Lời tòa soạn:
Thực trạng thiếu nhà ở giá rẻ khiến công nhân, người lao động nhập cư không tạo lập được cuộc sống ổn định tại nơi làm việc, đời sống bấp bênh đã diễn ra trong rất nhiều năm qua. Tuy nhiên, chỉ đến khi Covid-19 xảy ra, mọi bất cập mới thực sự lộ rõ.
Các khu công nghiệp đã và đang trở thành nơi dễ bị tổn thương nhất bởi dịch bệnh, thậm chí trở thành những ổ dịch lớn buộc phải phong tỏa, cách ly trong thời gian dài, khiến mọi hoạt động sản xuất kinh doanh bị đảo lộn.
Ở phía công nhân, người lao động, họ phải “giam mình” trong những phòng trọ chật chội, thu nhập bị đứt quãng do không được làm việc. Sau thời gian dài giãn cách, không còn trụ vững, hàng loạt lao động “bỏ phố về quê”, trong đó, nhiều người không muốn quay trở lại mà ở quê tìm đường sống khác. Bởi sau chuyến hồi hương lịch sử, TP.HCM, Bình Dương… không còn là “miền đất hứa” mà là những ngày tháng mệt mỏi, thiếu thốn, chênh vênh mà họ muốn bỏ lại sau lưng.
Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, có ít nhất 1,3 triệu lao động đã “hồi hương” trong và sau làn sóng Covid-19 lần thứ tư. Từ đầu tháng 10 năm 2021, khi các doanh nghiệp bắt đầu quay trở lại hoạt động, họ phải đối diện với tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng. Trước thực tế này, việc đảm bảo an sinh xã hội đặc biệt là vấn đề nơi ăn chốn ở cho công nhân, người lao động trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Bài toán đặt ra lúc này không chỉ là việc giải quyết nơi ăn chốn ở cho công nhân mang tính chất tình thế, mà phải là những giải pháp mang tính bền vững.
Trong bối cảnh này, việc đặt ra mục tiêu "Xây 1 triệu nhà ở giá rẻ cho công nhân, người thu nhập thấp" của lãnh đạo TP.HCM là điểm sáng cho thấy sự quyết liệt của chính quyền thành phố trong việc giải bài toán an sinh xã hội cho người thu nhập thấp. Nhưng làm thế nào để có thể hiện thực hoá được mục tiêu một cách kịp thời nhất khi mà thực tế 5 năm gần đây số nhà ở xã hội được xây dựng tại TP.HCM còn chưa đến 20.000 căn? Có lẽ cần phải "chỉ mặt, gọi tên" từng vướng mắc cụ thể để tháo gỡ cũng như có những giải pháp mang tính đột phá hơn nữa.
Trên tinh thần nghiên cứu và phản biện, sau loạt bài "Nhà ở công nhân nhìn từ tác động Covid-19", Reatimes tiếp tục triển khai tuyến bài: Xây dựng 1 triệu nhà ở giá rẻ cho công nhân, người thu nhập thấp: Khó khăn và giải pháp.
Trân trọng giới thiệu đến độc giả!
Tại buổi lễ công bố quyết định điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 diễn ra mới đây, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình cho rằng, sự xuất hiện của dịch Covid-19 đã cho thấy những vấn đề thực tiễn về công tác quy hoạch thành phố như việc chỉnh trang các khu đô thị hiện hữu với hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố.
Đại dịch cũng đã bộc lộ nhiều vấn đề trong quản lý đô thị của TP.HCM, trong đó có chuyện lo nhà ở cho người lao động. Ví dụ như quận 7 có 100.000 nhà trọ cho công nhân thuê, có phòng trọ chỉ rộng 20 - 30m2 nhưng đến 5 - 6 người ở. Công nhân thuê nhà ở rải rác trong các khu nhà trọ tự phát, không tập trung, dịch bệnh dễ lây nhiễm chéo từ khu dân cư ra công nhân và ngược lại. Khi các doanh nghiệp muốn thực hiện mô hình "1 cung đường, 2 điểm đến" để sản xuất trong dịch đã không làm được.
Mô hình "3 tại chỗ" cũng không thể áp dụng bởi doanh nghiệp không có chỗ ở cho công nhân. Tình trạng này diễn ra không riêng gì ở quận 7 mà còn ở nhiều quận, huyện khác. Do đó, theo ông Bình, TP.HCM sẽ mời gọi đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân bằng các quỹ đất của thành phố để giãn người lao động ra khỏi các khu nhà ở trọ chưa đủ tiêu chuẩn.
Từ dịch bệnh, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nói rằng, cần rút ra những bài học thực tiễn về quy hoạch và xây dựng các khu nhà ở cho người có thu nhập thấp, công nhân lao động trong các khu công nghiệp và khu chế xuất; về huy động nguồn lực xã hội để phát triển mạng lưới công trình y tế rộng khắp, chất lượng cao.
Để tháo gỡ được những nút thắt này, thành phố cam kết sẽ “thần tốc” giải quyết các thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội được triển khai nhanh như xây dựng các Bệnh viện dã chiến. Mục tiêu của thành phố là trong một năm phải xây dựng được 300.000 căn nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp.
Trước mắt, thành phố sẽ thực hiện thí điểm các dự án nhà ở thương mại giá thấp, nhà cho thuê được nộp tiền sử dụng đất hằng năm nhằm giảm áp lực tài chính cho doanh nghiệp. Ưu tiên các nguồn vốn vay ưu đãi, xem xét bổ sung đối tượng thực hiện các dự án nhà ở xã hội được vay vốn kích cầu của thành phố.
Bên cạnh đó, TP.HCM sẽ rà soát quỹ đất 20% tại các dự án nhà ở thương mại hơn 10 ha để thúc đẩy xây dựng nhà ở xã hội. Trong trường hợp chủ đầu tư không triển khai hoặc chậm triển khai thì thu hồi dự án, giao cho chủ đầu tư có năng lực để triển khai nhanh, tránh lãng phí.
Ngoài ra, thành phố sẽ sử dụng ngân sách thu được từ các dự án thương mại mà chủ đầu tư nộp giá trị tương đương 20% quỹ đất nhà ở xã hội tại dự án để đầu tư phát triển dự án nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước để cho thuê. Ưu tiên bố trí nguồn vốn, tạo quỹ đất sạch tại khu vực ngoại thành và các trục giao thông công cộng, đặc biệt là các tuyến metro, các tuyến vành đai để phát triển nhà ở xã hội theo hướng giao cho nhà đầu tư sử dụng nguồn vốn xã hội hóa xây dựng nhà ở xã hội cho thuê, quản lý khai thác theo quy định.
Đặc biệt, TP.HCM tiếp tục thực hiện và mở rộng đối tượng vay vốn kích cầu không chỉ cho các chủ dự án nhà lưu trú cho công nhân mà kể cả các dự án nhà ở xã hội cho thuê cũng được hỗ trợ toàn bộ lãi suất vay, nhưng không quá 70% của phần vốn đầu tư xây dựng.
"TP.HCM đã dốc toàn lực thần tốc xây dựng được những bệnh viện dã chiến chỉ trong vòng vài tuần. Các doanh nghiệp của thành phố cũng đã xây dựng được tòa nhà 81 tầng. Vậy thì trong 1 năm, các doanh nghiệp của TP.HCM có thể chung tay xây dựng 300.000 căn nhà cho công nhân ở được không? Quy định về pháp lý có rồi, không cần quy định mới. Thành phố sẽ giải quyết thần tốc về thủ tục hành chính để các doanh nghiệp xây dựng nhanh", ông Bình nói.
Đáng chú ý, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cũng từng chia sẻ quan điểm sau khi kiểm soát được dịch, một trong những việc đầu tiên thành phố tập trung thực hiện là xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp. Trong đợt dịch thứ 4, do đặc điểm của biến chủng Delta và mật độ dân số cao tại các khu nhà trọ công nhân, dịch lây lan rộng và sâu tại các địa phương đông người lao động như TP Thủ Đức, quận Bình Tân, quận 8, huyện Bình Chánh...
Tuy nhiên, để nhìn nhận sâu hơn vấn đề và đưa ra một số gợi mở cho TP.HCM dưới góc nhìn quy hoạch đô thị, Reatimes đã có cuộc trò chuyện với TS-KTS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM.
Một chủ trương đúng và rất hợp lý
PV: Ông đánh giá thế nào về việc TP.HCM lên kế hoạch xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp ?
TS-KTS Võ Kim Cương: Theo tôi, xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp là một việc rất tốt, bởi đây là mục tiêu, chính sách Nhà nước đã đặt ra từ lâu. Những năm qua, Nhà nước có nhiều chính sách để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội nhưng thực tế nhà ở xã hội phát triển rất èo uột, không đủ đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người bình dân, có thu nhập từ trung bình trở xuống. Trong rất nhiều kế hoạch, chương trình trước đó Nhà nước vẫn luôn muốn đảm bảo nhà ở cho mọi đối tượng công dân theo đúng nguyện vọng của Bác Hồ trước đây. Bản chất của chế độ thì phải lo cho dân chỗ ăn chổ ở, đảm bảo có nơi an cư cho tất cả mọi người.
Người giàu họ có thể tự lo được, thì Nhà nước phải lo cho người nghèo, người có thu nhập thấp. Đối với chính sách 1 triệu nhà ở cho công nhân, Nhà nước đặt mục tiêu như vậy là đúng và rất hợp lý. Tuy nhiên, thành phố cũng phải tính toán giữa mục tiêu và hành động thực tế xem người dân làm thế nào để tiếp cận mới là vấn đề đáng lưu tâm.
PV: Thực tế cho thấy, thời gian qua, công tác lập quy hoạch phát triển đô thị tại TP.HCM chưa tính đến việc tìm quỹ đất xây nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp. Theo ông, nguyên nhân vì sao có tình trạng này?
TS-KTS Võ Kim Cương: Trước đây, tôi cũng đã nhiều lần góp ý cho các chương trình nhà ở của thành phố. Tôi cho rằng mục tiêu của chương trình đó đã không đúng với mục tiêu nhà ở. Nhà nước muốn xây dựng nhà ở giá rẻ đã tính đến việc chia diện tích đất bình quân theo đầu người, lấy mục tiêu diện tích bình quân đầu người để phấn đấu. Có nghĩa là càng xây dựng nhà càng nhiều thì càng sớm đạt được mục tiêu, nhưng không cần biết nhà đó dành cho ai, người dân nghèo có tiếp cận được không mà chỉ tập trung xây dựng đủ theo diện tích chia theo đầu người.
Tuy nhiên, với cách đặt mục tiêu đó cho thấy sự quan tâm của chính quyền với người thu nhập thấp chưa đúng mức, mọi thứ chỉ mới chung chung. Do đó, phải đặt câu hỏi đối với người nhập cư vào thành phố sinh sống thì họ sẽ sống ở đâu, cán bộ công nhân viên chức sống thế nào. Còn hiện tại, việc thực hiện chưa đúng dẫn đến nhiều khu ở nhà ở xây xong nhưng không có người ở, rất lãng phí.
Hiện trong chính sách nhà ở vẫn chưa có sự quan tâm đầy đủ nên quy hoạch đô thị cũng không thể can thiệp. Bởi trong quy hoạch đô thị, không thể nào bố trí các khu đất riêng dành cho nhà thu nhập thấp mà quy hoạch chỉ có thể bố trí các nội dung về nhà ở, không thể đưa ra các phương án bố trí từng khu riêng biệt để xây nhà cho người thu nhập thấp, điều này không hợp lý.
Thời gian qua, chính sách của Nhà nước cũng đã có quy định bố trí 20% quỹ đất trong nhà ở thương mại cho nhà ở xã hội. Nhưng theo tôi cách thức này là không hợp lý, vì trong một dự án khu đô thị cao cấp việc bố một khu dành riêng cho nhà ở xã hội, người có thu nhập thấp sẽ tạo ra sự chênh lệch rất lớn, khó mà hòa nhập.
Đối với quy hoạch, muốn có đất để làm dự án nhà ở cho người thu nhập thấp thì trước tiên phải có chủ trương thì mới có quy hoạch, bản thân quy hoạch không thể tự đặt ra mà Nhà nước phải yêu cầu.
Xây nhà ở giá thấp phải gắn liền với trục giao thông công cộng
PV: Theo ông, vấn đề cần thiết là phải điều chỉnh lại khâu thực hiện quy hoạch phát triển không gian đô thị hay không?
KTS Võ Kim Cương: Không phải vì mục tiêu 1 triệu căn nhà mà thành phố phải tiến hành điều chỉnh quy hoạch không gian đô thị. Nhưng tôi nghĩ sẽ có điều chỉnh không gian đô thị theo mục tiêu chung và điều chỉnh trên diện rộng. TP.HCM hiện cũng đang có sẵn phương án điều chỉnh quy hoạch rồi, Chính phủ cũng duyệt hướng điều chỉnh quy hoạch giai đoạn tiếp theo. Trong đó, có nhiều nội dung và sẽ bao hàm cả nội dung về nhà ở.
Tuy nhiên, không phải bố trí theo kiểu nhà ở thu nhập thấp nằm riêng lẻ, mà theo hướng phát triển giao thông, phát triển đô thị theo hạ tầng giao thông công cộng. Có nghĩa là xây nhà ở thu nhập thấp gắn liền với các trục giao thông công cộng để thuận lợi di chuyển. Ngoài ra, việc bố trí nhà ở cũng phải gắn liền với công ăn việc làm.
Hiện rất cần thiết xây dựng những khu phức hợp vừa có thể ở, vừa có công ăn việc làm, và dựa theo nguyên lý như thế đưa vào quy hoạch. Nhu cầu cụ thể làm nhà thu nhập thấp ở đâu thì ngành nhà đất phải đặt ra cho ngành quy hoạch, rồi quy hoạch theo đó thực hiện mới hiệu quả.
PV: Trong thời gian tới, ông cho rằng TP.HCM có nên rà soát lại quy hoạch để bố trí lại quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ cho công nhân hay không ?
KTS Võ Kim Cương: Nếu chưa quan tâm đúng mức tới ở xã hội thì phải rà soát lại không chỉ quỹ đất, mà còn chủ trương, mục tiêu, chính sách cụ thể. Thông thường, nhà ở xã hội đáp ứng yêu cầu thu nhập thấp là nhà có thể cho thuê giá rẻ.
Theo tôi, tốt nhất Nhà nước đứng ra làm cho dân, hoặc nếu doanh nghiệp tư nhân làm thì phải làm khoán theo Nhà nước. Nếu muốn lo cho dân nghèo thì Nhà nước phải can thiệp rất mạnh chứ không phải thả nổi cho thị trường. Nếu đã có hướng quản lý thì phải xem lại quy hoạch, ngay cả chủ trương dành 20% quỹ đất trong dự án thương mại hiện hữu cũng phải xem lại xem có gì cần điều chỉnh.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh cũng phải tính toán về lâu dài. Thời gian qua, dịch bệnh bùng phát cho thấy việc duy trì chế độ làm việc “3 tại chỗ” là rất cần thiết. Có nghĩa là công nhân làm việc và chỗ ở của họ phải gần nhau. Việc bố trí nhà cho công nhân cũng phải xem lại để đảm bảo yêu cầu chống dịch. Bởi dịch bệnh cũng chưa thể kết thúc, hết Covid-19 có thể xuất hiện nhiều dịch bệnh khác, nên tất cả đều phải tính đến phương án dự phòng.
Xin cảm ơn ông!