Hoạt động du lịch "đóng cửa" vì bão
Siêu bão Yagi không chỉ gây thiệt hại về người và của mà còn khiến ngành du lịch miền Bắc lao đao. Hầu hết các dịch vụ và cơ sở du lịch đều bị ảnh hưởng nặng nề, việc khắc phục dự kiến sẽ rất lâu dài. Đơn cử như ngành du lịch, nghỉ dưỡng Quảng Ninh đang oằn mình gánh chịu hậu quả nặng nề sau khi cơn bão số 3 đi qua.
Trên vịnh Hạ Long, hầu hết các điểm tham quan đều bị tàn phá. Các công trình hạ tầng du lịch trọng điểm như Cung quy hoạch hội chợ và triển lãm, Bảo tàng tỉnh, Công viên hoa Hạ Long... cũng chịu thiệt hại nặng nề, chưa thể đón khách trở lại.
Tương tự tại Cát Bà, cơn bão quét qua đã để lại một cảnh tượng tan hoang cho hàng trăm cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhà hàng và khách sạn nghỉ dưỡng. Ngay cả những khách sạn 5 sao sang trọng tại các bãi tắm cũng chịu thiệt hại nặng nề, từ cửa kính, cây cảnh, trần ban công cho đến hiên khách sạn và nhiều trang thiết bị, kiến trúc cảnh quan khác…
Không chỉ có ngành du lịch của Quảng Ninh, Hải Phòng bị ảnh bởi bão số 3, hiện tại, mưa úng, ngập lụt, sạt lở nặng nề ở nhiều tỉnh miền núi Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên… Theo đó, không ít địa điểm đã ngưng đón khách du lịch để bảo đảm an toàn.
Đơn cử, ngày 8/9, UBND thị xã Sa Pa (Lào Cai) đã ban hành văn bản về việc tạm dừng đón khách du lịch để đảm bảo an toàn. Hiệp hội du lịch tỉnh Lào Cai cũng thông báo tới các doanh nghiệp thành viên ngừng các hoạt động tham quan ngoài trời cho đến khi có thông báo mới. Ngày 9/9, tỉnh Cao Bằng cũng đưa ra khuyến cáo tương tự, yêu cầu du khách không tiếp cận khu vực nguy hiểm và tránh các hoạt động ngoài trời.
Theo một nền tảng đặt phòng, có tới 80% lượng đặt phòng ở khu vực phía Bắc đã bị hủy hoặc dời lịch. Điều này là tất yếu bởi bão lũ có thể gây thiệt hại cơ sở hạ tầng lưu trú (bao gồm khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, và các tiện ích giải trí khác), giao thông, hệ thống điện, nước cũng có thể bị ảnh hưởng, gây gián đoạn hoạt động kinh doanh và ảnh hưởng đến trải nghiệm của du khách.
Chia sẻ với Reatimes, ông Phạm Hà, Chủ tịch kiêm CEO của của Lux Group - đơn vị chuyên kinh doanh du thuyền sang trọng tại Hạ Long (Quảng Ninh) cho biết, khi bão qua đi, ở khu vực Hạ Long, Bãi Cháy và các cảng tàu quốc tế Sun Group, Tuần Châu cho thấy mức độ thiệt hại nghiêm trọng, không khác gì một bãi chiến trường. Rất nhiều doanh nghiệp trong ngành du lịch và dịch vụ đã bị ảnh hưởng nặng nề, từ những tổn thất nhỏ đến lớn đều rất kinh khủng.
Tuy nhiên, ông Hà vẫn nhấn mạnh rằng: "Điều quan trọng là chúng ta không thể chìm đắm trong những khó khăn của ngày hôm qua. Mọi thứ đã qua rồi, và giờ là lúc để chúng ta hướng về tương lai tươi sáng. Chúng ta cần khẩn trương tìm ra những phương án tốt nhất để phục hồi, lên kế hoạch triển khai ngay và nhanh chóng ổn định trở lại. Dù vừa trải qua đại dịch Covid-19 và giờ là siêu bão Yagi, tinh thần kiên cường và bản lĩnh là điều mà tất cả chúng ta cần duy trì để vượt qua mọi thử thách. Hành động nhanh chóng và quyết liệt chính là chìa khóa để khôi phục và tiếp tục phát triển mạnh mẽ ngành du lịch nghỉ dưỡng trong thời gian tới".
Con đường phục hồi gian nan hơn
Giới phân tích cho rằng, mưa bão gây ra những tác động tiêu cực đa chiều đến ngành bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, đặc biệt là "giáng thêm" một đòn tổn thất về kinh tế cho cộng động doanh nghiệp. Cụ thể, các doanh nghiệp trong ngành du lịch nghỉ dưỡng có thể phải đối mặt với sự sụt giảm doanh thu đáng kể do lượng khách giảm và chi phí sửa chữa, khắc phục hậu quả thiên tai. Các nhà đầu tư có thể trở nên thận trọng hơn trong việc rót vốn vào các dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tại những khu vực có nguy cơ cao về thiên tai. Việc phục hồi và tái thiết sau thiên tai có thể mất nhiều thời gian và nguồn lực, ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của ngành.
Bên cạnh đó, giá trị bất động sản có thể sẽ bị giảm nghiêm trọng. Bất động sản nghỉ dưỡng ở khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của mưa bão có thể mất giá do rủi ro cao. Nhà đầu tư và khách hàng sẽ e ngại khi đầu tư hay sử dụng các bất động sản này. Ngoài ra, chủ sở hữu phải trả phí bảo hiểm cao hơn để bảo vệ tài sản của mình.
Vốn dĩ, việc bất động sản nghỉ dưỡng vẫn chưa phục hồi do nhiều nguyên nhân chồng chéo đã được giới chuyên gia nhắc đến rất nhiều trong các các cuộc họp với Chính phủ và bộ ngành cũng như hội thảo, tọa đàm… Đó là thiếu cơ chế pháp lý cho các sản phẩm đặc thù như condotel, biệt thự nghỉ dưỡng, và các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng khác. Khi thiếu khung pháp lý đầy đủ và rõ ràng sẽ gây ra nhiều bất ổn và rủi ro cho nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, chính sách thắt chặt tín dụng của Ngân hàng Nhà nước đã làm giảm khả năng tiếp cận vốn vay của các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng. Lãi suất cho vay vẫn ở mức cao, làm tăng chi phí đầu tư và gây khó khăn cho việc triển khai dự án và thu hút khách hàng
Tâm lý đầu tư tại thị trường bất động sản nghỉ dưỡng cũng chưa thể phục hồi bởi những khó khăn về pháp lý, tài chính, và những vụ việc vi phạm cam kết lợi nhuận từ một số chủ đầu tư đã làm giảm niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, người mua có xu hướng thận trọng hơn trong việc đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng, đặc biệt là các sản phẩm có giá trị cao.
Ngoài ra, việc dư cung tại một số thị trường cũng là vấn đề đáng quan ngại. Theo đó, tại một số địa phương, nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng đã vượt quá cầu, dẫn đến tình trạng dư thừa và khó khăn trong việc bán hàng. Không chỉ vậy, dù ngành du lịch đã phục hồi đáng kể, nhưng những ảnh hưởng của đại dịch vẫn còn kéo dài, đặc biệt là đối với phân khúc khách quốc tế, việc lưu trú dài hạn vẫn thấp.
Việc thị trường bất động sản nghỉ dưỡng chưa phục hồi hoàn toàn đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong ngành. Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) mới công bố, trong nửa đầu năm 2024, nhiều doanh nghiệp phát triển dự án du lịch nghỉ dưỡng đã báo cáo kinh doanh thua lỗ, có doanh nghiệp ghi nhận khoản lỗ lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Điển hình là Công ty Cổ phần Dịch vụ Giải trí Hưng Thịnh Quy Nhơn, chủ đầu tư của dự án Merryland Quy Nhơn và Grand Center Quy Nhơn (Bình Định), đã lỗ sau thuế khoảng 199,4 tỷ đồng, gấp 5,8 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Tương tự, CTCP Phát triển Địa ốc Sông Tiên, chủ đầu tư của dự án Angel Island - khu đô thị du lịch với nhiều tiện ích giải trí, nghỉ dưỡng tại cù lao Nhơn Phước (Đồng Nai), cũng báo lỗ hơn 62 tỷ đồng, gấp 2,8 lần cùng kỳ năm trước.
Tình hình tài chính của CTCP Crystal Bay, chủ đầu tư của các dự án SunBay Park Hotel & Resort Phan Rang, Sailing Bay Ninh Chữ (Ninh Thuận), Crystal Marina Bay (Khánh Hoà)... vẫn còn nhiều thách thức. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu hiện ở mức 2,58 lần, cho thấy công ty đang sử dụng đòn bẩy tài chính khá cao. Tổng nợ phải trả của công ty lên đến gần 4.600 tỷ đồng, trong đó riêng dư nợ trái phiếu đã chiếm tới 1.960 tỷ đồng.
Ngoài ra, CTCP Đầu tư và Du lịch Vạn Hương - chủ khu du lịch quốc tế Dragon Ocean Đồ Sơn (Hải Phòng) công bố một số chỉ tiêu tài chính cơ bản 6 tháng đầu năm 2024 cũng cho thấy khoản lỗ sau thuế hơn 34 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái lỗ hơn 10 tỷ đồng. Tại thời điểm 30/6/2024, vốn chủ sở hữu của công ty là 2.921 tỷ đồng, giảm gần 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu tăng từ 6,46 lần lên 8,32 lần, tương đương nợ phải trả là 24.303 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ trái phiếu hơn 4.000 tỷ đồng, giảm hơn 500 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Chia sẻ với Reatimes, TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cho hay, nhìn vào báo cáo kết quả kinh doanh có thể thấy thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng vẫn đang trong giai đoạn khó khăn khi có nhiều doanh nghiệp báo lỗ và số nợ vẫn cao, trong đó có nợ trái phiếu. Điều này cho thấy sự phục hồi của ngành vẫn còn chậm và nhiều thách thức.
"Thị trường du lịch chưa hoàn toàn hồi phục sau đại dịch, những khó khăn về pháp lý, tâm lý thận trọng của nhà đầu tư cũng góp phần làm giảm sức hấp dẫn của phân khúc này…", TS. Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.
Dù vậy, chuyên gia này cho rằng, vẫn có thể lạc quan bởi tiềm năng phát triển của bất động sản du lịch nghỉ dưỡng Việt Nam vẫn rất lớn, với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên đa dạng, văn hóa phong phú và sự quan tâm ngày càng tăng của du khách trong và ngoài nước.
Để thúc đẩy sự phục hồi, cần có sự chung tay của cả Chính phủ và doanh nghiệp. Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Doanh nghiệp cần đổi mới sản phẩm, nâng cao uy tín, chất lượng xây dựng, dịch vụ... để thu hút khách hàng.
"Với những nỗ lực đúng hướng, tôi tin rằng thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sẽ dần hồi phục và phát triển bền vững trong tương lai", TS. Nguyễn Minh Phong nhận định.