Ngân hàng Nhà nước sẽ chủ động "nới room"
Theo thông báo ngày 28/8, Ngân hàng Nhà nước sẽ chủ động "nới room" cho các tổ chức tín dụng có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt từ 80% chỉ tiêu thông báo từ đầu năm, dựa trên cơ sở điểm xếp hạng của tổ chức tín dụng.
"Việc bổ sung hạn mức này là sự chủ động của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng không cần phải đề nghị", thông báo của Ngân hàng Nhà nước cho hay.
Từ đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng ở mức khoảng 15%, đề ra tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 15/1/2024. Song, tính đến ngày 26/8/2024, tín dụng toàn hệ thống tăng 6,63% so với cuối năm 2023, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu định hướng đầu năm. Bên cạnh những ngân hàng tăng trưởng tín dụng tiệm cận chỉ tiêu, có những ngân hàng tăng trưởng thấp, thậm chí tăng trưởng âm. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chủ động điều chỉnh, nhằm thực hiện yêu cầu của Chính phủ về điều hành tín dụng linh hoạt, hiệu quả, kịp thời, đáp ứng nhu cầu tín dụng, kiểm soát lạm phát.
Thông báo cũng nêu rõ, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo về hoạt động tiền tệ, tín dụng và các quy định về cấp tín dụng của Ngân hàng Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, đảm bảo an toàn hệ thống và ổn định thị trường tiền tệ.
Đặc biệt, cần hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục yêu cầu các ngân hàng duy trì ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi và tăng cường triển khai các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động; đơn giản hóa thủ tục cho vay, cũng như ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số để giảm lãi suất cho vay.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, thời gian tới sẽ tiếp tục bám sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng cung ứng tín dụng cho nền kinh tế và kịp thời có giải pháp điều hành chính sách tiền tệ phù hợp.
Trong các văn bản chỉ đạo trước đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều hành tăng trưởng tín dụng linh hoạt, hiệu quả, kịp thời, đáp ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế và kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Ngân hàng Nhà nước chủ động điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng. Đồng thời, tiếp tục triển khai chủ trương của Quốc hội, Chính phủ về dỡ bỏ dần biện pháp giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.
Ngân hàng nào được "nới room"?
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 26/8/2024, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 6,63% so với cuối năm 2023. Với mục tiêu của Chính phủ là 15%, trong 4 tháng còn lại của năm, cần phải đẩy thêm 8,37%, tương đương 1.135.723 tỷ đồng vào nền kinh tế. Để đạt mục tiêu này, một số ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng tốt cần được cấp thêm "room".
Theo VPBankS Research, các ngân hàng đã hoàn thành khoảng 80% chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trở lên bao gồm HDBank (HDB), Techcombank (TCB), LPBank (LPB) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB). Mức tăng thêm sẽ dao động từ 2% - 2,5% tùy từng ngân hàng. Room tín dụng mới của 4 ngân hàng này sau khi tăng nằm trong khoảng 18% - 18,7%.
Theo dự báo của VPBankS Research, nếu các ngân hàng đạt được 90% mục tiêu tín dụng được giao từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ không tăng lãi suất điều hành và GDP có thể đạt 6%.
Từ đầu năm, nhằm tạo điều kiện cho các ngân hàng tự chủ hơn, Ngân hàng Nhà nước đã giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15% cùng lúc, thay vì giao theo từng đợt và để các ngân hàng xin nới room như trước đây.
Trước thông tin Ngân hàng Nhà nước chủ động nới room, giá cổ phiếu phiên giao dịch ngày 29/8 của một số ngân hàng tăng mạnh giữa lúc nhiều cổ phiếu khác ngập tràn sắc đỏ. Nhờ đó, VN-Index giữ vững mốc 1.281 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 634 triệu cổ phiếu, tương đương 14.029 tỷ đồng, giảm nhẹ so với phiên trước.
Đặc biệt, thống kê từ đầu năm đến kết phiên 29/8, cổ phiếu HDB (HDBank) được nhà đầu tư cá nhân mua ròng hơn 1.592 tỷ đồng và nhóm tổ chức trong nước mua ròng 572 tỷ đồng thông qua giao dịch khớp lệnh. HDB tiếp tục giữ đà tăng từ đầu năm và tính đến nay, cổ phiếu này tăng hơn 37%.
Động lực tăng của HDB là nhờ lực mua tốt của nhà đầu tư cá nhân và các tổ chức trong nước. Quỹ Phần Lan Pyn Elite, với quy mô 789 triệu EUR (khoảng 21.700 tỷ đồng) đã chọn HDB là một trong những cổ phiếu chiến lược, chiếm 7,3% danh mục đầu tư.
HDB cũng là cổ phiếu được các quỹ ETF (Exchange Traded Fund - một loại quỹ đầu tư được giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán) chú ý, bao gồm: DCVFMVN30 ETF, SSIAM VN30 ETF, KIM Growth VN30 ETF, MAFM VN30 ETF, DCVFMVN Diamond, MAFM VNDiamond, BVFVN Diamond, KIM Growth Diamond, và SSIAM VNFIN Lead ETF, với tổng vốn gần 21.700 tỷ đồng.
Không có gì ngạc nhiên về sự hấp dẫn của HDB khi HDBank nằm trong danh sách tăng room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, từ 2-2,5%, nhờ kết quả kinh doanh tốt. Tại Hội nghị Nhà đầu tư quý II/2024 ngày 7/8, HDBank công bố lọt vào Top 10 ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tốt nhất ngành, với lợi nhuận trước thuế đạt 8.165 tỷ đồng, tăng 48,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đạt 13,3%, cao hơn gấp đôi mức bình quân toàn ngành. Ngân hàng cũng đã củng cố bộ đệm an toàn vốn, với tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo chuẩn Basel II đạt 13,94%. Cả hai chỉ số ROE và ROA đều đạt mức cao, lần lượt là 26,1% và 2,1%.
Việc được Ngân hàng Nhà nước chủ động "nới room" sẽ là động lực để các ngân hàng cạnh tranh mạnh mẽ hơn trong việc giành room tín dụng và thị phần. Chính sách lãi suất theo đó sẽ có xu hướng ưu đãi hơn, có lợi cho người vay, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cho 4 tháng cuối năm 2024.