Fed đã có hành động cắt giảm lãi suất cơ bản 1% xuống mức 0% - 0,25% vào ngày 15/3, cũng là đợt hạ lãi suất thứ 2 trong 2 tuần đầu tháng 3. Đi kèm với đó, Fed cũng đã cam kết tăng quy mô nắm giữ trái phiếu ít nhất 700 tỷ USD, cho phép các ngân hàng vay chiết khấu trong 90 ngày và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc xuống 0%. Fed cho biết họ sẽ giữ lãi suất gần bằng 0 đến khi chắc chắn rằng nền kinh tế Mỹ đã vượt qua các sự kiện gần đây.
Quan sát việc điều hành lãi suất của Fed trong 20 năm trở lại đây, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận thấy các giai đoạn Fed mạnh tay hạ lãi suất (cắt giảm từ 1,5% trở lên trong vòng 1 tháng), đều đi kèm với các nhịp lao dốc của thị trường chứng khoán toàn cầu. Diễn biến này hoàn toàn trái ngược với các giai đoạn hạ lãi suất của Fed trong bối cảnh trạng thái kinh tế vẫn đang tương đối tích cực (insurance cut rate), giúp thị trường chứng khoán toàn cầu tăng điểm.
Cụ thể hơn, các đợt Fed mạnh tay hạ lãi suất trong quá khứ đều liên quan tới 2 cuộc khủng hoảng gần nhất là bong bóng dotcom năm 2000, và khủng hoảng thị trường tài chính toàn cầu 2008. Trong cả 2 đợt cắt giảm lãi suất này, ngay cả ở thời điểm trước khi suy thoái kinh tế diễn ra, cũng đều đi kèm với diễn biến tiêu cực trên thị trường chứng khoán do 2 nguyên nhân chính là việc hạ lãi suất mạnh tay của Fed tác động xấu đến tâm lý nhà đầu tư do lo ngại Fed có đánh giá tiêu cực về triển vọng vĩ mô; cùng với tín hiệu của cuộc khủng hoảng đã rõ ràng hơn, và hành động của Fed được thị trường đánh giá là ít có khả năng cải thiện trạng thái nền kinh tế trong ngắn hạn.
KBSV nghiên cứu động thái mua/bán ròng của khối ngoại từ năm 2012 cho đến nay trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong giai đoạn 2012 - 2014, Fed không có đợt giảm lãi suất nào do lãi suất điều hành của Fed đã xuống mức 0%, tuy nhiên tác động của các gói QE giúp thị trường chứng khoán Việt Nam thu hút dòng vốn ngoại trong khoảng thời gian này.
Trong khi đó, giai đoạn cuối 2015 cho đến nay, giao dịch của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam có tương quan cao với lãi suất điều hành của Fed. Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh mua ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn Fed tăng lãi suất (cuối năm 2015 - cuối năm 2018), bán ròng trong giai đoạn còn lại khi Fed hạ lãi suất. Nguyên nhân là do trong các giai đoạn Fed tăng lãi suất, nhà đầu tư ngoại gia tăng niềm tin vào triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu, qua đó dòng tiền có xu hướng hướng đến các tài sản mang tính rủi ro, và ngược lại.
Dĩ nhiên việc so sánh hành động hạ lãi suất một cách quyết liệt của Fed trong thời điểm hiện tại với 2 giai đoạn diễn ra khủng hoảng trong quá khứ có nhiều hạn chế. Tác động dịch Covid-19 đến kinh tế toàn cầu là chắc chắn không hề nhỏ, tuy nhiên rủi ro suy thoái kinh tế trên quy mô rộng và kéo dài có diễn ra hay không vẫn là câu hỏi đang được bỏ ngỏ. Mặc dù vậy, diễn biến thị trường chứng khoán toàn cầu sau khi Fed có các động thái hạ lãi suất trong 2 tuần đầu tháng 3, kết hợp với các quan sát trong quá khứ, cho thấy các tác động tích cực là khá hạn chế. Ở thời điểm hiện tại, trong khi chờ thêm các động thái mới từ các ngân hàng trung ương, KBSV đánh giá ảnh hưởng từ động thái mới của Fed đến thị trường chứng khoán Việt Nam là không đáng kể và sẽ không giúp dòng vốn ngoại đảo ngược xu hướng bán ròng hiện tại.