Aa

Đường mới bên sông Đuống

Thứ Năm, 13/02/2020 - 06:30

Tôi chợt nghĩ, cuộc đời này như là một dòng sông thần bí chảy không ngừng. Không dừng lại bao giờ. Một cánh cửa này đóng thì cánh cửa khác lại mở ra. Một con đường này kết thúc thì lại có con đường khác nối tiếp vào.

Có một dịp, lâu lắm, tôi không về quê.

Mà nào có phải đường xá xa xôi gì cho cam. Chỉ vài mươi cây số là đến cả quê nội lẫn quê ngoại. Thế nhưng mải mê với những trò chơi chữ nghĩa, với những thú vui thị thành hào nhoáng, tôi bẵng đi... Rồi hôm ấy, nhân có nhiều việc dồn đến, tôi dứt mình ra khỏi những con chữ để về thăm quê. Về làng.

Lái xe đi trên con đê sông Đuống vào buổi chiều cuối năm vắng vẻ, tôi mới có dịp nhẩn nha ngắm nghía. Đến một khúc lượn sang bờ tả của dòng sông, bãi bên bờ hữu được mở ra rộng miên man, tôi bàng hoàng dừng xe lại. Không tin vào mắt mình nữa: Cả một cánh bãi mấp mô nham nhở khi xưa nay đã biến thành đồng chuối xanh nõn mênh mông. Tôi bàng hoàng, bởi cách đây chưa lâu, chỗ này là ngút ngàn những lò gạch thủ công ngày đêm tỏa khói xanh lè. 

Hồi đó không hiểu có một ai chủ trương chính sách cho “hạ thấp độ cao” bãi sông, mà bỗng dưng muôn ngàn cái lò gạch thủ công đốt than mọc lên. Họ nói rằng, sông Đuống nhiều phù sa, hàng năm nước ngập bãi lại đem phù sa bồi lên cao mãi, nên có hạ đi vài mét đất cũng chả đáng là bao, rồi thì lại có trời bồi đắp! Thế là một cái công xưởng khổng lồ suốt dọc dải bãi sông mọc lên, hì hục ngày đêm đào đất đóng gạch mộc rồi đưa vào lò thủ công đốt. Đào và đốt. Những làn khói xanh độc địa tràn lan khắp nơi. 

Đỉnh điểm, một hôm vào phiên chợ Hồ, gió lặng, khói từ bãi sông quẩn vào ngạt thở đến tan cả chợ. Phiên họp huyện ủy hôm ấy có cả bí thư tỉnh ủy về dự cũng không chịu nổi phải giải tán. Đó là cái giọt nước cuối cùng, nghị quyết về xóa lò gạch thủ công của tỉnh Bắc Ninh được ban ra, khẩn cấp!

Những lò gạch thủ công tại Bắc Ninh.

Nghị quyết đưa ra yêu cầu thi hành quyết liệt, nhưng nhiều nơi tâm tư lắm. Cán bộ tâm tư đã đành, bởi mất nguồn thu. Dân cũng tâm tư, bởi mất công ăn việc làm. Tâm tư cũng phải thôi. Bởi dân quê tôi ruộng đất ít, bình quân đầu người chỉ hơn sào Bắc bộ đất canh tác. Tiếng là nông dân mà chả mấy lúc ra đồng, có ruộng đâu mà cấy cày? Lúc nông nhàn đổ xô đi đến các lò gánh gạch. Tiền tươi thóc thật, cuối ngày lĩnh ngay, chả cần biết ra sao, hãy cứ có tiền đã... 

Họ đâu có biết là thời gian ấy số người bị bệnh ung thư phổi bỗng tăng cao đột biến, số người bị tai nạn lao động bởi các lò gạch kia cũng không kể hết... Nhưng chính quyền tỉnh Bắc Ninh không thể không làm. Họ đã làm đúng. Và làm được. Tuy có kha khá cán bộ cơ sở vì cái vụ dẹp lò gạch này mà phải mất chức, thậm chí tù tội. Hàng trăm hàng ngàn lò gạch thủ công bị đóng cửa, san bằng! Quả là một kỳ tích, làm cho không khí làng quê tôi thanh bình hẳn lên.

Sau dịp đó, có nhiều lần tôi cũng đã đi trên con đê sông Đuống và nhìn những thùng vũng, những hố đào nham nhở lở loét suốt cánh bãi, tôi bỗng chạnh buồn. Khi lò gạch phá xong thì cũng là lúc chả còn nước lũ nữa. Chả còn phù sa bồi đắp, những thùng vũng phá đào làm gạch thành ra những mảng lở loét xấu xí. Những cánh bãi tốt tươi đẹp đẽ ngày nào nay đã trở thành thế kia thì biết làm sao đây? Làm sao để cho nó trở lại xanh tươi như xưa hay là nó sẽ vĩnh viễn trở thành hoang phế? Thế thì tiếc lắm thay!

Tôi ra thành phố mà lòng nặng những ấn tượng, hình ảnh không mấy tốt đẹp về quê nhà. Tôi sinh ra ở làng, lớn lên ở thôn quê, cha mẹ anh chị em họ hàng vẫn còn ở đó. Tôi vẫn phải đi về. Nhưng tôi chán, không đi lối đê sông Đuống nữa, tôi chọn đường quốc lộ cho nhanh và chả phải nhìn thấy cánh bãi gắn liền với tuổi thơ tôi giờ trở nên xấu xí. 

Cho đến hôm nay, lâu lắm rồi tôi mới đi lại con đường đê này vì nghe VOV giao thông báo tắc đường quốc lộ. Cực chẳng đã tôi lại rẽ lên đê. Và tôi đã sung sướng dừng xe đứng ngắm cái màu xanh nõn nà thân quen lại đang trải dài rộng miên man trước mắt. Khi mà bạn đang ở trong bầu không khí thị thành lúc nào cũng hầm hè đe dọa một màu tím ngắt những chỉ số ô nhiễm kinh hoàng, thì bạn sẽ cảm thấy khoan khoái sung sướng biết bao khi được chứng kiến và hưởng thụ màu xanh bao la, không khí mát lành từ đó tỏa ra. Sướng lắm!

Hình ảnh con đê đã trở nên quen thuộc với người dân Việt Nam.

Về đến làng, ngồi nói chuyện với mọi người thì tôi mới biết, mấy năm nay nơi cánh bãi xưa là lò gạch đã được chính quyền giao thầu cho các gia đình có khả năng về vốn và tổ chức sản xuất làm trang trại. Họ thuê máy xúc san ủi thành ruộng trồng chuối tiêu hồng xuất khẩu, trồng cây ăn quả có giá trị cao như cam, bưởi. Những chỗ thùng đấu xưa trót đào sâu quá không khắc phục được thì làm ao nuôi cá, thả vịt, ngan. Có một tay mạnh dạn mua giống vịt trời về nuôi, thành công. Nay trang trại vịt trời của anh này đã có tới mấy chục ngàn con, thu nhập lớn.

Tôi hỏi người nhà, thế còn công nhân vác gạch xưa thì nay đi làm gì, có việc làm, có thu nhập không? Mọi người cười ran, bảo, không thấy quê ta giờ đây nhan nhản những khu công nghiệp, những nhà máy sao? Giờ chỉ sợ lười thôi chứ không thiếu việc làm đâu, thu nhập năm, bảy triệu một tháng so với các ông ở thành phố không là gì nhưng so với việc đi làm ruộng thì... ông tính ra xem nó được bao nhiêu và hơn thua thế nào? Ừ, nhẩm ra ngay ấy mà. Tiền ấy chả là gì so với thành thị, nhưng ở quê rau trồng lấy ăn, thóc ngô sẵn, gà nuôi lấy, cá sông rẻ. Rồi tăng gia thêm con lợn, con bò. Rồi chồng làm công ty, vợ chạy chợ bán buôn hỗ trợ nhau. Đời sống cũng ổn, có tích lũy hơn xưa. Nhiều nhà mở xưởng gia công sản xuất đủ các mặt hàng dệt may, khung nhôm thép... Thảo nào làng tôi, nay thấy toàn nhà hai, ba tầng, nhiều cái như biệt thự mà dân thị thành như tôi chỉ có mơ.

Dọc theo đường đê sông Đuống là khung cảnh làng quê thanh bình và vẻ đẹp mùa hoa cải nở rộ.

Nhân có việc ở xã bên, phải đi qua một cánh đồng rộng cách vài cây số. Tôi ngỏ ý mượn cái xe máy của người nhà đi cho tiện, thì mọi người bảo tội gì, cứ đi ô tô cho thoải mái. Lòng hơi băn khoăn, tôi lái xe đi. Qua khỏi làng rẽ vào con đường liên xã năm xưa vốn là đường đất sét, nếu phải hôm trời mưa sẽ đầy bùn lầy trơn trượt, khó khăn. Thì nay đã là con đường bê tông rộng rãi phẳng phiu, hai xe ô tô tránh nhau thoải mái. Tôi nhìn ra khắp cánh đồng rộng năm xưa, những bờ vùng bờ thửa kênh mương hình như cũng được đổ bê tông kiên cố cả rồi. Những chiếc xe máy đủ kiểu của nông dân đi làm đồng dựng bên ruộng...

Tôi chợt nghĩ, cuộc đời này như là một dòng sông thần bí chảy không ngừng. Không dừng lại bao giờ. Một cánh cửa này đóng thì cánh cửa khác lại mở ra. Một con đường này kết thúc thì lại có con đường khác nối tiếp vào. Đó hình như là quy luật tiếp nối vĩnh cửu của cuộc sống. Thế nên, chả có gì phải lo ngại nhiều khi chúng ta định dấn bước vào con đường mới. Định mở ra những cách làm ăn mới. Hãy luôn tin rằng cái mới sẽ dẫn dắt chúng ta đi đến những bến bờ tốt đẹp hơn. Vậy thì xuân đến rồi, ta hãy cùng nhau dấn bước vào những con đường mới mẻ để mưu cầu ấm no hạnh phúc!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top