Theo nhận định của các chuyên gia, trải qua năm 2020 với nhiều biến động do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, bước sang năm 2021, thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ sôi động trở lại.
Những điểm sáng trên nền xám COVID-19
Điểm sáng đầu tiên có thể kể đến là nhiều điểm nghẽn chính sách đã được tháo gỡ. Cụ thể, các chính sách về nhà ở và thị trường bất động sản được ban hành trong năm 2020 bắt đầu có hiệu lực tạo ra những kịch bản lạc quan cho nhà đầu tư (NĐT).
Đáng chú ý là Luật Đầu tư sửa đổi 2020 được ban hành; Luật Xây dựng sửa đổi 2020. Tiếp theo đó, Nghị định 25/2020 quy định một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn NĐT và các Thông tư hướng dẫn tạo động lực phát triển các loại hình bất động sản. Đặc biệt, hàng ngàn dự án trên cả nước đang “mắc cạn” khi có các thửa đất công nhỏ hẹp xen kẹt được gỡ khó bởi Nghị định 148/2020 sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.
Thực tế đã chứng minh, những chính sách mới được ban hành đã tháo gỡ kịp thời hơn, ngày càng sát với vướng mắc của doanh nghiệp hơn.
Điểm sáng thứ hai đến từ việc Việt Nam đang tiếp tục thể hiện là quốc gia khống chế tốt dịch bệnh COVID-19. Trong khi, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới và các giải pháp về vắc xin vẫn đang trong quá trình phát triển thì việc tiếp tục khống chế tốt dịch bệnh sẽ khẳng định Việt Nam là điểm đến an toàn cho cả dòng vốn đầu tư FDI cũng như việc sinh sống, định cư của chuyên gia nước ngoài tại Việt Nam.
Theo đó, các doanh nghiệp vốn đã sở hữu quỹ đất công nghiệp lớn từ trước cũng như một số “ông lớn” mới đây công bố kế hoạch tham gia phát triển các dự án hạ tầng khu công nghiệp lớn. Điều này ngày càng trở nên rõ rệt khi nhiều tập đoàn lớn bày tỏ ý định chuyển dịch dòng vốn đầu tư từ các nước, đặc biệt là từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Điểm sáng thứ 3 là việc bản thân các doanh nghiệp bất động sản trong nước đang ngày càng chuyên nghiệp, phát triển bền vững và giàu “nội lực” hơn.
Còn nhiều thách thức
Bên cạnh những điểm sáng thì thị trường bất động sản 2021 vẫn còn ẩn chứa nhiều thử thách. Thách thức đầu tiên là những dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng kiểu mới, dù đã có nhiều văn bản hướng dẫn, nhưng các loại hình sản phẩm căn hộ, biệt thự du lịch, nhà phố thương mại, căn hộ kết hợp văn phòng… vẫn chưa thực sự được “định danh” một cách rõ ràng.
Trong khi đó, theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc sửa đổi Luật Đất đai 2013 được xem là giải pháp căn cơ nhất thì sẽ tiếp tục phải chờ Quốc hội khóa mới bàn thảo.
Vấn đề thứ hai là việc các NĐT, nhất là các NĐT nhỏ lẻ đã và đang tham gia thị trường đất nền và bất động sản công nghiệp vốn đã được đẩy giá lên quá cao, lên đến cả chục lần trong các tháng cuối năm 2020. Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng kiểu mới dù đã có nhiều văn bản hướng dẫn nhưng vẫn đang chờ được “định danh” một cách rõ ràng Việt Nam, việc tăng giá này không đi kèm với các yếu tố gia tăng về hạ tầng tương ứng khiến cho biên độ tăng giá của các bất động sản này trong năm 2021 còn rất ít dư địa, thậm chí là sẽ có nguy cơ thoái trào.
Ngoài ra, việc phát triển các phân khúc nhà ở giá thấp, nhà ở xã hội và cải tạo chung cư cũ vẫn tiếp tục là thách thức đặt ra cho cơ quan quản lý nhà nước cũng như các địa phương khi việc giải quyết bài toán hài hòa lợi ích doanh nghiệp, nhà nước và người dân vẫn đang được xem là chưa có lời giải tối ưu./.