượng, thay thế chất đốt truyền thống, góp phần bảo vệ môi trường.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hiện cả nước có khoảng 800.000ha trồng ngô. Quá trình chế biến nông sản đã thải ra môi trường khoảng 1 triệu tấn lõi ngô mỗi năm. Lượng lõi ngô này mới được người dân sử dụng một phần làm chất đốt, một phần rất nhỏ được dùng để trồng nấm, còn lại chủ yếu thải bỏ ra ngoài vệ đường, dòng suối gây ô nhiễm môi trường.
Nhận thấy nguồn nguyên liệu dồi dào bị lãng phí, nhiều doanh nghiệp tại Mộc Châu, Sơn La đã tận dụng, chế biến thành than lõi ngô cho nhiệt lượng cao.  
Nguyên liệu đầu vào gồm các phế phẩm, nông, lâm nghiệp như mùn cưa, trấu, lõi ngô, mùn tre, các cây thân mộc khô. Được biết, khi nhà máy hoạt động ổn định, đạt trên 80% công suất thiết kế, cần tiêu thụ trên 15.000 tấn nguyên liệu/năm. 
Lõi ngô sau khi thu gom từ các xưởng xay xát sẽ được nghiền nhỏ và trộn với một số phụ gia để đóng thành bánh than, hoặc lõi ngô sau khi nghiền nhỏ được cho vào máy ép tạo thành những thanh củi lõi ngô (tương tự củi trấu).
Đây là giải pháp không chỉ tạo ra nguồn chất đốt mới có nhiệt lượng cao thay thế than đá mà còn giải quyết được lượng lớn phế thải lõi ngô. Sản xuất chất đốt từ lõi ngô còn góp phần giải quyết phần nào vấn đề ô nhiễm môi trường.
Sản phẩm than sinh học làm từ lõi ngô có nhiệt lượng từ 7.000 - 8.500 calo/kg, cao hơn một số loại than cám, than bùn, than non và một số loại than đang khai thác tại các mỏ than Suối Bàng, Mường Lựm, Tô Pan... trên địa bàn tỉnh Sơn La. Thời gian cháy của 1kg than này có thể kéo dài 200 phút, khi cháy không có khói và mùi. Hàm lượng carbon trong than sinh học có thể đạt từ 75 - 85%.
Thanh ép nhiên liệu tuy có nhiệt lượng thấp hơn than đá 15 - 20% (20MJ/kg) nhưng có độ tro rất thấp (tối đa 5% khối lượng tổng) nên sử dụng hiệu quả hơn than đá, dầu, củi, khí gas. Ngoài việc xuất khẩu sang các nước, sản phẩm thanh ép nhiên liệu đốt và than sinh học còn có các khách hàng tiềm năng là những cơ sở sản xuất, chế biến nông, lâm sản có sử dụng hệ thống nhiệt, lò hơi hoạt động dân sinh...
Được biết, các phế phẩm được xử lý qua quá trình nghiền nhỏ để trở thành mùn hỗn hợp, sàng để loại bỏ tạp chất, sau đó được chuyển qua công đoạn sấy khô và cho vào máy ép thành củi than có dạng hình ống rỗng, độ dài mỗi thanh khoảng 40cm, trọng lượng khoảng 0,8kg, cuối cùng được đem vào lò nung chuyển hóa thành than thành phẩm. So với các loại than khác, thanh nhiên liệu đốt và than hoạt tính có ưu điểm bắt lửa nhanh, nhiệt tỏa cao, không khói, không mùi, thời gian giữ nhiệt kéo dài từ 3 - 5 giờ và không gây độc hại cho môi trường và người sử dụng.
Với việc tận dụng, thu mua các nguồn phế phẩm, phế thải trong sản xuất, chế biến nông, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La đã góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân, đồng thời, tạo ra công việc ổn định cho khoảng 25 lao động với mức lương bình quân 4,5 - 5 triệu đồng/tháng.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top