Aa

Tín dụng ngân hàng khởi sắc nhờ bất động sản?

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Ba, 27/08/2024 - 05:14

Tính đến hết quý II/2024, tín dụng của nhiều ngân hàng tăng trưởng hai con số. Trong đó, cho vay bất động sản, mua nhà ở đóng góp "công sức" lớn. Giới chuyên gia nhìn nhận, bất động sản tiếp tục là nhóm có vai trò trọng yếu thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong năm 2024.

Cho vay bất động sản, nhà ở vẫn chiếm tỷ trọng lớn

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính hết tháng 6, tín dụng bất động sản tăng 4,6%, trong đó kinh doanh bất động sản tăng 10,29%. Tỷ trọng quy mô tín dụng kinh doanh bất động sản chiếm 39 - 40% trong tổng tín dụng bất động sản trong khi tín dụng cho tiêu dùng bất động sản chỉ tăng 1,15%.

Trong báo cáo về ngành ngân hàng vừa công bố, Công ty Chứng khoán VPBankS cho biết, cho vay bất động sản vẫn là phân khúc giúp nhiều nhà băng tăng trưởng tín dụng trong quý II/2024. Cụ thể, có 14/27 ngân hàng tăng trưởng tín dụng cao từ 6% trở lên. Đáng chú ý, các ngân hàng bán buôn như LPBank, Techcombank hay các ngân hàng bán lẻ có thế mạnh ở khu vực miền Nam như ACB, HDBank đều ghi nhận tăng trưởng tín dụng cao trên 10% trong quý II. 

Thống kê của Reatimes dựa trên báo cáo tài chính quý II/2024 từ 10 ngân hàng niêm yết có thuyết minh vay theo ngành cho thấy, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản tính đến cuối quý II đạt khoảng 575.000 tỷ đồng.

Trong đó, báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024 cho thấy dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản của Techcombank (TCB) cuối tháng 6/2024 đạt 201.210 tỷ đồng, tăng 3,7% so với quý I/2024. Ngân hàng này cũng cho biết, dư nợ cho vay mua nhà phục hồi lên mức 181,7 nghìn tỷ đồng, tăng 6,3% so với đầu năm và 9,1% so với cùng kỳ. Giải ngân cho vay mua nhà tiếp tục đà tăng trưởng tốt, đạt 31,2 nghìn tỷ trong quý II/2024.

Tính chung tổng dư nợ cho vay khách hàng của Techcombank cuối quý II/2024 đạt 567.389 tỷ đồng. Đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng tín dụng đến từ cho vay bất động sản chiếm hơn 35,6% tổng dư nợ.

Còn tại VPBank dư nợ cho vay khách hàng theo ngành đạt 624.277 tỷ đồng. Nếu gộp cả cho vay kinh doanh bất động sản lẫn cho vay cá nhân để mua nhà ở, nhận quyền sử dụng đất để xây nhà ở thì VPBank có dư nợ hơn 226.150 tỷ đồng ở cuối quý II/2024, tăng hơn 18.600 tỷ đồng so với quý I/2024. Trong đó, cho vay hoạt động kinh doanh bất động sản 140.314 tỷ đồng, còn cho vay cá nhân để mua nhà ở là 85.836 tỷ đồng. Tốc độ "bơm" tiền vào bất động sản của VPBank vẫn khá cao, tổng chung mảng này đóng góp hơn 36% trong tổng dư nợ cho vay khách hàng của VPB.

Hay MBBank cũng thuộc nhóm ngân hàng tăng cho vay vào địa ốc cao khi cuối quý II/2024, cho vay kinh doanh bất động sản đạt 44.910 tỷ đồng, tăng 1.641 tỷ đồng so với cuối năm ngoái, cũng chiếm gần 7% tổng dư nợ vay của ngân hàng này.

Với một số ngân hàng khác, tỷ trọng cho vay bất động sản cũng khá lớn như SHB cho vay 74.523 tỷ đồng (chiếm 16,15%); HDB cho vay 60.654 tỷ đồng (chiếm 16,4%); TPB cho vay 17.149 tỷ đồng (chiếm 8%)...

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho hay, thị trường tài chính và tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh có vẻ như vẫn trầm lắng trong nửa đầu năm 2024 nên khoảng 4 tháng đầu tiên, tín dụng tăng trưởng thấp và cho đến tháng 5 mới bật tăng trở lại và tăng nhanh trong tháng 6. Trong đó, tín dụng bất động sản theo số liệu của các đơn vị công bố, cho thấy vẫn ở mức cao.

Tín dụng ngân hàng khởi sắc nhờ bất động sản?- Ảnh 1.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng

Theo vị chuyên gia, tín dụng bất động sản tăng là một hiện tượng bình thường bởi, kinh doanh bất động sản hay mua nhà ở đều là hoạt động thực tiễn, nhu cầu của doanh nghiệp, người dân. Trong đó, ngân hàng cũng muốn hỗ trợ doanh nghiệp có vốn triển khai các công trình, dự án bất động sản. Từ đó, người dân có thể vay ngân hàng để mua có các sản phẩm với lãi suất đang ở mức thấp.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng, các ngân hàng nên có một kế hoạch cho vay mang tính chất đồng đều hơn, phân phối tín dụng đồng đều hơn giữa tín dụng bất động sản và tín dụng giữa các ngành nghề khác. Bởi, không ít doanh nghiệp bất động sản đã sử dụng đòn bẩy tài chính gấp 4 - 5 lần so với vốn chủ sở hữu để phát triển ồ ạt dự án. Khi tỷ lệ đòn bẩy càng lớn, rủi ro vỡ nợ càng nhiều.

"Với những nghi ngại về rủi ro nợ xấu, nhiều ngân hàng cũng đang có xu hướng chuyển sang cho vay những lĩnh vực ít rủi ro hơn lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, bất động sản vẫn là ngành chiếm tỷ lệ tín dụng cho vay cao bởi lợi nhuận ngành này đem lại, nhất là trong bối cảnh thị trường đang ấm trở lại. Theo tôi, hoạt động tín dụng có thể sẽ tăng trưởng vào cuối năm 2024. Bởi đây là thời điểm các ngân hàng cần huy động vốn để cho vay, họ sẽ tăng lãi suất huy động để có thể hấp dẫn người dân gửi tiền tại các ngân hàng. Lúc này, cùng với hoạt động kinh tế vĩ mô cân đối sẽ kích cầu tín dụng nhiều nhóm ngành tăng trưởng, bất động sản cũng không ngoại lệ", TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

Nhu cầu vay vốn bất động sản sẽ còn tăng

Việc ba sắc luật gồm Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và Luật Đất đai 2024 đã có hiệu lực góp phần hoàn thiện pháp lý trên thị trường bất động sản đang trở thành yếu tố bệ đỡ giúp thị trường hồi phục và tăng trưởng. Khi nguồn cung được cải thiện sẽ thúc đẩy người dân tìm kiếm cơ hội mua nhà, đổi nhà và là động lực để tín dụng của các ngân hàng tăng trưởng tốt hơn.

VPBankS cho rằng, động lực tăng trưởng tín dụng bền vững cần xuất phát từ nhu cầu vốn của người dân và phần quan trọng trong đó là tín dụng được thúc đẩy bởi ngành bất động sản bao gồm nhu cầu mua nhà, kinh doanh bất động sản... Bên cạnh đó, bất động sản còn được đánh giá là nhóm có nhu cầu vay vốn cao và ổn định, cũng như đi kèm các tài sản thế chấp giúp giảm rủi ro nợ xấu. 

"Tuy nhiên, sự tăng trưởng của thị trường có thể không bền vững, gây ra rủi ro nếu giá trị tài sản giảm. Ngoài ra, các khoản vay bất động sản là dài hạn, có thể ràng buộc vốn và hạn chế khả năng theo đuổi các cơ hội sinh lời khác của ngân hàng. Do nhu cầu vốn cho nhà ở là rất lớn nên còn rất nhiều dư địa cho vay cho ngành ngân hàng, tuy nhiên, tiềm ẩn rủi ro nợ xấu gia tăng”, nhóm phân tích lưu ý.

Các chuyên gia phân tích nhìn nhận, nhu cầu "an cư lập nghiệp" - có nhà ở vẫn là nhu cầu chủ yếu của người dân. Tuy nhiên, tỷ lệ giá nhà ở trên thu nhập của người dân Việt Nam đã tăng và đang gấp khoảng 4 - 5 lần so với tỷ lệ khuyến nghị (3 - 5 lần). Dù lãi suất cho vay mua nhà đã giảm tích cực trong một năm qua nhưng do giá nhà vẫn neo ở mức cao khiến nhiều người khó hiện thực "giấc mơ an cư" của mình.

VPBankS kỳ vọng các chính sách, cơ chế điều hòa giá nhà đất cho phù hợp với mức thu nhập của người dân và gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội... sẽ hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng bền vững hơn.

Đặc biệt, VPBankS nhận diện mảng cho vay KCN trong thời gian tới rất tiềm năng do quỹ đất KCN sẽ tiếp tục được bổ sung mạnh mẽ trong giai đoạn 2025-2030, với trọng tâm mở rộng là các khu vực được coi là trung tâm Khu công nghiệp, có khả năng thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước như Đông Nam Bộ, Đồng bằng Sông Hồng và Bắc Trung Bộ & Duyên hải miền Trung (QĐ 326/QĐ-TTg ngày 09/03/2022).

Mặc dù tỷ trọng dư nợ đối với lĩnh vực bất động sản KCN còn thấp so với tổng dư nợ tín dụng bất động sản nói chung và lĩnh vực nhà ở nói riêng, nhưng tín dụng tăng đã phản ánh xu hướng phát triển của phân khúc này.

Các ngân hàng đã có chương trình riêng cho lĩnh vực bất động sản KCN sẽ hưởng lợi từ xu hướng này, trong đó có VPB (ra mắt sản phẩm dành riêng cho bất động sản KCN đầu tiên trên thị trường vào tháng 5/2024), CTG, VCB, BID, MBB.

Theo dự báo của Viện nghiên cứu thị trường bất động sản Việt Nam, đến năm 2030, vốn tín dụng tiếp tục giữ vai trò chủ yếu và được dự báo tiếp tục tăng trưởng khoảng 10 - 12%/năm. Trong đó, tăng trưởng tín dụng bất động sản (bao gồm cả cho vay nhà ở và kinh doanh bất động sản) tiếp tục duy trì ở mức tương đương tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế (khoảng 10 - 12%/năm). Quy mô nguồn vốn tín dụng đầu tư kinh doanh bất động sản ước tính sẽ đạt khoảng 2 triệu tỷ đồng (khoảng 86 tỷ USD) và tín dụng nhà ở sẽ vào khoảng 3 - 3,5 triệu tỷ đồng (khoảng 147 tỷ USD) vào năm 2030./.

Theo chỉ đạo của của Thủ tướng Chính phủ, để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ngành Ngân hàng phải có giải pháp đưa vốn vào sản xuất, kinh doanh. Các tổ chức tín dụng không sử dụng hết hạn mức tín dụng sẽ phải thu hồi và bổ sung cho các tổ chức tín dụng có khả năng tăng trưởng. Chủ trương này cũng là động lực/điều kiện cho các tổ chức tín dụng phải tìm ra hướng thúc đẩy vốn, cải thiện, tăng cơ hội tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, người dân.

VCBS dự báo thận trọng: Tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm 2024 ước đạt 12 - 13%. Động lực tăng trưởng tín dụng đến từ: Hoạt động sản xuất, xuất khẩu tích cực, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, đặc biệt là các dự án trọng điểm - có tính lan tỏa cao như dự án đầu tư cơ sở hạ tầng; Thị trường bất động sản hồi phục rõ nét hơn từ quý II/2024 kéo theo tăng trưởng tín dụng các phân khúc cho vay doanh nghiệp BĐS, xây dựng, cho vay mua nhà.

Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế thuận lợi, cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh tiêu dùng phục hồi, tăng trưởng tín dụng sẽ tích cực hơn. NHNN kỳ vọng tăng trưởng tín dụng của ngành Ngân hàng năm nay có thể đạt mục tiêu 15%.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top