Không cần lo lắng về bong bóng bất động sản năm 2018
Cho rằng các nhà phát triển bất động sản đã có các động thái rất tốt để đảm bảo cân bằng cán cân cung cầu, phù hợp với nhu cầu thực tế, giới chuyên gia bất động sản nhiều lần đưa ra lời khẳng định rằng, ở thời điểm hiện tại sẽ không cần phải quá lo lắng về sự trở lại của cuộc khủng hoảng đã diễn ra cách đây khoảng 1 thập kỷ trước.
Hoạt động đầu cơ đã ít hơn cùng với nguồn cung tương đối phù hợp với nhu cầu của khách hàng, có thể đảm bảo cho một năm 2018 ổn định của cả thị trường.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết: Nhờ hành động kịp thời của Chính phủ, năm 2018 sẽ không có mối đe dọa nào về bong bóng bất động sản.
"Hơn nữa, các nhà phát triển cũng đã có những nỗ lực để tinh chỉnh dòng tiền đầu tư của mình, nhằm phát triển các sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường", ông Châu nói thêm.
Năm 2017, Hòa Bình báo lãi 860 tỷ đồng
Theo số liệu Báo cáo Tài chính hợp nhất quý IV/2017 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, lũy kế cả năm 2017 doanh thu thuần đạt 16.035 tỷ đồng tăng 49% so với năm 2016, đạt kế hoạch doanh thu 16.000 tỷ đồng mà Đại hội đồng cổ đông đã đề ra, lợi nhuận sau thuế đạt 860 tỷ đồng tăng 51% so với năm 2016, vượt 4% so với số kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Kết quả kinh doanh quý IV/2017 của công ty này cho thấy, chi phí tài chính tăng 64% từ 47 tỷ đồng lên 78 tỷ đồng (chủ yếu là chi phí lãi vay) trong khi doanh thu tài chính tăng nhẹ 11%. Chi phí bán hàng giảm 50%, ngược lại chi phí quản lý doanh nghiệp trong quý tăng thêm 40%. Kết thúc quý IV/2017, Hòa Bình đạt lợi nhuận sau thuế 244 tỷ đồng, tương đương mức cùng kỳ năm 2016.
Tổng kết năm 2017, Hòa Bình đạt tổng doanh thu trên 16.000 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế toàn công ty cũng tăng gấp rưỡi đạt 860 tỷ đồng vượt nhẹ kế hoạch kinh doanh đề ra hồi đầu năm. Trong năm, chi phí tài chính công ty tăng mạnh 74% lên 265 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí lãi vay.
Biên lợi nhuận gộp đạt 10,6% cao hơn so với nhiều công ty cùng ngành, biên lợi nhuận ròng đạt 5,4% tương đương so với con số 5,3% của năm 2016. Trong năm 2017, Hòa Bình có một số khoản nợ đã trích lập dự phòng được hoàn nhập, làm cho tỷ lệ chi phí trích lập dự phòng/doanh thu đã giảm từ 1,1% năm 2016 xuống còn 0,3% năm 2017, điều này giúp cải thiện biên lợi nhuận ròng cho năm 2017.
Giá bất động sản năm 2018 khó tăng đột biến
Dự báo thị trường bất động sản Việt Nam năm 2018, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng năm 2018 do có nhiều dự án đến thời điểm, điều kiện ra hàng nên nguồn cung dồi dào hơn năm 2017. Nhưng sức tiêu thụ có thể không tăng nhiều, dẫn đến cạnh tranh trong việc bán hàng sẽ mạnh hơn. Do vậy, giá bất động sản năm 2018 khó có sự tăng đột biến, mức tăng chỉ khoảng 5% cho cả năm.
Phân tích tổng thể thị trường, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, năm 2018 sẽ tiếp tục là một năm thành công cho thị trường bất động sản trên toàn quốc, đặc biệt là nhà ở tại các đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại các thành phố du lịch và đặc khu kinh tế mới được chính quyền chủ trương phát triển để trở thành các động lực tăng trưởng kinh tế mới trải dài trên toàn quốc trong thời gian tới đây.
Trong đó, thị trường bất động sản nhà, đất ở tiếp tục có sức tiêu thụ tốt ở tất cả các phân khúc. Xu hướng chủ đạo là nguồn cung nhà ở vừa túi tiền tiếp tục được duy trì trong khi nhà ở cao cấp sẽ có nguồn cung hạn chế, nhất là tại Thủ đô Hà Nội, vì tại đây đã không còn đủ quỹ đất phù hợp để phát triển phân khúc này.
Hà Nội tăng cường rà soát phòng cháy chữa cháy
UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Công văn số 382/UBND-NC đôn đốc kiểm tra, rà soát công tác phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở hộ gia đình; nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cơ sở sản xuất, kho hàng hóa xen kẽ trong khu dân cư.
Công văn nêu rõ, thực hiện kế hoạch của UBND thành phố về kiểm tra, rà soát công tác PCCC đối với nhà ở hộ gia đình; nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cơ sở sản xuất, kho hàng hóa xen kẽ trong khu dân cư, qua tập hợp kết quả, đã có 30/30 quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch, thành lập Tổ công tác; 25/30 quận, huyện tổ chức tập huấn; 14/30 quận, huyện đã cấp kinh phí triển khai thực hiện công tác kiểm tra, rà soát.
UBND thành phố biểu dương UBND các quận, huyện, thị xã: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, BắcTừ Liêm, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng, Sóc Sơn, Thường Tín, Quốc Oai, Sơn Tây đã triển khai sớm và có kết quả số liệu điều tra ban đầu báo cáo đúng thời hạn về UBND thành phố. Bên cạnh đó, còn một số đơn vị ban hành kế hoạch chậm so với tiến độ yêu cầu của kế hoạch và 16 quận, huyện chưa cấp kinh phí triển khai thực hiện.
Nhà đầu tư găm đất nông nghiệp chờ tăng giá
Sau khi Quyết định 60/2017/QĐ-UBND quy định về diện tích đất tách thửa tối thiểu chính thức được ban hành, nhiều nhà đầu tư sở hữu đất vườn, đất nông nghiệp đã “găm hàng” chờ thời điểm lên giá để bán lại.
Đối với đất nông nghiệp, đất vườn - nguồn hàng chính để phân lô tách nền trong những năm qua đang được cả doanh nghiệp và nhà đầu tư lẻ “săn đón”. Trong quy định mới, đất nông nghiệp được tách thửa đã khiến loại hình này càng hấp dẫn thị trường. Nếu trước đó, nhà đầu tư và người dân rục rịch sang nhượng đất nông nghiệp, đất vườn để thu dòng tiền do thị trường “hạ nhiệt” thì hiện tại tình hình hoàn toàn trái ngược.
Những mảnh đất chưa thổ cư rộng từ 500 – 1.000m2 của nhà đầu tư hoặc dân bản địa đang nằm trong “tầm ngắm” của các doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn. Hoạt động phân lô bán nền dự báo sẽ tiếp tục nở rộ trong thời gian tới là lý do khiến nhu cầu tìm kiếm đất chưa thổ cư tăng lên.
Theo đó, nhiều người có đất vườn, đất nông nghiệp nằm gần các khu dân cư hiện hữu trên địa bàn TP.HCM đang âm thầm giữ hàng và đẩy giá bán cao hơn từ 1-3 triệu đồng/m2 so với mặt bằng giá chung khu vực.