Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Mở ra không gian phát triển mới, quy hoạch là then chốt

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Mở ra không gian phát triển mới, quy hoạch là then chốt

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Châu Anh
Châu Anh nchauanh9999@gmail.com
Thứ Năm, 17/10/2024 - 06:56
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đang mở ra "cơ hội vàng" cho thị trường bất động sản dọc tuyến. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả tiềm năng này và tránh nguy cơ "bong bóng", quy hoạch bài bản, đồng bộ về hạ tầng, dịch vụ và chính sách là yếu tố then chốt quyết định sự phát triển bền vững.

Vào một sớm mai, thức dậy tại Hà Nội, thưởng thức ly cà phê thơm nồng, rồi thong thả bước lên con tàu hiện đại, lướt êm ru trên đường ray; chỉ vài giờ sau, hành khách đã có mặt tại thành phố biển Nha Trang đầy nắng gió, hòa mình vào làn nước mát lạnh và thưởng thức hải sản tươi ngon. Khi kim đồng hồ điểm 12h trưa, sông Sài Gòn và bán đảo Thủ Thiêm của TP.HCM hiện ra trước mắt. Đó không còn là giấc mơ xa vời, mà là viễn cảnh đầy hứa hẹn khi tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hiện hữu.

Không chỉ là sự kết nối nhanh chóng, thuận tiện, tuyến đường sắt này còn như mạch máu giao thương, khơi thông tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội dọc theo chiều dài đất nước. Đặc biệt, thị trường bất động sản dọc tuyến được dự đoán sẽ bùng nổ mạnh mẽ, tạo nên những "thành phố vệ tinh" sầm uất, hiện đại.

Tuy nhiên, "cơ hội vàng" cũng đi kèm với thách thức. Làm sao để khai thác hiệu quả tiềm năng, tránh tình trạng phát triển tự phát, manh mún, gây lãng phí nguồn lực? Câu trả lời nằm ở bài toán quy hoạch bài bản, đồng bộ, có tầm nhìn dài hạn. Chính sự đầu tư cho quy hoạch sẽ là chìa khóa then chốt, quyết định sự thành bại của hành trình vun đắp những đô thị thịnh vượng dọc theo đường ray tốc độ, góp phần kiến tạo diện mạo mới cho đất nước.

Để hiểu thêm về cơ hội và thách thức của Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Reatimes đã có cuộc trò chuyện với: GS. TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, nguyên Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân; TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam; TS. Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia giao thông (nguyên Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản GTVT).

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Mở ra không gian phát triển mới, quy hoạch là then chốt- Ảnh 1.

PV: Chính phủ đã thống nhất phương án đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Theo lộ trình dự kiến, dự án sẽ được trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào cuối năm nay, khởi công cuối năm 2027; phấn đấu hoàn thành toàn tuyến năm 2035. Đường sắt tốc độ cao được xác định là công trình có tính biểu tượng, ý nghĩa chiến lược, đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế. Các chuyên gia có nhìn nhận, đánh giá ra sao về tác động của dự án này? 

TS. Nguyễn Xuân Thuỷ: Nhìn lại lịch sử, hơn 100 năm trước, người Pháp đã nhận thấy tiềm năng to lớn của đường sắt và xây dựng một mạng lưới rộng khắp, trải dài hơn 3.000km từ Bắc vào Nam, kết nối đến các cửa ngõ quan trọng như Hải Phòng, Lào Cai và Đà Lạt. Với khả năng vận chuyển khối lượng lớn, chi phí nhiên liệu thấp, đường sắt từng là xương sống trong hệ thống giao thông, đóng vai trò chủ chốt trong việc vận chuyển hành khách và hàng hóa, trở thành một phần không thể thiếu trong hệ thống giao thông lúc bấy giờ.

Tuy nhiên, sau thời kỳ hoàng kim, hệ thống đường sắt dần bị lãng quên và đầu tư thiếu hiệu quả. Trong khi đó, sự phát triển ồ ạt của vận tải đường bộ, đặc biệt là xe ô tô, đã dẫn đến nhiều hệ lụy như chi phí logistics cao, ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông gia tăng. Thực tế đáng buồn là mỗi năm có gần 10.000 người tử vong vì tai nạn giao thông, chủ yếu là do tai nạn đường bộ. Trong khi đó, đường sắt với ưu thế về an toàn lại chưa được khai thác hiệu quả. Tôi cho rằng, nếu vận tải đường sắt được chú trọng đầu tư, số người chết vì tai nạn giao thông có thể giảm thiểu 30 - 40%. Chính vì vậy, việc xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được xem là giải pháp quan trọng để giải quyết những vấn đề nêu trên, song hành với việc phát triển hệ thống đường bộ hiện đại.

Dự án này không chỉ nâng cao hiệu quả vận tải, giảm chi phí logistics ít nhất 50% mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Đầu tiên phải kể đến là khả năng giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ, mang lại môi trường giao thông an toàn hơn cho người dân. Bên cạnh đó, đường sắt tốc độ cao sẽ giúp rút ngắn thời gian di chuyển, tăng năng suất vận chuyển hàng hóa và hành khách, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Đặc biệt, dự án này sẽ tạo điều kiện để quy hoạch lại trật tự giao thông, biến đường sắt từ vị thế "què quặt" hiện nay trở thành xương sống của hệ thống giao thông quốc gia.

Không chỉ dừng lại ở đó, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam còn được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phân bố lại dân cư và nguồn lực. Sự hình thành các trung tâm đô thị mới dọc theo tuyến đường sắt sẽ góp phần giảm áp lực cho các đô thị lớn, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế vùng, góp phần phát triển đô thị theo hướng hiện đại và bền vững.

GS.TS. Hoàng Văn Cường: Trong lịch sử 140 năm của ngành đường sắt Việt Nam, từng có một thời kỳ hoàng kim khi tuyến đường sắt Bắc - Nam kết nối hai miền đất nước, mang đến ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân. Hình ảnh đoàn tàu xuyên Việt chở hàng hóa và hành khách qua các miền đất nước đã trở thành biểu tượng của sự giao thương và phát triển.

Ngày nay, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đang được kỳ vọng sẽ hồi sinh ký ức vàng son đó, mở ra một kỷ nguyên kết nối mới, thu hẹp khoảng cách địa lý, giúp người dân dễ dàng di chuyển giữa các vùng miền với tốc độ nhanh chóng.

Hiện nay vận tải đường bộ đang chiếm ưu thế với 60%, trong khi đường sắt chỉ chiếm 2,9%, gây ra sự mất cân đối trong cơ cấu vận tải. Khi đường sắt tốc độ cao hoàn thiện đi qua 20 tỉnh thành, nơi tập trung hơn 60% khu kinh tế và 40% khu công nghiệp của cả nước sẽ tạo nên trục xương sống cho hệ thống giao thông quốc gia, kết nối các vùng miền một cách nhanh chóng và hiệu quả. Bên cạnh đó, còn giúp tái cấu trúc cơ cấu ngành vận tải bằng việc giảm tải cho vận tải đường bộ, phân bổ hợp lý lưu lượng vận tải giữa các loại hình giao thông.

Đặc biệt, mỗi nơi đặt ga sẽ tạo ra một tụ điểm phát triển hình thành lên các trung tâm đô thị gắn với ga đường sắt. Từ đó mỗi địa phương thêm động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của mình.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam còn được kỳ vọng sẽ tạo ra "cú hích" mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là giảm chi phí logistics và thu hút đầu tư nước ngoài…

Với những lợi ích to lớn mà dự án mang lại, có thể nói đây chính là công trình trọng điểm quốc gia, góp phần hiện thực hóa giấc mơ về một Việt Nam phát triển và hưng thịnh.

TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm: Ngành đường sắt Việt Nam đang đứng trước những thách thức như tình trạng lạc hậu, cũ kỹ,... Tuy nhiên, việc nghiên cứu quy hoạch tuyến đường sắt tốc độ cao được xem là bước đột phá quan trọng, góp phần tạo lập "xương sống" cho hệ thống giao thông vận tải quốc gia. Tôi đồng tình với quan điểm của các chuyên gia đã phân tích và đặc biệt nhấn mạnh, việc phát triển hệ thống đường sắt tốc độ cao sẽ giúp giảm chi phí vận tải, chi phí logistics, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Mở ra không gian phát triển mới, quy hoạch là then chốt- Ảnh 5.

PV: Về tiềm năng phát triển bất động sản khi tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được quy hoạch, xây dựng và đi vào vận hành, các chuyên gia có quan điểm như thế nào?

TS. Nguyễn Xuân Thuỷ: Lựa chọn tốc độ và quy mô đầu tư hợp lý cho đường sắt tốc độ cao sẽ tạo động lực phát triển đô thị, thúc đẩy thị trường bất động sản dọc theo tuyến, đặc biệt là tại các khu vực xung quanh nhà ga.

Việc quy hoạch các khu đô thị dọc theo tuyến đường, đặc biệt là xung quanh các nhà ga, sẽ quyết định hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án cũng như định hình bức tranh đô thị và thị trường bất động sản trong tương lai.

Nếu lựa chọn tốc độ 350km/h, tuyến đường sắt chỉ có thể bố trí khoảng 20 nhà ga trên cả nước. Điều này sẽ gây khó khăn cho việc di chuyển của người dân, đồng thời hạn chế số lượng các khu đô thị có thể phát triển dọc theo tuyến đường sắt. Ngược lại, nếu phát triển đường sắt với tốc độ 250km/h, có thể xây dựng ít nhất 50 nhà ga trên toàn quốc. Mạng lưới nhà ga dày đặc hơn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận và sử dụng dịch vụ đường sắt, đồng thời mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cho nhiều khu vực trên cả nước.

Mỗi nhà ga sẽ trở thành một đầu mối giao thông quan trọng, là hạt nhân thúc đẩy quá trình đô thị hóa và phát triển kinh tế vùng. Các hoạt động kinh tế như thương mại, dịch vụ, du lịch sẽ tập trung tại các khu vực xung quanh nhà ga, kéo theo nhu cầu về nhà ở, văn phòng, khách sạn, tạo nên sức bật mạnh mẽ cho thị trường bất động sản.

Hơn nữa, sự phát triển của thị trường bất động sản dọc theo tuyến đường sắt tốc độ cao được dự báo sẽ diễn ra sôi động với sự tăng cung mạnh mẽ các loại hình bất động sản tại các khu vực xung quanh nhà ga. Nhà ở, khu đô thị mới, trung tâm thương mại, dịch vụ, khách sạn, văn phòng cho thuê... sẽ mọc lên, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân và doanh nghiệp. Các loại hình bất động sản đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân và doanh nghiệp sẽ phát triển mạnh, đặc biệt là nhà ở, căn hộ chung cư, nhà phố thương mại, khu công nghiệp, kho bãi logistics... Giá đất tại các khu vực xung quanh nhà ga cũng sẽ tăng lên đáng kể, mức độ tăng giá phụ thuộc vào vị trí, quy hoạch và tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.

Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, việc quy hoạch đường sắt không chỉ tác động đến thị trường bất động sản mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của các lĩnh vực khác như hạ tầng đô thị, giao thông, thông tin liên lạc, năng lượng, chống biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp... Nơi nào giao thông tốt, nơi đó sẽ thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Vì vậy, Nhà nước cần đặc biệt lưu ý đến vấn đề quy hoạch, lựa chọn phương án đầu tư, phương tiện, cơ cấu đầu tư hợp lý, đảm bảo dự án đường mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và đất nước.

TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm: Hạ tầng giao thông đóng vai trò then chốt trong việc nâng tầm giá trị bất động sản. Những công trình giao thông trọng điểm như đường cao tốc, cầu vượt, tuyến xe điện ngầm hay đường sắt không chỉ tạo nên sự thay đổi về cảnh quan đô thị mà còn mang đến những lợi ích thiết thực cho cộng đồng. Sự hiện diện của chúng góp phần gia tăng giá trị địa lý cho các khu vực lân cận, mở ra cơ hội phát triển kinh tế sôi động, thu hút doanh nghiệp đầu tư và người dân đến sinh sống, làm việc.

Bên cạnh đó, việc xây dựng và nâng cấp hạ tầng giao thông thường đi kèm với sự phát triển của các tiện ích xã hội khác như trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại... tạo nên một môi trường sống tiện nghi, hiện đại, nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân, từ đó gia tăng sức hấp dẫn cho thị trường bất động sản khu vực.

Còn riêng với hệ thống đường sắt tốc độ cao sẽ mang đến tiềm năng phát triển to lớn cho thị trường bất động sản, tạo ra nhu cầu lớn về nhà ở, đất nền, mặt bằng kinh doanh... Đây là điều kiện để các khu đô thị mới sẽ hình thành và phát triển, cung cấp thêm nhiều sản phẩm nhà ở với đầy đủ tiện ích, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu sinh sống, làm việc và giải trí của người dân. 

Bên cạnh bất động sản nhà ở, các loại hình bất động sản khác như bất động sản thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng, logistics... cũng sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, các khu vực có tiềm năng du lịch sẽ được hưởng lợi rất lớn từ tuyến đường sắt tốc độ cao, khi du khách có thể dễ dàng di chuyển đến tham quan, nghỉ dưỡng.

Hơn nữa, đường sắt đô thị nói chung, tốc độ cao nói riêng còn là giải pháp hiệu quả trong việc sử dụng đất, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, không gây ô nhiễm môi trường. Đây chính là cơ hội vàng để các thành phố "thay da đổi thịt", tái cấu trúc không gian đô thị dọc theo các tuyến đường sắt, kiến tạo nên những khu vực sầm uất, hiện đại và bền vững.

GS.TS. Hoàng Văn Cường: Hiện nay, nguồn cung nhà ở dành cho người có thu nhập thấp còn rất hạn chế, trong khi nhu cầu lại ngày càng tăng cao. Phần lớn người có thu nhập thấp tại các thành phố lớn là người dân nhập cư từ các tỉnh thành lân cận, họ buộc phải chen chúc trong những căn phòng trọ chật hẹp, thiếu thốn tiện nghi.

Khi tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đi vào hoạt động, việc di chuyển giữa các tỉnh thành sẽ trở nên thuận tiện và nhanh chóng hơn bao giờ hết. Người dân hoàn toàn có thể "sáng đi tối về" giữa nơi làm việc và quê hương cách đó 100 - 200km. Điều này giúp giảm áp lực cầu nhà ở tại các thành phố lớn, tạo điều kiện để giá mua, thuê nhà ổn định trở lại, không còn tình trạng "sốt nóng" như hiện nay.

Như vậy, bên cạnh những lợi ích về kinh tế, xã hội, dự án này còn mang đến giải pháp thiết thực cho thị trường bất động sản, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Mở ra không gian phát triển mới, quy hoạch là then chốt- Ảnh 6.

PV: Vậy theo quan điểm của các chuyên gia, cần có những định hướng quy hoạch nào để tuyến đường sắt này thực sự phát huy hết tiềm năng và mang lại hiệu quả tối ưu?

TS. Nguyễn Xuân Thủy: Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam mang trong mình tiềm năng to lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có thị trường bất động sản. Tuy nhiên, để hiện thực hóa tiềm năng này, yếu tố then chốt nằm ở khâu quy hoạch. Một quy hoạch bài bản, khoa học, lựa chọn tốc độ, loại hình vận tải, vị trí nhà ga phù hợp sẽ tạo ra sức hút mạnh mẽ, thu hút người dân đến sinh sống và làm việc tại các khu vực xung quanh nhà ga, hình thành nên các khu đô thị sầm uất, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển.

Ngược lại, nếu quy hoạch yếu kém, lựa chọn phương tiện không phù hợp, vị trí nhà ga không thuận lợi, dự án chậm tiến độ, đội vốn... sẽ dẫn đến lãng phí nguồn lực, thậm chí gây ra những hệ lụy tiêu cực, khiến các khu vực xung quanh nhà ga trở nên tiêu điều, thị trường bất động sản khó có thể phát triển. Người dân sẽ chỉ tập trung về những nơi "đất lành chim đậu", có hạ tầng giao thông thuận lợi, đáp ứng nhu cầu đi lại, sinh hoạt và làm việc.

Hơn nữa cũng cần có chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia phát triển các dự án bất động sản tại các khu vực xung quanh nhà ga, góp phần hình thành các khu đô thị mới hiện đại, bền vững. Bên cạnh đó, việc lựa chọn phương án đầu tư cho tuyến đường cần được cân nhắc kỹ lưỡng, đảm bảo hiệu quả kinh tế và tính khả thi. Tôi đề nghị cần có cơ chế rõ ràng để xác định trách nhiệm của những người đưa ra quyết định, đảm bảo dự án mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và đất nước.

Tóm lại, sự thành bại của dự án đường sắt tốc độ cao không chỉ nằm ở công nghệ mà còn phụ thuộc vào khâu quy hoạch, quyết định đến sự thay đổi của thị trường bất động sản, xu hướng tăng cung và tác động lên giá đất.

TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm: Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là một cơ hội lớn cho thị trường bất động sản. Tuy nhiên, việc khai thác hiệu quả tiềm năng này đòi hỏi sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành, đặc biệt là trong công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị.

Trước hết, cần quy hoạch không gian vùng dọc theo tuyến đường sắt, hình thành các vùng kinh tế trọng điểm, các trung tâm đô thị vệ tinh kết nối với các đô thị lớn. Việc này sẽ thúc đẩy sự phát triển đồng đều, tránh tập trung quá mức vào các thành phố lớn hiện hữu. Hơn nữa, điều này giúp khai thác hiệu quả quỹ đất, tạo động lực phát triển kinh tế cho các địa phương, đồng thời tránh tình trạng đô thị hóa tự phát, manh mún.

Thứ hai, cần quy hoạch hệ thống giao thông đa phương thức, kết nối đường sắt tốc độ cao với các loại hình giao thông khác như đường bộ, đường hàng không, đường thủy nội địa... tạo nên mạng lưới giao thông liền mạch, hiện đại.

Thứ ba, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội dọc tuyến, khuyến khích đầu tư vào các ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch... tạo động lực tăng trưởng kinh tế cho các địa phương. Đặc biệt, cần chú trọng quy hoạch bảo vệ môi trường, đảm bảo sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên. Cần ưu tiên sử dụng năng lượng sạch, công nghệ thân thiện với môi trường trong quá trình xây dựng và vận hành. Đồng thời, cần chú trọng phát triển kinh tế xanh dọc theo tuyến đường sắt.

PV: Ngoài vấn đề quy hoạch, theo GS.TS. Hoàng Văn Cường, còn những yếu tố nào khác cần được quan tâm để dự án đường sắt tốc độ cao đạt được hiệu quả cao nhất?

GS.TS. Hoàng Văn Cường: Việc phát triển đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam không chỉ đơn thuần là xây dựng cơ sở hạ tầng, mà còn là cơ hội để thúc đẩy ngành công nghiệp đường sắt trong nước. Để tránh lặp lại bài học từ ngành công nghiệp ô tô, nơi các doanh nghiệp nội địa chưa có đủ thị phần do sự áp đảo của các nhà đầu tư nước ngoài, cần có chiến lược phát triển rõ ràng, ưu tiên "nội địa hóa" trong sản xuất và vận hành.

Cụ thể, cần đặt hàng các sản phẩm, thiết bị mà doanh nghiệp trong nước có khả năng sản xuất. Điều này sẽ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước làm chủ công nghệ. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực... để họ có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của dự án đường sắt tốc độ cao.

Đặc biệt, cần chú trọng xây dựng hệ sinh thái ngành đường sắt, trong đó nhà nước đóng vai trò kiến tạo, định hướng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước phát triển. Cần xác định rõ đơn vị đứng ra vận hành, bảo trì tuyến đường sắt sau khi hoàn thành, ưu tiên lựa chọn các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước có đủ năng lực và kinh nghiệm.

Mục tiêu cuối cùng là làm chủ công nghệ, tự chủ trong vận hành, sửa chữa, thay thế và sản xuất các thiết bị, phụ tùng đường sắt. Chỉ khi đó, tuyến đường sắt cao tốc mới thực sự phát triển bền vững, mang lại hiệu quả lâu dài cho đất nước, tránh phụ thuộc vào các nhà thầu nước ngoài.

- Trân trọng cảm ơn chia sẻ của các chuyên gia! 

Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi được trình bày tại phiên họp Hội đồng Thẩm định Nhà nước thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam (14/10), Dự án đường sắt tốc độ cao cao tốc Bắc - Nam nhằm hiện thực hóa các các chủ trương, định hướng của Đảng, Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị và triển khai các quy hoạch; tăng cường kết nối vùng, miền, các cực tăng trưởng, tạo động lực lan tỏa, mở ra không gian phát triển kinh tế mới, tái cấu trúc các đô thị, phân bố dân cư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; đáp ứng nhu cầu vận tải, góp phần tái cơ cấu thị phần vận tải trên hành lang Bắc - Nam một cách tối ưu, bền vững, tạo tiền đề, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Dự án dự kiến sẽ đi qua 20 tỉnh/thành phố, gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh.

Về quy mô đầu tư, xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; chiều dài khoảng 1.541 km với 23 ga hành khách (mỗi tỉnh bố trí 1 ga, riêng Hà Tĩnh, Bình Định, Bình Thuận mỗi tỉnh bố trí 2 ga). Để đảm bảo phục vụ quốc phòng an ninh, vận tải hành hóa khi có nhu cầu, trên tuyến bố trí 5 ga hàng tại các đầu mối hàng hóa lớn, thuận lợi phục vụ công tác hậu cần quốc phòng, an ninh, liên vận quốc tế.
Tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã rà soát phương án đầu tư, sơ bộ về công nghệ, kỹ thuật, quy mô đầu tư, tham khảo suất đầu tư các dự án đường sắt tốc độ cao đã và đang triển khai trên thế giới, sơ bộ xác định tổng mức đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam khoảng 67,34 tỷ USD (khoảng 1,713 triệu tỷ đồng).
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top