Thị trường bất động sản hấp dẫn doanh nghiệp ngoài ngành
Dù thị trường bất động sản trong vài năm trở lại đây vẫn đang đối mặt với những khó khăn tạm thời do các điểm nghẽn pháp lý và nguồn vốn, và đang ở giai đoạn phục hồi nhưng sức hấp dẫn của ngành này vẫn không thể phủ nhận. Thực tế, bất động sản vẫn là ngành có thể đóng góp đáng kể vào tăng trưởng GDP hàng năm.
Theo đề tài nghiên cứu "Bất động sản trong nền kinh tế Việt Nam - vai trò và khuyến nghị chính sách" của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, đóng góp của thị trường bất động sản (tính toán theo nghĩa mở rộng và ISIC) trong GDP năm 2019 là 7,62%, cao hơn mức Tổng cục Thống kê công bố là 4,51%. Tỷ trọng bất động sản đóng góp vào tổng giá trị tăng thêm của khu vực doanh nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 14,88%.
Nghiên cứu cũng làm nổi bật khả năng lan tỏa mạnh mẽ của bất động sản đến hơn 40 ngành kinh tế quan trọng khác, đặc biệt là những ngành liên quan trực tiếp như xây dựng, công nghiệp chế biến chế tạo, du lịch, lưu trú - ăn uống, và tài chính - ngân hàng. Cụ thể, khi nhu cầu sử dụng cuối cùng của ngành bất động sản mở rộng thêm 1 tỷ đồng, nó sẽ kích thích giá trị sản xuất của các ngành khác thêm 0,772 tỷ đồng và giá trị tăng thêm là 0,191 tỷ đồng. Tương tự, ngành kinh doanh bất động sản (theo ISIC) khi tăng 1 tỷ đồng cho nhu cầu cuối cùng, sẽ kích thích lan tỏa đến giá trị sản xuất 0,402 tỷ đồng và 0,12 tỷ đồng đến giá trị tăng thêm.
Chính sức hấp dẫn lớn lao này đã thôi thúc nhiều doanh nghiệp "tay ngang" quyết định gia nhập thị trường bất động sản, bất chấp những thách thức hiện tại. Mới đây, ngày 4/3, Công ty Cổ phần Máy - Thiết bị Dầu khí (PVMachino) đã chính thức thông qua việc thành lập Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Đông Kinh. Đây là một động thái đáng chú ý, khi một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dầu khí quyết định mở rộng sang lĩnh vực bất động sản. Công ty mới sẽ có trụ sở chính đặt tại khối 8, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn, với vốn điều lệ 50 tỷ đồng, trong đó PVMachino đóng góp 50% vốn. Lĩnh vực hoạt động chính của công ty là kinh doanh bất động sản, bao gồm cả quyền sử dụng đất thuộc sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.
Còn tại Tại Đại hội cổ đông thường niên sáng ngày 18/3/2025 của Tập đoàn Hoa Sen (mã: HSG), ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen, đã có những chia sẻ đáng chú ý về việc quay lại làm bất động sản. Theo đó, Hoa Sen đang đẩy mạnh mảng bất động sản thông qua CTCP Hoa Sen Yên Bái. Trước đó vào tháng 5/2024, công ty này được tăng vốn lên 621 tỷ đồng để "hồi sinh" dự án Trung tâm thương mại dịch vụ, khách sạn, nhà hàng và tổ chức sự kiện Hoa Sen Yên Bái, một dự án đã được khởi động từ năm 2016. Động thái này cho thấy Hoa Sen quyết tâm khôi phục và phát triển các dự án bất động sản đã có.

Tập đoàn Hoa Sen trở lại “đường đua” bất động sản. Ảnh: Thanhnienviet.
Ngoài ra, trong năm tài chính 2023 - 2024, Tập đoàn cũng đã xúc tiến đầu tư nhiều dự án tiềm năng tại Đồng Nai, nhằm đón đầu làn sóng phát triển khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động, thể hiện tầm nhìn chiến lược dài hạn của doanh nghiệp dẫn đầu ngành tôn thép, muốn gắn bó với thị trường bất động sản.
"Hoa Sen phải làm đô thị 600 - 700ha chứ không làm nhỏ", ông Vũ nói. Theo ông Vũ, vị trí sân bay Long Thành sẽ là trung tâm các tuyến đường đi ngang qua, các khu đô thị lớn nhất cũng sẽ phát triển dọc theo tuyến đường này và không nơi nào có vị trí tuyệt vời như Long Thành. Điều này cho thấy Hoa Sen có tham vọng lớn trong việc phát triển các khu đô thị quy mô lớn tại khu vực Long Thành, tận dụng lợi thế từ sự phát triển của sân bay.
Nếu theo dõi Hoa Sen sẽ thấy doanh nghiệp do ông Lê Phước Vũ làm Chủ tịch HĐQT kiên trì theo đuổi ngành bất động sản như thế nào. Từ năm 2009, với định hướng phát triển đa ngành, doanh nghiệp đã cùng lúc đầu tư 4 dự án chung cư, văn phòng tại TP.HCM. Nhưng chỉ 2 năm sau đó, Tập đoàn tuyên bố rút khỏi mảng kinh doanh phụ này và tập trung cho lĩnh vực kinh doanh cốt lõi.
Không dễ dàng từ bỏ giấc mơ, đến năm 2016, Hoa Sen lại tiếp tục thành lập 4 công ty con chuyên đầu tư địa ốc gồm Hoa Sen Yên Bái, Hoa Sen Hội Vân, Hoa Sen Vân Hội và Hoa Sen Quy Nhơn. Nhưng đến nay, 3 công ty đã giải thể, chỉ còn một doanh nghiệp - Hoa Sen Yên Bái - hoạt động.
Ngoài ra, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 ngày 31/3 của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (mã: DGC), việc tập đoàn này tham gia vào lĩnh vực bất động sản với dự án 1.000 căn hộ chung cư và 60 căn nhà liền kề tại Long Biên, Hà Nội, đã trở thành một chủ đề thu hút sự quan tâm lớn từ các cổ đông và nhà đầu tư. Trả lời những thắc mắc về động thái này, Chủ tịch HĐQT Đào Hữu Huyền nhấn mạnh rằng công ty không có ý định "lao vào" bất động sản một cách thuần túy, mà chỉ đơn giản là tận dụng quỹ đất hiện có để tối ưu hóa giá trị tài sản.
Trên thị trường chứng khoán, nhiều nhà đầu tư thường nhắc đến câu nói quen thuộc: "Nếu không mua vùng đáy thì không có bán ra lúc lập đỉnh". Điều này dường như cũng tương đồng với thị trường bất động sản trong thời điểm hiện tại, khi nhiều dấu hiệu cho thấy thị trường đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất và đang nhận được sự hỗ trợ tích cực để bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới. Có thể thấy, việc các doanh nghiệp "tay ngang" lựa chọn thời điểm thị trường bất động sản gặp nhiều thách thức nhất để gia nhập cho thấy họ đã có sự chuẩn bị kĩ lưỡng và quyết tâm nhằm hiện thực hóa các cơ hội. Đây là một lựa chọn đầu tư có tính chiến lược, tuy nhiên, để có thể đi đường dài và thành công, các doanh nghiệp này cần đặc biệt chú trọng đến chiến lược quản trị thận trọng và các biện pháp phòng ngừa rủi ro.
Doanh nghiệp trong ngành tìm cách "thoát thân"
Trong khi "người ngoài cười nụ" thì "người trong lại khóc thầm", ở diễn biến ngược lại, nhiều doanh nghiệp ngành bất động sản, sau khi trải qua giai đoạn sàng lọc khắc nghiệt của thị trường, đã tỏ ra "hụt hơi" trong việc triển khai dự án, quản lý dòng tiền và phải tìm thêm những phương án kinh doanh khác... Điều này cho thấy sự khác biệt lớn giữa bề nổi và bề chìm của thị trường, một mặt vẫn có những giao dịch và dự án mới, nhưng mặt khác, không ít doanh nghiệp vẫn đang phải đối mặt với áp lực tài chính lớn và khó khăn trong việc duy trì hoạt động.
Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 diễn ra ngày 21/3, lãnh đạo CTCP Địa ốc First Real đã thẳng thắn thừa nhận rằng, ba năm qua là một giai đoạn đầy thách thức đối với thị trường, gây ảnh hưởng đáng kể đến doanh thu, lợi nhuận và đời sống của người lao động. Nhận thấy sự cần thiết phải thích ứng với tình hình mới, sau hơn một thập kỷ tập trung vào lĩnh vực bất động sản, First Real quyết định đa dạng hóa hoạt động kinh doanh. Công ty nhận định Đà Nẵng, nơi đặt trụ sở, có tiềm năng lớn trong lĩnh vực vận tải và du lịch, do đó, họ đã lên kế hoạch mở rộng sang hai mảng này trong thời gian tới. Quyết định này cho thấy sự linh hoạt và nỗ lực của doanh nghiệp trong việc tìm kiếm cơ hội mới, đồng thời giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn
Năm tài chính 2024 (kết thúc ngày 30/9/2024), First Real ghi nhận doanh thu gần 124 tỷ đồng, mức thấp nhất trong vòng ba năm. Chi phí lãi vay tiếp tục là yếu tố chính làm giảm lợi nhuận, khiến lãi sau thuế chỉ đạt 610 triệu đồng, mức thấp nhất trong mười năm qua.
Ban lãnh đạo công ty giải thích rằng kết quả kinh doanh không như kỳ vọng chủ yếu do First Real tập trung vào phân khúc đất nền dự án và bất động sản du lịch, hai mảng chưa được hưởng lợi từ sự phục hồi chung của thị trường.
Trong một động thái gây chú ý, Tập đoàn Danh Khôi mới đây đã thông qua nghị quyết thành lập Công ty TNHH Đầu tư Nông nghiệp Công nghệ cao NRC (NAGRI), với vốn điều lệ 50 tỷ đồng, do Danh Khôi nắm giữ toàn bộ. Quyết định "lấn sân" sang lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao này diễn ra trong bối cảnh kết quả kinh doanh của Danh Khôi đang gặp nhiều thách thức, thậm chí có thể nói là "bết bát" nhất trong lịch sử hoạt động của công ty.

Nguồn: Tập đoàn Danh Khôi
Là một doanh nghiệp có tiếng trong lĩnh vực môi giới bất động sản, từng tham gia đầu tư vào một số dự án, Danh Khôi đang trải qua giai đoạn khó khăn với doanh thu năm 2024 chỉ hơn 5 tỷ đồng, trong khi chi phí quản lý và chi phí lãi vay tăng vọt, lần lượt là hơn 58 tỷ và 53,3 tỷ đồng, dẫn đến khoản lỗ ròng 63 tỷ đồng. Đây là mức lỗ cao thứ hai trong lịch sử của công ty, chỉ sau năm 2022. Điều đáng chú ý là kế hoạch đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao của Danh Khôi hiện mới chỉ trong giai đoạn đàm phán hợp tác, chưa có thông tin chi tiết về hình thức cụ thể. Nhiều người đặt câu hỏi về tính khả thi của bước đi này, đặc biệt khi nguồn lực tài chính của công ty đang chịu áp lực lớn.
Trước đó vào giữa tháng 2/2025, CTCP Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương (mã: API) cũng gây chú ý khi công bố thành lập công ty con hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, một bước đi chiến lược đánh dấu sự mở rộng đáng kể ngoài lĩnh vực bất động sản truyền thống. Cụ thể, API đầu tư 510 triệu đồng, chiếm 51% vốn điều lệ, để thành lập CTCP Tập đoàn Giáo dục UEP, một công ty có vốn điều lệ dự kiến là 1 tỷ đồng, đặt trụ sở tại Hà Nội và hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ giáo dục.
Trước đây, API được biết đến là một thành viên chủ chốt trong mảng bất động sản của Tập đoàn APEC (APEC Group) do ông Nguyễn Đỗ Lăng sáng lập, bên cạnh các hoạt động kinh doanh khác như khách sạn, nội thất. Trong lĩnh vực bất động sản, API đã khẳng định vị thế của mình thông qua việc tập trung vào việc thâu tóm các quỹ đất tiềm năng tại các tỉnh lẻ, phát triển các dự án nổi bật như Apec Mandala Wyndham Phú Yên, Apec Royal Park Huế, Apec Aqua Park Bắc Giang và nhiều dự án khác. Đồng thời, API cũng mở rộng hoạt động sang lĩnh vực khách sạn với hệ thống Mandala Hotel & Spa và dịch vụ quản lý khách sạn chuyên nghiệp Swiss Hospitality.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp kiệt sức đã phải tạm dừng hoạt động trong thời gian ngắn. Trường hợp CTCP Đầu tư PVR Hà Nội (mã: PVR) là một ví dụ. HĐQT công ty này quyết định tạm ngừng hoạt động kinh doanh năm 2025, với lý do được Chủ tịch HĐQT Bùi Văn Phú đưa ra là công ty không có kinh phí để duy trì hoạt động, cần sắp xếp lại nhân sự và tìm kiếm giải pháp kinh doanh mới. Điều đáng nói, đây không phải lần đầu PVR rơi vào tình cảnh này, trước đó công ty cũng đã thông báo tạm ngừng hoạt động do tài khoản ngân hàng bị phong tỏa liên quan đến tranh chấp pháp lý, dẫn đến tình trạng thiếu kinh phí vận hành. Sau một thời gian ngắn quay trở lại hoạt động để thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết, PVR lại tiếp tục quyết định tạm dừng hoạt động thêm một năm, cho thấy những khó khăn chồng chất mà doanh nghiệp này đang phải đối mặt.
Theo giới chuyên gia, thị trường bất động sản luôn vận động, có phát triển sẽ có sàng lọc do đó, việc một số chủ đầu tư rời bỏ thị trường là điều tất yếu theo quy luật cung cầu. Điều đáng chú ý là sự trỗi dậy mạnh mẽ của những doanh nghiệp có tiềm lực, họ sẽ trở thành lực lượng lòng cốt đóng góp thậm chí nếu tốt vẫn có thể dẫn dắt, định hình xu hướng phát triển cho thị trường trong giai đoạn tiếp theo. Song song đó, động thái "lấn sân" sang lĩnh vực bất động sản của nhiều doanh nghiệp ngoài ngành đã cho thấy sức hút khó cưỡng của thị trường này. Điều này vừa mang đến cơ hội mở rộng thị trường, nhưng cũng đặt ra thách thức về tính bền vững và sự đóng góp thực chất vào sự phát triển chung của nền kinh tế.