Dự án nhiều lần thay tên, đổi đơn vị quản lý
Ngày 30/11/2021, Công ty Cổ phần Thương mại Du lịch Tân Thành (Tân Thành Group) đã ký kết hợp tác với các đối tác hàng đầu như Cross Hotels & Resorts, Cen Sài Gòn… để phát triển Tổ hợp Bất động sản nghỉ dưỡng biển 5 sao Cross Long Hải.
Tọa lạc tại Tỉnh lộ 44A, thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Cross Long Hải sở hữu vị trí trên cung đường biển phía Nam, mở đầu chuỗi quần thể nghỉ dưỡng kéo dài từ Vũng Tàu - Long Hải - Hồ Tràm - Phan Thiết. Tổ hợp bất động sản nghỉ dưỡng biển Cross Long Hải bao gồm 2 khối tháp với 658 căn hộ du lịch và gần 60 căn biệt thự nghỉ dưỡng.
Dự án này đã nhiều lần đổi tên từ The Long Hải, The Apus đến Cross Long Hải. Chủ đầu tư cũng liên tục thay đơn vị môi giới từ DSG Land, Đông Tây Land, Thủ Thiêm Real, Cường Thịnh Land và vẫn chưa dừng lại ở đó.
Đơn vị quản lý vận hành dự án là Cross Hotels & Resorts - Thành viên của Tập đoàn Flight & Travel Centre Group còn khá mới lạ và cần nhiều thời gian để khẳng định tên tuổi. Thực tế, tại dự án này, chủ đầu tư đã ra thông báo đơn vị quản lý là UHM Group vào năm 2019. Tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư đã đổi thành Cross Hotels & Resorts và không chắc liệu đây có phải cái tên cuối cùng hay không!
Cũng cần lưu ý, nhiều dự án trên thị trường quảng cáo có đơn vị vận hành nước ngoài, nhưng thực tế 2 bên chỉ mới ký hợp đồng ghi nhớ, hợp đồng nguyên tắc, điều này chỉ là bước đầu, chưa có gì đảm bảo sau khi dự án hoàn thành thương hiệu nào sẽ quản lý. Do đó, khách hàng cần nghiên cứu kỹ việc thỏa thuận giữa 2 bên.
Đáng chú ý, dự án thuyết phục những nhà đầu tư khó tính với chính sách chia sẻ doanh thu hấp dẫn: 35% cho khách hàng sở hữu, 65% cho đơn vị quản lý vận hành. Tuy nhiên cần phải nhấn mạnh rằng, triển vọng doanh thu của các dự án nghỉ dưỡng vẫn đang bị đại dịch COVID phủ một màu xám.
Tân Thành Group thua lỗ triền miên
Tân Thành Group tiền thân là CTCP Thương mại – Du lịch Hải Minh, thành lập từ năm 2007 tại Bà Rịa – Vũng Tàu nhưng mới đây đã chuyển đăng ký cũng như trụ sở về TP.HCM từ ngày 8/7/2021. Ngành nghề kinh doanh chính được đăng ký là dịch vụ lưu trú ngắn ngày gồm khách sạn, biệt thự có kinh doanh du lịch, khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, bãi cắm trại.
Chủ tịch HĐQT Tân Thành Group trước đây là ông Phạm Công Tuyến, sinh năm 1966. Vị doanh nhân này là Chủ tịch HĐQT, cổ đông sáng lập của CTCP Phạm Phúc Gia (PPG Holdings) – đơn vị mới thực hiên tăng vốn điều lệ từ 450 tỷ đồng lên 800 tỷ đồng vào tháng 7/2021.
Dù được thành lập từ khá lâu nhưng đến nay Tân Thành Group vẫn chưa để lại dấu ấn đáng kể nào trên thị trường, thậm chí tình hình kinh doanh còn “bết bát”. Doanh nghiệp này có nhiều năm không phát sinh doanh thu, nếu có thì cũng chỉ mang tính tượng trưng vài triệu đến vài chục triệu đồng.
Không có nguồn thu nhưng vẫn phải chi trả các chi phí khiến Tân Thành Group thua lỗ triền miên và ngày càng trầm trọng hơn trong 3 năm gần đây. Năm 2018, doanh nghiệp này lỗ 7,1 tỷ đồng, sâu hơn nhiều so với khoản lỗ gần 11 triệu đồng năm 2017. Các khoản lỗ tiếp tục tăng lên 12,2 tỷ vào năm 2019 và 17,2 tỷ vào năm 2020.
Đáng chú ý, 3 năm lỗ nặng gần đây chính là giai đoạn Tân Thành Group đẩy mạnh mở rộng quy mô. Tổng tài sản liên tục tăng qua từng năm, từ mức xấp xỉ 80 tỷ đồng cuối năm 2017 lên gấp gần 5 lần và đạt 392 tỷ đồng vào cuối năm 2020.
Sự gia tăng tài sản chủ yếu được tài trợ từ nguồn vốn nợ khi nợ phải trả của doanh nghiệp này cũng liên tục tăng mạnh những năm qua từ mức chỉ 7,5 tỷ đồng vào năm 2017 lên đến hơn 276 tỷ đồng vào cuối năm 2020. Con số này thậm chí còn gấp 2,2 lần khoản nợ phải trả vào cuối năm 2019 trước đó.
Chiều ngược lại, vốn chủ sở hữu của Tân Thành Group lại liên tục bị ăn mòn do những khoản lỗ ngày càng sâu. Sau khi tăng mạnh vào năm 2018 do tăng vốn điều lệ lên 170 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này vào cuối năm 2020 chỉ còn 116,5 tỷ đồng.
Lãnh đạo lướt sóng cổ phiếu trên sàn lỗ hàng chục tỷ
Trong bối cảnh Tân Thành Group kinh doanh “bết bát” bà Trần Duy Kiều, Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật công ty đã gây chú ý trên sàn chứng khoán với thương vụ “lướt sóng” thất bại cổ phiếu TGG của CTCP Louis Capital.
Cụ thể vào ngày 28/9, bà Kiều đã chi gần 106 tỷ đồng mua vào xấp xỉ 1,8 triệu cổ phiếu TGG qua đó trở thành cổ đông lớn tại Louis Capital với tỷ lệ sở hữu 6,5% vốn điều lệ. Mặt khác, HĐQT Louis Capital cũng thông qua chủ trương mua 29,1 triệu cổ phần, tương ứng với 40% vốn điều lệ của Tân Thành Group với giá 10.000 đồng/cổ phần, tương ứng giá trị 291,7 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bà Kiều sau đó đã bán toàn bộ số cổ phiếu trên trong phiên 13/10 theo phương thức thỏa thuận với giá bình quân 28.600 đồng/cổ phiếu tương ứng số tiền thu về chỉ khoảng 50,5 tỷ đồng và chịu lỗ hơn 55 tỷ đồng chỉ sau chừng nửa tháng.
Trên thị trường chứng khoán, giới đầu tư từng biết đến một nữ cổ đông lớn tên Trần Duy Kiều tại CTCP Thương mại Xuất nhập khẩu Thiên Nam (mã TNA). Sau khi được bầu vào HĐQT, bà Kiều đã mua vào 3,97 triệu cổ phiếu TNA từ ngày 18/4 - 15/5/2019 qua phương thức thoả thuận và trở thành cổ đông lớn với tỷ lệ sở hữu 13,18% vốn điều lệ.
Đến cuối quý II/2021, bà Kiều đã không còn nắm giữ cổ phiếu TNA nào tuy nhiên vẫn đảm nhiệm vai trò Thành viên HĐQT độc lập, không điều hành. Theo báo cáo thường niên năm 2020 của Thiên Nam, bà Kiều là Giám đốc của CTCP Phát triển Kinh doanh Thương mại Sài Gòn 168 – một công ty con mà Thiên Nam sở hữu 93,75% vốn điều lệ (tính tới thời điểm 30/6/2021).
(còn nữa)