Aa

Giá vật liệu xây dựng “leo thang“: Chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, người dân cùng điêu đứng!

Thứ Ba, 17/08/2021 - 13:30

Bên cạnh tác động do dịch Covid-19, giá một số mặt hàng vật liệu xây dựng có sự biến động mạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc thi công xây dựng các dự án và đặc biệt là giá nhà cũng "leo thang".

Doanh nghiệp gặp khó vì giá VLXD tăng cao

Thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, đã và đang tạo ra những tác động to lớn đến mọi mặt đời sống xã hội ở khắp nơi trên toàn thế giới. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, gây gián đoạn chuỗi cung ứng sản xuất và lưu thông hàng hóa.

Theo đó, giá nhiều loại vật liệu xây dựng (VLXD) ở trong nước đều có xu hướng tăng mạnh trong thời gian gần đây đã tác động tiêu cực đến các hoạt động xây dựng. Tại một số tỉnh thành phố, một số mặt hàng chưa được kiểm soát tốt, đặc biệt với mặt hàng thép xây dựng có mức trượt giá rất lớn, biến động liên tục, có thời điểm giá tăng theo từng ngày.

Khảo sát thị trường cho thấy, mặt bằng chung các loại VLXD tăng khoảng 25% so với đầu năm, nhất là giá thép xây dựng tăng đột biến. Theo tính toán của một số chủ đầu tư, thép xây dựng chiếm khoảng 28% chi phí cho một căn hộ chung cư và khoảng 35% chi phí xây dựng một căn nhà liền kề. Với mức giá thép “leo thang” lên tới 40 - 45% như hiện nay, đơn giá bán nhà sẽ chịu tác động lớn.

Không riêng gì thép, các nhà sản xuất VLXD khác cũng nhiều lần đưa ra thông báo thay đổi, điều chỉnh tăng giá bán như xi măng khiến lượng sản phẩm tiêu thụ tại các cửa hàng VLXD giảm mạnh. 

Giá vật liệu xây dựng tăng cao
Giá nhiều loại VLXD ở trong nước đều có xu hướng tăng mạnh trong thời gian gần đây, nhất là giá thép xây dựng tăng đột biến đã tác động tiêu cực đến các hoạt động xây dựng.

Trả lời báo giới về tác động của việc tăng giá VLXD, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) nhận định, hiện nhà thầu xây dựng đều vấp phải khó khăn mà không có cách tháo gỡ do các chủ đầu tư không phải vốn Nhà nước đa số đều sử dụng loại hợp đồng đơn giá cố định và không điều chỉnh ở thời điểm ký, trừ trường hợp bất khả kháng. Lực lượng nhà thầu xây dựng cả nước đang đứng trước nguy cơ “vỡ trận”.

Bên cạnh đó, các chủ đầu tư lớn mà ngay các nhà thầu xây dựng cũng đau đầu với bài toán VLXD tăng giá. Hiện đơn giá xây lắp đang bị đội cao hơn hẳn so với dự toán ban đầu, ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư. Tuy nhiên, với sản phẩm bất động sản, tất cả chi phí này sẽ được tính vào giá bán và khách mua nhà phải gánh.

Để đối phó với tình trạng trên, nhiều nhà thầu xây dựng đã phải làm việc với những nhà cung cấp lớn về điều kiện hợp đồng thanh toán, mua dự trữ trước theo kế hoạch thi công để giảm thiểu thiệt hại. Tuy nhiên, việc này chỉ có những nhà thầu có tiềm lực tài chính tốt hoặc có uy tín cao mới đảm bảo được tính khả thi.

Dù đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt tình hình dịch Covid-19 chưa biết đến thời điểm nào sẽ ổn định, một số nhà thầu xây dựng vẫn hy vọng thị trường sẽ được phục hồi và Nhà nước sẽ đưa ra các giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh và biến động giá thép đến các hoạt động xây dựng. “Chúng tôi đánh giá, tốc độ tăng trưởng của ngành xây dựng sẽ sụt giảm khoảng 60% đến 70% trong 3 đến 6 tháng tới. Thế nhưng, ngay khi đại dịch được kiểm soát, ngành xây dựng sẽ hồi phục và hy vọng sẽ hoạt động bình thường trở lại”, đại diện một nhà thầu xây dựng chia sẻ.

Vì sao giá nhà “leo thang"?

Theo khảo sát, mặc dù ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên giá VLXD tăng cao trong khi nguồn cung khan hiếm cũng đã khiến giá nhà tăng và chưa có dấu hiệu giảm. Điều này tác động lớn đến các nhà đầu tư bất động sản và đặc biệt là người dân có nhu cầu mua nhà ở thật.

Theo báo cáo tổng quan thị trường bất động sản quý II/2021 của Batdongsan.com.vn, giá bán chung cư tiếp tục tăng trong quý II, với mức tăng lần lượt là 2,6% ở Hà Nội và 1,4% ở TP.HCM. Đáng chú ý, giá chung cư ở TP.HCM sau nhiều năm tăng cao, vượt xa mức tăng chung cư ở Hà Nội thì tới quý II/2021, chung cư TP.HCM đã có dấu hiệu chững giá với mức tăng không đáng kể, thấp hơn tỷ lệ tăng chung cư Hà Nội.

Cụ thể, các khu vực ngoại thành như Long Biên, Hà Đông, Hoàng Mai (Hà Nội) là các quận có mức tăng giá cao nhất ở cả 3 phân khúc bình dân, trung cấp và cao cấp, đặc biệt phân khúc cao cấp ở Long Biên có mức tăng giá tới 6%.

Tại TP.HCM, quận 2, quận 9 và Bình Thạnh có giá tăng mạnh nhất trong quý vừa qua, căn hộ bình dân gần như “biến mất”, căn hộ trung cấp có mức giá chào bán khoảng 46 triệu đồng/m2 trong khi loại hình cao cấp vào khoảng 64 triệu đồng/m2.

Đánh giá về tình hình thị trường bất động sản nhà ở Việt Nam quý II và 6 tháng đầu năm 2021, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết: Ngay từ đầu quý II/2021, Việt Nam đối diện đợt dịch Covid-19 lần thứ 4. Đợt dịch lần này nguy hiểm nhất, lây lan trên diện rộng và kéo dài nhiều tháng đã gây ảnh hưởng rất lớn cho cả nền kinh tế và thị trường bất động sản.

Kể từ năm 2019, nguồn cung ra thị trường đã bắt đầu dần khan hiếm. Cho đến nay, tình trạng này cũng không mấy được cải thiện. Theo nguyên lý, khi cầu tăng hàng hóa thiếu hụt, cung sẽ gặp cầu ở mức giá cao hơn với mức giá chót vót, là lý giải hiện tượng tăng giá mạnh thời điểm 2020 đến nay.

Trên thực tế tại thời điểm sốt đất, nhiều dự án đã đưa ra mức giá còn cao hơn giá thị trường về mặt nguyên lý, đã tạo ra một điểm giá nằm ở khu vực không thể gặp bất kỳ một loại cầu nào (bởi mọi đường cầu đều nằm dưới điểm đó). Giải thích này lý giải tại sao tổng cầu trên thị trường cao, mà tỷ lệ hấp thụ đang ở ngưỡng rất thấp.

Bất động sản tăng là do bị đẩy giá, nhưng thực tế hiện nay giá bất động sản tương lai (vì những bất động sản đang bán trên thị trường chưa bị ảnh hưởng bởi các vấn đề này) cũng đang đối mặt với áp lực phải tăng giá, trong đó có yếu tố VLXD và các yếu tố đầu tư xây dựng đều đã tăng khoảng 50% (nhóm chi phí này chiếm tỷ trọng trên 50% giá thành đầu vào bất động sản)

Nhận định về triển vọng thị trường những tháng cuối năm, các chuyên gia cho rằng, mặc dù quy trình phê duyệt dự án mới đã phần nào được nới lỏng, nhưng làn sóng dịch Covid-19 năm nay tiếp tục gây ảnh hưởng đến nguồn cung và quy mô mở bán của các chủ đầu tư. Bên cạnh đó, nhu cầu mua nhà để ở sẽ tiếp tục là xu hướng chính trên thị trường. Giá bán căn hộ được dự báo tiếp tục tăng do nguồn cung hạn chế trong khi giá vật liệu xây dựng tăng cao trong thời gian gần đây./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top