Aa

Giải mã hiện tượng bán ròng mạnh của khối ngoại từ đầu năm

Thứ Hai, 13/04/2020 - 06:15

Từ đầu năm đến nay, khối ngoại bán ròng với giá trị rất lớn và tập trung chủ yếu trong khoảng thời gian tháng 3/2020 - thời điểm bùng phát của dịch Covid-19. Vậy đà bán ròng của khối ngoại được đến từ đâu?

Tính từ đầu năm tới ngày 9/4/2020, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 12.292 tỷ VND trên 3 sàn (riêng tháng 3 bán ròng 8.807 tỷ VND), là đợt bán ròng lớn nhất tại thị trường chứng khoán Việt Nam. Riêng trên sàn HoSE, khối ngoại bán ròng 10.748 tỷ VND, trung bình mỗi phiên tháng 3 bán 356 tỷ VND, mỗi phiên tháng 4 bán 340 tỷ VND. Xu hướng này tới nay vẫn còn tiếp diễn.

Trong đó, top 10 cổ phiếu bán ròng 7.592 tỷ VND, chiếm 63,5% tổng giá trị bán ròng của khối ngoại trên 3 sàn. Các giao dịch bán ròng với khối lượng lớn bắt đầu từ tháng 3/2020 đến nay. Theo các số liệu ước tính của Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN), việc nhà đầu tư nước ngoài bán ra trong thời gian qua đã lỗ khoảng 29%.

Tuy nhiên, việc khối ngoại rút ròng không chỉ diễn ra ở Việt Nam. Trong khu vực châu Á, dòng tiền nhà đầu tư nước ngoài đang bị rút ròng không chỉ ở Việt Nam mà ở hầu hết các thị trường. Đứng đầu các nước bị khối ngoại bán ròng là thị trường Nhật Bản, rút ròng hơn 49,5 tỷ USD. Chứng khoán Hàn Quốc và Đài Loan bị rút ròng lần lượt 16 triệu USD và 18 triệu USD.

Diễn biến dòng vốn ngoại tại các nước trong khu vực châu Á. Nguồn: YSVN.

Nhà đầu tư nước ngoài hiện nắm giữ khoảng 683 nghìn tỷ VND, chiếm 19,3% tổng vốn hóa trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong số này, YSVN ước tính các quỹ đầu tư ngoại nắm giữ khoảng gần 500 nghìn tỷ VND và chủ yếu nắm giữ các cổ phiếu ngành thực phẩm, ngân hàng, bất động sản với top 10 thứ tự giá trị nắm giữ như sau: VNM, VCB, SAB, VIC, VHM, BID, MSN, CTG, HPG, VRE. Nếu xét lượng bán ròng từ đầu năm tới nay, thì lượng bán ròng của khối ngoại mới chỉ khoảng 1,8% giá trị nắm giữ hiện tại trên thị trường.

Khối ngoại bán ròng do đâu?

Nước ngoài được cho là bán ròng nhiều nhất từ các quỹ tương hỗ (Mutual Fund). Trong 12.292 tỷ VND khối ngoại bán ròng trên 3 sàn từ đầu năm tới nay, theo YSVN ước tính có khoảng 76,1% tức 9.360 tỷ VND bán ròng là từ các quỹ tương hỗ. Ngoài ra, lượng rút ròng từ các quỹ ETF chiếm 11,5%, từ nhà đầu tư cá nhân nước ngoài khoảng 3,2% và 9,1% là tới từ các tổ chức nước ngoài khác.

Trong khi đó, các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) thu hẹp quy mô tại các thị trường Đông Nam Á vì dịch Covid-19. Theo một báo cáo mới đây của Chứng khoán VNDirect (VNDS), chỉ riêng trong quý I, giá trị dòng vốn ETF rút khỏi các thị trường mới nổi và cận biên tại khu vực Đông Nam Á đạt 283 triệu USD, chiếm khoảng 3,7% so với tổng giá trị bán ròng của khối ngoại tại các thị trường này. Mặc dù giá trị dòng vốn ETF rút khỏi Việt Nam chỉ đứng thứ 4 trong 5 thị trường, tuy nhiên, tỷ lệ giá trị dòng vốn ETF so với giá trị bán ròng của khối ngoại lại đứng đầu khu vực, đạt mức 10,3%. Điều này có thể lý giải bởi ETF là sản phẩm đầu tư đã thu hút được dòng vốn lớn đổ vào Việt Nam trong giai đoạn trước đây. Trong vòng 3 năm qua, từ quý I/2017 đến quý IV/2019, giá trị dòng vốn ETF đổ vào Việt Nam đứng đầu khu vực khi so với giá trị vốn hoá, đạt 0,55%.

Ước tính quỹ ETF VN30 và 3 quỹ ETF ngoại gồm VNM ETF, FTSE VN ETF và Premia VN ETF đã rút ròng 47,4 triệu USD trong quý I/2020. Trong đó, chủ yếu giá trị rút ròng đến từ VNM ETF và FTSE VN ETF khi tổng giá trị rút ròng của 2 quỹ này đạt 49,5 triệu USD.

Trong khi VN-Index giảm 27% kể từ đầu năm tới nay, giá trị tài sản ròng mỗi chứng chỉ quỹ của các quỹ ETF ngoại tại Việt Nam đã giảm mạnh với mức giảm trung bình đạt 29%, trong đó giá trị tài sản ròng của VNM ETF giảm mạnh nhất với mức giảm 31,2% trong quý I/2020.

Còn theo YSVN, tính tại ngày 09/04/2020, tổng tài sản của 5 quỹ ETF ngoại lớn ở Việt Nam vào khoảng 28.679 tỷ VND, giảm 18,1% so với cuối năm 2019 (tuy nhiên đã tăng nhẹ so với mức 26.350 tỷ tại ngày 31/03/2020). Như vậy, dòng tiền rút ròng đã có dấu hiệu chậm lại từ đầu tháng 4/2020.

YSVN nhận định, mặc dù tình hình chống dịch Covid-19 tại Việt Nam đã tiến triển rất tích cực, tuy nhiên tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn đang trong giai đoạn phức tạp và khó dự đoán. Có thể đây là lý do chính khiến các quỹ đầu tư ngoại vẫn tiếp tục bán ròng. Ngoài ra, các quỹ ngoại với quy mô lớn và chiến lược đầu tư dài hạn, việc đưa ra quyết định mua, bán đều cần thời gian cân nhắc.

Lượng bán ròng từ đầu năm tới nay ước tính khoảng 76,1% đến từ các quỹ tương hỗ, 11,5% từ các quỹ ETF, 3,2% đến từ nhà đầu tư cá nhân và 9,1% tới từ các tổ chức khác. Đặc thù của dòng tiền từ các quỹ tương hỗ và ETF là vào nhanh và ra cũng nhanh, cho thấy đây là nhóm nhà đầu tư phản ứng rõ nét theo xu hướng của thị trường và các rủi ro ảnh hưởng đến thị trường. Do đó YSVN cho rằng, dòng tiền từ các quỹ này sẽ quay trở lại thị trường khi rủi ro từ dịch bệnh giảm.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top