Aa

Giá rao bán nhà đất hỗn loạn, người mua lưỡng lự xuống tiền

Chủ Nhật, 18/12/2022 - 14:35

Trong bối cảnh thị trường bất động sản có nhiều biến động, thông tin rao bán nhà đất dày đặc, hỗn loạn càng khiến người mua lưỡng lự chốt giao dịch.

Loạn giá rao bán

Thời gian qua, nguồn vốn vào bất động sản được kiểm soát khiến tính thanh khoản trên thị trường bất động sản trầm lắng, có nơi "đóng băng". Không ít nhà đầu tư giai đoạn này, bị sức ép việc sử dụng đòn bẩy tài chính đã phải rao bán giảm giá, cắt lỗ…

Tuy nhiên, khi thị trường xuất hiện hàng loạt các thông tin rao bán càng khiến người mua thấy hoang mang, cân nhắc nhiều hơn.

Thị trường nhà đất kém thanh khoản, thông tin rao bán cũng hỗn loạn (Ảnh minh họa: Hà Phong).

Anh Đỗ Đức Du, một nhà đầu tư ở Hà Nội, chia sẻ, thời gian này, anh cùng nhóm bạn đầu tư đang chủ động đi "săn" lô đất nền vùng ven. Thế nhưng, càng tìm, họ càng như bị lạc vào "mê cung" thông tin rao bán, không biết đúng, sai thế nào.

Qua một số thông tin rao bán, anh đến xem một lô đất ở xã Cổ Đông, thị trấn Sơn Tây có giá cắt lỗ là 15 triệu đồng/m2. Lô đất này có diện tích 200m2, tổng tiền phải trả là 3 tỷ đồng.

"Số tiền trên cũng phù hợp với vốn tôi đang sẵn có. Tuy nhiên, khi tham khảo các lô đất cùng khu vực thì giá lại thấp hơn khoảng 1 - 2 triệu đồng/m2 dù có vị trí khá tương đồng. Tính nhanh, thì sự chênh lệch về giá của 2 lô đất đã xem là hàng trăm triệu đồng", anh Du chia sẻ và cho biết, anh lại phải dừng mua lô đất trên để xem xét thông tin.

Cũng lưỡng lự xuống tiền mua lô đất ở Hưng Yên vì xung quanh quá nhiều thông tin liên quan, chị Nguyễn Quỳnh Hoa ở Hà Nội cho biết, chị đã đi xem rất nhiều lần và cả khu vực xung quanh để khảo giá nhưng càng xem chị càng thấy khó khăn hơn trong việc đưa ra quyết định mua vào.

"Từ khoảng tháng 5 năm nay, tôi đã có dự định tìm mua lô đất "ăn theo" quy hoạch đường vành đai 4 vùng Thủ đô. Tôi có đi khảo sát giá đất nền đang rao bán cắt lỗ, giảm giá tại các huyện Khoái Châu, Văn Giang có đường vành đai đi qua. Nhưng giá đất mỗi nơi rao bán một khác", chị Hoa chia sẻ và cho rằng quá khó để đưa ra nhận định được giá đất thời điểm này.

Có lẽ việc e ngại về thông tin rao bán bất động sản hiện nay đang là tâm lý của rất nhiều nhà đầu tư. Đặc biệt, giai đoạn thị trường có nhiều đoán định chưa rõ ràng, càng khiến cho tâm lý "xuống tiền" mua bất động sản của nhà đầu tư khó khăn hơn.

"Giá bất động sản đã tăng chóng mặt trong 2 năm qua, trong đó, đối với nhà đầu tư thứ cấp phải mua giá cao thì chắc chắn giờ bán cắt lỗ, giá vẫn cao. Còn những người đầu tư trước năm 2018 rõ ràng giờ bán giá thấp hơn cắt lỗ của nhà đầu tư thứ cấp họ vẫn có lãi", ông Hùng lý giải về sự nhiễu loạn thông tin rao bán trên thị trường.

Cũng là người đang đi "săn" bất động sản thời kỳ thị trường nhiều biến động, ông Hùng cho rằng, các thông tin rao bán chỉ dừng ở mức tham khảo. Nếu thực sự cần mua, nhà đầu tư cần tới trực tiếp khảo sát giá khu vực xung quanh, tìm hiểu được nguồn gốc đầu tư lô đất này thì càng tốt.

Thị trường chuyển biến khá thận trọng

Thị trường bất động sản bước vào năm tới với hy vọng phục hồi, mức tăng trưởng dự báo cao, nhưng những trở ngại từ nền kinh tế toàn cầu và một số yếu tố trong nước nửa cuối năm nay khiến nhiều nhà đầu tư không khỏi e ngại.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, đầu năm 2021, thị trường đón nhận hàng loạt cơn "sốt đất" trên diện rộng. Số lượng nhà đầu tư bất động sản tham gia thị trường tăng cao chưa từng có, tỷ lệ thuận với số lượng nhà đầu tư tham gia vào thị trường chứng khoán.

Chuyên gia dự báo năm 2023 thị trường bất động sản sẽ chuyển biến khá thận trọng (Ảnh minh họa: Hà Phong).

Hiện tại, theo ông Đính, giá bất động sản bị đẩy quá cao, không phù hợp nhu cầu người dân. Áp lực tăng giá đầu vào như vật liệu xây dựng, thiết bị, máy móc, nhân công, giá đất, chi phí vốn... và lạm phát tăng cao đã gây áp lực lên giá thành bất động sản.

"Dù giá bất động sản có giảm trong những tháng cuối năm, nhưng vẫn gấp nhiều lần so với thời điểm 2018. Cắt lỗ chỉ đúng với nhà đầu tư ngắn hạn", ông Đính nhấn mạnh.

Chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang cũng nhìn nhận, 2022 là năm kỳ lạ của thị trường bất động sản khi đạt đỉnh vào quý II, nhưng cuối năm rơi vào khủng hoảng. Theo ông, nguyên nhân là sản phẩm không đáp ứng nhu cầu thực, trên 80% là mua đầu cơ. Thị trường dư thừa nguồn cung bất động sản cao cấp, hạng sang, nhưng thiếu sản phẩm bình dân. 

Cùng với đó, ông Quang cho rằng, nguồn cung bất động sản khu vực trung tâm rất ít, do pháp lý ách tắc, tiền thuế sử dụng đất cao, vướng đất công… Lãi suất tăng quá cao, room tín dụng cạn kiệt là hệ quả tất yếu dẫn đến sự trầm lắng của thị trường. 

Do đó, theo chuyên gia này, năm tới, dự báo thị trường bất động sản sẽ chuyển biến khá thận trọng. Phân khúc nhà ở sẽ duy trì mức thanh khoản ổn định, song nguồn cung hạn chế và vẫn vắng bóng sản phẩm vừa túi tiền với người tiêu dùng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top