Lác đác dự án mới
Dòng vốn ngoại hơn 1 tỷ USD đăng ký đầu tư vào lĩnh vực bất động sản trong quý IV/2020 vắng bóng các dự án bán lẻ quy mô lớn, mà chủ yếu tập trung vào bất động sản công nghiệp và logistics.
Theo CBRE Việt Nam, bán lẻ là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19. Tổng doanh thu và tiêu dùng dịch vụ của Việt Nam trong năm 2020 chỉ tăng 2,6%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 11,8% trong năm 2019.
Còn trong bức tranh sôi động về đầu tư nước ngoài vào bất động sản với tổng vốn đăng ký đạt 4,184 tỷ USD năm 2020, tăng 18,6% so với năm 2019, thì phân khúc bất động sản bán lẻ khá lép vế. Trong tổng số 70 dự án FDI bất động sản được cấp phép mới năm 2020, chỉ nổi lên 5 dự án xây dựng trung tâm thương mại và siêu thị, đều do một chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Bất động sản Việt - Nhật triển khai rải rác tại các tỉnh Bến Tre, Hải Dương, Thái Bình, Thái Nguyên và Khánh Hòa, với tổng vốn đầu tư gần 72,3 triệu USD.
Trong đó, vào tháng 11/2020, Công ty Cổ phần Bất động sản Việt - Nhật rót 24,5 triệu USD vào dự án khu trung tâm thương mại và siêu thị với quy mô 20.857m2 tại TP. Nha Trang, biến dự án này trở thành dự án FDI bất động sản bán lẻ lớn nhất được cấp phép mới trong năm.
Ở kênh tăng vốn, Dự án Trung tâm tài chính - thương mại và các công trình phụ trợ tại Khu đô thị mới Mỗ Lao (Hà Đông, Hà Nội) do Công ty TSQ Việt Nam thuộc Tập đoàn TSQ Finance (Ba Lan) trở thành dự án bất động sản bán lẻ duy nhất thực hiện tăng vốn đầu tư trong năm 2020, với việc bổ sung 67,5 triệu USD hồi đầu năm.
Đầu tư nước ngoài vào bất động sản bán lẻ cũng tương đồng với diễn biến thị trường năm 2020. Trên thực tế, thị trường bán lẻ bắt đầu có dấu hiệu suy yếu kể từ đầu tháng 2, khi Covid-19 bắt đầu bùng phát và sau đó là hai đợt vào tháng 4 và tháng 7.
Theo Savills Việt Nam, tỷ lệ lấp đầy của các trung tâm mua sắm trên cả nước vẫn ở mức cao, đạt 95%, nhờ vào việc cân đối hoạt động kinh doanh một cách hiệu quả của doanh nghiệp. Tuy nhiên, Covid-19 lại tác động trực diện và lập tức lên thị trường cho thuê nhà phố.
“Các khách thuê là doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ bị mất doanh thu đột ngột hơn các nhà bán lẻ quy mô lớn. Nhiều chuỗi F&B (dịch vụ nhà hàng và ăn uống) và chuỗi cửa hàng thời trang phải đóng cửa những chi nhánh hay địa điểm có doanh thu kém, làm tăng diện tích trống của cả thị trường”, ông Troy Griffiths, Phó Tổng giám đốc Savills Việt Nam cho biết.
Chuyện của vài năm tới
Thị trường đang cho thấy sự phục hồi trong quý IV/2020 và cả trong quý I/2021 nhờ vào các dịp lễ hội cuối năm và Tết Nguyên đán. Nhưng trước việc người tiêu dùng hao hụt thu nhập và những biến động khó lường do dịch bệnh, các nhà phát triển bất động sản bán lẻ đang trì hoãn việc ra mắt sản phẩm mới. Những đơn vị vẫn tiếp tục triển khai kế hoạch kinh doanh như dự định sẽ có thể gặp khó khăn do các thương hiệu nước ngoài tạm ngừng gia nhập thị trường và nhiều doanh nghiệp đã thành lập hoãn kế hoạch mở rộng.
Trao đổi với phóng viên, bà Hoàng Nguyệt Minh, Phó Giám đốc Bộ phận đầu tư, Savills Hà Nội cho rằng, thị trường bán lẻ năm 2020 đã có xu hướng chậm lại dần do chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19, xu hướng tiêu dùng tại Việt Nam cũng đang có sự thay đổi khi thương mại điện tử ngày càng phát triển.
“Sang năm 2021, các dự án bán lẻ thu hút vốn FDI sẽ tập trung chủ yếu ở dự án phức hợp như nhà ở, văn phòng, khách sạn, thay vì các dự án bán lẻ độc lập”, bà Nguyệt Minh nhận định.
Đặc biệt, thị trường Hà Nội đang thiếu những dự án bất động sản chất lượng cao, có sẵn, để đáp ứng nhu cầu và điều kiện của các thương hiệu trong ngành mỹ phẩm, đồ điện tử, thời trang, mặt hàng xa xỉ. Có những nhãn hàng cao cấp mong muốn gia nhập thị trường Việt Nam nhưng chưa thể tìm thấy địa điểm phù hợp, nên họ tiếp tục ở tình trạng chờ đợi hoặc tìm kiếm tại nhóm thị trường khác.
Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho rằng, quá trình tìm kiếm mặt bằng của các nhãn hàng xa xỉ được cho là một thách thức vì các nhãn hàng này có nhiều yêu cầu trong việc xác định địa điểm phù hợp. Với ngành hàng xa xỉ, đặc biệt là xung quanh khu vực Hoàn Kiếm, Tràng Tiền, Ngô Quyền, các địa điểm phù hợp còn rất ít, trong khi số lượng địa điểm tại khu vực này chưa vượt quá 30.
Do vậy, trong vài năm tới, kỳ vọng thị trường sẽ rơi vào một số trung tâm thương mại chất lượng cao đạt tiêu chuẩn quốc tế xuất hiện tại Việt Nam. Các trung tâm thương mại với nguồn mặt bằng chất lượng cao sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các nhà bán lẻ trong bối cảnh thị trường trong nước chưa có nhiều trung tâm thương mại như vậy.
CBRE dự báo, trong 3 năm tới, thị trường bất động sản bán lẻ Hà Nội sẽ đón nguồn cung hơn 300.000m2 mặt bằng bán lẻ chào thuê mới, trong đó có đóng góp lớn từ 2 dự án của nhà đầu tư nước ngoài là Lotte Mall Hà Nội và Aeon Mall Giáp Bát, nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm và sử dụng dịch vụ của cư dân ở phía Bắc và Nam thành phố, cũng như các khu vực lân cận./.