Aa

Dòng vốn ngoại, đòn bẩy cho M&A BĐS năm 2018

Thứ Ba, 15/08/2017 - 06:01

Dòng vốn ngoại, đòn bẩy cho M&A BĐS năm 2018; Chủ dự án Alma khởi kiện Luật sư Trương Anh Tú, đòi bồi thường hơn 80 tỷ đồng; Thị trường BĐS: Mặt bằng bán lẻ cần chất hơn lượng; Bavico lại bị tố "nuốt lời"; Năm nay có hai ‘tháng cô hồn', doanh nghiệp địa ốc làm ăn ra sao?;… là những tin tức nổi bật về BĐS 24 giờ qua.

Dòng vốn ngoại, đòn bẩy cho M&A BĐS năm 2018

Theo tài liệu M&A Việt Nam Forum 2017, năm 2016, tổng giá trị M&A tại Việt Nam đạt 5,8 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay, tăng trưởng gần 12% so với năm 2015. Trong đó, BĐS vẫn là ngành được đánh giá khá cao với mức tăng trưởng 9,63%.

6 tháng đầu năm 2017, thị trường BĐS lại đón nhận những thương vụ M&A mới, trong đó thương vụ đáng chú ý đầu tiên là CapitaLand chi gần 52 triệu USD mua lại khu đất rộng hơn 5.000 m2 tại phường Cầu Kho, quận 1, TP.HCM (Dự án VRG River View) nhằm phát triển một khu phức hợp quốc tế loại A đầu tiên tại Việt Nam của tập đoàn này. Dự án sẽ nhận giải ngân từ quỹ đầu tư 500 triệu USD, vốn được CapitaLand triển khai vào tháng 11 năm ngoái.

Những dự án như Saigon One Tower, quận 1, TP.HCM là nguồn hàng tốt cho các thương vụ M&A bất động sản. Ảnh: Gia Huy.

Những dự án như Saigon One Tower, quận 1, TP.HCM là nguồn hàng tốt cho các thương vụ M&A BĐS. Ảnh: Gia Huy.

Dự án VRG River View do Công ty TNHH Cảnh Sông - liên doanh giữa Công ty cổ phần Xây dựng - Địa ốc Cao su (RCC) thuộc Tập đoàn Công nghiệp - Cao su Việt Nam (VRG) và Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Phát triển Vinacon làm chủ đầu tư.

Cũng trong cùng kỳ, CapitaLand đã công bố việc mua lại 90% cổ phần của Công ty TNHH CapitaLand Thanh Niên - đơn vị đang sở hữu khu đất rộng 8.000 m2 tại phường Thảo Điền, quận 2, TP.HCM để phát triển thành dự án với 317 căn hộ.

Keppel Land, một nhà phát triển khác của Singapore, cũng đã chi 846 tỷ đồng (tương ứng 37 triệu USD) để tăng cổ phần lên 16% trong dự án Saigon Centre của họ tại trung tâm TP.HCM.

Hongkong Land (Hồng Kông, Trung Quốc) cũng đã chính thức trở thành đối tác chiến lược của Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) trong việc khai thác các dự án nhà ở trên quỹ đất nhận được tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Theo giới phân tích thị trường, những đột phá cho thị trường M&A 
BĐS sẽ đến từ 2 nhân tố, đó là những dự án đang "đắp chiếu" và những dự án cổ phần hóa nhà nước.

Xem chi tiết tại đây.

Chủ dự án Alma khởi kiện Luật sư Trương Anh Tú, đòi bồi thường hơn 80 tỷ đồng

Cụ thể, Công ty ALMA cho biết, Tòa án Nhân dân TP. Nha Trang, nơi Công ty ALMA có địa chỉ trụ sở chính, đã chính thức thụ lý Đơn khởi kiện của công ty này đối với luật sư Trương Anh Tú.

“Về việc yêu cầu ông Trương Anh Tú bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cho Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường; buộc ông Trương Anh Tú chấm dứt hành vi xâm phạm, chấm dứt việc đăng tải thông tin, bình luận và phát biểu ý kiến sai lệch gây bất lợi, gây hiểu nhầm cho Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường, Dự án ALMA và Hợp đồng Sở hữu kỳ nghỉ trên các phương tiện truyền thông, công cộng;

Gỡ bỏ, đề nghị các phương tiện truyền thông gỡ bỏ, cải chính công khai các thông tin, ý kiến sai lệch gây bất lợi, gây hiểu nhầm cho Công ty TNHH Khu Du lịch Vịnh Thiên Đường, Dự án ALMA, Hợp đồng Sở hữu Kỳ Nghỉ và xin lỗi công khai Công ty TNHH Khu Du lịch Vịnh Thiên Đường bằng chính phương tiện truyền thông mà ông Tú đã đăng tải hoặc có ý kiến”, đại diện ALMA cho biết.

Cùng liên quan tới vấn đề này, ALMA cho biết, đã đề nghị Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, Liên Đoàn Luật sư Việt Nam xem xét xử lý hành vi vi phạm pháp luật và Quy tắc ứng xử của luật sư Trương Anh Tú.

Trao đổi về vấn đề này, TS. Luật sư Trần Đình Triển, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.Hà Nội, kiêm Trưởng ban Bảo vệ quyền lợi Luật sư cho biết, thời gian vừa qua, văn phòng Luật sư Trương Anh Tú là đơn vị trợ giúp pháp lý, bảo vệ quyền lợi của một số người dân và khách hàng ký kết hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ với Công ty Vịnh Thiên Đường. Xung quanh sự việc này, không chỉ LS. Tú mà một số cơ quan ngôn luận của Việt Nam cũng lên tiếng để phản ánh những dấu hiệu chưa chuẩn xác trong hoạt động kinh doanh của chủ đầu tư dự án ALMA.

Xem chi tiết tại đây.

Phát triển nóng BĐS tại Nha Trang: "Con dao 2 lưỡi" gây nhiễu thị trường

Mới đây, Hội Môi giới BĐS Việt Nam đã tổ chức buổi sơ kết tình hình hoạt động 6 tháng đầu năm tại Hà Nội. Bên cạnh những nhận định tích cực về thị trường, tại cuộc họp này, ông Trần Đình Quý, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Khánh Hòa (KAREB) một lần nữa đã phải lên tiếng cảnh báo về những nhiễu loạn đang xảy ra tại thị trường BĐS Nha Trang khi thị trường đang chứng kiến sự phát triển quá nóng.

Dẫn chứng số liệu thống kê của Sở kế hoạch và Đầu tư Khánh Hoà, ông Quý cho biết, chỉ tính riêng trên địa bàn TP. Nha Trang có gần 100 dự án BĐS nghỉ dưỡng, trong đó có 12 dự án đã đi vào hoạt động, 32 dự án đang triển khai xây dựng, 49 dự án đang lập thủ tục đầu tư.

Số liệu của Savills cũng cho thấy, lần đầu tiên Nha Trang vượt Đà Nẵng dẫn đầu thị trường về số lượng giao dịch thành công trong quý I/2017 là 750 giao dịch, cao hơn con số 600 giao dịch của toàn bộ thị trường Đà Nẵng.

Bên cạnh sức “nóng” của condotel, phân khúc đất nền tại Nha Trang cũng đang “xôm” không kém.

Bên cạnh sức “nóng” của condotel, phân khúc đất nền tại Nha Trang cũng đang “xôm” không kém.

Không chỉ về số lượng giao dịch thành công, Nha Trang đã vượt qua Đà Nẵng trở thành thị trường nghỉ dưỡng có thời gian lưu trú của khách du lịch cao nhất Việt Nam. Cụ thể, thời gian lưu trú trung bình của khách quốc tế đến Nha Trang là 3,5 ngày, cao hơn hẳn so với 2,8 ngày ở Đà Nẵng và 2,6 ngày ở Phú Quốc.

Theo dự báo Savills Việt Nam, vào năm 2020, lượng du khách tới Nha Trang sẽ tăng từ 5 triệu hiện tại lên 7,2 triệu lượt. Khi đó, sẽ phải có 19.200 phòng khách sạn 3 - 5 sao mới đáp ứng được nhu cầu, nhưng với nguồn cung hiện tại thì chỉ có thể cung cấp 17.600 phòng sau 4 năm nữa.

Bên cạnh sức “nóng” của condotel, ông Quý cho rằng phân khúc đất nền tại Nha Trang cũng đang “xôm” không kém. Theo thống kê mới nhất, toàn TP. Nha Trang đang có hơn 30 khu đô thị triển khai xây dựng. Riêng năm 2016, Hội Môi giới BĐS Khánh Hoà ước tính có tới 1.000 lô đất nền được giao dịch thành công ở phía Tây thành phố. Hiện nay, trên địa bàn TP Nha Trang có trên 50 sàn giao dịch BĐS với trên 300 hội viên môi giới.

Xem chi tiết tại đây.

Thị trường BĐS: Mặt bằng bán lẻ cần chất hơn lượng

Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho biết, bán lẻ Việt Nam là một thị trường hấp dẫn, với vị trí xếp hạng thứ 6 trên toàn thế giới theo Chỉ số Phát triển bán lẻ năm 2017 của AT Kearney. Tuy có một nền tảng phát triển tiềm năng, nhưng điều thị trường mặt bằng bán lẻ Việt Nam cần không chỉ đơn thuần là lượng, mà còn là chất.

Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển dịch kinh tế, với những thay đổi sâu sắc trong hành vi tiêu dùng của khách hàng. Điều này thể hiện rõ trong sự chênh lệch về tỷ lệ mở rộng giữa các ngành hàng bán lẻ. Thời trang bình dân với mức giá phải chăng đang là ngành hàng phát triển mạnh nhất. Tiếp đó, các ngành hàng khác như rạp chiếu phim, giải trí và ẩm thực cũng trên đà phát triển. Các doanh nghiệp bán lẻ đang dần nhanh nhạy hơn trong việc đáp ứng những nhu cầu thường nhật của khách hàng và đưa ra những mức giá phù hợp hơn.

“Để tồn tại, các dự án BĐS bán lẻ mới cần phải đưa ra các thiết kế và tiện ích mới mẻ và sáng tạo nhằm thu hút khách hàng. Trong đó, cần lưu ý xu hướng kết hợp với các tiện ích công viên giải trí, thời trang, thể thao…, mà một số dự án đã ứng dụng thành công”, ông Matthew Powell nhấn mạnh.

Xem chi tiết tại đây.

Bavico lại bị tố "nuốt lời"

Ông Đỗ Ngọc Tín (TP.HCM), một trong những khách hàng mua condotel tại khu tổ hợp khách sạn và căn hộ du lịch Bavico Nha Trang của Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Bạch Việt (Bavico), cho biết đã nhiều lần liên hệ với doanh nghiệp này từ đầu năm đến nay vẫn chưa đòi được quyền lợi.

“Tôi đã đến tận trụ sở Bavico, thậm chí gặp trực tiếp ông Đinh Tiến Sử - tổng giám đốc Bavico - nhưng vẫn không nhận được tiền” - ông Tín bức xúc.

Trước đó, vào năm 2015, sau khi được nhân viên Bavico mời mua condotel với nhiều tiềm năng sinh lời, có thể giao lại cho Bavico quản lý kinh doanh và được cam kết trả lợi nhuận lên đến 15%/năm và mức lãi này duy trì đến hết năm thứ... 45 nếu hai bên còn hợp tác đầu tư.

Chưa hết, nếu không muốn kinh doanh nữa, nhà đầu tư có thể yêu cầu Bavico mua lại căn hộ với giá bằng mức giá đầu tư ban đầu cộng thêm một khoản chênh lệch tùy vào thời điểm bán, dao động từ 5-20% giá mua căn nhà!

“Sau khi tìm hiểu thông tin với những lời cam kết chắc chắn từ bên bán là Bavico, tôi đã ký hợp đồng và thanh toán đầy đủ trên 1,2 tỉ đồng để mua căn condotel diện tích 35m2 tại dự án căn hộ du lịch Bavico Nha Trang với hi vọng có được một khoản thu cố định hằng năm, ai dè...” - ông Tín nói.

Theo ông Tín, sau khi nhận được 15% lợi nhuận cho năm đầu tiên (2015), được tính ngay trong giá trị căn hộ, nhưng ngay trong năm thứ hai, chủ đầu tư không trả lãi đúng theo cam kết.

Nhiều nhà đầu tư mua condotel tại dự án Bavico Nha Trang đang “lên ruột” vì không được chủ đầu tư trả lợi nhuận như đã cam kết - Ảnh: P.S.NGÂN.

Nhiều nhà đầu tư mua condotel tại dự án Bavico Nha Trang đang “lên ruột” vì không được chủ đầu tư trả lợi nhuận như đã cam kết - Ảnh: P.S.NGÂN.

Sau nhiều lần bị ông Tín gọi điện hoặc đến trụ sở đòi tiền, đến ngày 21/10/2016 Bavico mới thanh toán cho ông Tín số tiền 50 triệu đồng, sau đó thanh toán thêm ba đợt nữa với tổng số tiền cả bốn đợt là 142,4 triệu đồng, còn thiếu 42,4 triệu đồng mới đủ tỉ lệ lợi nhuận 15% của năm 2016.

Đến hạn thanh toán tiền lời của năm 2017 là tháng 1/2017 nhưng đến hết tháng 7/2017, ông Tín vẫn chẳng thấy tăm hơi khoản tiền lãi được trả theo cam kết, dù đã nhiều lần đòi chủ đầu tư.

“Ban đầu doanh nghiệp này hứa hẹn sẽ trả ngay trong tuần sau hay tháng sau nhưng không thực hiện. Thấy tôi làm căng, nhân viên công ty mới nói thẳng là công ty đang gặp khó khăn chưa thể trả ngay và hứa hẹn trả trong vòng 5 năm. Tôi đã mất hết niềm tin về việc có thể kiếm khoản lợi nhuận như công ty này đưa ra, giờ tôi chỉ muốn công ty thực hiện đúng cam kết là mua lại căn hộ của tôi với giá ban đầu” - ông Tín cho biết.

Xem chi tiết tại đây.

Năm nay có hai "tháng cô hồn", doanh nghiệp địa ốc làm ăn ra sao?

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội môi giới BĐS Việt Nam, cho biết tâm lý tránh giao dịch BĐS vì quan niệm tháng 7 cô hồn ngày càng ít dần, nhất là vài năm gần đây.

Theo ông Đính, khi quy mô thị trường nhỏ thì tâm lý tháng "cô hồn” còn phổ biến. Nhưng hiện tại thị trường đã lớn, tâm lý lo sợ cũng dần mất đi. Những năm gần đây, giao dịch khoảng thời gian tháng 7 âm lịch cũng khá lớn.

Không còn nhiều khách hàng lo ngại giao dịch nhà đất trong tháng

Không còn nhiều khách hàng lo ngại giao dịch nhà đất trong tháng "cô hồn" như trước đây. Ảnh: Tiến Tuấn.

"Số người quan niệm tháng 6 nhuận cũng là 'cô hồn' không nhiều. Theo ghi nhận tại các hiệp hội thành viên, các sàn giao dịch, việc mua bán không bị ảnh hưởng nhiều trong tháng 6 nhuận”, ông Đính nhấn mạnh.

Cũng cho rằng tháng 6 nhuận không ảnh hưởng gì nhiều đến thị trường, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, cho biết chưa thấy ghi nhận lượng giao dịch tại TP.HCM có biến động.

Xem chi tiết tại đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top