Dự án Đầu tư xây dựng nhà ở Khu dân cư và dịch vụ Cầu Hưng - Lai Nghi (New Green Village Hội An) do Công ty Cổ phần Đầu tư Nông nghiệp Sài Gòn Thành Đạt làm chủ đầu tư có tổng kinh phí đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 dự án có tổng diện tích sử dụng đất là khoảng 18,6ha và giai đoạn 2 được giao 44,6ha tọa lạc tại phường Điện Nam Đông (TX. Điện Bàn).
Dự án triển khai thi công giai đoạn 1 vào năm 2017, tiến độ thực hiện được chấp thuận ban đầu là 18 tháng, đến quý I/2019; sau đó điều chỉnh đến quý II/2023. Theo Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam, đối với giai đoạn 1 đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên phần diện tích đất được giao. Trong khi đó, giai đoạn 2 của dự án đang triển khai thực hiện.
Những ngày đầu tháng 4, PV Reatimes nhận được phản ánh của người dân địa phương về tình trạng đơn vị thi công dự án Khu dân cư và dịch vụ Cầu Hưng - Lai Nghi sử dụng đất bùn, phế thải xây dựng làm vật liệu san lấp và cho san ủi, tạo cốt nền trong khuôn viên dự án. Việc này có thể ảnh hưởng đến cốt nền sau khi dự án đi vào hoạt động.
Nhằm xác minh thông tin phản ánh trên, sáng ngày 9/4, PV Reatimes đã đi ghi nhận thực tế và thấy rằng phản ánh trên là đúng sự thật. Theo đó, sau khi lấy bùn đất, phế thải xây dựng cách đó không xa, hàng loạt xe ben vận chuyển, tập kết tại dự án Khu dân cư và dịch vụ Cầu Hưng - Lai Nghi để thực hiện san lấp mặt bằng trái phép. Chu kỳ đó được lặp đi lặp lại nhiều lần trong ngày. Các xe ben này che chắn khá sơ sài, đất đá rơi xuống đường, bụi bay mù mịt, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Khoảng 11h40, xe ben BKS 43C-185.xx chở theo một lượng lớn phế thải xây dựng đang di chuyển từ tuyến đường ĐH7 nhanh chóng rẽ vào cổng dự án và tiến thẳng đến khu vực đang san lấp.
Tại đây, sau khoảng một vài phút quan sát xung quanh, thấy không có người, tài xế nhanh chóng đổ đất đá trên xuống và di chuyển ra khỏi khu vực dự án. Ngay sau đó, một chiếc máy ủi nhanh chóng "vào việc", tiến hành san lấp số phế thải vừa được đổ xuống.
Điều đáng nói, việc tập kết bùn đất, phế thải xây dựng để san lấp mặt bằng tại dự án Khu dân cư và dịch vụ Cầu Hưng - Lai Nghi không chỉ diễn ra một vài hôm mà đã có cả quá trình trước đó.
Một người dân có nhà nằm trong khuôn viên dự án (chưa được tái định cư - PV) cho biết, từ trước Tết Nguyên đán 2024, người này đã thấy đơn vị thi công huy động hàng chục phương tiện từ xe ben, máy múc, máy ủi đổ phế thải xây dựng rồi tiến hành san lấp mặt bằng. "Họ đổ nhiều lắm, xe này ra là xe khác vô ngay, xà bần, giá hạ thải đổ đến đâu là máy móc san lấp ngay, mặt bằng tạo ra đến đó", người dân nói.
Trong khi đó, một người dân khác cho biết, từ khi triển khai thi công dự án, chủ đầu tư chỉ toàn dùng phế thải xây dựng để thực hiện san lấp mặt bằng. Không chỉ vậy, chủ đầu tư còn ngang nhiên cho đơn vị thi công đưa xe san lấp diện tích đất canh tác của một số hộ dân địa phương. Điều đáng nói, lúc này, người dân chưa đồng ý nhận đền bù, giải phóng mặt bằng.
Theo quy định thì nhà thầu thi công phải sử dụng cát, đất đúng tiêu chuẩn để san lấp mặt bằng công trình theo hồ sơ thiết kế. Tuy nhiên, chủ đầu tư dự án xây dựng Khu dân cư dịch vụ Cầu Hưng - Lai Nghi và nhà thầu thi công đã dùng phế thải xây dựng để san lấp mặt bằng.
Hàng nghìn mét khối phế thải xây dựng từ nhiều nguồn khác nhau được vận chuyển đến dự án san lấp không đúng theo quy định về tiêu chuẩn trong thi công. Điều đó có thể sẽ tác động đến môi trường đất cũng như ảnh hưởng đến chất lượng công trình, ngoài ra còn có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp tới hệ thống mạch nước ngầm.
Trước sự việc này, trao đổi với Reatimes, Phó Chủ tịch UBND TX. Điện Bàn Nguyễn Xuân Hà cho biết hiện chưa nắm thông tin này. Sau khi nhận được phản ánh của báo chí, thị xã sẽ cử cán bộ Quy tắc đô thị xuống kiểm tra hiện trường, báo cáo và có thông tin phản hồi sau. "Hiện tại địa phương chưa nắm thông tin nên chưa thể khẳng định là có hay không. Nếu đúng như phản ánh thì sẽ lập biên bản xử lý, xử phạt theo đúng quy định", ông Nguyễn Xuân Hà nói thêm.
Theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 64 Luật Đất đai năm 2013 thì "người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất" sẽ bị Nhà nước thu hồi đất. Theo đó, "hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất, làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định". Mới đây, khoản 3, Điều 3, Nghị định 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, quy định: "Gây ô nhiễm đất là trường hợp đưa vào trong đất các chất độc hại hoặc vi sinh vật, ký sinh trùng có hại cho cây trồng, vật nuôi, con người". "Như vậy, trong trường hợp chủ sử dụng đất có hành vi sử dụng rác thải không đúng quy định để san lấp mặt bằng và gây ô nhiễm môi trường đất thì sẽ bị Nhà nước xem xét thu hồi theo đúng quy định pháp luật".
Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 về Quản lý chất thải và phế liệu, trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 08/2017/TT-BXD ngày 16/5/2017 về quản lý chất thải rắn xây dựng. Trong đó, quy định chất thải xây dựng phải được thu gom, vận chuyển đến điểm tập kết, trạm trung chuyển và cơ sở xử lý được đầu tư xây dựng theo quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc cơ sở tái chế, công trình khác để tái chế, tái sử dụng.
LS. Nguyễn Văn Tứ, Đoàn luật sư TP. Đà Nẵng cho biết, Luật Bảo vệ môi trường 2020 hiện hành nghiêm cấm hành vi vận chuyển, chôn, lấp, đổ, thải chất thải rắn, chất thải nguy hại không đúng quy định. Cá nhân, tổ chức thực hiện các hành vi trên tùy theo mức độ có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về trách nhiệm hành chính, Điều 4 Nghị định 155/2016/NĐ-CP, quy định: Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt sau: Cảnh cáo; phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 1 triệu đồng đối với cá nhân và 2 triệu đồng đối với tổ chức.
Cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như: Tước quyền sử dụng có thời hạn đối với: Giấy phép xử lý chất thải nguy hại/Giấy phép xả thải khí thải công nghiệp; Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; Mọi hoạt động của doanh nghiệp tạo ra chất thải cần xử lý sẽ bị tạm đình chỉ cho đến khi hết thời hạn xử lý, các hoạt động khác không liên quan trong quá trình xả thải vẫn được phép tiếp tục. Ngoài ra, doanh nghiệp vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả.