Aa

Dự án NƠXH Aranya Huế: Dân treo băng rôn đòi nhà

Thứ Năm, 11/01/2018 - 19:30

Quá hạn bàn giao nhà hơn 1 năm, nhiều người dân mua nhà ở xã hội (NƠXH) Aranya Huế (Khu đô thị An Vân Dương, phường Xuân Phú, TP. Huế) của CTCP Aranya Việt Nam (Công ty Aranya Việt Nam) đã phải tập trung ở cổng dự án để căng băng rôn kêu cứu các cơ quan chức năng.

Những ngày qua, hàng chục khách mua nhà đã treo nhiều băng rôn với các nội dung “Mong các cơ quan chức năng hãy giúp chúng tôi”, “Chúng tôi cần nhà để ở”… ngay trước cổng vào khu vực dự án NƠXH Aranya Huế để kêu cứu cơ quan chức năng. Tiếp đó, những người này tiến vào văn phòng của Công ty Aranya Việt Nam tại khu vực dự án để bày tỏ bức xúc trước việc chủ đầu tư nhiều lần thất hứa thời hạn bàn giao nhà.

Anh Ngô Trần Phúc (trú đường Đặng Huy Trứ, TP. Huế) cho biết, anh ký hợp đồng mua nhà tại dự án NƠXH Aranya Huế với Công ty Aranya Việt Nam vào ngày 21/7/2016. Theo hợp đồng, chủ đầu tư phải bàn giao căn hộ cho anh vào ngày 30/12/2016, nếu chậm trễ thì không được quá 180 ngày kể từ thời điểm đến hạn bàn giao. Tuy nhiên, đến nay, sau hơn một năm với nhiều lần hứa, phía Công ty Aranya Việt Nam vẫn chưa bàn giao nhà cho anh và nhiều khách mua khác. 

Khách mua NƠXH Aranya Huế phải căng băng rôn để đòi nhà

Cùng cảnh ngộ với anh Phúc là nhiều người mua nhà tại dự án NƠXH Aranya Huế. Theo những người này, lý do phía doanh nghiệp đưa ra để giải thích cho việc chậm bàn giao nhà là không thuyết phục. Bởi lẽ, những hạng mục phía trong các căn hộ việc thi công hoàn toàn không chịu ảnh hưởng bởi thời tiết như viện dẫn của chủ đầu tư nhưng tiến độ thực hiện vẫn rất ì ạch.

Nhiều khách hàng mua nhà cho hay, vào cuối tháng 12/2016, khi đồng ý cho chủ đầu tư gia hạn bàn giao nhà đến hết tháng 6/2017, họ đã nhận được cam kết của chủ đầu tư là sẽ chịu phạt theo đúng điều khoản trong hợp đồng nếu tiếp tục chậm tiến độ. 

Rất đông người mua nhà tập trung trước trụ sở ban quản lý dự án

“Chủ đầu tư đã không thực hiện thanh toán khoản tiền phạt chậm tiến độ với lãi suất 0,05%/ngày trên tổng tiền mua nhà chúng tôi đã thanh toán như quy định tại khoản 2, điều 7 của hợp đồng. Tình trạng này khiến chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn vì vừa phải è cổ trả lãi ngân hàng vừa phải trả tiền thuê nhà hàng tháng” - một người mua nhà bức xúc.

Tại buổi làm việc với báo giới, đại diện chủ đầu tư dự án là ông Mai Văn Thuận nói rằng hiện do đang vướng mắc về vấn đề hạ tầng điện, nước nên chưa thể nói trước thời điểm bàn giao nhà. Về việc thanh toán khoản tiền phạt chậm tiến độ với lãi suất 0,05%/ngày cho khách hàng, ông Thuận không trả lời cụ thể và nói đây là việc giữa chủ đầu tư và người mua nhà.

Trao đổi với chúng tôi, ông Chu Tiến Dũng, Phó Chủ tịch thường trực Công ty Aranya Việt Nam, cho biết: Dự án NƠXH của công ty có tổng cộng 4 khối nhà, hiện mới thực hiện 2 khối nhà với 256 căn hộ và mới chỉ thu tiền khách hàng 120 căn hộ. 

Mặc dù đã đóng tiền mua nhà và quá hạn nhận nhà từ lâu, nhưng rất nhiều người dân vẫn phải đứng xa để nhìn căn hộ của mình. 

Theo ông Dũng, hiện rất nhiều căn hộ tại dự án đã hoàn thiện nhưng do vướng mắc về hạ tầng điện, nước nên chưa bàn giao được cho khách hàng. "Bây giờ lắp các thiết bị vào thì không có điện để mà kiểm tra, nghiệm thu. Phần điện, nước không thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư mà những cái này được tỉnh hỗ trợ" - ông Dũng nói. 

Phó Chủ tịch thường trực Công ty Aranya Việt Nam cho biết thêm, hiện điện tại công trình đang được thi công, nước thì chủ đầu tư đã chấp nhận ứng tiền để phía đơn vị cấp nước có vốn thực hiện. "Chỉ cần điện nước xong thì tập trung làm khoảng độ 2 tháng là xong hết"- ông Dũng thông tin. Về khoản tiền phạt chậm tiến độ với lãi suất 0,05%/ngày, ông Dũng nói đến nay công ty không nhận được thông tin phản ánh nào từ khách hàng.  

Băng rông có dòng chữ "Chúng tôi cần nhà ở" được giăng đầy quanh dự án

Trong khi đó, ông Đồng Sỹ Tuấn, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế, cho biết: Căn cứ hồ sơ đề nghị của chủ đầu tư dự án NƠXH Aranya Huế là Công ty Aranya Việt Nam, Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế đã lập phương án đầu tư xây dựng trạm biến áp có công suất 400kVA-22/0,4kV với tổng mức đầu tư gần 500 triệu đồng.

Theo ông Tuấn, để triển khai thực hiện, phía Công ty Aranya Việt Nam cần cung cấp đầy đủ hồ sơ bản vẽ, thiết kế đường dây 0,4kV từ điểm đấu nối tại tủ hạ thế vào dự án để thỏa thuận với Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế. Tuy nhiên, Công ty Aranya Việt Nam đã chậm trễ trong việc cung cấp hồ sơ này.

Ông Tuấn cho biết thêm, tại cuộc họp ngày 29/11/2017, Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế thống nhất đầu tư trạm biến áp tại vị trí chân hàng rào dự án, còn  Công ty Aranya Việt Nam đầu tư lưới điện hạ áp trong toàn bộ dự án và bàn giao hệ thống lưới điện hạ thế không hoàn trả vốn để ngành điện bán điện tận hộ dân.

Theo giải thích của ông Tuấn, do hệ thống lưới điện hạ thế đã được Công ty Aranya Việt Nam tính vào giá trị công trình phân bổ cho người mua nhà nên doanh nghiệp này không thể thu lại tiền đầu tư lưới điện. Vì vậy, phía Công ty Aranya Việt Nam phải có văn bản chính thức về việc bàn giao không hoàn trả vốn lưới điện hạ áp để Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế có cơ sở triển khai bán điện đến tận hộ dân.

"Đến ngày 9/1/2018, Công ty Aranya Việt Nam vẫn chưa có văn bản chính thức về việc bàn giao không hoàn trả vốn lưới điện hạ áp cho phía điện lực. Theo nguyên tắc, Công ty Aranya Việt Nam phải có văn bản này thì phía điện lực mới tiến hành thi công, nhưng ở đây dù chưa có văn bản Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế vẫn thi công và ngày 11/1 sẽ đóng điện", ông Đồng Sỹ Tuấn khẳng định. 

Phó Giám đốc Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế cho biết thêm, ngay cả đường dây hạ áp phía Công ty Aranya Việt Nam cũng làm sai nguyên tắc. Bởi lẽ, theo quy định, trước khi làm đường dây này, phía doanh nghiệp phải làm việc với ngành điện để ngành điện giám sát ngay từ đầu. Nhưng ở đây doanh nghiệp làm xong rồi mới đem hồ sơ đến để trình thỏa thuận thiết kế.

“Anh đừng đổ cho nhà cung cấp điện, lỗi do anh hết. Đến giờ phút này Công ty Aranya Việt Nam chưa có văn bản về việc không hoàn trả vốn nhưng chúng tôi vẫn làm”, ông Tuấn khẳng định.                                                    

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top