Aa

Mặt Tiền & Tiền Mặt

Chủ Nhật, 29/04/2018 - 06:01

Mấy hôm ở Hạ Long, tôi đã đọc và ngẫm nghĩ mãi về cái bài của ông bạn mình. Chủ nghĩa mặt tiền phát tác dữ dội bởi nó đẻ ngay ra tiền mặt! Chén ngay. Đút túi ngay. Hưởng thụ ngay. Còn thì "makeno". Sống chết mặc bay tiền thày bỏ túi!

Mấy hôm nay vừa đọc được một bài cực hay trên facebook của ông bạn, Nhà giáo Chu Văn Sơn: CHỦ NGHĨA MẶT TIỀN. Sâu sắc. Những câu chữ như lưỡi dao lách vào mổ xẻ những căn nguyên của mớ bệnh tật trên cơ thể xã hội nước ta. Tôi không lạm bàn nhiều về bài viết này. Ai muốn có thể đọc nguyên văn trên trang của ngài tiến sĩ ngữ văn này rồi tự cảm nhận. Ấy chính là cái thú của sự đọc vậy. Bài hay, nhưng có thể mỗi người sẽ cảm được rất khác nhau. Nói theo ngôn ngữ của các ngài lý luận phê bình là, sự tiếp nhận khác nhau vậy...

Các cụ ở quê tôi thì hay ca dao: “Thoạt trông bóng bẩy ngoài da/ trong thì ghẻ lở tim la tám tầng”. Cũng là để nói về cái mặt tiền! Về cái sự phô phang mặt tiền hào nhoáng xanh đỏ tím vàng, mà phía sau nó là cả một sự lố lăng, vô bổ, hỗn tạp, vô tích sự, thậm chí là hãi hùng kinh hoàng. Thế nhưng mặc các cụ nói, dạy đủ kiểu từ xưa. Nền văn minh mặt tiền giờ đây hình như không vì thế mà giảm phần náo nhiệt. Thày Chu Văn Sơn cũng đã liệt kê phân tích đủ. Ở đây tôi chỉ kể cho các bạn nghe cái cảm nhận của mình về một trong những thành tích vô tiền khoáng hậu của cái CHỦ NGHĨA MẶT TIỀN trong quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị: Hệ quả vô cùng thảm khốc của cái tư duy mặt tiền, phân lô bán nền tràn ngập mấy chục năm nay trên đất nước ta.

Chuyện là mấy hôm nay tôi được mời đi nghỉ ở Hạ Long.

Đã lâu rồi tôi không xuống Hạ Long nên cũng háo hức tới xem sao. Xuống để chứng kiến một thành phố, một tỉnh luôn dẫn đầu cả nước mấy năm gần đây về các chỉ số phát triển. Họ đã phát triển tới cỡ nào? Thế rồi buổi đầu tiên, tôi đi từ nơi nghỉ, xuôi dọc theo con đường Bãi Cháy năm xưa nay được đặt tên là đường Hạ Long. Lên cầu Bãi Cháy. Sang khu phố thị Hòn Gai xưa. Đi theo con đường bao ven biển. Đi dọc con đường trung tâm mới làm. Rồi chưa cảm thấy thỏa mãn, tôi bèn mua vé cáp treo đi ngang qua vịnh, lên núi Ba Đèo nơi có vòng quay nữ hoàng ngắm cảnh toàn thành phố. Rốt cuộc tôi đã thấy gì?

Một sự thất vọng tận cùng!

Hàng nghìn héc ta vịnh Hạ Long đã bị lấp! Bây giờ gọi là vịnh có lẽ hơi khiên cưỡng, nó đã bị biến thành vũng. Vâng, có lẽ gọi là vũng Hạ Long thì đúng đắn hơn cả. Đứng trên cao nhìn xuống mới thấy rõ ra là một thành phố phát triển vô tổ chức, hầu như không có một quy hoạch kiến trúc rõ rệt nào. Nhìn những dãy nhà, dãy phố ken sát bờ biển tôi mới chợt hiểu, tại sao cách đây mấy năm tại thành phố này lại xảy ra vụ lũ ống, lũ quét khiến bao người chết là vậy. Một nghịch lý do chính con người tạo ra, thành phố chủ yếu là núi đồi cạnh biển, mà nước mưa trên núi không có đường thoát dồn thành lũ ống lũ quét! Thật là tài tình cho cái sự nghiệp quy hoạch, xây dựng của chúng ta! Quá tài! Tài đến thế thì thôi! Qua đây xin được bày tỏ lòng ngưỡng mộ đến các ngài đã, đang chịu trách nghiệm xây dựng thành phố này. Và hy vọng sẽ không có vụ lũ quét thứ hai.

Trận mưa lũ lịch sử ở Quảng Ninh năm 2015 gây ra nhiều thiệt hại nặng nề

Trận mưa lũ lịch sử ở Quảng Ninh năm 2015 gây ra nhiều thiệt hại nặng nề

Thế nhưng đấy chưa phải là sự thất vọng cùng cực của tôi về Hạ Long.

Hôm mới xuống, tôi đã dành một buổi chiều đi bộ dọc con đường Bãi Cháy năm xưa, khoảng 4 - 5 ki lô mét gì đó. Con đường xưa bắt đầu từ bến phà, một bên là núi với những nhà khách, khách sạn. Một bên là biển Hạ Long xanh ngắt, bãi cát vàng và đường đi dạo với những cây dừa, cây phượng vĩ xôn xao đùa với gió biển. Trên con đường này, tôi đã từng đi dạo nhiều lần những buổi chiều hè xuống đây nghỉ. Chỉ để hóng gió biển từ vịnh thổi vào. Nhưng bây giờ, suốt từng ấy quãng đường, từ nơi nghỉ xuống đến bến phà cũ, tôi không nhìn thấy biển! Không ngửi thấy hơi mặn mòi của gió biển. Không nhìn thấy cả những hòn đảo đá lô nhô thành lũy của cái vịnh đã từng được vinh danh là di sản thiên nhiên thế giới. Dù đau đớn lắm tôi vẫn phải nói ra sự thực thế này: Người ta đã bán xong cái mặt tiền đẹp đẽ nhất của vịnh Hạ Long cho một số ông chủ! Bây giờ con đường Bãi Cháy thơ mộng đẹp đẽ năm xưa đã bị bịt kín bởi tầng tầng lớp lớp các công trình của những tập đoàn nói trên. Xưa người đi tắm biển Bãi Cháy, nghỉ trên khách sạn trên đồi chỉ cần ào qua đường là xuống bãi rỡn sóng. Nay muốn tắm biển phải đi mải miết hàng cây số qua đất của các ông chủ và phải trả tiền mới được nhúng chân xuống biển!

Một nghịch lý kinh hoàng đang diễn ra ở Hạ Long.

Mà không phải chỉ là ở Hạ Long, Quảng Ninh. Mà cái nghịch lý điên rồ, hệ quả của chủ nghĩa mặt tiền như ngài tiến sĩ Chu Văn Sơn đúc kết nó đang diễn ra ở khắp nơi trên đất nước này. Tài nguyên thiên nhiên của chung nhân dân: Núi non, rừng biển, nắng, gió, bãi cát, dòng sông... Đang bị những kẻ hám tiền chiếm đoạt vô lối, chia chác cho nhau, rồi lại bày trò nọ kia móc túi nhân dân! Cứ tốc độ của lòng tham phi mã thế này, tôi đồ rằng đến lúc nào đó chúng ta thở cũng phải trả tiền chứ không chỉ là tắm biển mà thôi!

Thật là một sự lạ lùng ở đất nước này. Tài nguyên thiên nhiên chung đang bị ngang nhiên, công khai bán lẻ cho vài người làm của riêng!

Mấy hôm ở Hạ Long, tôi đã đọc và ngẫm nghĩ mãi về cái bài của ông bạn mình. Chủ nghĩa mặt tiền phát tác dữ dội bởi nó đẻ ngay ra tiền mặt! Chén ngay. Đút túi ngay. Hưởng thụ ngay. Còn thì "makeno". Sống chết mặc bay tiền thày bỏ túi! Non sông cẩm tú của cha ông bao đời đấu tranh, khai phá, xây dựng mới giành được nay lại lọt vào tay vài kẻ tham lam vô độ đơn giản như thế này sao? Tôi đã đi khá nhiều nơi dọc đất nước này. Tôi đã đọc, nghe, xem... hàng ngày. Và tôi thấy những cái vòi của con bạch tuộc tham lam kia đang sục sạo khắp nơi: Sầm Sơn, Đà Nẵng, Lý Sơn, Vũng Tàu, Phú Quốc...

Tôi bỗng lạnh gáy khi chợt nghĩ rằng, nếu có kẻ nào đó định âm mưu nuốt chửng đất nước này, có khi chúng chỉ cần mua một vài tay nào đó là xong! Nhóm lợi ích - chủ nghĩa tư bản thân hữu: Sự kết hợp của quan chức thoái hóa với một số doanh nghiệp tham lam chỉ biết có tiền, bán lẻ cho nhau từng phần đất nước, biển trời, núi sông xong. Rồi có khi đến lúc chúng nó bán buôn một phát luôn không biết chừng!

Bạn có nghĩ vậy không?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top