Trong nội dung báo cáo phục vụ cho phiên họp Ban chỉ đạo điều hành giá quý II/2025 của Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã đưa ra cảnh báo về khả năng giá đất sẽ có sự biến động mạnh trong thời gian tới, theo báo Kinh tế và Đô thị.
Theo đó, Cục Quản lý đất đai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) nhận định việc bỏ khung giá đất cùng loạt quy định mới về bảng giá đất đã mở ra một cơ sở quản lý đất đai cũng như phát triển thị trường địa ốc, đảm bảo minh bạch và tiệm cận với giá trị thị trường thực tế.
Mặc dù vậy, thực tế cũng cho thấy trong thời gian triển khai áp dụng bảng giá đất cũ, một số địa phương chưa kịp thời theo dõi biến động trên thị trường để có sự điều chỉnh cho phù hợp.

Bảng giá đất mới sẽ có tác động lớn đến thị trường BĐS trong thời gian tới. Ảnh minh họa
Điều này dẫn đến việc giá đất trong bảng giá đất tại nhiều địa phương thấp hơn nhiều so với giá trên trên thực tế. Khoảng cách lớn này được xem là một trong những lý do khiến việc điều chỉnh bảng giá đất sắp tới sẽ tạo nên những biến động lớn đối với thị trường.
Cục Quản lý đất đai dẫn chứng cụ thể, từ quý IV/2024 đến nay, một số địa phương đã đi trước trong việc ban hành bảng giá đất điều chỉnh, đồng thời ghi nhận mức giá tăng lớn hơn so với bảng giá đất được áp dụng từ năm 2019.
Có thể kể đến như tại TP. Hà Nội, bảng giá đất mới có hiệu lực từ 20/12/2024 đến hết 31/12/2025 cho thấy mức giá đất ở một số tuyến phố như: Bà Triệu, Hàng Đào, Hàng Ngang... lên đến 695,3 triệu đồng/m2, gấp gần 3,7 lần so với bảng giá cũ.

Sau khi các địa phương đồng loạt ban hành bảng giá đất theo Luật Đất đai, giá đất sẽ có sự biến động lớn. Ảnh minh họa
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, sau khi các địa phương đồng loạt ban hành bảng giá đất mới theo Luật Đất đai 2024, giá đất sẽ có sự biến động lớn với biên độ khác nhau giữa các địa phương, kéo theo nhiều tác động đến thị trường.
Chia sẻ trên báo Lao Động về vấn đề này, GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) nhận định, mỗi địa phương sẽ có cách tiếp cận khác nhau trong việc xây dựng bảng giá đất, bởi bảng giá này do tỉnh quy định.
Mặc dù vậy, GS. Đặng Hùng Võ cũng nhấn mạnh bảng giá đất sẽ không thể "lan" từ tỉnh này sang tỉnh khác nhưng tại các khu vực giáp ranh giữa các tỉnh thì cần có sự quy định thống nhất.
Vị chuyên gia này cho rằng việc xây dựng bảng giá đất cần dựa trên nguyên tắc phù hợp với thị trường.
Mặc dù vậy, đến nay Việt Nam hiện vẫn chưa có văn bản nào quy định về "giá thị trường" cũng như chưa có bất kỳ cơ sở pháp lý rõ ràng về các kỹ thuật xác định giá đất do Nhà nước ban hành.
Theo đánh giá của GS. Đặng Hùng Võ, đây được xem là thiếu sót lớn và việc xác định "giá thị trường" cũng là một vấn đề phức tạp, cần một lộ trình dài hơi.
GS. Đặng Hùng Võ cho rằng cấp Bộ cần đóng vai trò kiểm tra, xem xét các bảng giá này có phù hợp và sát với thực tiễn hay không, bởi nếu bảng giá đất được phê duyệt thấp hơn so với giá thị trường sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực, điển hình là một số đối tượng được giao đất có thể lợi dụng chênh lệch giá để trục lợi.
Ở góc độ khác, TS. Đinh Thế Hiển - Chuyên gia kinh tế chia sẻ trên báo Kinh tế và Đô thị cho rằng, việc điều chỉnh bảng giá đất cần có lộ trình bài bản và sự hài hòa về lợi ích.
Cho rằng sự biến động của bảng giá đất trong thời gian tới là tất yếu khách quan, phản ánh nỗ lực của Chính phủ trong việc đưa công tác quản lý đất đai tiệm cận hơn với nguyên tắc thị trường cũng như các chuẩn mực quốc tế, TS. Đinh Thế Hiển đề xuất để những thay đổi này có thể mang đến lợi ích bền vững cho nền kinh tế và cuộc sống của người dân, cần phải có lộ trình điều chỉnh thông minh, linh hoạt và nhận được sự đồng thuận cao từ xã hội.
Những biến động của giá đất trong thời gian tới được nhìn nhận là tất yếu và cần thiết, phản ánh nỗ lực đưa thị trường bất động sản tiến gần hơn với giá trị thực và minh bạch hơn.
Tuy vậy, để quá trình này không gây ra những cú sốc hay hệ lụy tiêu cực, giới chuyên gia nhấn mạnh cần một lộ trình điều chỉnh hợp lý, đồng bộ và có sự giám sát chặt chẽ từ cấp Trung ương, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.