Aa

Thanh Hóa: Nguyên Giám đốc Ban quản lý nói “không vô can” trong vụ dự án đội vốn hơn 450 tỷ đồng

Chủ Nhật, 10/10/2021 - 17:00

“Dự án có trách nhiệm của tôi hay không thì tôi khẳng định là có. Với tư cách người đứng đầu, tôi không thể nói tôi vô can được. Thế nhưng...”, ông Hoàng thẳng thắn.

Dự án trọng điểm “đội vốn” hơn 450 tỷ đồng

Dự án phát triển tổng hợp các đô thị động lực - tiểu dự án đô thị Tĩnh Gia, Thanh Hóa (gọi tắt là tiểu dự án đô thị Tĩnh Gia) là dự án trọng điểm của tỉnh nhằm nâng cao tính cạnh tranh của đô thị Nghi Sơn trong việc đáp ứng nhu cầu hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực. Tiểu dự án này có tổng mức đầu tư được duyệt là 1.776,51 tỷ đồng và đang đề nghị điều chỉnh lên 2.226,85 tỷ đồng, tăng hơn 450 tỷ đồng. Cơ quan chủ quản dự án là UBND tỉnh Thanh Hóa; chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp Thanh Hóa (gọi tắt là Ban Quản lý dự án khu vực). 

Theo tìm hiểu của phóng viên, sau khi rà soát lại toàn bộ chi phí liên quan, dự án có những nội dung tăng, giảm khác nhau. Cụ thể, chi phí xây dựng tăng 28,3 tỷ đồng; chi phí thiết bị tăng 2,53 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án tăng 337 triệu đồng; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng tăng 492 triệu đồng, chi phí khác giảm 101,18 tỷ đồng; chi phí dự phòng giảm 34,91 tỷ đồng. Đặc biệt, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tăng tới 556,9 tỷ đồng, vượt 3,45 lần so với giá trị đã được phê duyệt trước đó.

Thanh Hoá
Công trường dự án.

Theo tìm hiểu của phóng viên, việc dự án "đội vốn" tới hơn 450 tỷ đồng có nguyên nhân do, trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi, lập báo cáo kế hoạch tái định cư, lập tổng mức đầu tư dự án, phạm vi giải phóng mặt bằng của các hạng mục đã không tính toán hết việc hỗ trợ về đất; việc di chuyển các công trình hạ tầng kỹ thuật…

Đáng chú ý, chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư tăng nhiều lần do số hộ ảnh hưởng từ dự án tăng từ 1.354 lên 2.156 hộ (tăng 802 hộ); sai tăng diện tích thu hồi là 51,64ha, dẫn tới phải bồi thường tăng về đất, trong đó có 11,5ha đất ở, bồi thường tăng tài sản vật kiến trúc và hỗ trợ thu hồi đất, là nguyên nhân chủ yếu tăng giá trị chi phí giải phóng mặt bằng thêm hơn 500 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc đội vốn của công trình còn có nguyên nhân do sự thay đổi về khung chính sách (giá đất làm cơ sở xác định bồi thường thay đổi).

Trách nhiệm thuộc về ai?

Theo Thanh tra tỉnh Thanh Hóa, ngoài nguyên nhân khách quan, việc công trình bị “đội vốn” có trách nhiệm của tập thể, cá nhân Ban Quản lý dự án khu vực và các đơn vị có liên quan.

Cụ thể, kết luận nêu rõ: “Ban Quản lý dự án khu vực chưa thực hiện theo dõi, kiểm tra, chưa giám sát đánh giá chặt chẽ, chưa rà soát các số liệu do đơn vị tư vấn khảo sát, tính toán kinh phí giải phóng mặt bằng giai đoạn lập tổng mức đầu tư; chưa phối hợp chặt chẽ với UBND thị xã Nghi Sơn trong quá trình nghiệm thu, xác định chi phí giải phóng mặt bằng, chưa yêu cầu lập bổ sung dự toán bồi thường giải phóng mặt bằng, tham vấn xin ý kiến các cơ quan chuyên môn, chuyên ngành về dự toán chi phí giải phóng mặt bằng được lập, khi đơn giá bồi thường giải phóng mặt bằng có sự thay đổi được công bố”.

Cũng theo cơ quan có thẩm quyền, những vi phạm, thiếu sót nêu trên chủ yếu thuộc nhiệm vụ, quyền hạn trực tiếp của chủ đầu tư dự án gồm: Ban Giám đốc, Giám đốc Ban Quản lý dự án khu vực giai đoạn từ tháng 11/2016 đến tháng 7/2020; Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án khu vực được giao nhiệm vụ lập hồ sơ mời thầu, tổ trưởng tổ chuyên gia chấm thầu và các cá nhân tổ chuyên gia chấm thầu.

Tổ chức cá nhân được giao nhiệm vụ, quyền hạn tham mưu chịu trách nhiệm đối với những vi phạm, thiếu sót nêu trên; chịu trách nhiệm chính trong việc kiểm tra, rà soát nghiệm thu các số liệu do đơn vị tư vấn khảo sát, tính toán trước khi trình thẩm định, phê duyệt dẫn tới sai tăng trong việc lập tổng mức đầu tư dự án; chịu trách nhiệm trong việc chưa báo cáo kịp thời điều chỉnh chi phí giải phóng mặt bằng theo đơn giá tại thời điểm được giao chủ trì tham mưu đề nghị điều chỉnh phê duyệt chủ trương của dự án; chịu trách nhiệm trong việc báo cáo chi phí giải phóng mặt bằng không chính xác; chịu trách nhiệm trực tiếp trong chỉ đạo, tham mưu, quyết định và triển khai thực hiện.

UBND thị xã Nghi Sơn có trách nhiệm về thiếu sót, khuyết điểm trong việc lập dự toán chi phí giải phóng mặt bằng, bổ sung chưa đúng (cần điều chỉnh giảm hơn 20 tỷ đồng); chưa thực hiện một số nội dung công việc, chưa lập, chưa xác định khối lượng đơn giá dự toán bổ sung.

Thanh tra tỉnh Thanh Hóa cũng kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, chỉ đạo xử lý trách nhiệm Giám đốc Ban Quản lý dự án khu vực (giai đoạn tháng 11/2016 - tháng 7/2020) - Trưởng Ban dự án Phát triển tổng hợp các đô thị động lực - tiểu dự án đô thị Tĩnh Gia, Thanh Hóa trong công tác chỉ đạo, quản lý để xảy ra vi phạm đã được nêu…

Mặt bằng tái định cư của dự án.

Được biết ông Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc Ban Quản lý dự án khu vực giai đoạn tháng 11/2016 đến 2020 (nay là Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc) là người được xác định có liên quan tới vi phạm, thiếu sót trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quyền hạn liên quan tới dự án này.

Trao đổi với phóng viên Reatimes khi được hỏi về trách nhiệm kỷ luật với tư cách là Giám đốc Ban Quản lý dự án khu vực (từ tháng 11/2016 đến 2020), ông Hoàng thừa nhận bản thân “không vô can" trước những thiếu sót vi phạm trên.

“Các bạn hỏi, dự án có trách nhiệm của tôi hay không thì tôi khẳng định là có. Với tư cách người đứng đầu, tôi không thể nói tôi vô can được”, ông Hoàng thẳng thắn.

Khi được hỏi về các dấu hiệu tiêu cực trong việc lập hồ sơ dự án, khiến tổng mức đầu tư tăng hơn 450 tỷ đồng, ông Hoàng cho biết: “Vốn tăng so với tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu là do trong quá trình làm việc, anh em chưa tính toán, lượng hóa hết các chi phí. Mặt khác, do chính sách về giá đền bù ở những thời điểm khác nhau có sự thay đổi, nên giá trị bồi thường cũng biến động (tăng) theo, chứ không có việc chỉ đạo lập hồ sơ thế này, thế khác. Có làm thì vẫn có thể sai. Nếu không sai thì chỉ còn cách không làm. Lúc bắt đầu triển khai dự án tôi đã chuyển công tác, nên không có gì tiêu cực ở đây cả”, ông Hoàng nói.

Tiểu đô thị Tĩnh Gia gồm 2 hợp phần: hợp phần 1 - cải tạo, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và hợp phần 2 - hỗ trợ kỹ thuật và hỗ trợ thực hiện dự án. Trong đó, hợp phần 1 của dự án bao gồm 8 hạng mục công trình (4 hạng mục giao thông tổng chiều dài khoảng 13,7km; 2 hạng mục thủy lợi dài khoảng 10km; 1 hệ thống thu gom xử lý nước thải; 1 hạng mục xây dựng 5 khu tái định cư). Dự án có tổng cộng 24 gói thầu, trong đó có 15 gói thầu sử dụng vốn đối ứng, 9 gói thầu sử dụng vốn WB. Hiện tại 9/9 gói thầu sử dụng vốn WB và 8/15 gói thầu sử dụng vốn đối ứng ngân sách đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu. Dự án đã được bàn giao 2,7/3,8ha cho nhà thầu triển khai thi công xây dựng khu tái định cư tại 4 phường và một phần diện tích các hạng mục dự án giao thông, thủy lợi. Có 3 gói thầu xây lắp đang thi công, đạt giá trị khối lượng đến tháng 9/2021 khoảng 70 tỷ đồng; hai gói thầu xây lắp khác chuẩn bị khởi công vào tháng 10/2021.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top