Aa

Dự án được “tùy tiện“ điều chỉnh quy hoạch dự án sai quy định pháp luật

Thứ Sáu, 01/07/2022 - 06:15

Mặc dù theo phê duyệt ban đầu, dự án cao 6,5 tầng và mục đích là đất văn phòng thường mại, nhưng sau đó chính quyền Hà Nội đã điều chỉnh thành dự án Hỗn hợp văn phòng nhà ở và nhà trẻ cao 25 tầng.

Kết luận thanh tra của Bộ Xây dựng mới đây cho thấy, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã nhiều lần điều chỉnh quy hoạch các dự án không đúng theo quy định của pháp luật. Điều này đã tác động tiêu cực khi phá vỡ quy hoạch chung hai bên tuyến đường Lê Văn Lương.

Cụ thể, năm 2008, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã có tờ trình và UBND TP. Hà Nội đã chấp thuận quy hoạch định hướng về việc điều chỉnh tầng cao lên 25 tầng của dự án Tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở Thành An Tower, do Tổng Công ty Thành An - Công ty TNHH MTV làm chủ đầu tư.

Việc này không phù hợp với quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hai bên đường Láng Hạ - Thanh Xuân phê duyệt năm 2002 khi tầng cao của công trình ban đầu là 5 tầng. Đáng chú ý, sau 3 lần điều chỉnh tiếp theo, dự án đã thay đổi từ đất cơ quan cải tạo chỉnh trang (năm 2002) thành cơ quan văn phòng cao 25 tầng (năm 2008) rồi thành văn phòng, dịch vụ thương mại và căn hộ chung cư để bán (năm 2010).

Hệ lụy của việc điều chỉnh “cẩu thả” này đã làm tăng diện tích đất xây, tăng mật độ xây dựng từ 40% lên 51%, tăng từ trung bình 5 tầng lên 30 tầng, tăng diện tích xây dựng lên 700m2, diện tích sàn xây dựng tăng gần 64.000m2 và quy mô dân số tăng từ 500 người lên khoảng 1.308 người (tạm tính 327 căn hộ để ở).

Điều chỉnh quy hoạch tùy tiện

Theo kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ Xây dựng, dự án khu hỗn hợp văn phòng cho thuê - nhà ở tại ô đất 3.10-NO (Handiresco Complex), do liên danh 2 công ty làm chủ đầu tư dính nhiều sai phạm trong việc điều chỉnh quy hoạch, chấp thuận, điều chỉnh tổng mặt bằng, phương án kiến trúc, cấp Giấy phép xây dựng và quản lý hoạt động xây dựng.

Theo kết luận Thanh tra, ngày 21/5/2004, UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 3153/QĐ-UB lựa chọn nhà đầu tư, cho chỉ tiêu quy hoạch là nhà ở cho thuê, mật độ xây dựng 48%, tầng cao 12 tầng.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc có tờ trình, UBND TP. Hà Nội chấp thuận quy hoạch định hướng tại văn bản 3362/UBND-GT năm 2008 đã điều chỉnh ô đất 3.10-NO, công trình nhà ở cho thuê, tầng cao 12 tầng, mật độ xây dựng 48% thành văn phòng, thương mại 16 tầng, chung cư 25 tầng (không kể tầng kỹ thuật), nhà trẻ 4 tầng, là điều chỉnh không thuộc các trường hợp được điều chỉnh, không tính toán giải pháp về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, vi phạm Điều 29 Nghị định 08/2005/NĐ-CP, khoản 3 Phần 6 Thông tư 07/2008/TT-BXD của Bộ Xây dựng.

Handico sai phạm
Người ký văn bản chấp thuận quy hoạch Tổng mặt bằng tại công văn 3879/QHKT-P2 ngày 12/12/2012 thời điểm đó là ông Bùi Mạnh Tiến - Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội

Đến ngày 24/10/2012, UBND TP. Hà Nội có Quyết định 4826/QĐ-UBND điều chỉnh cục bộ ô đất 3.10-NO, thành công trình hỗn hợp văn phòng, nhà ở và nhà trẻ, gồm khối văn phòng 16 tầng, khối chung cư 25 tầng (không kể tầng kỹ thuật), nhà trẻ 4 tầng, mật độ xây dựng 44,53%, dân số 800 người là điều chỉnh không thuộc các trường hợp được điều chỉnh; không tính toán giải pháp về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; không nêu nguyên nhân dẫn đến việc phải điều chỉnh; hiệu quả kinh tế - xã hội của việc điều chỉnh; các giải pháp khắc phục những phát sinh do điều chỉnh quy hoạch, vi phạm Điều 47, Điều 48 Luật Quy hoạch đô thị 2009.

Ngày 28/8/2013, Sở Quy hoạch - Kiến trúc có công văn chấp thuận phương án kiến trúc công trình nhà ở 27 tầng, công trình văn phòng 18 tầng (kể cả tầng kỹ thuật và tum thang), vượt 1 tầng đối với công trình nhà ở, vượt 2 tầng đối với công trình văn phòng so với điều chỉnh cục bộ quy hoạch được phê duyệt ngày 24/20/2012. Việc này là vi phạm Điều 52 Luật Quy hoạch đô thị 2009; là điều chỉnh quy hoạch vượt thẩm quyền, vi phạm Điều 3 Khoản 2, Điều 5, Điều 13, Điều 14, Điều 15 Quyết định 48/2006/QĐ-UB ngày 11/4/2006 của UBND TP. Hà Nội.

Ngày 10/11/2016, Sở Quy hoạch - Kiến trúc có Văn bản đề xuất UBND TP. Hà Nội; ngày 1/12/2016, Văn phòng UBND TP. Hà Nội có văn bản thông báo ý kiến của Phó Chủ tịch UBND TP chấp thuận điều chỉnh khối văn phòng 16 tầng thành Tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại, nhà ở và nhà trẻ 25 tầng. Ngày 22/4/2020, UBND TP. Hà Nội có thông báo kết luận của Tập thể lãnh đạo UBND TP phê duyệt điều chỉnh dự án. Theo đó, công trình văn phòng 16 tầng điều chỉnh thành Tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại, nhà ở và nhà trẻ 25 tầng, làm tăng dân số 754 người, diện tích sàn xây dựng tăng thêm gần 10.800m² là điều chỉnh không tính toán giải pháp về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, vi phạm Điều 52 Luật Quy hoạch đô thị 2009.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc chấp thuận tổng mặt bằng, phương án kiến trúc tại các công văn 3879/QHKT-P2 ngày 12/12/2012; số 2753/QHKT-P2 ngày 28/8/2013 có phần hầm vượt chỉ giới xây dựng, trùng chỉ giới đường đỏ là vượt thẩm quyền, vi phạm điểm b khoản 5 Điều 3 Nghị định số 39/2010/NĐ-CP.

Theo tìm hiểu, người ký văn bản chấp thuận quy hoạch Tổng mặt bằng tại công văn 3879/QHKT-P2 ngày 12/12/2012 thời điểm đó là ông Bùi Mạnh Tiến - Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội.

handico sai phạm
UBND TP. Hà Nội điều chỉnh quy hoạch 3 lần, Sở Quy hoạch - Kiến trúc điều chỉnh một lần sai quy định pháp luật, gây hệ lụy xấu và ảnh hưởng trực tiếp lên hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khu vực

Như vậy, đối với dự án này, UBND TP. Hà Nội điều chỉnh quy hoạch 3 lần, Sở Quy hoạch - Kiến trúc điều chỉnh một lần sai quy định pháp luật. Qua 4 lần điều chỉnh đã biến từ đất ở thành văn phòng, thương mại thành hỗn hợp văn phòng, nhà ở và nhà trẻ, một khối văn phòng tại tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại, nhà ở và nhà trẻ. Việc điều chỉnh gây hệ quả làm tăng từ 6,5 lên 25 tầng khối văn phòng, 27 tầng khối nhà ở, phát sinh tăng dân số 754 người, diện tích sàn xây dựng tăng thêm gần 10.800m². Chỉ nhìn vào những con số này đã thấy gánh nặng ngày càng đè lên hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khu vực "con đường đau khổ" Lê Văn Lương.

Bên cạnh đó, kết luận thanh tra cũng chỉ ra nhiều sai phạm của chủ đầu tư trong quá trình thi công triển khai xây dựng dự án như xây dựng sai giấy phép xây dựng. Hay việc chủ đầu tư không đầu tư xây dựng cây xanh và bãi đỗ xe theo tổng mặt bằng được chấp thuận, thực hiện không đúng tiến độ đầu tư theo giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh (từ Quý 4/2014 - Quý 3/2018). Ngoài ra, Giấy phép xây dựng số 37/GPXD ngày 9/9/2014 do Sở Xây dựng TP. Hà Nội cấp cũng bị vạch rõ vi phạm như: Không ghi nội dung màu sắc công trình, chỉ giới xây dựng, không tính tầng kỹ thuật vào số tầng, cấp phần hầm vượt chỉ giới xây dựng...

Chính quyền thản nhiên "băm nát" quy hoạch, hàng trăm nhân khẩu vẫn ngày đêm kêu cứu

Theo ghi nhận, tại ô đất 3.10-NO Lê Văn Lương chủ đầu tư đang rục rịch thi công phần hầm công trình NO1 thuộc dự án Khu hỗn hợp văn phòng cho thuê - nhà ở. Tuy nhiên, bên cạnh đó là hàng trăm nhân khẩu sinh sống tại khu Tập thể Thủy sản tại ngõ 1 Lê Văn Thiêm, phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân) đang ngày đêm kêu cứu, bởi họ lo ngại việc xây thêm tòa cao ốc 25 tầng sẽ để lại hệ lụy xấu. Theo cư dân, hậu quả nhãn tiền đó là việc con đường dân sinh của người dân hiện đã bị công trình NO1 tại ô đất 3.10-NO Lê Văn Lương "nuốt" gần hết, bất chấp những ý kiến phản đối trong tuyệt vọng của người dân. 

"Việc chủ đầu tư rào chắn gần hết con đường dân sinh, cứu hỏa tại Ngõ 1 Lê Văn Thiêm để đào đường xây dựng 3 tầng hầm sâu dưới lòng đất hàng chục mét, cách móng của các ngôi nhà dân với khoảng cách hơn 3m sẽ không an toàn cho công tác PCCC, cấp cứu… Nếu có hỏa hoạn xảy ra hay có người cần xe cứu thương sẽ không vào được do lòng đường quá hẹp chỉ còn hơn 1m (vỉa hè 2m - PV), việc này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, đe dọa đến tính mạng của người dân chúng tôi. Không những thế, việc xây dựng tòa nhà chung cư 25 tầng và sẽ đào hầm sâu 15m ngay sát nhà dân chúng tôi nguy cơ gây sụt lún là rất lớn", đại diện cư dân khu Tập thể Thủy sản bức xúc nói.

handico sai phạm vi phạm
Con đường dân sinh của hàng trăm nhân khẩu khu Tập thể Thủy sản hiện đã bị công trình NO1 tại ô đất 3.10-NO Lê Văn Lương "nuốt" gần hết, bỏ mặc những ý kiến phản đối trong tuyệt vọng của người dân

Chính bởi những bất cập nêu trên, cư dân khu Tập thể Thủy sản đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét lại các quyết định phê duyệt, điều chỉnh thậm chí có sai phạm đã được nêu trong kết luận thanh tra của Bộ Xây dựng và cần thiết phải xem xét tạm dừng ngay việc chủ đầu tư này đang gấp rút thi công. Cùng với đó, chính quyền Hà Nội cần xem xét, giải quyết thỏa đáng quyền lợi, đảm bảo cuộc sống người dân khu Tập thể Thủy sản. 

handico sai phạm
Người dân kêu cứu chính quyền Hà Nội trong tuyệt vọng, còn tại ô đất 3.10-NO Lê Văn Lương chủ đầu tư đang rục rịch thi công phần hầm công trình NO1 thuộc dự án Khu hỗn hợp văn phòng cho thuê - nhà ở

TS. KTS. Trương Văn Quảng - Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, quy hoạch bị phá vỡ mà cốt lõi vấn đề nằm ở chỗ tham vọng của các chủ đầu tư muốn tăng nhanh lợi nhuận. Chính từ điều trên, liên quan đến cơ chế xin cho, các cơ quan tổ chức Nhà nước còn buông lỏng quản lý, đôi khi còn thông đồng, thỏa hiệp với chủ đầu tư. Khi chủ đầu tư muốn lách luật, họ có thể làm việc với một cá nhân hoặc một bộ phận trong cơ quan tổ chức Nhà nước tìm lý do để điều chỉnh thông số kỹ thuật của khu đô thị đó sao cho có lợi ích nhiều nhất. Người cho phép làm điều này cũng được hưởng lợi chung. Đây chính là lợi ích nhóm mà người ta thường hay nói đến.

Bên cạnh đó, do chính quyền, địa phương chưa quán xuyến, thiếu trách nhiệm giám sát trong quá trình chủ đầu tư xây dựng dự án đó nên khi mà mọi sự đã rồi, cộng đồng dân cư phát hiện, cơ quan Nhà nước mới bắt đầu vào cuộc thì đã muộn. Ngoài ra, còn rất nhiều nguyên nhân khác dẫn đến sự phá vỡ quy hoạch, trong đó nguyên nhân quan trọng nữa là mọi đồ án quy hoạch bao giờ cũng kèm theo một quy định về quản lý theo đồ án quy hoạch hay quy chế quản lý kiến trúc cảnh quan đã được các cấp phê duyệt nhưng họ lại buông lỏng quản lý những điều đó và tìm cách thay đổi.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top