Aa

EVN - “mớ bòng bong” khó lòng tháo gỡ?

Thứ Bảy, 25/05/2019 - 00:31

Chưa bao giờ có mùa hè nào lại nóng như những ngày đầu mùa hè năm 2019 này, có những ngày nóng như đổ lửa, trên dưới 40 độ C! Bầu không khí lại càng ngột ngạt hơn khi giá điện một lần nữa lại tăng...

Theo con số chính thống, kể từ 20/3 giá điện tăng thêm 8,36%.

Thời tiết thì nắng nóng, hóa đơn thanh toán tiền điện cũng lại vùn vụt tăng, thế là xuất hiện sự cộng hưởng sức nóng trên công luận khiến lòng người lại càng như lửa đốt. Báo chí tốn không biết bao giấy mực, diễn đàn Quốc hội đang diễn ra cũng nóng lên mỗi ngày.

Một câu hỏi ngỡ tưởng không cần đặt ra nhưng vẫn phải đặt ra: Ai đã quyết định tăng giá điện? Câu trả lời thật rõ như ban ngày, đó là Chính phủ, chứ không phải Bộ Công thương, càng không phải là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Chẳng thế, ngay tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chỉ ra rằng, trong việc tăng giá điện, Chính phủ phải giải thích xem Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực có làm đúng hay không, vì họ đang làm theo quyết định, lộ trình của Chính phủ.

Sẽ có một nghịch lý ngay tại diễn đàn Quốc hội là giữa việc đánh giá cao kết quả điều hành kinh tế vĩ mô thời gian qua của Chính phủ thì lại gợn lên sự nghi ngờ trong việc quyết định tăng giá điện lần này. Liệu việc công bố đã đúng thời điểm chưa, cách tính bảng giá đã hợp lý chưa, kết cấu giá thành đã chính xác chưa, quản lý tài chính của EVN đã minh bạch chưa…

Từ 20/3, giá điện chính thức tăng

Từ 20/3, giá điện chính thức tăng 8,36%

Theo đánh giá của các chuyên gia thì giá điện sẽ là một bài toán vô cùng khó khăn của Chính phủ không chỉ trước mắt mà còn cả một thời gian lâu dài về sau. Và cùng với đó, EVN trong tâm trí người dân luôn luôn trở thành một “mớ bong bong bí hiểm” khó lòng tháo gỡ vì nhiều nguyên nhân, cả ở tầng vĩ mô và vi mô, bởi ở nước ta, điện là một loại hàng hóa đặc thù, nói chính xác hơn thì phải là “siêu đặc thù”.

Ai cũng biết điện vốn là một mặt hàng nhạy cảm hàng đầu trong cuộc sống hằng ngày của người dân, quan trọng không kém gì những nhu cầu thiết yếu khác liên quan đến cơm ăn, áo mặc, nhà ở… Điện cũng là đầu vào của hầu hết các ngành sản xuất cốt lõi của nền kinh tế đất nước, tựa như sắt thép, xi măng, xơ sợi…

Tuy nhiên, cùng là các mặt hàng thiết yếu như thóc gạo, thực phẩm, vải vóc, sắt thép, xi măng… nhưng so với điện lại khác ở chỗ, các mặt hàng kia được vận hành theo cơ chế thị trường, còn riêng điện thì theo một cơ chế khác, đó là… độc quyền nhà nước.

Mà đã sống trong cơ chế độc quyền nhà nước thì mọi người đã biết rồi, tự nó sinh ra ti tỉ thứ, đó là sự ỷ lại khiến doanh nghiệp trì trệ trong sáng tạo để hoàn thiện mình; đó là sự yếu kém trong quản trị doanh nghiệp bởi không phải cạnh tranh; đó là sự lãng phí khủng khiếp trong đầu tư vì đấy không phải là tiền của mình… Và tất yếu sẽ là sự thiếu minh bạch, bởi không ai muốn “vạch áo cho người xem lưng”!

Trong khi đó, doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) sinh ra với sứ mạng là phục vụ quốc kế dân sinh, tiền vốn là tiền đóng thuế của người dân. Cả đầu vào lẫn đầu ra đều liên quan đến người dân, luôn được đông đảo người dân quan tâm. Họ không bao giờ chấp nhận những doanh nghiệp ấy trì trệ, yếu kém, lãng phí, thiếu minh bạch, đồng thời cũng không thể tha thứ cho hành vi tham ô, tham nhũng.

Cái “mớ bòng bong” ấy xuất hiện là từ đây, một bên thì không muốn minh bạch và một bên lại yêu cầu bắt buộc phải minh bạch. Thế là rối tinh rối mù.

Nhiều người hẳn nhớ hồi cuối năm 2018, để mở đường cho đợt điều chỉnh giá điện lần này, Bộ Công thương đã triển khai xây dựng kịch bản điều hành giá bán lẻ điện của năm 2019.

Lý do đầy sức thuyết phục, đó là do tác động từ việc tăng giá nguyên liệu đầu vào như than, dầu, khí...; bên cạnh đó là đưa ra những dự báo về nguy cơ hạn hán, có thể gây rủi ro, không bảo đảm tiến độ vận hành các nhà máy điện tái tạo; các khoản chênh lệch tỷ giá còn lại chưa phân bổ của EVN vào giá thành sản xuất kinh doanh điện theo hợp đồng mua bán điện nên đã gây áp lực đối với EVN.

Liền với đó là những phản biện của các chuyên gia. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, nếu EVN không công khai, minh bạch về chi phí đầu vào khi tính giá thành điện thì dù Bộ Công thương có đưa ra phương án nào cũng không thuyết phục được người dân.

Nhiều câu hỏi đã được đặt ra xung quanh việc EVN đang tồn tại một bộ máy cồng kềnh, thiếu chuyên nghiệp so với doanh nghiệp chuyên ngành các nước trong khu vực; bên cạnh đó là những dự án đầu tư lãng phí, kém hiệu quả, rồi tính cả chi phí hao tổn đường truyền tải điện vào giá thành bắt người tiêu dùng phải chịu...

Vậy cái “mớ bòng bong” này sẽ được giải quyết như thế nào?

Qua phân tích như trên thì đây là một bài toán khó, thậm chí ra rất khó bởi lợi ích các mảng miếng của nhiều thành phần trong nền kinh tế quốc dân cùng với các cá nhân liên quan đan xen nhau, giằng xé lẫn nhau trong một môi trường thông tin phủ đầy sương mờ... mà trung tâm xử lý không ai khác, đó là Chính phủ, và nơi chịu trách nhiệm trực tiếp là Bộ Công thương.

Muốn khắc phục, không có con đường nào khác là áp dụng cơ chế thị trường. Việc hình thành thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam đã được Chính phủ quan tâm khi ra Quyết định 63/2013/QĐ-TTg ngày 8/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ, quy định lộ trình và các điều kiện hình thành thị trường điện cạnh tranh.

Theo đó, Bộ Công thương được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiên cứu, xây dựng và phát triển thị trường điện lực Việt Nam theo các cấp độ theo thứ tự: Thị trường phát điện cạnh tranh; thị trường bán buôn điện cạnh tranh và thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Trong đó, Chính phủ yêu cầu tuân thủ các nguyên tắc sau:

Một là, bảo đảm công khai, minh bạch bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, không phân biệt đối xử giữa các đối tượng tham gia thị trường điện lực.

Hai là, tôn trọng quyền được tự chọn đối tác và hình thức giao dịch của các đối tượng mua bán điện trên thị trường phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện lực.

Ba là, nhà nước điều tiết hoạt động của thị trường điện lực nhằm bảo đảm phát triển hệ thống điện bền vững, đáp ứng yêu cầu cung cấp điện an toàn, ổn định, hiệu quả.

Đấy, từ ngày ấy đến nay cũng đã gần 6 năm nhưng Bộ Công thương cũng mới chỉ thực hiện một quãng đường “nho nhỏ” trong tổng thể lộ trình là thực hiện Thị trường phát điện cạnh tranh.

Quãng đường “nho nhỏ” tiếp theo là hình thành Thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Đến năm 2019 này, Bộ Công thương còn đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị liên quan tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Thông tư quy định vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh và nhiều đề án liên quan đến cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ thị trường điện; đề án chuyển đổi Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia thành Công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước hạch toán độc lập; đề án tách bạch về tổ chức khâu phân phối và khâu bán lẻ điện...

Chắc là cũng phải mất dăm bảy năm. Rồi còn lộ trình hình thành Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh nữa...

Thế mới biết, để phá một cái “lô cốt” độc quyền nó khó khăn tới mức nào!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top