Aa

Hải Phòng: Giá đất Thủy Nguyên tăng nhiệt trước thông tin lên thành phố

Thứ Tư, 07/04/2021 - 06:40

Mặc dù mới chỉ có thông tin chủ trương xây dựng thành phố Thủy Nguyên, trực thuộc thành phố Hải Phòng, thế nhưng, giá đất ở đây đã tăng vọt từng ngày. Có những điểm tăng gấp 2, gấp 3 lần so với hồi đầu năm.

Thị trường bất động sản Hải Phòng gần đây được nhắc đến như một điểm sáng đối với các nhà đầu tư. Với chính sách thu hút các doanh nghiệp địa ốc đầu tư cơ sở hạ tầng, bất động sản Hải Phòng trỗi dậy với lượng giao dịch tăng cao. Sức nóng bất động sản Hải Phòng còn lan tỏa sang các thị trường huyện, điển hình là Thủy Nguyên.

Điểm danh một số dự án lớn được triển khai ở huyện Thủy Nguyên như: Khu đô thị mới Bắc sông Cấm, khu đô thị Minh Đức, Núi Đèo và phần mở rộng, đô thị 2 xã Lưu Khiếm và Quảng Thanh, nâng cấp tỉnh lộ 359 (thuộc huyện Thủy Nguyên).

Đáng chú ý là sau khi có thông tin quy hoạch đưa Thủy Nguyên lên thành phố trực thuộc thành phố được Ban chấp hành Đảng bộ TP. Hải Phòng trình tại Đại hội Đảng bộ Thành phố lần XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Giá đất tại đây tăng vọt, không chỉ những nhà đầu cơ bất động sản chuyên nghiệp, mà nhiều người dân cũng bán vàng, rút sổ tiết kiệm để đầu tư, “lướt sóng” bất động sản.

Đất đấu giá cao ngất ngưởng  

Tại Thủy Nguyên, từ cuối năm 2020, lượng giao dịch bất động sản trở nên sôi động, nhiều công ty, văn phòng giao dịch bất động sản mọc lên như nấm. Theo ghi nhận, từ cuối năm 2020 giá đất tại đây tăng khá mạnh, có nơi tăng gấp 2, gấp 3 lần.

Thủy Nguyên thời điểm hiện tại, đâu đâu cũng thấy bảng biểu, tờ rơi của các công ty bất động sản. Thậm chí trên các bức tường cũng xuất hiện tràn lan số điện thoại của người môi giới, mua bán đất.

Số điện thoại của môi giới xuất hiện tràn làn tại huyện Thuỷ Nguyên
Số điện thoại của môi giới xuất hiện tràn làn tại huyện Thủy Nguyên.

Theo khảo sát của Reatimes, nhìn chung giá đất tại huyện Thuỷ Nguyên đều tăng đồng loạt. Trong đó, giá đất tại các xã nằm dọc tỉnh lộ 359 có sự chuyển biến lớn. Cụ thể, giá đất tại mặt đường 359 thuộc xã Thủy Sơn, Thủy Đèo, An Lư đã tăng 50%. Các lô đất giáp UBND xã Núi Đèo có mức giá gần 100 triệu đồng/m2, giá đã tăng 150% so với đầu năm 2020.

Những vị trí đẹp, đắc địa gần cầu Hoàng Văn Thụ (xã Tân Dương) được rao bán 35 - 40 triệu đồng/m2, trong khi 1 năm trước giá chào bán chỉ 20 triệu đồng/m2. Ngay cả đất đấu giá cũng gia tăng mạnh theo xu hướng chung của thị trường, một số khu đất đấu giá ở Thủy Đường, giáp Thủy Sơn, trước đây chỉ 7 - 10 triệu đồng/m2 nay đã lên từ 20 - 40 triệu đồng/m2.

Theo anh Huy (một môi giới bất động sản tại Thuỷ Nguyên) cho biết, đất tại huyện Thuỷ Nguyên vốn đã tăng cao từ trước, đến khi có thông tin quy hoạch Thuỷ Nguyên lên thành phố trực thuộc thành phố, giá đất càng được đà lên dữ dội. Một số khu vực được nhà đầu tư săn đón nhiều như các xã Hoa Động, Lâm Động, Dương Quan, Thuỷ Triều, Thuỷ Đường, đặc biệt là Tân Dương.

Khoảng gần 1 năm nay, tại huyện Thuỷ Nguyên có rất nhiều người từ các nơi khác như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương,… đến tìm hiểu và đầu tư đất. Bên cạnh việc khảo sát các mảnh đất thổ cư của người dân, họ cũng quan tâm tới đất nền tại các dự án Cửa Trại, Bắc Sông Cấm,… Vì thế, giá đất tại các khu tái định cư Bắc Sông Cấm tăng mạnh từ 35 - 40 triệu đồng/m2 lên 55 - 70 triệu đồng/m2, một số lô có vị trí và diện tích đẹp có thể tăng đến hơn 100 triệu đồng/m2.

Anh Huy chia sẻ: “Từ cuối năm 2020, sau khi có thông tin Thuỷ Nguyên lên thành phố thì lượng nhà đầu tư tìm về mua đất ngày càng nhiều. Đến đầu năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 lượng người mua tìm đến có giảm. Tuy nhiên, sau rằm tháng Giêng thị trường lại tiếp tục nhộn nhịp kẻ mua, người bán”.

Anh Huy cho biết thêm, khi xuất hiện cơn sốt tại Thuỷ Nguyên, nhanh chóng đã có rất nhiều sàn giao dịch bất động sản lớn mở ra, bởi số lượng nhà đầu tư và giao dịch nhiều.

Còn chị Thanh, một giáo viên tại Thủy Nguyên cho biết, khoảng cuối năm 2020 gia đình chị tiết kiệm được một số tiền, mua một mảnh đất rộng 90m2 tại tỉnh lộ 359 có giá 10 triệu đồng/m2. Ngay sau khi có thông tin Thủy Nguyên lên thành phố, mảnh đất chị mua được định giá khoảng 18 triệu đồng/m2, tăng gần gấp 2 lần, nhưng do mua để ở nên chị Thanh đã không bán.

"Tìm được mảnh đất ưng ý để xây nhà rất khó, nên có cao hơn nữa tôi cũng không bán”, chị Thanh khẳng định.

Cũng theo chị Thanh, giá đất lên cao nhưng quanh làng xóm nơi chị ở vẫn nhộn nhịp mua bán, bạn bè của chị nhiều người có ít vốn cũng rủ nhau đầu tư chung vốn. “Người tìm về mua ngày càng tăng, nhiều người trong làng và cả bạn bè tôi từ các ngành nghề khác cũng chuyển làm môi giới”, chị Thanh chia sẻ thêm.

Nhà đầu tư từ các nơi đổ về săn đất tại Thuỷ Nguyên
Nhà đầu tư từ các nơi đổ về săn đất tại Thủy Nguyên.

Cẩn trọng với sốt ảo

Trước làn sóng giá đất tăng cao, trả lời phỏng vấn báo chí trước đó, ông Bùi Mạnh Hưng, Chánh văn phòng UBND huyện Thuỷ Nguyên khẳng định, đất tại Thuỷ Nguyên đã bắt đầu tăng từ khi khu đô thị mới Bắc Sông Cấm xây dựng, sau khi chủ trương đưa huyện Thuỷ Nguyên lên thành phố trực thuộc thành phố được thông qua thì giá đất tại đây lại càng tăng cao. Ngay cả một số xã ở sâu bên trong huyện như An Sơn, Liên Khê, Gia Đức giá đất cũng tăng, điều đó cho thấy đất tại Thuỷ Nguyên đang có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư.

Ở một khía cạnh khác, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất Động sản Việt Nam cho rằng, giá đất Thuỷ Nguyên tăng cao là hiện tượng chung của thị trường khi có các thông tin về xây dựng hạ tầng, hoặc các đề án phát triển thành phố mới.

Ông Đính khẳng định, khi lãnh đạo Hải Phòng quyết định chủ trương xây dựng thành phố Thuỷ Nguyên, chắc chắn đã có quy hoạch để phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị. Nhưng ở thời điểm hiện tại, quy hoạch vẫn chưa rõ ràng. Do đó, nhiều nhà đầu tư vào đây theo dạng tin đồn có thể sẽ đối mặt với nhiều rủi ro.

“Phải quản lý chặt và xử lý đối với những trường hợp vi phạm mua bán, chia tách đất vườn, đất rừng làm xáo trộn cuộc sống yên bình ở vùng đó. Tôi được biết, đã có nhiều địa phương không phát triển được, có nhiều hệ luỵ xảy ra mà đối tượng chịu thiệt hại chính là người dân”, ông Đính cho biết.

Tại toạ đàm “Bất động sản Hải Phòng - Cơ hội lớn cho các nhà đầu tư”, ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Hải Phòng cũng nhận định, tuy phát triển muộn hơn so với các đô thị lớn khác như Hà Nội, TP.HCM hay Đà Nẵng, song thị trường bất động sản Hải Phòng không hề bị tụt lại phía sau bởi tốc độ phát triển nhanh và có những yếu tố đột phá. Trong 5 năm gần đây kể từ năm 2015, tổng mức đầu tư của các dự án bất động sản trên địa bàn tăng trên 10 lần so với những năm trước 2015, tỷ lệ tăng trưởng đạt bình quân hàng năm trên 25% .

Với những lợi thế về hạ tầng giao thông, thu hút đầu tư như hiện nay thì chắc chắn thị trường bất động sản Hải Phòng sẽ chưa thể hạ nhiệt. Tuy nhiên, để kiểm soát giá đất, tránh tình trạng cơn sốt đất “ảo”, theo ông Thành, chính quyền các địa phương cần phải kiểm soát giá đất bằng cách công bố chi tiết về kế hoạch phát triển; cung cấp cho người dân về thông tin quy hoạch của quỹ đất…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top