Aa

Đường "đắt nhất hành tinh" và giấc mơ một Hà Nội không xấu xí

Thứ Tư, 14/02/2018 - 01:17

Dự án vành đai 1, đoạn đường Hoàng Cầu - Voi Phục ở Hà Nội, với chi phí đầu tư lên đến hơn 3,4 tỷ đồng/m2 sắp được xây dựng. Việc thành phố xây dựng đường giao thông mới để quy hoạch mặt phố một cách đồng bộ là điều đáng mừng. Tuy nhiên, để có một Thủ đô ngăn nắp, văn minh, liệu có cần thiết phải đánh đổi bằng những con đường đắt nhất hành tinh?

Trước đó, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội công bố về dự án vành đai 1 đoạn đường Hoàng Cầu - Voi Phục, từ đó dư luận xôn xao khi Hà Nội lại thiết lập thêm một kỷ lục mới về chi phí xây dựng đường ở Thủ đô, phá vỡ kỷ lục "đắt nhất hành tinh" của đoạn đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa.

Theo đại diện Sở GTVT Hà Nội, đoạn đường này dài 2.274m, rộng 50m (bao gồm 2 cầu vượt tại các nút Giảng Võ - Láng Hạ và Nguyễn Chí Thanh). Dự án cũng đầu tư hạng mục bãi đỗ xe, cây xanh, khớp nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, kiến trúc cảnh quan... Tổng mức đầu tư dự án khoảng 7.779 tỷ đồng, trong đó riêng chi cho giải phóng mặt bằng là hơn 6.000 tỷ đồng. Như vậy, mỗi mét chiều dài đường này có tổng vốn đầu tư hơn 3,4 tỷ đồng.

Được biết, vào năm 2010, đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa thông xe với chiều dài 550m, tổng vốn đầu tư 642 tỷ đồng, tính trung bình mỗi mét đường chi phí hơn 1,1 tỷ đồng và được gọi là "đắt nhất hành tinh" tại thời điểm đó.

Dự án vành đai 1 Kim Liên - Ô Chợ Dừa được đề xuất xây dựng với mong muốn tạo một mô hình mới trong phát triển các đường phố. Tuy nhiên, bên cạnh mở đường lớn giảm ùn tắc thì nơi đây cũng trở thành con phố có mặt tiền lộn xộn với nhiều ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo. Các chuyên gia trong ngành cho rằng nguyên nhân là công tác giải phóng mặt bằng còn khó khăn, tốn kém cả về tiền bạc và công sức.

Đường vành đai 1 Hoàng Cầu - Voi Phục có tổng mức đầu tư gần 8.000 tỷ đồng

Đường vành đai 1 Hoàng Cầu - Voi Phục có tổng mức đầu tư  3,4 tỷ đồng (Nguồn ảnh: Zing)

Kết quả là con đường này còn được mệnh danh "là con đường đắt nhất hành tinh" vì chi phí bồi thường quá lớn. Thậm chí, các nhà quản lý cho biết công tác giải phóng mặt bằng trên tuyến đường đã rất vất vả và tốn nhiều kinh phí.

TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng bộ Xây dựng cho rằng trước đây Hà Nội đã từng làm con đường “đắt nhất hành tinh” Kim Liên - Ô Chợ Dừa. Có thể nói, đây là một bước đi để Hà Nội có được những mặt phố đàng hoàng và đẹp đẽ theo quy hoạch chung, thay vì chỉ lo làm đường, còn mặt phố để dân tự phát xây dựng, biến dạng với vô số kiểu nhà khác nhau và lập dị với những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo. Tuy nhiên, giá tuyến đường bị đẩy lên cao là do phần lớn số tiền chi cho công tác giải phóng mặt bằng quá lớn.

TS. Phạm Sỹ Liêm nhấn mạnh: "Làm đường là để tăng cao giá trị đất đai hai bên đường chứ không phải chi số tiền “khủng” đền bù nhưng lợi ích chỉ chủ đất đai hai bên đường được hưởng. Hơn nữa, các đô thị Việt Nam cần học cách tiếp thu và thực hiện quy hoạch của các đô thị hiện đại trên thế giới ".

Còn theo phân tích của chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Xuân Thủy, trước đây, Hà Nội quy hoạch, xây dựng những con đường quá hẹp, thậm chí chỉ để phục vụ xe đạp, xe máy. Với tốc độ phát triển như hiện nay, lưu lượng ô tô tăng rất nhanh nên đường phố không thể đáp ứng kịp, buộc phải mở thêm các tuyến đường mới để giải quyết ùn tắc. Việc mở đường là chắc chắn phải giải phóng mặt bằng và phải đền bù với chi phí cao. Thực tế là thời gian vừa qua Hà Nội đã phải bỏ ra kinh phí quá lớn để đền bù giá đất, thậm chí vì đền bù không thỏa đáng nên dân không chấp nhận, đường chỉ làm một nửa. Kết quả là có những nơi của Thủ đô giống như một công trường xây dựng lộn xộn và vẫn liên tục ùn tắc giao thông.

Theo TS. Nguyễn Xuân Thủy: “Tuyến đường vành đai là một trong những trục giao thông chính của Thủ đô Hà Nội. Đây là nơi nối tiếp của nhiều tuyến đường, các dòng xe cũng chủ yếu đi qua đây trước khi tiếp tục lưu thông trong ra hay vào đô thị. Mở rộng hay xây mới đều là tốt, tuy nhiên cần làm sao để không phải phá bỏ nhiều nhà dân không phải chặt nhiều cây xanh. Chỉ có như vậy mới có thể giảm chi phí xây dựng, đồng thời đảm bảo cảnh quan, thẩm mỹ, môi trường của Thủ đô”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top