Aa

Đọc sách xong thì làm gì?

Chủ Nhật, 06/05/2018 - 06:01

Đấy. Bảy trăm năm trước Đức Thánh Trần đã bảo cái bọn chỉ biết trao chữ truyền lời dập khuôn là quân ngu dốt, làm hại đến muôn dân. Đọc sách cụ là phải hiểu, phải ngấm vào não vào tim rồi ra tùy thời mà xử!

Một câu hỏi xem ra có vẻ ngớ ngẩn!

Bởi ai chả biết, sách là người thày lớn nhất của nhân loại. Thày giáo, về một nghĩa nào đó chỉ là người hướng dẫn chúng ta biết cách đọc sách mà thôi. Thế nên câu trả lời có vẻ đúng đắn và đơn giản nhất sẽ là đọc sách xong rồi, học xong rồi thì chúng ta đi thực hành. Đi làm những việc mà chúng ta đã học được trong những quyển sách kết tinh bao nhiêu là tinh hoa tri thức của nhân loại đó.

Thế nhưng ông bạn nhà thơ vong niên của tôi, Nguyễn Bảo Sinh, lại viết:

“Không đọc sách không thành ta

Không xé sách cũng không ra con người!”

Thế là thế nào?

Người xưa đã dạy, “Nhân bất học bất tri lý”. Người mà không được học, được đọc sách thánh hiền thì chả biết cái lý lẽ gì ở đời. Từ cái lý ăn lý ở cho đến cái lý của muôn loại chúng sinh xung quanh... Tóm lại chả biết cái gì! Thế nên bậc trí giả thốt lên, không đọc sách không thành ta là vậy! Ta, người đã đọc hết đến ba bồ chữ trong số bốn bồ của cả gầm trời này - như hai cụ Thần Siêu, Thánh Quát đất kinh kỳ từng tự phụ - mới thành ra được cái Ta, cái Tôi chói lọi! Mới thành một con người có cái danh trong trời đất: Nhà văn, nhà thơ, nhà báo, thày thuốc, nhà giáo, nhà doanh nghiệp, kỹ sư, nhà chính trị... Thế nhưng sao đọc sách xong lại phải xé sách mới ra con người?

Thế mà nay cũng còn khối kẻ đọc sách xong không biết cách “Xé” đi, lại cứ khư khư ôm lấy. Rồi thì tầm chương trích cú. Rồi thì ra rả phải nọ phải chai theo lời ai đấy! Hẳn nên gọi những kẻ ấy là gì? Chưa ra con người được!

Gần đây một bà khá ghê gớm trong giới học thuật văn nghệ có phát biểu một câu rất hay, “đọc chưa vỡ chữ!” Ấy là để chỉ những người đọc sách nhưng hầu như chả hiểu gì. Họ có biết mặt chữ, nhưng chả hiểu cái ý tứ sâu xa mà người viết truyền tải đằng sau câu chữ, tình huống, thân phận nhân vật. Họ chỉ biết chữ a là chữ a. Thêm chữ n thì thành chữ an. An nhàn, an thân... thế thôi. Nhọc công nghiền ngẫm làm gì cho nhọc xác. Mà một trong những cái niềm vui thú của đọc sách phải là khi chúng ta đọc những dòng chữ, trong đêm vắng hay giữa ồn ào phố thị. Hay giữa giảng đường qua lời thày dạy, ta thấy bừng lên ánh sáng đốn ngộ, của tri thức, của tình người, của muôn vàn những điều tốt đẹp. Và những điều ấy ngấm luôn vào người ta, vào thịt ta, máu ta, vào trái tim khối óc ta. Để rồi trở thành ta. Thành ra một con người...

Viết đến đây thì tôi chợt hiểu cái ý tứ sâu xa của ông nhà thơ kia, đúng là khi đọc xong một quyển sách, dù hay đến đâu, xong, thì ta phải “XÉ” nó đi! Đừng quan tâm đến nó nữa! Bởi bao nhiêu tri thức đỉnh cao trong cuốn sách ấy nó đã phải ở trong người ta rồi. Đã biến thành tri thức của ta rồi. Không khác gì như khi chúng ta nuốt thức ăn, vào trong người, bộ máy tiêu hóa phải xử lý, gạn lọc, lấy hết các tinh chất bồi đắp nuôi dưỡng cơ thể. Còn những cái cặn bã được tống ra ngoài. Thật kinh khủng khi ta nghĩ nếu mình ăn gì mà cơ thể không hấp thu được. Vào đường trên ra đường dưới thì... Thế nên tôi rất hãi các ông bà tầm chương trích cú, lâu lâu lại thấy dẫn một ông/bà nào đó ở xa lắc xa lơ, thậm chí từ đời củ tỉ âm ti nào đó ra vài lời để coi đó cứ như là chân lý! Hãi lắm! Tôi nhìn họ như nhìn người có bộ máy tiêu hóa bị hỏng, ăn gì lại nhả ra ấy! Hoặc là, kiểu như con vẹt, “chào mừng quý khách, hân hạnh đến nhà!” Cơ mà nó có biết đâu hôm nay quý khách nó đang chào mừng kia, lại là thằng cướp đang lận một bồ dao đến xử ông chủ của nó...

Nên càng ngẫm, càng thấy ông Bảo Sinh thâm thật!

 

Sách hay đến đâu thì đọc xong cũng phải “Xé” đi. Quên đi. Đừng lúc nào cũng dở ra mà ông X, bà Y, ông Z đã dạy, trang N dòng P chương Q đã viết... Thì không thành người được đâu!

Thành người, thành một Ta - đây, là phải nói, viết, tuyên ngôn cái đã hấp thu được từ những người thày vĩ đại: Sách! Những điều đã hấp thu, chiêm nghiệm, chuyển hóa thành cái của riêng mình ấy, để rồi mới hiên ngang: Tôi nói. Ta nói. Tôi khẳng định. Ta cho rằng... Dõng dạc và tự tin của người hiểu biết.

Cách đây hơn bảy trăm năm, Đức ông Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn sau khi viết cuốn “VẠN KIẾP TÔNG BÍ TRUYỀN THƯ”, đúc kết lại những tinh hoa sự nghiệp võ công lừng lẫy của ngài, đã rất cẩn thận dặn lại hậu thế về cái sự học, sự đọc pho sách bí truyền ấy như sau: “Sau này, con cháu và bồi thần của ta, ai học được bí thuật này phải sáng suốt mà thi hành, bày xếp thế trận. Không được ngu dốt mà trao chữ truyền lời. Nếu không thế thì mình chịu tai ương mà vạ lây đến con cháu. Thế gọi là tiết lộ thiên cơ đó”. 

Đấy. Bảy trăm năm trước Đức Thánh Trần đã bảo cái bọn chỉ biết trao chữ truyền lời dập khuôn là quân ngu dốt, làm hại đến muôn dân. Đọc sách cụ là phải hiểu, phải ngấm vào não vào tim rồi ra tùy thời mà xử! Thế mà nay cũng còn khối kẻ đọc sách xong không biết cách “Xé” đi, lại cứ khư khư ôm lấy. Rồi thì tầm chương trích cú. Rồi thì ra rả phải nọ phải chai theo lời ai đấy! Hẳn nên gọi những kẻ ấy là gì? Chưa ra con người được!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top