Aa

Đi tuyến bạt núi xẻ non

Thứ Hai, 21/05/2018 - 06:00

Cung đường này, những năm sau chiến tranh biên giới 1979, sinh viên bọn mình có lên tham gia đào các chiến hào ngang lưng các sườn đồi. Lúc ấy báo chí viết phóng lên, chiến hào dựng như thành như lũy… Thành lũy gì đâu, cuốc chim và xà beng với tay trai suốt ngày hì hục, ăn thì nhai bo bo, mỳ sợi, chen chúc toàn người, mặt mũi sắt lại vì nắng bụi…

Mình đã đi trên nhiều đường cao tốc, đi vào hầm xuyên trong núi lúc đang khoan đá, thế mà chưa đi tuyến bao giờ. Biết tin đường cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn đã gần như thông tuyến, nên mình nói với anh em bố trí cho đi một chuyến. Đi, để biết người ta làm như thế nào và sau này, khi tuyến ấy hoàn thành, vun vút xe qua, mình có dịp đi lúc đó, thì nhớ về điểm khởi thủy, cũng là một ký ức…

Tuyến cao tốc này triển khai, mới làm sơ sơ, chớt chát mấy bước chuẩn bị rồi tắc vốn và lình xình, phải dừng lại đã khá lâu. Nhân vật chủ chốt bị bắt vì dính vụ tổ chức đánh bạc và đánh bạc qua mạng mấy ngàn tỷ. Mấy vị tướng công an tiếng tăm lừng lẫy một thời và cả dây bị bắt theo…

Năm ngoái, dự án được “giải cứu” bằng một chủ thể khác, giờ đang triển khai cấp tập.

Tác giả và Phó TGĐ Nguyễn Quang Vĩnh (phải).

Tác giả và Phó TGĐ Nguyễn Quang Vĩnh (phải).

Nguyễn Quang Vĩnh, Phó Tổng giám đốc, nhân sự lãnh đạo duy nhất trong “dàn” cũ được liên danh mới mời lại, giữ nguyên vị trí. Một dàn lãnh đạo mới, trẻ, nhiệt huyết, có kinh nghiệm dưới "trướng" Tổng Giám đốc Trần Phúc Tự được hình thành. Dự án chuyển động mạnh và tăng tốc đã chừng hơn nửa năm nay. Và giờ, chính Nguyễn Quang Vĩnh thân dẫn mình đi tuyến…

Nhìn vào đâu trên dọc tuyến mấy chục cây số cũng thấy núi non đã bạt, đã xẻ xong. Những đoạn hồ, đoạn suối và thung lũng thì các móng cầu đang dựng lên, nhiều đoạn mặt cầu đang đổ bê tông. Ngồi trong xe, nhìn qua flycam quay từ trên cao xuống, thấy con đường đã hình thành to rộng, nằm mềm mại thênh thang màu đất mới vàng rực giữa núi đồi, rừng cây, đồng ruộng đang mùa lá xanh non. Còn nhìn trực tiếp từ trên xe, thấy núi non dựng ta tuy thoai thoải, cao vút. Có đoạn xe đến, máy ủi, máy xúc hối hả san gạt để cho xe sếp đi qua…

Cung đường này, những năm sau chiến tranh biên giới 1979, sinh viên bọn mình có lên tham gia đào các chiến hào ngang lưng các sườn đồi. Lúc ấy báo chí viết phóng lên, chiến hào dựng như thành như lũy… Thành lũy gì đâu, cuốc chim và xà beng với tay trai suốt ngày hì hục, ăn thì nhai bo bo, mỳ sợi, chen chúc toàn người, mặt mũi sắt lại vì nắng bụi…

Cũng ngày xưa, sau 1975, con người đầy khát vọng “Thay trời đổi đất, sắp đặt lại giang sơn” làm hồ thủy lợi như Kẻ Gỗ, làm cống Hiệp Hòa, đập Vách Bắc ở Hà Tĩnh, Nghệ An, cũng đen đặc người chen chúc làm bằng sức tay chân. Có công trường như ở Hiệp Hòa, tới 50 ngàn trai gái trẻ cùng làm. Báo chí tuyên truyền rầm rộ, phấn khởi. Rồi tai nạn xảy ra. Sập đập Vách Bắc, gần một trăm người bị chôn chết dưới dưới đáy hồ…

Bây giờ, cả tuyến chuyển động bằng các loại máy móc hiện đại, năng suất, hiệu quả, lại an toàn… Đây mới đúng là đang sắp đặt lại giang sơn bằng máy móc, tri thức, khoa học và công nghệ mới.

Theo kế hoạch, đến cuối năm 2018 sẽ hoàn thành toàn bộ nền đường. Công việc cuốn chiếu, xong nền đường là đổ đá móng cốt đường rồi đổ lớp bê tông đá dày tới 60 phân, tiếp đến là lớp nhựa asphalt 10 phân. Với những đoạn nền đất yếu thì còn gia cố móng cọc, đổ bê tông đất rồi mới đến lớp đá, để đảm bảo độ bền vĩnh viễn cho con đường. Và tiếp tục các công đoạn kỹ thuật khác. Đã hẹn đích hoàn thành là ngày cuối cùng, 31/12/2019. Từ năm 2020, sẽ bon bon các loại xe cao tốc mới Lạng Sơn rồi.

Mình hỏi Vĩnh: “Sau cao tốc này, đã tính làm tiếp đâu chưa?”. Vĩnh đang ngẫm nghĩ. Mình bảo: “Có định hướng của Chính phủ làm cao tốc Hòa Bình – Sơn La rồi đấy. Các ông đấu thầu xin làm đi cho tôi nhờ với. Sơn La là vùng đất cũ của tôi. Xưa Hà Nội, Sơn La ô tô mất hai, ba ngày đường, giờ cũng phải non một ngày. Có cao tốc như thế này, đi chỉ mất vài tiếng đồng hồ, thì sướng lắm!”.

Đi tuyến về, mình cứ ngẫm nghĩ. Trước đây, có mấy công trình chưa ghê gớm gì mà báo chí nào cũng hồ hởi viết tuyên truyền. Giờ nhiều công trình ,có thể gọi là vĩ đại, thì sao lại ít tuyên truyền? Có phải tại báo chí không, hay còn vì bao nhiêu cái khác, đời sống, tâm thế xã hội, cung cách quản lý truyền thông?

Thôi kệ, mình vui, mình hy vọng, thì mình cứ viết đã…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top