Không phải chờ đợi visa để sang tận phía trời bắc Âu hay đông Âu, không phải bay và đi xe chạy 7 tiếng đồng hồ mới tới ngôi làng cổ ở làng Shirakawago miền Trung tỉnh Gifu Nhật Bản mà nhìn tuyết. Ngay dưới chân ta ở Y Tý mùa đông Việt Nam, xứ sở nhiệt đới gió mùa với những ngôi nhà tường chình phủ đầy tuyết đẹp như tranh, đã làm tôi nhớ Y Tý vô cùng. Nhớ ngọn núi Ky Quan San, dân bản địa vẫn gọi trìu mến là ngọn núi Muối, núi non này là em trai của đỉnh Phan Xi Păng hùng vĩ, những lối đi nở đầy hoa mận trắng và hoa đào bích, mộng mị và quyến rũ người dưới xuôi.
Người dân tộc Hà Nhì ở Y Tý còn nghèo, họ không có tủ lạnh nên thịt hay treo gác bếp và có nhà còn cho thịt vào trong chum, họ rắc muối rồi chôn dưới đất để ăn cả mùa đông. Rượu có khi rót ra các khúc tre được cưa ra thành cốc, đốt củi đốt tre thành đáy cốc tre mời rượu. Những cô gái Hà Nhì khoe tóc, không rõ họ kiếm đâu ra lắm tóc dài và đen đến vậy để rồi quấn lên đầu với nhiều tầng tóc và đó là thời trang tóc của người Hà Nhì mỗi khi tết đến xuân về. Các cô gái coi tóc của mình là thời trang đẹp nhất. Khác với cô gái Hà Nhì thì cô gái người Dao Y Tý lại chọn những khuy áo bạc, vòng bạc để diện ngày tết. Và các cô gái người Dao Y Tý còn có sở thích là bọc một chiếc răng vàng, vàng mười hẳn hoi để khi cười cho nó xinh. Dân tộc Dao, dân tộc Hà Nhì hay dân tộc Tày ở Y Tý đều có cách thể hiện thời trang rất độc đáo và rất khác biệt, họ làm đẹp theo cách ăn mặc truyền thống của dân tộc mình. Họ có giấc mơ về cái răng cái tóc, cứ đẹp trong mặt họ là họ hạnh phúc.
Tôi nhớ Y Tý những ngôi nhà tường chình thật dày được đắp bằng đất thó rất mịn, mùa đông thật ấm và mùa hè thật mát, có nhà trên mái lợp phi pờ-rô-xi-măng, có nhà lợp cỏ gianh và thích nhất những mái nhà phủ rêu mà mọc cả dương xỉ trên mái, nom như các cây nấm. Ở một bản làng người Dao, tôi từng gặp nghệ nhân Ly Hờ Suy, nghệ nhân mây tre ở thôn Choản Thèn, Y Tý, Bát Xát, ông cho hay đến Y Tý vào mùa xuân có thể dự lễ hội cấp sắc của người Dao rất trang trọng với những bộ trang phục đẹp đẽ lộng lẫy của họ. Theo dân tộc Dao, lễ cấp sắc giúp con người tự tin với tổ tiên của mình, lễ cấp sắc 3 đèn, 7 đèn, 12 đèn. Họ có sổ sách ghi chép rất kỹ lưỡng về dòng họ tổ tiên của mình. Ngay cả người đã khuất cũng có lễ cấp sắc 12 đèn, để người ra đi lên thiên đàng có phật tổ chứng cho một sinh linh từng có mặt ở đất Y Tý. Họ có lòng tin tuyệt đối vào thần linh, tổ tiên và đất đai và họ cảm thấy thật hạnh phúc với đức tin đó. Khi lễ hội cấp sắc cho con trai thành niên, rồi người đã khuất về với tổ tiên, sau giấc mơ giá trị tinh thần là đến bữa tiệc núi rừng.
Những món ngon thật đặc biệt của người sống ở núi cao, những mâm cơm được dải trên mẹt hoặc trên lá chuối. Rượu được nấu từ ngô hoặc từ hạt thóc cả vỏ, có hương vị đặc biệt của hương lúa, đất nương. Món thịt nướng treo gác bếp ngâm tẩm với lá rừng. Xôi ngũ sắc được nấu 5 màu, gạo nếp với nghệ, gạo nếp với lá dứa, gạo nếp với gấc, gạo nếp để nguyên màu, tạo nên thứ xôi đủ ngũ hành của kim mộc thủy hỏa thổ.
Những loại măng và nấm trên rừng được nấu với lợn cắp nách vốn đã ngon, nó lại được đun từ củi và lửa, có hơi khói nữa nên càng ngon trong thưởng thức của người dân dưới xuôi. Người ở núi trồng rau cải, họ đun rau cải rồi biết cách om nguội để nguội từ sáng đến bữa cơm chiều có món rau cải có vị đắng rất ngọt. Gia vị ở trên núi toàn là lá, là hoa mà người núi thuộc làu, họ đã biết vận dụng vào món ngon mà không một đầu bếp khách sạn 5 sao nào học nổi, vì sự tự nhiên như nhiên của người ở núi. Món ngon ở Y Tý cũng không thể giống dưới xuôi, cả bánh chưng và bánh dày họ gói chắc tay và bánh chưng, bánh mật thì rất dền.
Lên Y Tý mùa đông này gặp một ngôi làng ngập tràn tuyết trắng. Nó đẹp mộng mị như không gian thời tiết ở Bắc Âu, nhưng đời sống của người ở núi lại gặp nhiều trở ngại. Rất nhiều loài cây chết lạnh, rất nhiều con vật nuôi không chịu được băng giá. Người ở núi, dùng thịt bò thịt trâu không chỉ biết muối thịt để treo gác bếp mà họ cho thịt vào chum chôn xuống đất, y như cái tủ lạnh của gia đình vẫn dùng cho bữa ăn mùa đông buốt giá. Khi tôi hỏi một cô gái người Dao năm mới có ước mơ gì không? Em nói sẽ đi trẩy hội xuân nếu gặp được bạn tình thì sẽ lấy chồng, trên này con gái mười tám tuổi lấy chồng hết cả rồi, cha em đã đan nhiều sọt, nhiều lồng đèn, cũng mong em lấy chồng có con như các bạn trong thôn. Còn bác Giảo Liềm thì mơ con bò sang năm đẻ con có thêm đàn bò cái thì phải lo đóng cái chuồng bò rộng ra mới có chỗ cho ba mẹ con bò nằm. Đứa con trai của nhà Giảo Liềm mong tuyết tan sẽ đưa lữ khách dưới xuôi đi núi. Bạn này thích làm hướng dẫn viên du lịch tự do. Người dưới xuôi cứ nhắc điện thoại là cậu ta dẫn đoàn đi núi Muối (tên của núi Ky Quan San). Cậu ta chụp rất nhiều ảnh và khoe sau này sẽ trở thành nhiếp ảnh của núi rừng.
Ước mơ của núi thật bình dị. Người cha mơ ước đóng một cái chuồng bò rộng ra cho con bò sinh con, cô gái 18 tuổi mơ thêu đủ khăn áo về nhà chồng, người đàn ông đi rừng cõng hoa hồi và thảo quả để vợ đi chợ bán đi mua quần áo và đèn học cho con. Những ước mơ nhỏ bé bình dị làm lên hạnh phúc của người ở núi.
Nó thật khác vời với ước mơ của người dưới xuôi. Giấc mơ của người ở núi làm tôi liên tưởng tới đại sứ Phạm Sanh Châu, một thời thơ ấu của ông từng ăn hạt bo bo chỉ mơ được ăn bát cơm gạo trắng; một thời chiến tranh loạn lạc lại mơ hòa bình hết đạn bom, để mẹ không khóc khi ngồi nhớ anh trai đi bộ đội chưa về. Rồi đến khi học làm ngoại giao, ông Phạm Sanh Châu đã đi được 116 nước, lại mơ đi thêm nhiều nước nữa để tìm hiểu văn hóa nhân loại, để đi xa hơn để trở về Việt Nam yêu đất nước, yêu đồng bào mình hơn. Giấc mơ của ông thật lớn để mong nước Việt Nam đủ mạnh vượt qua rất nhiều nước của châu Á, đủ mạnh về kinh tế và các lĩnh vực khác.
Mỗi ước mơ đều gắn với phận người và sở thích của mỗi người. Nhưng dù ước mơ rộng lớn hay bé nhỏ, nếu giấc mơ cứ làm ta hạnh phúc là mình hạnh phúc, không viển vông xa vời. Như mỗi lần tôi ngồi xem lại những album ảnh của 64 tỉnh thành mình đi qua, từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái, thấy dấu giày của mình đã mòn dép ở núi đồi miền Trung hay cao nguyên. Nhìn thấy ảnh là nao lòng ngoảnh lại một thời mình đã đi, đã sống và viết ở nơi đó rồi cảm thấy hạnh phúc, mình giàu có với những vốn văn hóa của làng quê người Việt. Rồi bất chợt thấy bạn mình đang ở Y Tý, đang ới mình thu xếp để đi. Mùa này hoa mận, đào phai đào bích đã thẫm trời Y Tý. Ta lên đường thôi, bạn ơi!