Aa

Dòng tiền bất động sản “chảy” về vùng ven sau sáp nhập

Thứ Bảy, 19/07/2025 - 15:53

Việc sáp nhập đơn vị hành chính mở ra cơ hội quy hoạch đô thị đồng bộ, kéo theo làn sóng đầu tư bất động sản ở các khu vực tiềm năng.

Nhu cầu an cư dịch chuyển

Ngay từ sáng sớm, con hẻm nhỏ ở phường Tân Đông Hiệp, TP.HCM (trước đây thuộc tỉnh Bình Dương) bắt đầu nhộn nhịp. Gia đình anh Nguyễn Văn Trọng (38 tuổi) chuẩn bị cho một ngày mới bằng việc đưa con nhỏ đi học ở trường gần nhà, còn hai vợ chồng thay phiên nhau lái xe máy về hướng trung tâm TP.HCM - nơi cả hai cùng làm việc. Quãng đường mỗi lượt đi dài hơn 25 km, nhưng với anh Trọng, đó không phải là cái giá quá lớn để có được một nơi gọi là nhà.

Theo anh Trọng, khi anh quyết định mua căn hộ chung cư hơn 1,6 tỷ đồng tại khu vực này, nhiều người thân, bạn bè đều tỏ ý ngần ngại. Họ bảo, sao lại dọn đi xa vậy, đi làm khổ lắm. Nhưng với anh, áp lực giá nhà tại khu vực trung tâm khiến giấc mơ an cư ngày càng xa vời. Một căn chung cư cũ tầm trung ở các quận nội thành giờ cũng 3 - 4 tỷ đồng, chưa kể chi phí sửa chữa, tiền gửi xe, phí quản lý cao. Vợ chồng anh không kham nổi.

Trong khi đó, căn hộ ở vùng ven không chỉ vừa túi tiền, mà còn có nhiều yếu tố hấp dẫn khác, như khu dân cư hiện đại, tiện ích đầy đủ, môi trường sống yên tĩnh và đặc biệt là hạ tầng giao thông đang phát triển mạnh.

“Hồi trước, từ đây vào trung tâm mất hơn một tiếng rưỡi. Giờ Quốc lộ 13 đã mở rộng, sắp tới sẽ mở rộng thêm phần còn lại, nên thời gian di chuyển rút xuống còn 45 - 60 phút. Như vậy, khoảng cách không còn là trở ngại nữa”, anh Trọng nói.

Dòng tiền bất động sản “chảy” về vùng ven sau sáp nhập- Ảnh 1.

Dòng tiền bất động sản “chảy” về vùng ven sau sáp nhập. (Ảnh minh hoạ)

Câu chuyện của gia đình anh Trọng không phải là cá biệt. Một khảo sát gần đây từ các sàn giao dịch bất động sản cho thấy, làn sóng người mua nhà dịch chuyển ra vùng ven, khu vực sau sáp nhập hành chính tăng mạnh, không chỉ vì giá cả hợp lý hơn, mà còn bởi tiềm năng quy hoạch tại các khu vực này ngày càng rõ nét.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Property Guru Việt Nam nhận định, các khu vực vùng ven như Dĩ An, Thuận An (Bình Dương cũ), hay khu vực giáp ranh TP.HCM thuộc Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) đang hình thành tam giác phát triển đô thị - công nghiệp - dịch vụ mới, khiến thị trường bất động sản tại đây sôi động trở lại, thu hút không chỉ nhà đầu tư , mà cả người mua để ở thật.

Điểm đáng chú ý là, hạ tầng kết nối liên vùng như tuyến metro, quốc lộ mở rộng, cầu vượt, đường vành đai đã tạo điều kiện để người dân dễ dàng di chuyển và thời gian di chuyển không quá chênh lệch so với sống trong thành phố.

Bà Trịnh Thị Kim Liên, Giám đốc Kinh doanh Dat Xanh Services cũng cho rằng, tâm lý người mua nhà hiện nay đã thay đổi. Thay vì bám trụ trung tâm bằng mọi giá, họ ưu tiên không gian sống thoải mái, có tiện ích, có tương lai tăng giá và quan trọng nhất là đáp ứng được khả năng tài chính .

“Những khu vực vùng ven sau sáp nhập thường có quy hoạch mới bài bản, khả năng trở thành trung tâm hành chính - kinh tế mới là rất rõ ràng. Việc mua nhà ở đây không chỉ là lựa chọn an cư, mà còn là đầu tư dài hạn”, bà Liên chia sẻ.

Xu hướng tất yếu

Theo phân tích của giới chuyên môn, khi khu vực trung tâm TP.HCM ngày càng trở nên quá tải, quỹ đất ngày càng khan hiếm, nên việc giãn dân ra vùng ven và các địa phương lân cận là xu hướng tất yếu. Đặc biệt, thời gian qua, hàng loạt dự án hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ kết nối từ trung tâm TP.HCM với nhiều khu vực vệ tinh, nên làn sóng “ly tâm” sẽ diễn ra ngày càng mạnh mẽ hơn.

Thực tế cho thấy, những nơi có hạ tầng kết nối tốt đều kích thích mạnh xu hướng “ly tâm”. Chẳng hạn, kể từ khi Quốc lộ 13 được đầu tư mở rộng, hàng loạt dự án bất động sản đã mọc lên. Hiện nay, không ít trường hợp người dân có nhà ở Bình Dương, Long An (cũ), nhưng làm việc tại TP.HCM.

“Thị trường đang xuất hiện một bộ phận người dân dù đã có nhà ở TP.HCM, nhưng vẫn muốn săn tìm quỹ đất xây nhà vườn ở các khu vực vùng ven để đi về cuối tuần. Đây là nhu cầu thực và ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt là với các khu vực đã sáp nhập vào TP.HCM”, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Việt An Hòa chia sẻ.

Ở góc nhìn vĩ mô, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhấn mạnh, nhà đầu tư cần bình tĩnh để đón nhận các thay đổi về chủ trương, quy hoạch, chiến lược phát triển tại các địa phương sau sáp nhập. Lý do là, giá trị bất động sản chỉ bền vững nếu gắn liền với tăng trưởng kinh tế và môi trường đầu tư được cải thiện. Việc đầu tư “lướt sóng” theo tin đồn có thể tiềm ẩn rủi ro lớn.

Ông Đính khuyến nghị, trong giai đoạn biến động hiện nay, nhà đầu tư nên lựa chọn hướng đi có chọn lọc, dựa trên dữ liệu thực tế và đánh giá tương thích vùng. Đó là chìa khóa để giảm thiểu rủi ro và đảm bảo hiệu quả đầu tư lâu dài.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top