Aa

Đứt nối Ninh Bình

Thứ Hai, 25/06/2018 - 06:00

Những bờ rào đá cao hơn đầu người. Trên ấy trồng cây xương rồng, loại xương rồng bẹ, như bàn tay, gai dài. Mùa xuân mưa phùn, đầy sên. Những con sên nhỏ, như móng tay, chứ không phải loại ốc sên to oành gớm ghiếc sau này tôi thấy, leo lên tụt xuống len lách giữa những bẹ xương rồng gai lởm chởm. Chúng tôi bắt chúng, đặt trên tay cho đến khi chúng quen thì bắt đầu thò đầu ra và chúng tôi hát: "Sên sển sền sên/ mày lên công chúa/ mày múa tao xem...". Sên ngoe nguẩy cặp râu ngơ ngác...

Mẹ tôi quê Ninh Bình, nhưng từ năm 1945 đã vào Thanh Hóa, sau này gọi là “tham gia cách mạng” nhưng thực chất có lần mẹ “nói thầm” với tôi, đói quá có người rủ thì đi chứ đã biết cách mạng là gì đâu.

Sau này, năm 1975 thì bà lại về quê chồng, ở Huế, rồi mất ở đấy. Tính ra thời gian bà sống với quê rất ít. Nên hồi sắp mất, sức khỏe yếu rồi, ước mong lớn nhất của mẹ là chúng tôi đưa bà về lại quê để được thăm quê lần cuối. Được hai chuyến “lần cuối” như thế thì bà mất, thọ 93 tuổi, và giờ cũng vẫn nằm tại quê chồng.

Tôi thành đứa con của ba quê, Thanh Hóa nơi mẹ sinh tôi, Huế quê ba và Ninh Bình quê mẹ. Trong đấy, Ninh Bình là nơi tôi sống ít nhất, có ít kỷ niệm nhất, và vì thế, bây giờ hễ có dịp là tôi lại ghé Ninh Bình dù bà con anh em còn rất ít, bởi cũng như mẹ tôi, các cậu các dì đa phần cũng ly hương cả. Người còn ở quê thì cũng đã mất, lâu lâu có giỗ mới tụ về, mà cũng không đủ nữa.

Nhưng ít thì lại tinh. Mỗi lần Ninh Bình là một lần tôi loi thoi nhớ, có khi cả tháng trời cứ ngơ ngẩn.

Ninh Bình lần đầu tiên trong tôi là năm 1963 hay 64 gì đấy, Mỹ ném bom Thanh Hóa rất ác liệt, ba mẹ mang hai anh em tôi ra Ninh Bình gửi bên ngoại nuôi giúp, vì quê tôi có cái hang Luồn rất to, trong ấy đặt cả cái bệnh viện được. Ba mẹ tôi nghĩ Ninh Bình sẽ an toàn hơn Thanh Hóa.

Ninh Bình xưa.

Ninh Bình xưa.

Nhớ mỗi hai chi tiết. Thứ nhất, ra hôm trước, ngay hôm sau ăn một trận bom khiếp đảm. Chạy trối chết trên cánh đồng để vào hang. Cháu thì bé bà thì già, chạy ngã dúi dụi, chạy cùng bò cùng dê, và rồi cũng vào đến hang. Nhịn đói cả ngày, hôm sau được ăn một bữa cơm trong hang với rất đông người và cái món rêu đá thần thánh khiến sau này nhà văn Sương Nguyệt Minh chiều tôi thi thoảng gửi cho một gói qua bưu điện và tôi hổn hển sướng. Và vào hang thì chứng kiến bệnh viện cưa chân tay người, vất lủng lẳng cả đống. Thứ 2, sáng sớm, ông cậu đánh thức dậy đưa cho cốc sữa, bảo uống đi, phần hai anh em đấy. Uống thấy lợ và nóng và hoi. Sau mới biết là sữa dê. Cậu là giáo viên cấp 2 nuôi dê thêm, và sáng ông vắt sữa dê cho hai thằng cháu suy dinh dưỡng từ Thanh Hóa ra. Có khi nhờ thế mà giờ tôi... béo ị. Và có thể cậu tôi là một trong những người đầu tiên làm nên thương hiệu dê Ninh Bình nổi tiếng bây giờ. Giờ cậu mất, ông con trai duy nhất của cậu mở nhà hàng dê Ưu, hôm tôi về nhắc đến tên ông, anh lái xe cũng biết, chứng tỏ ông cũng... ra gì lắm?

Sau này lớn hơn, tôi toàn tự đạp xe từ Thanh Hóa ra Ninh Bình thăm bà ngoài và các cậu, dì. Lên xe, cứ thẳng đường 1 mà đạp, bao giờ thấy cái núi có hòn đá khổng lồ chườm hẳn sang bên đường, khiến cho đoạn đường ấy tối om như chui qua hang ấy, thì đấy là nhà bà Ngoại. Đấy là cái núi Sẻ, bà ngoại tôi ở thôn Đa Giá, Ninh Mỹ, Gia Khánh, Ninh Bình.

Thời ấy, Ninh Bình có hai đặc sản nổi tiếng là nhiệt điện Cánh Diều và đá vôi. Nhiệt điện Cánh Diều có “ưu điểm” là đốt không hết than, nên cả thị xã là một bãi thải xỉ than khổng lồ, cả thị xã nhem nhẻm bụi than, mặc áo trắng là... tự sát, mà ngay cả không cẩn thận bảo vệ mắt thì sẽ bị xỉ than bay vào mắt. Còn đá vôi thì nghe nói Ninh Bình có cả tỉ tấn đá vôi, xài đến mút đời không hết.

Thì mở lò nung vôi.

Tôi nhớ, về đến quê ngoại là cứ thấy ngun ngút khói. Khói nhiệt điện Cánh Diều thì màu đen cao vút, còn của các lò nung vôi, nhà nhà nung vôi người người nung vôi, thì màu trắng. Xỉ than nhiệt điện Cánh Diều sau này rất hiếm, phải xếp hàng mua chứ không được cho không như trước, là bởi có thể tận dụng dùng để nung vôi...

Nhưng té ra, nguồn đá vôi không vô tận như mọi người tưởng. Đến giờ cái núi Sẻ chỗ nhà bà ngoại tôi đã bị san bằng. Một đứa em con dì tôi bị đá đè chết ở đấy. Và đấy là chuyện cơm bữa của vùng lấy nghề phá đá là nghề chính để kiếm cơm này, nó chỉ là một trong hàng trăm người bỏ mạng thời ấy. Nó tên là Hải, mỗi lần về quê nó là đứa chịu khó chơi với tôi nhất, dẫn tôi đi khắp làng, bày cho tôi nhiều trò.

Hồi ấy, ấn tượng trong tôi về quê ngoại là những bờ rào đá. Ngõ hun hút và ngoằn nghoèo. Những bờ rào đá cao hơn đầu người. Trên ấy trồng cây xương rồng, loại xương rồng bẹ, như bàn tay, gai dài. Mùa xuân mưa phùn, đầy sên. Những con sên nhỏ, như móng tay, chứ không phải loại ốc sên to oành gớm ghiếc sau này tôi thấy, leo lên tụt xuống len lách giữa những bẹ xương rồng gai lởm chởm. Chúng tôi bắt chúng, đặt trên tay cho đến khi chúng quen thì bắt đầu thò đầu ra và chúng tôi hát: "Sên sển sền sên/ mày lên công chúa/ mày múa tao xem...".  Sên ngoe nguẩy cặp râu ngơ ngác...

Có lần tôi đi công tác Hà Nội, thay vì đi máy bay tôi đã chọn ô tô, để ghé quê ngoại. Tôi hẹn tài xế, bao giờ thấy cái núi to oành bên đường là tới. Hồi này tôi biết núi đã bị gọt trọc rồi, hòn đá khổng lồ chườm qua đường đã thành vôi từ lâu, nhưng vẫn nghĩ trọc thì vẫn còn núi. Và xe đã êm đềm qua Phủ Lý tôi mới chồm lên, chết rồi, qua rồi. Ngọn núi Sẻ đã chính thức thành... bãi. Chỗ ấy giờ là cái chợ.

Và tất nhiên, những hàng bờ rào đá cũng không còn nữa. Nơi ấy giờ là phố. Dù nó vẫn là huyện, cái biển báo hiệu thành phố Ninh Bình cắm ngay đầu làng, tức phải một bước chân nữa nó mới là phố. Nhưng nó đã nhằng nhịt phố rồi. Mới nhất tôi lại về, từ Hà Nội về. Thằng em dặn: Em sẽ ra đón anh ngay ngã ba. Thế mà cả chục cú điện thoại mới đến đúng “làng”.

 
Ninh Bình nay.

Ninh Bình nay.

Đêm ấy, uống rượu thịt dê với mấy đứa em xong, tôi ngơ ngẩn đi tìm... làng. Ký ức tôi cứ đứt nối, để rồi bật ra bài thơ:

NINH BÌNH TUỔI THƠ

Chiều phơ phất ngọn lau

sông Đáy chảy mềm như giọt mật

Ninh Bình bay Cánh Diều

cầu Lim núi Sẻ làm tươi những buổi chiều đá vôi rêu ủ

 

Ninh Bình tuổi thơ tôi nhiều đêm hang Luồn tránh bom

ngửi mùi mưa Thiên Tôn dấm dứt

Ninh Bình cô hàng xóm sang mượn gương

tóc tết bím mắt như là hờ hững

chết sững cái nhìn gã trai dậy thì

 

Ninh Bình tôi về với bạn

nghiêng đêm kỷ niệm xưa

năm mươi năm bước chân như người đi lạc

mảnh gương ngày nào giờ còn ai soi

đá cứ dựng đứng lên

người đi như lùn lại

Ninh Vân cây thị ngàn tuổi

em măng tơ triền sông cỏ gà xanh non

Ninh Bình có món thịt dê huyền thoại

tiếng be buồn như một nhát dao...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top