Thị trường vừa có một tuần diễn biến tích cực hơn kỳ vọng nhờ dòng tiền của nhà đầu tư trong nước có dấu hiệu quay trở lại sau khi đã rút ra vào giai đoạn cuối tháng 4 vừa qua. Điều này được thấy rõ khi thanh khoản của thị trường tăng 14% trong tuần giao dịch.
Chính phủ đang tiếp tục có những chính sách mới nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trở lại mạnh mẽ sau đại dịch. Thông tin tích cực liên tục được bơm ra thị trường khiến cho tâm lý nhà đầu tư có phần hưng phấn và kích hoạt dòng tiền đang đứng ngoài thị trường quay trở lại.
Rõ ràng các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế trong nước chưa cho thấy hiệu quả thực tế, nhưng thị trường có thể sẽ phản ứng tích cực trong ngắn hạn trước khi những chuyển biến vĩ mô thực sự diễn ra.
Chứng khoán thế giới diễn biến trái chiều và nhiễu loạn thông tin
Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng điểm trong bối cảnh các thị trường chứng khoán trên thế giới biến động trái chiều. Các thị trường lớn của châu Âu đã kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 12/5 trong sắc xanh, trong khi Dow Jones của Mỹ đóng nến tuần giảm điểm sau khi hấp thụ khá nhiều thông tin nhiễu loạn ở tuần qua.
Các nhà đầu tư đang kì vọng cho việc Fed sẽ tạm ngừng đà tăng lãi suất trong cuộc họp ngày 13 - 14/6 sau khi số liệu lạm phát của Mỹ đang cho thấy dấu hiệu tích cực hơn. Tuy nhiên, một số ít quan chức Fed lại cho rằng lạm phát vẫn ở ngưỡng cao và lãi suất cần phải tăng thêm 0,25% so với hiện tại, nếu nền kinh tế có diễn biến như kỳ vọng của họ.
Điều quan trọng hơn, Fed sẽ giữ mức lãi suất cao thế này trong bao lâu. Theo các phát biểu gần nhất của chủ tịch Fed Jerome Powell, chu kì này sẽ kéo dài ít nhất đến cuối năm 2023. Nếu lãi suất cao duy trì càng lâu thì những bất ổn của lĩnh vực ngân hàng ngày càng rõ rệt và tạo thêm nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang chậm lại.
Vấn đề trần nợ công của Mỹ cũng rất được các nhà đầu tư quan tâm. Nếu Quốc hội Mỹ không kịp thời nâng trần nợ công thì Bộ Tài chính Mỹ sẽ phải xem xét để thanh toán những nghĩa vụ nợ với các thứ tự ưu tiên do số dư tiền mặt của cơ quan này đang ở mức rất thấp và vừa giảm thấp nhất ở tháng 4 vừa qua.
Hôm thứ năm, ông Jamie Dimon CEO của JPMorgan cũng nhấn mạnh rằng càng tiến đến gần ngày Chính phủ Mỹ “cạn tiền” thì sẽ càng mang đến những rủi ro không thể lường trước. Ông cho hay: “Chúng tôi phải rất cẩn trọng trước tình huống như vậy vì tâm lý hoảng sợ sẽ xảy ra. Sự hoảng loạn là điều duy nhất khiến mọi người sợ hãi và đưa ra những quyết định phi lý.” Ông Jamie Dimon cũng cho biết ngân hàng này đã thành lập “phòng chiến tranh” để xem xét và ứng phó với các tình huống bất ngờ.
Kịch bản nào cho thị trường chứng khoán Việt Nam?
Với tuần giao dịch tích cực vừa qua, chỉ số VN-Index đã vượt MA10 trên khung tuần và tiệm cận kênh tăng giá. Với việc thanh khoản tích cực hơn, dòng tiền nhà đầu tư đang kì vọng cho một nhịp tăng ngắn hạn của thị trường. Các phiên giao dịch tới đây, VN-Index sẽ kiểm định lại kháng cự trong kênh giảm giá. Nếu chỉ số vượt vùng 1070 cùng với dòng tiền duy trì như hiện tại, thị trường có thể kì vọng cho một nhịp tăng trong ngắn hạn. Cùng với đó, các cổ phiếu blue-chips có dòng tiền lớn tham gia sẽ là một dấu hiệu xác nhận rõ ràng hơn. Kháng cự tiếp theo cần lưu ý là vùng 1085 xa hơn là 1100.
Nhà đầu tư nên chốt lời dần các cổ phiếu đã có đà tăng từ trước như bất động sản, dầu khí hay một vài cổ phiếu penny chạy riêng lẻ, tránh fomo mua đuổi. Nếu tham gia giải ngân mua mới trong kịch bản thị trường test kênh thành công, nhà đầu tư có thể quan tâm đến các nhóm cổ phiếu đang có dấu hiệu vượt nền như đầu tư công (BCC, VCG, KSB) hay nhóm thép (NKG, HSG).
Dòng tiền đầu cơ ngắn hạn liên tục ra vào thị trường và luân chuyển giữa các dòng, vậy nên nhà đầu tư cũng không nên kì vọng quá cao ở giai đoạn hiện tại. Tuân thủ tuyệt đối kỉ luật, áp dụng chiến lược “đánh nhanh rút gọn”, tránh tình trạng bị chôn vốn trong bối cảnh điểm mua dài hạn không còn xa./.