Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về Dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt kết nối với Trung Quốc.
Theo đó, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đã được Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến, với vận tốc thiết kế lên tới 350km/h. Tuyến đường này không chỉ phục vụ vận chuyển hành khách mà còn đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh, đồng thời có khả năng vận chuyển hàng hóa khi cần thiết. Đây được xem là một công trình đặc biệt quan trọng, góp phần nâng cao vị thế và cơ đồ của quốc gia trong kỷ nguyên mới. Chính vì vậy, các bộ, ngành cần thể hiện quyết tâm cao, nỗ lực lớn và hành động quyết liệt trong việc triển khai thực hiện dự án này.
Cụ thể, Thường trực Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, hiệu quả; quá trình triển khai thực hiện cần tổ chức có hiệu quả tạo sự thống nhất cao về nhận thức trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận trong xã hội; cần đổi mới cách nghĩ, cách làm với quan điểm: "Hành động quyết liệt, có trọng tâm , trọng điểm ; phân công rõ người, rõ tiến độ, rõ thời gian, rõ kết quả, sản phẩm; huy động mọi nguồn lực, trong đó yếu tố nguồn lực con người là quyết định, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần; không nóng vội, không cầu toàn; với tinh thần chỉ bàn làm, không bàn lùi ; công tác chuẩn bị phải chặt chẽ, kỹ lưỡng nhưng khi thực hiện phải nhanh, hiệu quả".
Bên cạnh đó, Thường trực Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải quyết tâm, nỗ lực, huy động cán bộ có kinh nghiệm, tâm huyết, trách nhiệm, tập trung hơn nữa để tiếp tục hoàn thiện Hồ sơ, trong đó nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của các bộ, ngành, Thường trực Chính phủ và ý kiến của Hội đồng thẩm định Nhà nước. Đối với những nội dung không tiếp thu phải giải trình đầy đủ, chặt chẽ để thuyết phục được Hội đồng thẩm định Nhà nước, các cấp có thẩm quyền thông qua.
Thường trực Chính phủ lưu ý về chủ trương phương án thiết kế kỹ thuật cần phải bám sát chủ trương đầu tư toàn tuyến với tốc độ thiết kế 350km/h đã được Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua để tính toán, thiết kế phương án kĩ thuật phù hợp, khả thi, hiệu quả.
Cụ thể, về hướng tuyến phải nghiên cứu thẳng nhất có thể nhằm giảm chi phí, bảo đảm tốc độ khai thác, tạo ra không gian phát triển mới, tiết kiệm chi phí; tránh các khu dân cư, đô thị lớn nhưng phải có phương án kết nối phù hợp; thuận tiện để kết nối ngắn nhất đến sân bay, cảng biển lớn; bảo đảm thuận tiện liên kết hành lang Đông - Tây và kết nối với các tuyến đường sắt Trung Quốc, Lào, Campuchia.
Đối với các ga phải tính toán, xác định diện tích đủ lớn phù hợp, bảo đảm tầm nhìn chiến lược lâu dài để phát triển đầy đủ dịch vụ, hiện đại, khai thác hiệu quả tối đa nguồn lực đất đai và không gian phát triển mới.
Về công năng, Bộ Chính trị đã thống nhất về công năng vận tải hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh và có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết; kết hợp giữa kinh tế và quốc phòng - an ninh. Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Quốc phòng trong quá trình thiết kế bước tiếp theo bảo đảm yêu cầu quốc phòng - an ninh.
Đối với tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu thực hiện nâng cấp để vận chuyển hàng hóa, du lịch và hành khách cự ly phù hợp.
Về sơ bộ tổng mức đầu tư, Thường trực Chính phủ yêu cầu phải rà soát kỹ lưỡng suất đầu tư phù hợp nhất với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của đất nước và các yếu tố đặc thù của công trình để tính toán sơ bộ tổng vốn đầu tư chính xác nhất có thể, đủ tin cậy và thuyết phục; hạn chế việc vượt tổng mức đầu tư do yếu tố chủ quan khi phê duyệt dự án đầu tư và tránh tình trạng đội vốn khi triển khai đầu tư, thi công công trình…
Về các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, Thường trực Chính phủ yêu cầu cần phải rà soát bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù cần thiết nhằm huy động tối đa nguồn lực và cắt giảm, rút gọn các thủ tục đầu tư Dự án; bổ sung kiến nghị Quốc hội cho phép.
Về phân cấp, phân quyền, Bộ Giao thông vận tải bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị về việc phân cấp, phân quyền cho các bộ, ngành, địa phương nhằm huy động nguồn lực của cả hệ thống chính trị, đóng góp của các bộ, ngành, địa phương, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, huy động nguồn lực thực hiện dự án và xây dựng các ga dừng, đỗ, giao Chính phủ xây dựng cơ chế chính sách thu hút nguồn lực đầu tư.
Bên cạnh đó, cần huy động đa dạng nguồn lực, trong đó đầu tư công là chính (gồm ngân sách trung ương, địa phương, vốn vay, phát hành trái phiếu công trình, các nguồn vốn hợp pháp khác của Nhà nước…), nguồn vốn đầu tư BOT, BT (đổi đất lấy hạ tầng, nhất là các nhà ga, sân đỗ) và huy động từ các nguồn vốn hợp pháp khác ngoài nhà nước bằng các cơ chế đặc thù, đặc biệt…
Về nguồn nhân lực, cần đảm bảo nguyên tắc huy động sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện Dự án.
Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu và đề xuất thành lập một Tổ giúp việc chuyên trách, do một Thứ trưởng trực tiếp chỉ đạo, nhằm xây dựng và triển khai Dự án một cách hiệu quả. Tổ này sẽ huy động các chuyên gia, cán bộ, công chức, viên chức có năng lực và kinh nghiệm, đồng thời cần xem xét xây dựng chính sách đãi ngộ phù hợp với tính chất đặc thù của Dự án.
Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải cũng cần thực hiện rà soát kỹ lưỡng và nếu thấy cần thiết, có thể đề xuất bổ sung một Thứ trưởng chuyên trách để triển khai Dự án. Trường hợp này, Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để trình cấp có thẩm quyền xem xét và quyết định.
Các bộ, ngành, cùng với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các cơ quan liên quan tiến hành rà soát nguồn nhân lực hiện có để xây dựng kế hoạch đào tạo, bổ sung phục vụ quá trình triển khai dự án và vận hành khai thác.
Về trình tự và thủ tục, cần có nghiên cứu kỹ lưỡng để xây dựng cơ chế rút ngắn thời gian xử lý. Giảm thời gian dành cho các thủ tục hành chính, từ đó tập trung tối đa nguồn lực vào giai đoạn thi công, đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án sớm và hiệu quả hơn.
Về công tác đánh giá tác động và hiệu quả đầu tư, cần có sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để tiến hành rà soát, đánh giá các chỉ số kinh tế vĩ mô quan trọng như nợ công và nợ nước ngoài. Quá trình đánh giá hiệu quả kinh tế của các dự án cần được thực hiện một cách tổng thể và toàn diện, đảm bảo bao quát tất cả các khía cạnh. Xác định việc triển khai dự án sẽ giúp nâng cao tiềm lực, vị thế của đất nước; giúp giảm chi phí đi lại của nhân dân, giảm chi phí logistics, tăng tính cạnh tranh, thuận lợi đi lại của Nhân dân, làm tăng giá trị gia tăng của đất…
Về vấn đề vật liệu xây dựng, cần thiết phải thiết lập một cơ chế đặc thù, đặc biệt là trong việc khai thác đất, vật liệu xây dựng thông thường và phân cấp, phân quyền tối đa cho địa phương xử lý việc cấp phép, đánh giá tác động môi trường.
Về công tác giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất lúa, cần có sự rà soát kỹ lưỡng nhằm phân cấp cho các địa phương có cơ chế chủ động trong quá trình thực hiện. Đặc biệt, các địa phương cần được trao quyền trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất lúa khi có sự điều chỉnh về phạm vi, diện tích do thay đổi hướng tuyến hoặc vị trí của các công trình thuộc dự án. Đối với các dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, việc triển khai thực hiện tại địa phương sẽ được tiến hành đồng bộ, trong khi công tác kiểm tra theo phương thức hậu kiểm.
Về tiến độ trình, Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương thu thập ý kiến từ các cơ quan liên quan và hoàn thiện hồ sơ dự án. Hồ sơ này cần được gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Hội đồng thẩm định Nhà nước trước ngày 10/10/2024. Bộ Giao thông Vận tải phối hợp chặt chẽ với Hội đồng thẩm định Nhà nước, đồng thời kịp thời tiếp thu và giải trình các ý kiến phản hồi để đảm bảo tiến độ dự án.
Hội đồng thẩm định Nhà nước hoàn thành quá trình thẩm định dự án trước ngày 18/10/2024. Chậm nhất là ngày 20/10/2024, Chính phủ phải trình Tờ trình gửi Quốc hội, đảm bảo kịp thời trước khi kỳ họp Thứ 8 của Quốc hội khóa XV khai mạc.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà với vai trò Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Nhà nước về các công trình, dự án quan trọng quốc gia và trọng điểm trong ngành giao thông vận tải, được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo các Bộ và cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện công tác chuẩn bị hồ sơ và các thủ tục cần thiết để trình Quốc hội theo đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng.
Về việc đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc (Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Đồng Đăng, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng), yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chủ trì và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để khẩn trương nghiên cứu và thúc đẩy việc xây dựng các tuyến đường sắt này. Mục tiêu là triển khai đầu tư sớm hơn, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 2771/VPCP-CN ngày 16/7/2024, Chính phủ tại Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 15 tháng 8 năm 2024 và Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 19/8/2024. Trong đó, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng sẽ được ưu tiên triển khai trước, với mục tiêu phấn đấu khởi công trong năm 2025.