Aa

Niềm vui mới làng quê ngày Tết Độc lập

Thứ Hai, 02/09/2019 - 06:30

Nhiều năm nay, từ ngày nhập ngũ (1968) cho đến bây giờ, đã trên bẩy chục tuổi, có hơn năm mươi năm xa quê, xa nhà, xa cái làng Sưa heo hút tận vùng sâu vùng xa của đồng bằng Bắc Bộ...

Ấy vậy mà năm nào, cứ vào dịp chuẩn bị ngày mùng 2 tháng 9, đón Tết Độc lập, lứa chúng tôi, đã thành thói quen, lúc nửa đêm tỉnh dậy tôi hay ngẩn ngơ ngồi một mình trước bàn làm việc.

Và trong bao nhiêu ý nghĩ đời người, tôi hay nhớ tới các trò chơi thuở thiếu thời mê mẩn, những trò chơi nở rộ sau ngày nước ta giành được độc lập mà bố tôi thường gọi là ngày Tết Độc lập.

Bố tôi là một nhà giáo, ngày xưa gọi là thầy đồ. Tết Độc lập năm nào bố tôi cũng vẽ bốn chữ rõ to, rõ đẹp: “Tổ quốc trên hết”, rồi treo trang trọng trên bàn thờ mà cụ gọi đó là Bàn thờ Tổ quốc. Cụ thường “cho chữ” bà con cả làng về treo. 

Tết Độc lập nhà nhà treo tranh, làng xã mở hội với trò chơi pháo đất và thú thả đèn giời. Ở huyện Vĩnh Bảo quê tôi có hai mươi chín xã thì có từng ấy đội đèn giời. Hai mươi chín đội vật, hai mươi chín đội cờ người và hai mươi chín đội chọi gà.

Tết Độc lập, ở đâu nơi quê tôi cũng rộn ràng sắc màu. Trước mùng 2 tháng 9 độ vài tháng, các làng xã đã bắt đầu rục rịch chuẩn bị. Đội pháo đất có hơn chục "pháo thủ", mỗi nhóm ba, bốn "pháo thủ" làm thành một tốp. Tối tối tập trung nhau lại ở sân kho hợp tác hoặc ở sân nhà ai đó rộng rãi để tập tành. Đất được chọn sẵn đào về, các “pháo thủ” xoay trần "đánh đất" thành từng "quả" thật nhuyễn. Đất nhuyễn rồi các "pháo thủ" tập trung cho việc vỗ nặn pháo.

Pháo nhỏ, ba anh ba quả. Mỗi quả to chừng quả bòng, lớn hơn chút thì chừng cái mũ, đấy là chơi thử đì đẹt thôi. Đến khi vào cuộc, thường các đội hay thi nhau làm pháo to, vành rộng bằng cái nón, bê lên ngang mặt, gieo xuống, thân pháo xoay tròn một đôi vòng, sau đó nổ "ùm" một tiếng lớn, vành pháo văng ra nằm đuỗn đuồn bên cạnh.

Có khi pháo nổ xong, vành pháo nhảy phốc lên nằm trùm trên lưng pháo. Được như thế này là sẽ tính số đo chiều dài gấp đôi! Cũng có dịp, các “pháo thủ” còn làm những con “pháo khủng”, vành rộng bằng cái giần, cái sàng, thậm chí cái nia. Vành pháo quăng ra to như chú trăn dài vài ba mét, sướng mắt vô cùng. 

Mỗi cuộc thi diễn ra, dân làng đứng thành vòng tròn, chiêng trống hò la cổ vũ. Các “pháo thủ” đóng khố cởi trần, trước khi nặn pháo còn múa vài đường quyền, rồi mới vào cuộc. Nặn "ông pháo" xong, ba người quỳ ba góc bê lên, nhịp nhàng nâng pháo ngang mặt và người trưởng nhóm hô to, dõng dạc: “Hai, ba nào… Gieo!”.

"Ông pháo" được gieo xuống, sau tiếng nổ là vành pháo quăng ra thu hút mọi sự chú mục của hết thảy những người cổ vũ. Các trọng tài xúm vào đo kết quả của từng thân pháo dài rồi đọc vang lên...

Giải thưởng pháo đất thường là mấy băng pháo đùng, có khi là cây giò lụa, cút rượu nút lá chuối… Các "pháo thủ" rước quà về nhà trưởng nhóm đánh chén, đốt pháo, vui tưng bừng.

Những ngày mừng Tết Độc lập ở quê tôi đúng là vui như Tết! Mà quả là Tết thật. Phải Tết Trung thu với Tết Độc lập mới có lệ thả diều… Diều thả, diều sáo reo vui suốt đêm ngày. Diều đủ loại màu sắc xanh đỏ tím vàng nối đuôi nhau túa lên trời giăng giăng… Ngày Quốc khánh thành ngày Tết Độc lập, bỗng trở nên huyền ảo, sống động, linh thiêng…

Ngoái đi, ngoái lại, nhoáng một cái, thế là tôi đã xa quê hơn năm mươi năm rồi. Năm mươi năm xa cái làng Sưa bé nhỏ nép mình bên sông Hóa, xa tuổi thơ thả trâu chân đê, bắt chuồn chuồn giữa trưa hè. Ruộng thuốc lào nhà ai đêm qua vừa bẻ lá, còn sực nức mùi cay nồng chân chất quê mùa. 

Xa ngôi trường làng sơ tán dưói những lũy tre ken dày với bóng thầy Thìn áo nâu, guốc mộc. Xa thầy Công có mái tóc bồng, thầy Giao cao lênh khênh, giảng địa lý như giảng đạo Đất trời, thầy Cách dạy sử lúc nào cũng trầm tư sâu lắng. 

Các giờ học văn, nghe giảng về Cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi, thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, nghe chuyện về rẻo đất Vĩnh Lại xưa, Vĩnh Bảo nay, là vùng sa bồi địa linh nhân kiệt. Các thầy giảng bài hay như nghệ sĩ, hấp dẫn như đạo sĩ, truyền cảm như nhà tiên tri, quyến rũ dịu dàng…

Lũ chúng tôi như chim non học cách giang cánh bay, cách chọn cành đậu, cách hót ca khi bình minh đến, gọi bầy lúc chiều tà buông, cách chọn hạt ăn và theo đàn tung cánh lên bầu trời, để biết cách sải cánh giữa đời lúc thuận gió và cả khi sa cơ, lẻ bạn...

Trong căn hầm lớp học, vẫn nghe tiếng máy bay Mỹ gầm rú lúc gần, lúc xa, và khi chúng lao xuống thả bom, rồi vọt lên, xé rách bầu trời ngay trên đỉnh đầu.

Năm mươi năm trước tôi là một cậu thiếu niên chín mười tuổi, rồi thoắt cái thành chàng trai mười tám. Lứa chúng tôi lớn lên trong khoảng thời gian hòa bình hiếm hoi giữa hai cuộc chiến chống Pháp và Mỹ, với những trò chơi dân gian và bài đồng dao lam lũ quê mùa. 

Đấy là món quà quê thơm thảo nồng ấm dịu hiền cho chúng tôi vừa nhú lớn lên đã ôm súng ra chiến trận. Đêm đêm nằm trong chiến hào nơi rừng sâu núi thẳm, trong khoảnh khắc hiếm hoi giữa hai trận đánh, giữa khoảng lặng ngắn của tiếng hú đạn pháo, tiếng sôi réo máy bay giặc quần trên đầu, tâm hồn chiến sĩ vẫn nhói lòng nhớ làng quê xóm nhỏ.

Bây giờ làng quê tôi đã đổi khác với các con đường lớn, cầu lớn, xe cộ ngược xuôi cùng với các dự án nông trại 4.0 với những đàn gia súc hàng ngàn con, đàn gia cầm hàng vạn con. Các con các cháu tôi đã trở thành các nhà khoa học, các ông chủ trang trại, các doanh nhân… Làng quê tôi được gọi là Nông thôn mới. Cái lối sống lối làm việc đã khác xa xưa rất nhiều.

Trên tay các con các cháu tôi lúc nào cũng gắn liền với chiếc điện thoại thông minh, điều khiển điện nước từ xa cho cánh đồng canh tác. Chúng đã là những nhà đầu tư, chủ nhân ông của nền sản xuất nông nghiệp lớn hiện đại và khoa học… 

Bận thì bận mà vui càng vui. Vui ngập đồng, đồng không còn giống đồng quê xưa, đất nông nghiệp đã được quy hoạch và cải tạo lại. Quà tặng của thiên nhiên, dưới sự sáng tạo của con người, đã hình thành nên một vẻ đẹp mới.

Nhưng tâm hồn, tính cách con người ở vùng quê tôi vẫn thế, vẫn hồn nhiên phóng túng, lại nồng ấm chan hoà, vẫn giữ bền theo năm tháng…

Hà Nội, Mùa thu 2019

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top