Công trình lò RHF có trong quy hoạch không?
Trong năm 2021, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa Hà Tĩnh) có kế hoạch mở rộng sản xuất với mục tiêu xây dựng khu gia công phụ trợ trong chuỗi ngành nghề gang thép của Hà Tĩnh và lò đáy quay với tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 180 triệu USD.
Theo mô tả, các hạng mục công trình lò đáy quay độc lập với các hạng mục hiện có của dự án, bổ sung, hoàn thiện cho công nghệ của trạm xử lý bùn bụi. Đây là công trình được cho là có thể thu hồi tài nguyên trong bùn, bụi sản sinh từ quá trình sản xuất của xưởng lò cao, xưởng lò chuyên, xưởng thiêu kết với tổng số vốn đầu tư dự kiến gần 100 triệu USD...
Tuy nhiên, tại nội dung thẩm định đánh giá tác động môi trường dự án, một số chuyên gia, nhà khoa học đề nghị làm rõ sự phù hợp của công trình lò đáy quay (RHF) đối với chiến lược quy hoạch phát triển do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, trong khuôn khổ dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh Giai đoạn 1-1: Hạng mục nhà máy thép hai dây, 2 trạm xử lý bùn và vật liệu chịu lửa -xỉ thép - Bổ sung công trình lò đáy quay).
Cụ thể, có ít nhất 02 ý kiến tham gia đánh giá về sự phù hợp của dự án đối với chiến lược quy hoạch… là không đạt yêu cầu; có ít nhất 03 ý kiến cho rằng đạt yêu cầu nhưng bỏ trống phần nhận xét; có ít nhất 03 ý kiến cho rằng có thể chấp nhận được nhưng bỏ trống phần nhận xét về nội dung quy hoạch; một số ý kiến khác không đánh giá và không đưa ra đánh giá và nhận xét gì về nội dung này.
Đáng chú ý có quan điểm cho rằng, cần rà soát lại một số hạng mục dự án để đảm bảo về mặt quy hoạch chung. Bởi lẽ, theo điểm e, khoản 6, điều 1, Quyết định số 706/QĐ-TTg ngày 7/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch thị xã Kỳ Anh đến năm 2035, Khu công nghiệp Formosa chỉ bao gồm bãi xỉ, nhà máy xử lý tái chế xỉ lò cao, không bao gồm dự án công trình lò đáy quay (RHF). Do đó, đề nghị Công ty rà soát lại đảm bảo sự phù hợp quy hoạch đã được duyệt.
Một số băn khoăn khác cũng được đặt ra là, đây là dự án thuộc đối tượng tái chế chất thải nguy hại hay chất thải thông thường, hay cả hai? Công nghệ của dự án là công nghệ sản xuất hay công nghệ bảo vệ môi trường? Việc dựa vào báo cáo đánh giá tác động môi trường trước đây đã được phê duyệt để đề xuất mở rộng dự án là chưa đủ căn cứ pháp lý.
Một số ý kiến khác cũng cho rằng, nếu lò RHF có chức năng xử lý chất thải rắn thì phải tuân thủ quy định về quản lý chất thải rắn. Theo quy định, đối với lò đốt chất thải, bãi chôn lấp chất thải rắn công nghiệp đầu tư trong khuôn viên cơ cở để tự xử lý chất thải rắn công nghiệp, thông thường phải phù hợp với nội dung quản lý chất thải rắn trong các quy hoạch liên quan. Lò RHF mà Formosa dự kiến đầu tư sử dụng khí COG, BFG để đốt gia nhiệt với mục tiêu chính là hoàn nguyên Fe trong hỗn hợp các loại chất thải. Do đó, đề nghị Formosa làm rõ việc đáp ứng quy định về quản lý chất thải rắn, đối với lò RHF.
Trong khi đó, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn và đại diện cơ quan nhà nước đều cho rằng, lò RHF thực chất là thu hồi, tái chế một số tạp phẩm trong bùn, bụi thu hồi ZnO, FeO… đây có thể coi là công đoạn sơ chế nguyên liệu. Các loại bùn bụi này đều đã được Formosa phân loại và phân lập không phải là chất thải nguy hại.
Tại biên bản họp chính thức hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án, đại diện hội đồng thẩm định cũng không nói rõ tính phù hợp của lò đáy quay với quy hoạch chung của thị xã Kỳ Anh đã được Thủ tướng phê duyệt (hoặc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch -PV). Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, có 12/14 phiếu đánh giá thông qua báo cáo (ĐTM) nhưng yêu cầu cần phải chỉnh sửa, bổ sung; 2/14 phiếu đánh giá không thông qua báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Ban quản lý khu kinh tế Hà Tĩnh không cung cấp thông tin
Trước nhận định về việc một số hạng mục lò đáy quay đã được xây dựng trước, xin báo cáo đánh giá tác động môi trường sau, đại diện Formosa cho rằng, đây là thông tin không chính xác.
“Hạng mục lò đáy quay chưa thực hiện do đang có vướng mắc về đánh giá tác động môi trường”, vị đại diện ban đối ngoại Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh cho hay.
Phía đại diện Formosa cũng cho biết, sẽ trả lời bằng văn bản những nội dung vượt quá thẩm quyền và chuyên môn liên quan tới các vấn đề về xử lý chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất.
Liên quan tới quy hoạch của dự án, đặc biệt là lò đáy quay (RHF), phóng viên Reatimes đã liên hệ trực tiếp với Ban quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh để làm rõ những băn khoăn nêu trên. Tuy nhiên, không lâu sau khi tiếp nhận nội dung làm việc của phóng viên, lãnh đạo Ban quản lý dự án Khu kinh tế Hà Tĩnh đã từ chối trả lời, cung cấp thông tin cho báo chí.
Trong khi đó, phía đại diện Sở Thông tin và Truyền thông Hà Tĩnh cũng chỉ nói chung chung rằng, “Sở hướng dẫn các đơn vị thực hiện đúng với Luật Báo chí và các văn bản hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông”. Đại diện Sở này cũng không nói rõ việc có hay không việc Sở gửi văn bản tới Ban quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh để hướng dẫn hoặc chỉ đạo với nội dung “không trả lời báo chí” như phát ngôn nêu trên.
Xung quanh dự án Formosa, hàng loạt câu hỏi được đặt ra là: Dự án đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư chưa? Hạng mục công trình lò đáy quay (RHF) có thực sự phù hợp với quy hoạch được duyệt? Trường hợp hạng mục công trình lò đáy quay (RHF) không phù hợp với quy hoạch, tại sao Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn thông qua báo cáo đánh giá tác động môi trường?
Có hay không việc doanh nghiệp dựa vào báo cáo đánh giá tác động môi trường trước đây đã được phê duyệt để đề xuất mở rộng dự án? Nếu có, điều này có phù hợp với quy định của pháp luật không? Phương án phòng ngừa, ứng phó với sự cố khi thiết bị xử lý khí gặp sự cố đối với từng công đoạn: Lò hơi nhiệt thải, làm nguội hình ống… của dự án ra sao? Tính khả thi và khoa học như thế nào?
Reatimes sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này./.