Bắt đầu thi công từ ngày 8/8, sau 2 tuần thi công, dự án sửa chữa cầu Thăng Long với tổng mức đầu tư gần 270 tỷ đồng đã cào bóc được khoảng 80% mặt đường.
Cầu Thăng Long được khởi công vào năm 1974, chính thức khánh thành vào năm 1985 sau 11 năm thi công. Đây là một trong những cây cầu huyết mạch của Thủ đô với chiều dài hơn 3km. Cầu có 2 tầng phục vụ việc di chuyển cho các phương tiện: tàu hỏa, ô tô, xe máy và xe thô sơ.
Sau hơn 30 năm đi vào sử dụng, cầu Thăng Long đã trải qua nhiều lần sửa chữa với kinh phí lên tới hàng trăm tỷ đồng. Sau lần sửa chữa vào năm 2009, đến nay mặt đường tầng 2 cầu Thăng Long đã bị hư hỏng rất nặng và đang được tiến hành đại tu.
Video: Toàn cảnh dự án sửa chữa cầu Thăng Long.
Ghi nhận của PV sau 2 tuần thi công, mặt đường cầu Thăng Long đã được cào bóc gần như toàn bộ.
Được biết, dự án này có tổng mức đầu tư gần 270 tỷ đồng và được lấy từ nguồn kinh phí sự nghiệp chi hoạt động kinh tế đường bộ cho công tác quản lý bảo trì quốc lộ.
Các nhà mái che bằng tôn được dựng lên, giúp cho công nhân có thể làm việc được dưới mọi điều kiện thời tiết.
Giải pháp công nghệ sửa chữa mặt cầu lần này là cào bóc sạch lớp bê tông nhựa hiện hữu, làm sạch bản mặt thép, đồng thời sẽ hàn các đinh neo thép vào bản mặt thép; lắp đặt lưới thép và đổ một lớp bê tông siêu tính năng (UHPC) cường độ cao. Sau đó, các đơn vị sẽ thi công lớp phủ gốc nhựa tạo nhám và êm thuận.
Đường lên cầu Thăng Long hướng từ Phạm Văn Đồng đã được rải những lớp thảm nhựa mới.
Vật liệu được tập kết tại khu vực đường lên cầu.
Công trường thi công dự án sửa chữa cầu Thăng Long hướng từ cầu xuống mặt đường Phạm Văn Đồng.
Để đảm bảo an toàn về phòng dịch Covid-19, các công nhân thi công tại đây đều được yêu cầu rửa tay sát khuẩn, đo nhiệt độ trước khi vào công trường.
Các container được huy động lên cầu Thăng Long làm chỗ ở lưu động cho đội ngũ thi công dự án.
Được biết, mục tiêu sửa chữa cầu Thăng Long lần này là tạo ra dính bám lớn giữa lớp phủ với bản mặt thép, tăng cường độ cứng khung, kết cấu chịu lực nhằm kéo dài tuổi thọ của cây cầu.
Vừa qua, để phục vụ sửa chữa quy mô lớn, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đóng cửa hoàn toàn cầu Thăng Long. Trong thời gian cấm ô tô để phục vụ sửa chữa, phương tiện qua lại cầu sẽ được tổ chức, phân luồng đi sang các cầu khác như Nhật Tân, Vĩnh Tuy, Thanh Trì. Với xe máy và tàu hỏa, do lưu thông ở tầng 1 (không sửa chữa) nên vẫn có thể đi lại bình thường.