Aa

"Dư nợ tín dụng bất động sản và chứng khoán vẫn chiếm tỷ trọng thấp"

Thứ Ba, 23/10/2018 - 14:01

"Dư nợ tín dụng bất động sản và chứng khoán vẫn chiếm tỷ trọng thấp"; Bộ Xây dựng cảnh báo rủi ro đầu tư condotel; Toàn cảnh Thành phố mới Bình Dương: Khu đô thị hiện đại đìu hiu, vắng người ở; Nhà giá rẻ 500 triệu đồng/căn: Thực tế đến đâu?... là những tin tức nổi bật về bất động sản 24 giờ qua.

"Dư nợ tín dụng bất động sản và chứng khoán vẫn chiếm tỷ trọng thấp"

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ sáu ngày 22/10, báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu chính sách phát triển tín dụng theo hướng chặt chẽ ở lĩnh vực bất động sản và chứng khoán.

Sau thông tin này, có bạn đọc đặt vấn đề với VnEconomy ở tình huống: có phải Chính phủ định hướng siết lại tín dụng bất động và chứng khoán thời gian tới?

Trao đổi với VnEconomy, một lãnh đạo chuyên trách lĩnh vực này của Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến thời điểm này, dư nợ tín dụng bất động sản và chứng khoán trong hệ thống vẫn chiếm tỷ trọng thấp, dưới 10% mỗi loại; riêng tín dụng bất động sản nếu "cộng cả" tín dụng tiêu dùng mua và sửa chữa nhà ở, cũng chỉ hơn chục phần trăm mà thôi.

Nếu xem và gộp tín dụng tiêu dùng mua sửa chữa nhà ở của người dân vào tín dụng bất động sản, phải áp hệ số rủi ro tín dụng cao như tín dụng bất động sản, lãi suất cho vay chắc chắn sẽ tăng cao và triệt tiêu nhu cầu và khả năng mưu cầu nhà ở của một bộ phận dân cư - Ảnh: Quang Phúc.

Nếu xem và gộp tín dụng tiêu dùng mua sửa chữa nhà ở của người dân vào tín dụng bất động sản, phải áp hệ số rủi ro tín dụng cao như tín dụng bất động sản, lãi suất cho vay chắc chắn sẽ tăng cao và triệt tiêu nhu cầu và khả năng mưu cầu nhà ở của một bộ phận dân cư - Ảnh: Quang Phúc.

"Tại thời điểm này, tỷ trọng và dư nợ cho vay những mảng trên đều bình thường, thậm chí thấp nếu tính theo giới hạn tối đa. Hoạt động này được kiểm soát chặt chẽ, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động kiểm soát những năm gần đây, chứ không phải giờ mới đặt ra, giờ mới thực hiện, và tất nhiên không nên hiểu bây giờ siết lại", vị lãnh đạo trên cho biết.

Ông cũng cho rằng, thông điệp trong báo cáo của Thủ tướng cần đặt trong quá trình thực hiện ba năm qua của nhiệm kỳ này, chứ không phải hiện nay.

Cụ thể, trong ba năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng lộ trình và từng bước thực hiện, tạo các bước thời gian để các chủ thể trên thị trường chủ động chuẩn bị. Đó là việc từng bước nâng hệ số rủi ro liên quan đến tín dụng bất động sản, cũng như gián tiếp ở việc rải ra thực hiện giới hạn tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn.

Xem chi tiết tại đây.

Toàn cảnh Thành phố mới Bình Dương: Khu đô thị hiện đại đìu hiu, vắng người ở

Nhiều dự án khu nhà ở, khu đô thị mới tại TP mới Bình Dương vẫn trong cảnh đìu hiu, vắng bóng người ở. Theo thông tin từ nhiều sàn giao dịch nhà đất, trong 9 tháng năm 2018, giao dịch đất nền tại Bình Dương có xu hướng chậm lại. 

Trong 9 huyện, thị xã, TP của tỉnh Bình Dương, các giao dịch hầu như chỉ tập trung tại TP. Thủ Dầu Một và các thị xã Thuận An, Dĩ An. Nhưng tại 3 địa phương này, thời gian gần đây sức mua có dấu hiệu giảm sút do giá chào bán tăng cao.

Nhiều nhà đầu tư đang "mắc kẹp" ở thị xã Bến Cát và TP mới Bình Dương (thuộc địa bàn TP. Thủ Dầu Một). Rất nhiều sản phẩm ủy thác bán lại tại khu vực này cả năm chỉ có vài người mua, dù chủ đất bán cao hơn giá gốc 10-15%. 

Phần lớn giao dịch, mua bán đất ở các khu vực này gần đây không theo nhu cầu mua để ở, chủ yếu kinh doanh kiếm lời. Để phục vụ nhu cầu đầu tư của khách, nhiều doanh nghiệp không ngại tung tin truyền thông, tạo nên các cơn sốt giá đất ảo.

Tuy nhiên, lượng khách hàng quan tâm đến các sản phẩm nhà ở tại khu vực này vẫn không tăng trong suốt thời gian dài qua. Theo đánh giá của một chuyên gia địa ốc, thị trường nhà đất Bình Dương chỉ thu hút được khách mua với một số dự án nằm giáp ranh với TP.HCM, đa phần thuộc khu Thủ Đức (nằm trong khu đô thị đại học Quốc gia TP.HCM). 

Còn lại, những vị trí ngay khu Thành phố mới Bình Dương đều là những sản phẩm của nhiều năm trước, giờ môi giới tung chiêu đẩy hàng ra thị trường.

Xem chi tiết tại đây.

TP.HCM “hé lộ” nét mới trong quy hoạch bất động sản

Trong khi việc quy hoạch dù đã rõ ràng và được TP.HCM hoạch định theo từng thời kỳ, thì câu chuyện cân bằng quy hoạch, “vá” lại lỗ hổng quy hoạch vẫn được giới phân tích cho là rất cấp bách.

Tại cuộc Hội thảo khoa học quản lý đô thị trên địa bàn TP.HCM do Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân chủ trì tổ chức mới đây, nhiều ý kiến từ giới quy hoạch đầu ngành của Việt Nam cho rằng, cần mở rộng quy hoạch không gian đô thị về phía tỉnh Long An. Theo đó, lấy sông Vàm Cỏ Đông làm ranh giới tự nhiên, gồm các huyện Cần Giuộc, Cần Đước và một phần huyện Bến Lức. Sau đó, sẽ mở rộng quy hoạch ra các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai.

 

Quy hoạch TP.HCM đang rộng cửa cho thị trường bất động sản ngoại ô phát triển. Ảnh: Gia Huy

Quy hoạch TP.HCM đang rộng cửa cho thị trường bất động sản ngoại ô phát triển. Ảnh: Gia Huy

 

Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng việc mở rộng này đã nằm trong Quy hoạch vùng TP.HCM mở rộng 2030 tầm nhìn 2050. Trong đó, bài toán hiện nay đó là quỹ đất của TP.HCM vẫn còn khá lớn, dư địa cho phát triển quy hoạch TP.HCM vẫn còn chưa khai thác hết thì tại sao phải tính tới bài toán mở rộng ra các tỉnh lân cận.

“Ở các huyện như Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè… quỹ đất được cho là còn rất nhiều, các dự án đô thị được quy hoạch rất lâu nhưng nhà đầu tư không thực hiện. Trong khi nhu cầu nhà ở của người dân tại đây là rất lớn, vậy tại sao TP.HCM không thực hiện phát triển quy hoạch các dự án tại chính quận, huyện của TP.HCM xong hãy bắt đầu tính tới quy hoạch mở rộng TP.HCM theo đúng như Quy hoạch mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và công bố đầu năm 2018”, kiến trúc sư Trần Ngọc Thanh, đến từ Trường đại học Kiến trúc TP.HCM cho biết.

Xem chi tiết tại đây.

Kinh doanh bất động sản thời buổi công nghệ 4.0 dần lên ngôi

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 xuất hiện đầu tiên từ khái niệm Ïndustrie 4.0" tại Đức vào năm 2013, và những năm gần đây khái niệm này được nhắc nhiều trên truyền thông và mạng xã hội. Đây là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 phát triển trên 3 trụ cột chính: kỹ thuật số, công nghệ sinh học và vật lý.

Xu thế này đang phát triển với tốc độ rất nhanh ở các nước phát triển. Mọi lĩnh vực kinh tế đều đang được ứng dụng công nghệ cao, sử dụng những yếu tố cốt lõi trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối – Internet of things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data).

Không nằm ngoài xu thế đó, tại Việt Nam cuộc cách mạng này đang "phủ sóng" rất nhiều lĩnh vực, trong đó đầu tư công nghệ trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản cũng đang gia tăng mạng mẽ.

Cách đây không lâu, một tập đoàn bất động sản trực tuyến nổi tiếng của Singapore là PropertyGuru đã "nổ  phát súng" đầu tiên khi công bố rót 9 triệu USD vào Công ty Cổ phần đầu tư và Công nghệ Đại Việt – đơn vị đang sở hữu website Batdongsan.com.vn.

Từ đó đến nay, nhiều thương vụ hợp tác đầu tư trong lĩnh vực này giữa các công ty sở hữu các ứng dụng công nghệ trong bất động sản tại Việt Nam với các quỹ đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh liên tục diễn ra. Đáng chú ý là 3 quỹ đầu tư Genesia Ventures (Nhật Bản), Access Venture (Hàn Quốc) và Mynavi Corporation (Nhật Bản) mới đây cũng đã rót vốn vào Homedy.com – một trang tin ứng dụng công nghệ tìm kiếm bất động sản.

Trước đó, Homedy cũng đã được gọi vốn thành công lần đầu tiên sau khi khởi nghiệp từ năm 2015 từ quỹ Genesia Ventures (Nhật Bản). Theo chia sẻ của lãnh đạo Homedy thì việc gọi vốn thành công đã giúp công ty có thêm nguồn lực tài chính để đầu tư mạnh vào Big data.

Xem chi tiết tại đây.

Nhà giá rẻ 500 triệu đồng/căn: Thực tế đến đâu?

Tập đoàn Mường Thanh vừa tung tin sốc khi quyết định bán ra thị trường 1.200 căn hộ chung cư tại dự án Thanh Hà với mức giá từ 10,5 triệu đồng/m2. Các căn hộ này thuộc 11 tòa HH02 -HH03 (Khu đô thị Thanh Hà - Hà Đông - Hà Nội), mỗi tòa cao 19 tầng, mỗi tầng 17 căn hộ và 5 thang máy. Với mức giá bán này, giá trị mỗi căn hộ khoảng 500 - 850 triệu đồng/căn. Đây được coi là mức giá rẻ nhất tại thị trường căn hộ chung cư hiện nay.

Cụ thể theo đó, chủ đầu tư đã phối hợp với ngân hàng hỗ trợ tài chính cho người mua nhà. Khách hàng chỉ cần bỏ ra số tiền ban đầu khoảng 150 triệu đồng là đã được sở hữu căn hộ, sau đó người mua sẽ được ngân hàng hỗ trợ vay vốn đến 70% giá trị căn hộ. Điều này có nghĩa là nếu muốn sở hữu căn hộ ở KĐT Thanh Hà, người mua chỉ cần có khoản tích lũy ban đầu 20% cho phần đặt cọc và ký hợp đồng. 70% phải đóng từ sau thời điểm này sẽ được vay ngân hàng và ân hạn trả nợ gốc.

Còn nhớ, “đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh từng khiến thị trường bất động sản Hà Nội xôn xao với tuyên bố giá bán chung cư 10 triệu đồng/m2 vào năm 2011. 

Những căn hộ này có diện tích khoảng 60-70 m2 chia thành 2 phòng ngủ, 2 nhà vệ sinh; phòng khách, phòng bếp, phục vụ nhu cầu sinh hoạt cơ bản nhất của người dân. Trước thực tế nhiều gia đình phải chi thêm khoản tiền lớn để trang bị nội thất, chủ đầu tư chú trọng lựa chọn những thiết bị phù hợp với nhu cầu sinh hoạt của người dân.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, không thể đòi hỏi căn hộ giá rẻ nhưng chất lượng như chung cư cao cấp được. Tuy nhiên, doanh nghiệp hoàn toàn có thể xây nhà ở giá rẻ nếu biết sử dụng nguyên vật liệu tiết kiệm, quản trị doanh nghiệp tốt và cái tâm của doanh nghiệp. Dù vậy, điều rất nhiều người băn khoăn đó là việc nhà giá rẻ luôn đi kèm với một hạ tầng kém đồng bộ, ví như tiện ích sân chơi, trường học, y tế, khiến sinh hoạt của cư dân những khu nhà này sau một thời gian sinh sống trở nên chật chột và bất tiện. 

Xem chi tiết tại đây.

Bộ Xây dựng cảnh báo rủi ro đầu tư condotel

Trong báo cáo gửi Quốc hội về các vấn đề của ngành, đánh giá về tình hình thị trường bất động sản thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nhận định, thị trường đã có sự phục hồi và tăng trưởng ổn định. Cơ cấu hàng hóa bất động sản ngày càng đa dạng, phong phú cả về chủng loại và phân khúc sản phẩm: bất động sản nhà ở; bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng; văn phòng, khu công nghiệp...

Đặc biệt, trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến nay, các địa phương ven biển đã cho phép một số doanh nghiệp đầu tư kinh doanh các dự án du lịch nghỉ dưỡng có công trình căn hộ du lịch (condotel) và biệt thự du lịch (resort); tại một số đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác đã cho phép một số doanh nghiệp đầu tư kinh doanh loại hình công trình văn phòng làm việc kết hợp lưu trú (officetel). 

Theo số liệu của 71 dự án bất động sản do Bộ Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở từ đầu năm 2015 đến nay thì đã có hơn 25.600 căn hộ condotel, officetel, tập trung chủ yếu ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Ngoài ra, còn có hàng chục nghìn căn condotel, officetel do các địa phương thẩm định, cấp phép theo thẩm quyền.

Bộ Xây dựng cho rằng, trong thời gian qua, có nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng được cấp phép, nguồn cung loại hình bất động sản này lớn và đa dạng.

Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Xây dựng cũng chỉ rõ: “Trong khi đó, các điều kiện của hợp đồng không chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch dẫn đến tiềm ẩn rủi ro cho cả nhà đầu tư và người mua”.

Vấn đề rủi ro khi đầu tư condotel cũng đã được nhiều chuyên gia, nhà quản lý bất động sản đưa ra cảnh báo.

Xem chi tiết tại đây.

Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm tại dự án Discovery Complex

Dự án trung tâm thương mại, văn phòng, căn hộ để bán và cho thuê tại 302 Cầu Giấy (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) có tên thương mại là Discovery Complex do Công ty cổ phần đầu tư thương mại dịch vụ Cầu Giấy - một công ty thành viên của Kinh Đô TCI Group làm chủ đầu tư.

Dự án có diện tích sử dụng đất 10.158m2, tổng mức đầu tư khoảng 1.900 tỉ đồng, thời gian thực hiện từ quý 1-2006 đến quý 4-2012.

Tại thời điểm thanh tra, dự án đã xây dựng xong phần thô, đang trong giai đoạn thi công hoàn thiện công trình, chậm 4 năm so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư.

Dự án này được UBND TP. Hà Nội cho phép chuyển mục đích để xây dựng trung tâm thương mại, văn phòng, căn hộ để bán và cho thuê vào ngày 23-1-2008. Trong đó, 9.143m2 đất xây dựng trung tâm thương mại, văn phòng theo hình thức thuê đất trả tiền hàng năm.

Theo TTCP, chủ đầu tư đã thay đổi mục đích và công năng sử dụng từ thuê đất xây dựng trung tâm thương mại, văn phòng với diện tích 1.438m2 đã được phê duyệt sang giao đất có thu Tiền sử dụng đất xây dựng căn hộ chung cư để bán. 

“Mặc dù đã được Sở Quy hoạch – Kiến trúc chấp thuận điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng và phương án kiến trúc, nhưng chưa được UBND TP. Hà Nội cho phép điều chỉnh dự án đầu tư và chuyển mục đích sử dụng đất, chưa xác định và thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất bổ sung. Việc này vi phạm Khoản 1 Điều 6, Khoản 3 Điều 12 và Điểm e Khoản 1 Điều 57 Luật Đất đai 2013”, kết luận TTCP nêu rõ.

Đặc biệt, đối với phần diện tích xây dựng 2.094m2 khu văn phòng, thương mại, UBND TP. Hà Nội xác định Tiền sử dụng đất trả tiền hàng năm, không xác định theo chỉ tiêu quy hoạch theo phương pháp thặng dư là vi phạm Thông tư số 145 ngày 6-12-2007 của Bộ Tài chính.

Ngoài ra, Cục Quản lý hoạt động xây dựng – Bộ Xây dựng thẩm định hồ sơ thiết kế kỹ thuật tại văn bản số 296 ngày 14-3-2016 và chủ đầu tư phê duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công đối với diện tích sàn khu văn phòng tháp A vượt 4.218m2, diện tích sàn khu căn hộ tháp B vượt 4.736m2 so với phương án kiến trúc được Sở Quy hoạch – Kiến trúc chấp thuận điều chỉnh là vi phạm Khoản 3, Điều 23 Nghị định 59 ngày 18-6-2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ tài chính từ đất, chủ đầu tư đã nộp đủ hơn 35 tỉ đồng đối với 1.015,5m2 đất xây dựng nhà chung cư để bán vào ngân sách nhà nước ngày 1-7-2009 và tạm nộp hơn 41 tỉ đồng đối với 1.438,5m2 đất thuê xây trung tâm thương mại, văn phòng vào ngày 25-12-2015.

Xem chi tiết tại đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top