Aa

Gia hạn thuế giúp doanh nghiệp "đề kháng" với Covid-19: "Vacxin" đã đủ liều?

Linh Chi
Linh Chi hoanguyen1304@gmail.com
Thứ Sáu, 03/04/2020 - 17:19

Kỳ vọng các giải pháp gia hạn thuế sẽ góp phần quan trọng giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nhiều chuyên gia mong muốn sẽ mở rộng thêm nhóm đối tượng và nhanh chóng thông qua các chính sách để giảm thiểu rủi ro.

Ngày 26/3, Bộ trưởng Bộ Tài chính ký Tờ trình số 47/TTr-BTC trình Chính phủ dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và tiền thuê đất nhằm hỗ trợ các đối tượng bị tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19.

Đối tượng được áp dụng gồm có doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh hoạt động sản xuất trong các ngành kinh tế: Nông nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan; lâm nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan; khai thác, nuôi trồng thuỷ sản; sản xuất, chế biến thực phẩm; dệt; sản xuất trang phục; sản xuất giày, dép; vận tải đường sắt; vận tải hành khách bằng xe buýt; dịch vụ lưu trú; dịch vụ ăn uống; hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch; lĩnh vực giáo dục và đào tạo; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; hoạt động sáng tác, nghệ thuật và giải trí;...

Theo đó, Bộ Tài chính trình các mức gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT phát sinh phải nộp của kỳ tính thuế tháng 3, tháng 4, tháng 5, tháng 6/2020 (đối với trường hợp kê khai thuế GTGT theo tháng) và kỳ tính thuế quý I, quý II năm 2020 (đối với trường hợp kê khai thuế GTGT theo quý) của các doanh nghiệp, tổ chức trên. Thời gian gia hạn là 5 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế GTGT theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Nên bổ sung các chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp

Ở góc độ chuyên môn, ông Bùi Tuấn Minh, Phó Tổng giám đốc Tư vấn thuế, Công ty TNHH Deloitte Việt Nam đánh giá, những chính sách mới về thuế cho thấy sự quyết liệt của Chính phủ trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi dịch Covid-19. 

"Các giải pháp gia hạn thời hạn nộp thuế sẽ góp phần quan trọng giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay. Đặc biệt, việc gia hạn nộp thuế sẽ giúp các doanh nghiệp giải quyết được bài toán về dòng tiền, dành nguồn lực tập trung duy trì và phục hồi sản xuất - kinh doanh", ông Minh cho hay.

Để hạn chế tối đa những rủi ro cho doanh nghiệp, ông Minh cho rằng về cơ bản các đề xuất gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, giá trị gia tăng và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã được Chính phủ nhất trí, do vậy, cần phải thông qua sớm nhất có thể để giảm đi những khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

Bên cạnh đó, Chính phủ và các bộ, ngành cần có các hướng dẫn cụ thể, chi tiết và kịp thời. 

Ảnh minh họa.

"Các doanh nghiệp hiện nay đang đối mặt với nhiều vấn đề cấp bách, như thanh khoản, thiếu hụt nguồn vồn lưu động, đang phải cơ cấu nợ, tìm kiếm các giải pháp về quản trị hiệu quả, tiết giảm chi phí, quản trị rủi ro liên quan đến các điều khoản hợp đồng, đảm bảo tính hoạt động liên tục do ảnh hưởng của dịch Covid-19… Do đó, các giải pháp hỗ trợ về thuế cần được thiết kế, xây dựng cùng với các nhóm giải pháp hỗ trợ khác theo một lộ trình phù hợp, đặc biệt là cần nhanh chóng, kịp thời, và cập nhật liên tục trong điều kiện có thể của Chính phủ", ông Minh phân tích. 

Việt Nam mới chỉ đề xuất gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Vì thế, theo ông Minh, trong thời gian tới, Chính phủ nên tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các giải pháp tài chính và hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp cho giai đoạn trong và sau dịch.

Ông Bùi Tuấn Minh, Phó Tổng giám đốc Tư vấn thuế, Deloitte Việt Nam.

Phó Tổng giám đốc Deloitte chỉ ra 5 giải pháp có thể cân nhắc để hỗ trợ doanh nghiệp.

Thứ nhất, kéo dài thời gian gia hạn nộp thuế để hỗ trợ về vốn và dòng tiền cho các doanh nghiệp. Theo quy định tại Luật Quản lý thuế, thời hạn gia hạn nộp thuế tối đa là 2 năm, vì vậy, Chính phủ, có thể trong thẩm quyền của mình, hoặc báo cáo Quốc hội kéo dài thời gian gia hạn (theo dự thảo hiện nay là 5 tháng). Chính phủ có thể cân nhắc kéo dài thời gian gia hạn nộp thuế lên 9 tháng hoặc 1 năm để phù hợp hơn với tình hình.

Thứ hai, miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiêu thụ đặc biệt, tiền thuê đất và thậm chí tiếp tục gia hạn nộp thuế đối với các nhóm doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề và cần được bổ sung nguồn lực tài chính để phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Thứ ba, xem xét, giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với sản phẩm vật tư y tế phòng chống dịch hoặc chuyển sang đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm này giảm giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cung ứng cho thị trường.

Thứ tư, miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân phải nộp của người lao động cho thu nhập nhận được từ tiền lương, tiền công, làm việc tại các doanh nghiệp.

Thứ năm, cho phép các doanh nghiệp bị thua lỗ do ảnh hưởng của dịch bệnh được kéo dài thời gian chuyển lỗ. Thời gian chuyển lỗ nên được kéo dài từ 5 năm như hiện hành lên 8 năm hoặc 10 năm.

Cần nới rộng nhóm đối tượng được "phát thuốc" gia hạn thuế

Đi sâu hơn về các giải pháp hỗ trợ gia hạn thuế cho các đối tượng, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận xét: "Tất cả doanh nghiệp, cá nhân, tỉnh thành bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nhưng mức độ khác nhau. Các chính sách hỗ trợ nếu thực hiện "đánh đồng" sẽ thiếu tính công bằng và nguồn lực bị hạn chế. Quan điểm của tôi là cần có phương án làm kỹ hơn đối với một số lĩnh vực, địa phương, địa bàn. Chẳng hạn, việc đề xuất của Bộ Tài chính về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất hiện đã đủ chưa". 

Theo quan điểm của TS. Cấn Văn Lực, các biện pháp hỗ trợ vừa qua về cơ bản đã tạm ổn, chẳng hạn Ngân hàng Nhà nước khi ban hành Thông tư 01 hướng dẫn thực hiện giãn, hoãn nợ, triển khai gói tín dụng 285.000 tỷ đồng cho tất cả khách hàng...

Trong khi đó, TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, việc công bố dịch trên cả nước có ý nghĩa là sẽ áp dụng các chính sách phòng chống dịch như nhau.

Tuy nhiên, theo TS. Lịch, điều này không có nghĩa là các đối tượng được hỗ trợ sẽ mở rộng hơn. Ông Lịch phân tích: Dự thảo Nghị định của Chính phủ về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất với tổng số thuế, tiền thuê đất được gia hạn là 80.200 tỷ đồng cho các doanh nghiệp bị tác động trực tiếp vì dịch bệnh Covid-19, hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Hiện, Chính phủ cũng đang xem xét để ban hành một nghị định về việc miễn, giảm một số loại thuế, phí thuộc thẩm quyền của Chính phủ. 

"Các doanh nghiệp có thể kiến nghị Nhà nước không chỉ hỗ trợ bằng tiền mà còn có thể tháo gỡ những khó khăn liên quan trong hoạt động để tạo điều kiện thuận lợi hơn", TS. Trần Du Lịch chia sẻ.

Ảnh minh họa.

Một lĩnh vực đóng vai trò đầu kéo, có mối quan hệ mật thiết đến nhiều ngành nghề khác cũng cần được xem xét mở rộng hỗ trợ là bất động sản. Mặc dù chịu không ít những tác động, rủi ro từ dịch bệnh Covid-19, nhưng, tại Dự thảo Nghị định, bất động sản đã bị loại ra khỏi danh sách nhóm ngành được hỗ trợ bởi được coi là "ngành phi sản xuất".

Như ý kiến chia sẻ mới đây của TS. Cấn Văn Lực với Reatimes, và nhiều ý kiến nhìn nhận chung của các chuyên gia, thì khái niệm bất động sản là ngành phi sản xuất đã quá "lỗi thời", khi được đưa vào áp dụng từ năm 2011, trong bối cảnh chống lạm phát, kiểm soát tín dụng. Đến nay, với những đóng góp lớn cho phát triển kinh tế nói chung, chiếc áo "phi sản xuất" có lẽ đã không còn hợp với bất động sản. 

Bởi vậy mà vừa qua, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và Tổng Cục thuế đề xuất giãn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất nhằm "giải cứu" các doanh nghiệp bất động sản trước khó khăn bởi dịch Covid-19.

Tại công văn này, VNREA tập trung vào các đề xuất gia hạn nộp thuế và các nghĩa vụ tài chính nhằm “giải cứu” doanh nghiệp bất động sản.

Cụ thể, thứ nhất, VNREA đề xuất bổ sung doanh nghiệp bất động sản là đối tượng được xem xét gia hạn nộp thuế của dự thảo Nghị định của Chính phủ về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cụ thể các doanh nghiệp bất động sản được giãn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng và tiền thuê đất.

Thứ hai, đề xuất bổ sung thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân vào các sắc thuế được xem xét gia hạn nộp thuế của dự thảo Nghị định của Chính phủ về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó các doanh nghiệp bất động sản.

Thứ ba, VNREA đề xuất xem xét kéo dài thời gian gia hạn nộp thuế của các sắc thuế nêu trên cho các doanh nghiệp là 1 năm thay vì 5 tháng do ảnh hưởng của đại dịch dự kiến sẽ kéo dài.

Theo thống kê của VNREA, các doanh nghiệp bất động sản đã phải chịu nhiều khoản chi phí cố định gồm lãi vay, chi phí đầu tư, vốn... Đại dịch Covid-19 đã khiến cho thị trường chứng khoán cũng bị chao đảo, nhiều cổ phiếu doanh nghiệp bất động sản bị giảm sàn, nằm sàn. Nay các doanh nghiệp địa ốc còn phải gánh thêm chi phí phát sinh trong mùa dịch như: hỗ trợ đối tác thuê mặt bằng, giảm giá cho thuê mặt bằng, giãn tiến độ trả tiền thuê, miễn tiền thuê trong một thời gian... Ngoài ra, tính thanh khoản thấp làm tăng nguy cơ doanh nghiệp bị thiếu dòng tiền dẫn đến nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội, nợ lương người lao động.

Do đó, nếu việc giãn thuế được xem xét và hỗ trợ kịp thời, doanh nghiệp bất động sản sẽ tránh được diễn biến tiêu cực, tạo tiền đề cho thị trường này phục hồi và tăng trưởng trở lại khi kết thúc đại dịch.

Kiến nghị miễn tiền thuê đất 6 tháng cho doanh nghiệp gặp khó vì dịch

Ngày 1/4/2020, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ký văn bản kiến nghị Thủ tướng nhiều giải pháp hỗ trợ ngành y tế và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo đó, ngoài chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bằng hình thức gia hạn nộp thuế, tiền sử dụng đất trong nghị định được Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các bộ, ngành xây dựng để trình Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị riêng một số ưu đãi để doanh nghiệp có điều kiện, nguồn lực phục hồi sản xuất, kinh doanh, như miễn tiền thuê đất 6 tháng đầu năm 2020 cho tất cả trường hợp thuê đất trả tiền thuê hằng năm do ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Đến 30/6 tới, nếu chưa khôi phục sản xuất, xem xét để miễn các tháng còn lại của năm cho doanh nghiệp vẫn chưa phục hồi sản xuất.

Bộ này cũng kiến nghị cho phép nộp chậm 6 tháng tiền sử dụng đất kể từ ngày có thông báo nộp tiền sử dụng đất; xem xét giảm số tiền tương ứng với 6 tháng sử dụng đất cho doanh nghiệp.

Sau khi kết thúc dịch bệnh, trên cơ sở điều kiện thực tế, sẽ xem xét việc tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ nêu trên để phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch...

VCCI đề nghị rà soát lại, bổ sung các ngành bị ảnh hưởng

Ngày 17/3/2020, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có Công văn số 0335/PTM-PC trả lời Công văn số 2650/BTC-CST của Bộ Tài chính lấy ý kiến Dự thảo Nghị định gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Tại công văn trên, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại các ngành nghề có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn với các thị trường trên để bổ sung thêm các ngành hàng bị ảnh hưởng.

Dự thảo Nghị định cũng chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Tuy nhiên, VCCI khẳng định nhiều doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp đề xuất mở rộng phạm vi bao gồm cả các doanh nghiệp quy mô vừa theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Về thủ tục, Dự thảo có quy định cơ quan thuế thực hiện kiểm tra hồ sơ kê khai thuế của doanh nghiệp và thông báo nếu doanh nghiệp không thuộc đối tượng được hỗ trợ.

Trường hợp đó, doanh nghiệp sẽ phải nộp thuế và cả phần tiền chậm nộp. Tuy nhiên, dự thảo chưa có quy định giới hạn thời gian mà cơ quan thế phải ra thông báo này. Điều này có thể dẫn đến việc cơ quan thuế thông báo muộn, và doanh nghiệp sẽ phải chịu tiền chậm nộp lớn.

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về thời gian tối đa cơ quan thuế được phép ra thông báo về việc doanh nghiệp không thuộc diện được hỗ trợ. Nếu quá thời gian đó mà không có thông báo thì coi như cơ quan thuế đồng ý rằng doanh nghiệp thuộc diện hỗ trợ.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top